Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm và làm việc tại Đại học Thái Nguyên

18/10/2020 08:34
Thu Giang
GDVN- Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo của Đại học Thái Nguyên.

Sáng 17/10, đoàn nữ đại biểu Quốc hội đã thăm và làm việc tại Đại học Thái Nguyên. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác.

Tham gia chương trình có đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.

Về phía Đại học Thái Nguyên có Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng ủy, Ban Giám đốc, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, các trường, đơn vị thành viên, các nữ cán bộ giảng viên là Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân; các nữ nhà giáo, nữ sinh Việt Nam và quốc tế tiêu biểu trong toàn Đại học.

Các đại biểu dự chương trình.

Các đại biểu dự chương trình.

Thay mặt lãnh đạo Đại học Thái Nguyên phát biểu tại chương trình, Giáo sư Phạm Hồng Quang đã gửi lời cảm ơn chân thành tới đồng chí Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và các nữ đại biểu Quốc hội đã dành thời gian tới thăm và làm việc tại Đại học Thái Nguyên, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2020).

Giáo sư Phạm Hồng Quang đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đồng chí Tòng Thị Phóng và đoàn công tác; đồng chí Nguyễn Thanh Hải – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên và các nữ cán bộ, giảng viên, sinh viên của Đại học Thái Nguyên.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên tặng hoa đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên tặng hoa đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Đại học Thái Nguyên là một trong 3 Đại học vùng, được thành lập ngày 04/4/1994 theo Nghị định số 31/CP của Thủ tướng Chính phủ, là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của khu vực Trung du, miền núi Bắc bộ, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước.

Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã xác định Đại học Quốc gia, Đại học Vùng “là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.

Hiện nay, Đại học Thái Nguyên có 07 trường đại học thành viên; 1 trường Ngoại ngữ; Khoa Quốc tế; Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật; Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai; các đơn vị thuộc và trực thuộc.

Tổng số cán bộ viên chức của Đại học Thái Nguyên có 3.969 người, trong đó có 2.543 Giảng viên, giảng viên có học vị tiến sĩ 764 người, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư 151 người; giảng viên có trình độ thạc sĩ 1.614 chiếm 63,46%.

Trong đó, cán bộ viên chức nữ có 2.371 người chiếm 60,00% tổng số cán bộ viên chức; Nữ cán bộ có học vị tiến sĩ 379 người, chiếm tỉ lệ gần 50% (có 61 tiến sĩ là người dân tộc thiểu số); Nữ cán bộ có chức danh giáo sư, phó giáo sư 46 người, chiếm tỉ lệ 30% (có 11 nữ là người dân tộc thiểu số).

Nữ cán bộ quản lý từ cấp Trưởng phòng, khoa trở lên 145/385 người, chiếm tỉ lệ 37,66% trong toàn Đại học.

Quy mô đào tạo của Đại học Thái Nguyên có gần 55.000 sinh viên trình độ đại học (sinh viên nữ: 17.086 người, chiếm trên 50%), trên 4.500 học viên sau đại học (học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh, bác sĩ chuyên khoa) và hơn 1.000 lưu học sinh quốc tế của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 33.845 sinh viên hệ chính quy (sinh viên dân tộc thiểu số là 11.187 em, chiếm 33,05%, trong đó: Tày 4.451 sinh viên (13,15%), Nùng 2.221 sinh viên (6,56%), Dao 658 sinh viên (1,94%), Mường 480 sinh viên (1,42%), Thái 338 sinh viên (1%), Sán Dìu 600 sinh viên (1,77%), dân tộc khác 2.439 sinh viên (7,21%) – với trên 10 dân tộc thiểu số rất ít người (Bố Y, Tu Dí, Lự, Ngái…)

Đã có nhiều đơn vị thành viên được nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng cao quý của cấp trên, đặc biệt, đến nay đã có 03 trường Đại học thành viên vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Sư phạm).

Về công tác đào tạo, hiện nay, Đại học có 283 ngành đào tạo, trong đó có 32 ngành tiến sĩ, 61 ngành thạc sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ nội trú, 145 ngành đại học và 21 ngành cao đẳng, 09 ngành đào tạo chương trình tiên tiến được nhập khẩu; 15 chương trình đào tạo trọng điểm chất lượng cao. Ngoài ra còn có trên 30 chương trình liên kết đào tạo từ trình độ đại học tới tiến sĩ.

Công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cũng được chú trọng. 7/7 trường đại học thành viên của Đại học đã được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng từ năm 2017. Có 09 chương trình đào tạo được kiểm định đạt chuẩn quốc gia. Toàn Đại học có 08 chương trình đào tạo đang triển khai tổ chức kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN-QA.

Mỗi năm Đại học Thái Nguyên đào tạo ra trường được trên 8.500 cử nhân, kỹ sư (trong đó có trên 30% là người dân tộc thiểu số); khoảng 1.350 thạc sĩ và tương đương, 20-25 tiến sĩ; 100-150 lưu học sinh nước ngoài.

Đây là nguồn nhân lực quan trọng cung cấp cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và đất nước.

Số cán bộ do đại học đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương, cán bộ chủ chốt của địa phương, doanh nghiệp.

Cựu sinh viên Đại học Thái Nguyên có 13 người đã và đang là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; hơn 30 người đã và đang giữ các chức vụ bộ trưởng, thứ trưởng; chủ tịch, phó chủ tịch, bí thư, phó bí thư cấp tỉnh.

Giai đoạn 2015 - 2020, Đại học Thái Nguyên triển khai thực hiện 8 chương trình khoa học công nghệ, 45 đề tài cấp Nhà nước, 3 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, 408 đề tài cấp bộ và đại học; thực hiện 77 đề tài cấp tỉnh; 7 đề tài, 18 dự án hợp tác quốc tế với tổng kinh phí là 3,44 triệu đô la Mỹ (tỷ lệ chủ nhiệm đề tài, dự án khoa học công nghệlà nữ chiếm tỷ lệ trên 40%).

Đại học Thái Nguyên đứng trong top 10 các trường đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam, xếp hạng 3/35 về chỉ số nội lực, công bố 6.998 bài báo khoa học, trong đó có 5.083 bài được đăng trên các tạp chí trong nước, 1.328 bài đăng trên các tạp chí quốc tế; đặc biệt, có 587 bài đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Nhân dịp thăm và làm việc tại Đại học Thái Nguyên, đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội tặng cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Thái Nguyên bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dịp thăm và làm việc tại Đại học Thái Nguyên, đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội tặng cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Thái Nguyên bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại học Thái Nguyên đã được Trung ương và các Ban, Bộ, Ngành khác đặt hàng một số nhiệm vụ khoa học công nghệ như: phản biện các chính sách của Đảng và Nhà nước trong 30 năm đổi mới; tham gia đề xuất và phản biện các chính sách xã hội liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi và khu vực đặc biệt khó khăn; đồng hành cùng với Chương trình nông thôn mới trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

Tham gia xây dựng, góp ý đối với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trọng điểm trong văn kiện trình Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 của 06 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ.

Với tỷ lệ chiếm trên 60%, các nhà khoa học nữ của Đại học Thái Nguyên đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ góp phần phát triển kinh tế xã hội của Vùng và đất nước.

Để ghi nhận những đóng góp trên, Đảng và Nhà nước đã vinh danh và có nhiều phần thưởng cao quý giành cho các cán bộ khoa học nữ của Đại học.

Đặc biệt, Đại học Thái Nguyên đã có 1 nữ Anh hùng lao động, 03 nhà khoa học nữ được trao giải thưởng Kovalevskaya.

Với mục tiêu tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo và khoa học công nghệ, phát triển các ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn đạt chuẩn kiểm định quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế; xây dựng và phát triển mô hình đại học điện tử; xây dựng Đại học Thái Nguyên trở thành bộ phận hữu cơ trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh Thái Nguyên và khu vực, tạo nền tảng đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đại học Thái Nguyên xác định 02 nhiệm vụ trọng tâm cơ bản, đó là:

Thứ nhất, tập trung mọi nguồn lực, giữ vững 3 trụ cột: đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thành công và tư vấn chính sách có hiệu quả. Đưa nguồn lực của toàn Đại học trở thành động lực mạnh đối với tăng trưởng và phát triển bền vững của các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó trọng tâm là tỉnh Thái Nguyên.

Thứ hai, Đại học Thái Nguyên đang nỗ lực phấn đấu trong giai đoạn tới, trở thành một chỉnh thể thống nhất về mục tiêu, sứ mạng và nhiệm vụ chung để phát huy sức mạnh nội lực.

Tập trung xây dựng thể chế đầy đủ hơn cho đại học vùng trong việc quản lý và điều hành nhằm giúp đại học vùng thực hiện được nhiệm vụ chính trị của mình.

Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ là cơ hội tốt để Đại học Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm sắp tới.

Cũng tại buổi làm việc, Đại học Thái Nguyên cũng đã đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Quốc hội và Chính phủ 03 nội dung: Thứ nhất, Đại học Thái Nguyên có vị trí địa - chính trị quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, kính đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ có chủ trương ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên trở thành đại học trọng điểm.

Thứ hai, tiếp tục triển khai Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, khẳng định Đại học Thái Nguyên là trung tâm vùng về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ và tư vấn chính sách cho vùng và đất nước.

Thứ ba, Đại học Thái Nguyên có đầy đủ tiềm lực và điều kiện, kính đề nghị Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao Đại học Thái Nguyên được chủ trì và tham gia một số nội dung trong Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Thái Nguyên.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Thái Nguyên.

Đồng thời, Đại học Thái Nguyên cũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên một số nội dung như:Ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển Đại học Thái Nguyên, trong đó xác định Đại học Thái Nguyên là nguồn lực mạnh để thực hiện ba đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng), góp phần tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững của Tỉnh; Xây dựng kế hoạch chiến lược khoa học công nghệ với Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2020-2030;

Tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp trong trường đại học; xây dựng thiết chế xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho các trường đại học: dịch vụ ký túc xá, thể thao, văn hóa... phục vụ người học; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp;

Chủ trì và hỗ trợ Đại học Thái Nguyên trong công tác giải phóng mặt bằng, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, bổ sung hạ tầng giao thông trong cụm trường đại học, xây dựng mô hình đô thị đại học trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tựu mà Đại học Thái Nguyên đạt được trong những năm qua, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của Đại học Thái Nguyên vào sự phát triển của ngành giáo dục cũng như của địa phương, khu vực, thể hiện đúng vị thế vai trò của một trung tâm giáo dục lớn của cả nước.

Đồng chí khẳng định Đại học Thái Nguyên đã tiếp cận và thực hiện rất tốt các nội dung của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung và đồng chí cũng hoan nghênh các bước đi, cách đi và hướng đi của Đại học Thái Nguyên là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của Đại học Thái Nguyên.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại chương trình.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại chương trình.

Trong thời gian tới, đồng chí Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh một số vấn đề mà Đại học Thái Nguyên cần chú trọng, như: Chuẩn bị sẵn sàng cho sự phát triển đại học theo hướng tự chủ; tiên phong trong hợp tác quốc tế; vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, vừa đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, tham góp tư vấn hoạch định chính sách; tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực dân tộc thiểu số miền núi…

Đồng chí Tòng Thị Phóng cũng mong muốn và đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo của Đại học Thái Nguyên nhằm cung cấp nguồn nhân lực khu vực miền núi phía Bắc, trong đó đặc biệt chú trọng đến cán bộ nghiên cứu khoa học là nữ và chú ý chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Đồng chí Tòng Thị Phóng và đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên tham quan một số sản phẩm khoa học công nghệ của Đại học Thái Nguyên.

Đồng chí Tòng Thị Phóng và đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên tham quan một số sản phẩm khoa học công nghệ của Đại học Thái Nguyên.

Cũng trong chương trình, các đại biểu đã thăm không gian trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng, sản xuất, chế biến, chế tạo thành công của cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Thái Nguyên; thăm Viện nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp (trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên).

Thu Giang