Nên dạy học sinh lòng nhân ái, ủng hộ người khó khăn theo khả năng của mình

03/11/2020 05:43
Phan Tuyết
GDVN- Đã gọi là ủng hộ tự nguyện sao không để thùng quyên góp ở sân trường? Ai muốn góp bao nhiêu thì tùy? Sao cứ phải ghi tên học sinh và ghi tên lớp?

Bài viết “Có nên khuyến khích học sinh, sinh viên nhịn ăn sáng để đóng góp ủng hộ không?” của tác giả Lam Hồng đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 2/11, chúng tôi đồng ý với cách phân tích của tác giả, khi học sinh tiểu học, trung học nếu “nhịn ăn sáng” thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng cho cả việc học tập, tiếp thu bài của các em.

Học sinh tự nguyện bỏ tiền vào thùng quyên góp (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: quandoanlienchieu.org.vn)

Không nên khuyến khích các em nhịn ăn sáng để lấy tiền ủng hộ nhưng vẫn có thể vận động ủng hộ theo nhiều hình thức tích cực hơn.

Chẳng hạn, ở những vùng phía Nam nơi chúng tôi giảng dạy, các trường học hiện nay không phát động học sinh nhịn ăn sáng để có tiền ủng hộ mà nhịn ăn quà vặt một vài ngày để dành tiền ủng hộ bạn nghèo, bạn gặp khó khăn bất ngờ, hay như việc ủng hộ người dân miền Trung trong trận bão lũ vừa qua.

Vì sao cần kêu gọi học sinh nhịn ăn quà vặt?

Học sinh nơi vùng chúng tôi, sau khi ăn sáng hoặc chuẩn bị đi học buổi chiều cha mẹ thường cho con tiền ăn quà vặt.

Có em được vài ba nghìn, em được chục nghìn, thậm chí có em thuộc gia đình khá giả được bố mẹ cho đến vài chục nghìn một ngày.

Có tiền, học sinh mua đủ thứ đồ bán ngay cổng trường như đồ ăn vặt, đồ chơi, nước uống.

Có em được cho nhiều tiền nên tiêu pha cũng vô cùng lãng phí. Ngoài mua đồ ăn nước uống còn mua biết bao đồ chơi như súng nhựa, kẹo thổi, xà lam, hình xăm…

Khi nhà trường kêu gọi nhịn ăn quà vặt để góp tiền ủng hộ, nhiều em đã biết dành lại số tiền để làm việc có ích hơn.

Vì sao cần thực hiện việc ủng hộ, quyên góp?

Trước những hoàn cảnh khó khăn của bạn bè hay như cảnh tang thương của những người dân miền Trung vừa qua, việc kêu gọi học sinh chung tay ủng hộ trên tinh thần của ít lòng nhiều là vô cùng cần thiết.

Thông qua việc ủng hộ dù ít hay nhiều, học sinh sẽ học được bài học về tình tương thân tương ái, về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.

Việc làm này còn nuôi dưỡng các em tinh thần biết sống vì người khác, có thể để bản thân một chút thiệt thòi nhưng sẽ có được tiếng cười của những người thiếu may mắn.

Chẳng bài học nào hiệu quả hơn bài học từ sự trải nghiệm thực tế của chính các em.

Rõ ràng, kêu gọi học sinh ủng hộ tiền như chúng tôi đã phân tích ở trên là hoàn toàn phù hợp thế nhưng đừng thi đua lớp nhiều, lớp ít

Hiện vẫn còn không ít trường học đưa việc ủng hộ bằng tiền như thế này vào hoạt động phong trào để chấm điểm các lớp. Điều này, đã tạo ra sự áp lực cho không ít giáo viên chủ nhiệm.

Thế là xảy ra cuộc cạnh tranh ngầm giữa lớp này, lớp kia về vị thứ xếp hạng.

Một số giáo viên chủ nhiệm đã nhiệt tình kêu gọi thậm chí cả thúc ép học sinh ủng hộ sao cho nhiều. Cô thì tuyên dương em này em kia để học sinh noi gương bạn.

Cô thì ngày nào cũng nhắc nhở học sinh quyên tiền đóng góp khiến cho các em chỉ biết về nhà đòi cha mẹ dẫn đến việc phụ huynh bức xúc.

Có thầy cô lại sẵn sàng bỏ thêm tiền túi của mình vào cho số tiền ủng hộ của lớp nhiều thêm.

Đã gọi là ủng hộ tự nguyện thì tại sao không để thùng quyên góp ở sân trường, ai muốn bỏ bao nhiêu thì tùy. Sao cứ phải ghi tên học sinh và ghi tên lớp? Sao cứ phải quy ra điểm để xếp theo thứ hạng thi đua?

Những việc làm ấy vô tình đã biến phong trào ủng hộ tự nguyện bị mất mát đi ít nhiều ý nghĩa tốt đẹp vốn có.

Phan Tuyết