Ngành bảo hiểm xã hội tích cực tham gia đẩy lùi Covid-19

09/03/2020 17:19
Hoàng Quỳnh
GDVN- Trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, khai báo y tế là một trong những hành động cấp thiết mà người dân có thể chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Để chủ động, chung tay phòng chống dịch, từ ngày 31/01/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 280/BHXH-CSYT gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân về việc phối hợp thực hiện thanh toán chi phí điều trị với trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Corona.

Theo đó, khai báo y tế là việc cung cấp những thông tin về sức khỏe của người dân, bao gồm: Thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe, có xuất hiện triệu chứng bệnh hay không, có tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ nhiễm bệnh, hay có về từ vùng dịch không… Đồng thời, người dân có thể phản ánh thông tin dịch bệnh hay những đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh xung quanh khu vực mình đang sinh sống trên ứng dụng NCOVI chạy trên hai hệ điều hành là Android và iOS của điện thoại thông minh.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ông Phạm Lương Sơn cho biết Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thực hiện khai báo y tế toàn dân với quyết tâm cao nhất.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ông Phạm Lương Sơn cho biết Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thực hiện khai báo y tế toàn dân với quyết tâm cao nhất.

Những ngày qua, bên cạnh các biện pháp giám sát, sàng lọc, khám chữa bệnh nhằm phát hiện những trường hợp có yếu tố dịch tễ, biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh COVID-19, cán bộ, nhân viên y tế các địa phương cùng đoàn viên thanh niên trong tỉnh còn tích cực chia nhau đến từng hộ dân để tuyên truyền, hướng dẫn khai báo y tế tự nguyện, thông qua ứng dụng trên điện thoại, qua đó giúp cho nhiều người hiểu được ý nghĩa của việc khai báo y tế tự nguyện và tích cực thực hiện.

Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế khi nghi ngờ nhiễm virus Corona.

Đồng thời, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh của quý I/2020 đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp đầy đủ, đặc biệt là Bảo hiểm xã hội các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus Covid-19.

Chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 13/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất với Ban Chỉ đạo về vấn đề kinh phí điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Theo đó, người Việt Nam tham gia Bảo hiểm y tế sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí trị bệnh, người không tham gia Bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước chi trả.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cùng với cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ lượng thuốc men liên quan đến việc khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh. Đặc biệt đối với các bệnh nhân bị cách ly, dù là cách ly tập trung hay tại nhà có nhu cầu khám chữa bệnh, ngoài chi phí đặc trị cho Covid-19 những chi phí còn lại của người có thẻ Bảo hiểm y tế cũng sẽ được chi trả.

Ông Phạm Lương Sơn yêu cầu Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía Bắc, Trung tâm công nghệ thông tin và Công ty TecaPro khẩn trương phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Y tế tổ chức thực hiện tốt các công việc chuyên môn, đảm bảo hiệu quả, chất lượng hoạt động khai báo y tế toàn dân, tạo tiền đề cho việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Ngoài ra, để trợ giúp người dân trong việc khai báo mã số Bảo hiểm xã hội phục vụ cho việc khai báo y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ triển khai nhắn tin SMS với nội dung mã số BHXH của mỗi cá nhân tới từng người dân, hoặc người dân có thể nhập 10 chữ số cuối trên mã thẻ BHYT; đồng thời tra cứu mã số Bảo hiểm xã hội trên trang web của BHXH Việt Nam theo địa chỉ: baohiemxahoi.gov.vn, hoặc liên hệ tổng đài Chăm sóc khách hàng: 19009068.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có văn bản chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thống nhất với ngành Y tế về vấn đề trong quy định cần bổ sung nguồn kinh phí đặc thù cho việc chống dịch.

Nếu các địa phương nhận thấy cần thiết phải có nguồn kinh phí phòng, chống và dập dịch thì cần sớm cho ý kiến để Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp, báo cáo Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chủ động nguồn kinh phí trong năm 2020 để phòng chống dịch bệnh.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện phòng chống dịch ngay tại cơ quan.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện phòng chống dịch ngay tại cơ quan.

Trong nội bộ Ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành nhiều công văn (số 320/BHXH-VP ngày 06/2/2020; số 820/BHXH-VP ngày 13/3/2020…) quán triệt trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phun thuốc khử trùng, tổng vệ sinh toàn cơ quan; trang bị nước rửa tay tại các phòng làm việc; yêu cầu toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động thực hiện đeo khẩu trang khi làm việc, họp; cắt giảm các cuộc họp, hội nghị… góp phần chung tay cùng cộng đồng hạn chế sự lay lan, phòng chống dịch.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19), thời gian qua, hoạt động phòng, chống dịch của các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có hệ thống Bảo hiểm xã hội các cấp, đã được triển khai tích cực, có hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn, thách thức phía trước.

Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định, thời gian tới, tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chống dịch song vẫn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Ngành; đồng thời, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cá nhân, tổ chức tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Hoàng Quỳnh