“Quốc sách hàng đầu” - chủ trương, chính sách và thực hiện (kỳ 1)

28/09/2020 06:22
Xuân Dương (Thành viên Ban nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)
GDVN- Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo trong khung thời gian thống kê (10 năm) chưa đạt con số 20%.

Ngày 29/07/2020, chuyên mục “Tin hoạt động đại biểu Quốc hội” trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam đăng ý kiến của đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh), phần nói về chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu ý kiến:

“Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ trọng chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề trên tổng chi ngân sách năm 2018 là 14,2%, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%,...

Tình trạng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ hàng năm không đạt dự toán đã diễn ra nhiều năm”.

Sau khi phát biểu của bà Thơ được đăng tải, các phương tiện truyền thông chính thống hình như không mấy quan tâm, chỉ lác đác vài bài trích hoặc đăng lại ý kiến này.

Nhận thấy đây là vấn đề cần được bàn thảo theo tinh thần công khai, minh bạch, người viết xin nêu một số ý kiến.

I. Thực trạng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo

Đây là vấn đề vô cùng quan trọng nhưng vì sao ít nhận được sự quan tâm của truyền thông, các nhà quản lý, những người nghiên cứu và phân tích chính sách?

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là tình trạng mà đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu chỉ diễn ra trong hai năm 2018, 2019 hay trong thời gian dài?

Câu trả lời có thể tìm thấy qua đánh giá về thực trạng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo trên Báo Kiểm toán Nhà nước (baokiemtoannhanuoc.vn), theo đó:

“Một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán như: chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề; chi sự nghiệp y tế; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ…

Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp để khắc phục”. [1]

Nhận định “Chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề không đạt dự toán, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm” cho thấy nhiều khác biệt giữa nghị quyết của Đảng, luật mà Quốc hội ban hành và việc thực hiện của cơ quan chức năng.

Có thể khẳng định đây không phải là ý kiến chủ quan, thiếu dẫn chứng hoặc chưa được kiểm chứng của một số cá nhân hoặc cơ quan nhà nước mà là phát biểu có trách nhiệm, xuất phát từ những nghiên cứu thấu đáo.

Vấn đề là vì sao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ “đề nghị Chính phủ cần xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp để khắc phục” mà không có những xử lý quyết liệt tình trạng cơ quan thực thi pháp luật không thực hiện đúng Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương và Luật Giáo dục, bởi lẽ Nghị quyết 29-NQ/TW ban hành đã được 7 năm (từ 2013) và Luật Giáo dục ban hành từ năm 2019, đã có hiệu lực từ tháng 7/2020.

Trong vô số ý kiến theo hướng khẳng định ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo đã đạt 20%, xin nêu hai ý kiến đại diện cho hai nhóm - nhóm quan chức và nhóm nghiên cứu:

“Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nhiều năm qua tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP”. [2]

Tiến sĩ Đinh Thị Nga trong bài “Đầu tư của nhà nước cho giáo dục, đào tạo: Thực trạng và một số đề xuất” đăng trên Tạp chí Tài chính cho rằng: “Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP”. [3]

Hai ý kiến nêu trên hoàn toàn mâu thuẫn với nhận định trên báo Kiểm toán Nhà nước và ý kiến của đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ.

Vậy đâu là sự thật?

Tìm hiểu số liệu liên quan đến các nhận định nêu trên khá khó khăn bởi số liệu thống kê của các cơ quan thuộc Chính phủ không mấy khi trùng khớp, một số số liệu chưa được cập nhật, cũng có thể là chưa đến thời điểm công khai,…

Việc tra cứu dữ liệu bằng cách truy cập vào Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính tại địa chỉ https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal đôi khi không thấy phản hồi kể cả khi chờ đợi thời gian dài (trên 20 phút) trong khi truy cập vào các địa chỉ khác chỉ mất vài giây.

Việc tìm kiếm số liệu phải đi đường vòng bằng cách tra cứu, đối chiếu, so sánh từ các nguồn khác nhau.

Về nguồn dữ liệu khai thác trong bài viết này, có ba vấn đề xin được lưu ý trước:

Thứ nhất, một số trường hợp số liệu là “dự toán” vì không có cách nào tìm được số liệu quyết toán (chẳng hạn của năm 2018, 2019).

Thứ hai, mặc dù những số liệu trong bài viết này được lấy từ các nguồn chính thức bao gồm các báo cáo của Chính phủ, của Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng thế giới (WB),… nhưng sai sót chắc chắn không tránh khỏi vì một vài số liệu vẫn phải dựa vào các nghiên cứu của một số tác giả được đăng trên các báo, tạp chí chứ không trực tiếp từ số liệu của các cơ quan Chính phủ.

Số tiền ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo từ năm 2013 – 2017 lấy từ nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo. [12]

Thứ ba, để bảo đảm tính chính xác và dễ tham khảo, trong bảng dữ liệu đã ghi rõ nguồn trích dẫn. Dữ liệu được chọn từ thời điểm năm 2010, tính đến 2019 là 10 năm, tương đương hai nhiệm kỳ của Chính phủ.

Năm

Chi cho giáo dục đào tạo (tỷ đồng)

Tổng chi cân đối ngân sách (tỷ đồng)

Tỷ lệ chi cho giáo dục đào tạo (%)

Nguồn dữ liệu

2010

78.206

582.200

14,45

[14], [16]

2011

99.369

725.600

14,39

[14], [17]

2012

135.920

903.100

15,05

[4]

2013

155.604

1.277.710

12,18

[5]

2014

174.777

1.087.520

16,07

[6]

2015

229.529

1.262.870

18,18

[7]

2016

234.924

1.574.448

14,92

[8]

2017

248.148

1.457.300

17,03

[9]

2018

221.860

1.562.400

14,20

[10]

2019

229.152

1.633.300

14,03

[11]

Bảng 1: Số liệu và tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho Giáo dục và Đào tạo

Riêng 2019, vì chưa tìm được số liệu tổng chi ngân sách nhà nước cho Giáo dục và Đào tạo nên phải làm phép suy ngược, tức là từ “Tổng chi cân đối ngân sách” và tỷ lệ 14,03% theo phát biểu của đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ để suy ra phần chi cho giáo dục và đào tạo.

Số tiền ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo từ năm 2010 – 2019.

Số tiền ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo từ năm 2010 – 2019.

Nhận xét:

Thứ nhất, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo trong khung thời gian thống kê (10 năm) chưa đạt con số 20%, điều này đúng với nhận định nêu trên báo Kiểm toán nhà nước và phát biểu của đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ.

Riêng năm 2013 tỷ lệ này chỉ là 12,18% và phải chăng đây là lý do khiến trong năm 2013 Ban Chấp hành Trung ương phải ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW quy định rõ tỷ lệ chi cho giáo dục đào tạo ở mức 20%. Tỷ lệ này là bắt buộc hay có thể tuỳ ý thay đổi?

Luật Giáo dục 2019 phần nói về kinh phí đã có quy định mức chi cụ thể 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo.

Thứ hai, sau khi Nghị quyết 29-NQ/TW được ban hành, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo đã có sự tăng trưởng đáng kể, cao nhất (18,18%) đạt được vào năm 2015, giữa nhiệm kỳ Ban chấp hành trung ương khóa 12.

Thứ ba, năm 2019 là năm kinh tế bị thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 nên tỷ lệ chi cho giáo dục đào tạo giảm sút có thể hiểu nhưng tại sao năm 2018 tỷ lệ này chỉ là 14,2%?

Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo từ năm 2010 – 2019.

Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo từ năm 2010 – 2019.

Một số đánh giá:

Thứ nhất, giả sử coi 20% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo bằng 5% GDP như một số nhận định đã trích dẫn thì chi thực tế tính theo GDP sẽ cho trong bảng 2.

Với cách nội suy này thì ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo chưa bao giờ đạt được chỉ tiêu 5% GDP.

Năm

Tỷ lệ chi thực tế (%)

Phần trăm theo GDP

2010

13.43

3.36

2011

13.69

3.42

2012

15.05

3.76

2013

12.18

3.04

2014

16.07

4.02

2015

18.18

4.54

2016

14.92

3.73

2017

17.03

4.26

2018

14.20

3.55

2019

14.03

3.51

Bảng 2: Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tính trên GDP

Tuy nhiên nếu so sánh số liệu của một số nước có nền giáo dục phát triển nhất thế giới và khu vực Đông Nam Á thì tỷ lệ chi của Việt Nam không chênh lệch nhiều lắm, chẳng hạn Hàn Quốc 3,4%, (năm 2019) [13], Thái Lan 4% (năm 2019) [14], Anh Quốc 6,6%, Đan Mạch 6,5% (năm 2014). [16]

Thứ hai, Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh phương châm xây dựng một Chính phủ “minh bạch, kiến tạo” song việc phải mất khá nhiều thời gian thu thập dữ liệu cho thấy hoạt động thống kê và công khai, minh bạch của cơ quan chức năng còn nhiều điều phải bàn.

Ngoài ra cũng phải nói thêm về sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc công bố số liệu thống kê, nhất là việc ứng dụng Công nghệ Thông tin vào quản trị dữ liệu.

Ví dụ rõ nhất là đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ nói “Theo báo cáo của Chính phủ” nhưng có thể chỉ các đại biểu Quốc hội được cung cấp chứ người dân rất khó tìm kiếm.

Ngày 25/09/2020 tìm hiểu “Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2018” trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính tại địa chỉ [10] thấy ghi:

“Công tác điều hành chi NSNN năm 2018 chủ động, chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ; kỷ luật tài chính được tăng cường, hiệu quả sử dụng NSNN có tiến bộ.

Nhờ thu NSNN vượt dự toán, các nhiệm vụ chi cũng được đảm bảo theo dự toán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách và có thêm nguồn lực xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh về đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội…”

Trong báo cáo này, phần chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước năm 2018 là 954.117 tỷ đồng nhưng không có số liệu phần chi cho giáo dục đào tạo.

Cũng trong ngày 25/09/2020, số liệu ngân sách nhà nước năm 2019 trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hiện để trống (xem ảnh chụp màn hình).

Vậy tỷ lệ 14,2% và 14,03% của hai năm 2018, 2019 mà đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ đề cập công bố ở đâu?

Ảnh chụp màn hình “Số liệu ngân sách nhà nước năm 2019”

Ảnh chụp màn hình “Số liệu ngân sách nhà nước năm 2019”

Thứ ba, việc phân bổ kinh phí giáo dục cho các cơ quan, bộ, ngành trung ương.

Về phân bổ kinh phí năm 2018, một bài viết đăng trên Diễn đàn Doanh nghiệp - Cơ quan của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có đoạn nguyên văn như sau:

“Trong 425.235 tỉ đồng chi thường xuyên, chi cho quốc phòng 130.400 tỉ đồng (chiếm 30,6%); chi giáo dục – đào tạo và dạy nghề 24.884 tỉ đồng (chiếm 5,8%); chi khoa học và công nghệ 9.440 tỉ đồng (chiếm 2,2%); chi bảo vệ môi trường 2.100 tỉ đồng (chiếm 0,49%); chi các hoạt động kinh tế 34.689 tỉ đồng (chiếm 8,15%).

Đặc biệt, chi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể 46.116 tỉ đồng (chiếm 10,8%)”. [18]

Chi cho Giáo dục và Đào tạo chỉ bằng khoảng 1/5 cho quốc phòng, bằng già nửa chi cho các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể.

Thứ tư, mặc dù tính theo GDP (Tổng sản phẩm quốc nội - Gross Domestic Product) tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho Giáo dục và Đào tạo nước ta không thấp hơn nhiều so với các nước khu vực và thế giới song chia bình quân theo dân số và giá trị thực thì số tiền chi cho Giáo dục và Đào tạo (tính trên đầu người) của chúng ta ít hơn hẳn nhiều nước.

Lấy số liệu năm 2018 để so sánh, GDP của Singapore là 364,2 tỷ USD, của Malaysia là 358,6 tỷ USD, của Hong Kong là 362,7 tỷ USD [19], trong khi dân số các nước này lần lượt là 5,63 triệu, 31,53 triệu và 7,451 triệu người.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, GDP bình quân trên người của Singapore năm 2018 đạt hơn 100.345 USD trong khi GDP bình quân trên người của Việt Nam chỉ đạt hơn 2.540 USD.

Thứ năm, chi phí của Việt Nam cho giáo dục đại học - bậc học quan trọng đào tạo nhân tài và nhân lực cho đất nước thấp một cách đáng báo động, cụ thể:

“Theo thống kê, chi phí bình quân/sinh viên tại Hoa Kỳ là 19.000 USD; Australia 17.000 USD; Anh 15.000 USD; Hà Lan 12.000 USD; Singapore 9.000 USD; Nhật 5.000 USD; Malaysia 4.000 USD; Trung Quốc 3.500 USD; Thái Lan 2.500 USD. Trong khi đó, Việt Nam dừng ở mức 630 USD/sinh viên”. [20]

Có phải do chi phí giáo dục thấp nên “Chỉ số vốn con người” (Human Capital Index - HCI) của Việt Nam chỉ xếp thứ 48 trên 157 quốc gia và vùng lãnh thổ”? [21]

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:

[1]http://baokiemtoannhanuoc.vn/van-de-hom-nay/khac-phuc-bat-cap-trong-chi-ngan-sach-nha-nuoc-144794

[2] https://baoquocte.vn/ngan-sach-cho-giao-duc-con-nhieu-bat-cap-81691.html

[3]http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/dau-tu-cua-nha-nuoc-cho-giao-duc-dao-tao-thuc-trang-va-mot-so-de-xuat-130918.html

[4]http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungsolieungansachnhanuoc?categoryId=100002587&articleId=10048198

[5]http://baochinhphu.vn/kinh-te/boi-chi-ngan-sach-nam-2013-o-muc-66-gdp/227442.vgp

[6]http://baochinhphu.vn/kinh-te/nam-2014-thu-ngan-sach-tang-hon-80-nghin-ty/223791.vgp#:~:text=(Chinhphu.vn)%20%2D%20%C4%90%C3%A1nh,%C4%91%E1%BB%93ng%20so%20v%E1%BB%9Bi%20d%E1%BB%B1%20to%C3%A1n.&text=V%E1%BB%9Bi%20m%E1%BB%A9c%20b%E1%BB%99i%20chi%20ng%C3%A2n,%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20Qu%E1%BB%91c%20h%E1%BB%99i%20quy%E1%BA%BFt%20%C4%91%E1%BB%8Bnh

[7]https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/lvtc/slnsnn/bcnsnnhn/bcnsnnhn_chitiet?dDocName=MOF157804&_=&_afrLoop=88274460399000#%40%3F_afrLoop%3D88274460399000%26dDocName%3DMOF157804%26_%3D%26_adf.ctrl-state%3Dp5rxpub4r_173

[8]https://congthuong.vn/nam-2016-boi-chi-ngan-sach-nha-nuoc-248728-ty-dong-103657.html#:~:text=UBTCNS%20th%E1%BB%91ng%20nh%E1%BA%A5t%20v%E1%BB%9Bi%20b%C3%A1o,b%E1%BA%B1ng%205%2C52%25%20GDP

[9]http://baokiemtoannhanuoc.vn/goc-nhin-chuyen-gia/no-luc-hoan-thanh-ke-hoach-thu-chi-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2017-138351

[10]https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/lvtc/slnsnn/sltn/slqt9/slqt_chitiet6?dDocName=MOFUCM154361&dID=161094&_afrLoop=168851676691000#%40%3FdID%3D161094%26_afrLoop%3D168851676691000%26dDocName%3DMOFUCM154361%26_adf.ctrl-state%3Dq11elvou5_45

[11]Quyết định số 2387/QĐ-BTC Bộ Tài chính:

[12]https://www.giaoduc.edu.vn/5-nam-ngan-sach-cho-giao-duc-tang-92500-ty-dong.htm

[13]http://tapchimattran.vn/the-gioi/dau-tu-giao-duc-hieu-qua-o-mot-so-quoc-gia-chau-a-19685.html

[14]https://tuoitre.vn/sau-bo-truong-vi-hanh-thai-lan-chi-16-ti-usd-cai-to-giao-duc-20191003213926525.htm

[15]https://fsppm.fulbright.edu.vn/cache/MPP8-513-C03V-Chi%20tieu%20cho%20giao%20duc%20o%20Viet%20Nam--Do%20Thien%20Anh%20Tuan_CV15-13-87.0-2016-03-16-15265052.pdf

[16]http://vneconomy.vn/thoi-su/boi-chi-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2010-62-gdp-20091111103853536.htm#:~:text=T%E1%BB%95ng%20s%E1%BB%91%20chi%20c%C3%A2n%20%C4%91%E1%BB%91i,b%E1%BA%B1ng%206%2C2%25%20GDP.&text=Ph%C6%B0%C6%A1ng%20%C3%A1n%20%C4%91i%E1%BB%81u%20ch%E1%BB%89nh%20d%E1%BB%B1,Nh%C3%A0%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc%206.100%20t%E1%BB%B7%20%C4%91%E1%BB%93ng.

[17]http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungsolieungansachnhanuoc?categoryId=10000500&articleId=10002558

[18]https://enternews.vn/phan-bo-ngan-sach-nam-2018-chi-thuong-xuyen-gan-gap-3-chi-dau-tu-phat-trien-122843.html

[19]https://www.google.com.vn/search?ei=mn1sX8GbJYm7wAPHwJSIAg&q=gdp+singapore+2018&oq=gdp+singapore+&gs_lcp=CgZwc3ktYWIQARgGMgUIABCRAjICCAAyAggAMgIIADICCAAyBAgAEEMyAggAMgIIADICCAAyAggAOgQIABBHOgUIABDEAjoGCAAQFhAeOggIABCxAxCDAVDzLViDXWDtgwFoAHACeACAAWqIAa4KkgEEMTMuMpgBAKABAaoBB2d3cy13aXrIAQjAAQE&sclient=psy-ab

[20]https://baoquocte.vn/ngan-sach-cho-giao-duc-con-nhieu-bat-cap-81691.html

[21]https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview

Xuân Dương (Thành viên Ban nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)