Tự động trừ lương giáo viên đóng tiền cho xã tổ chức liên hoan ngày 20/11, buồn!

10/11/2020 06:13
Lê Văn Minh
GDVN- Niềm vui của những người thầy trong dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi mong một sự giản đơn, bình dị và nhẹ nhàng như chính cuộc đời thầm lặng của mình vậy.

Khi ký nhận lương tháng 11 thì nhiều giáo viên chúng tôi thấy bị trừ 160. 000 đồng nộp về xã để tổ chức liên hoan ngày Nhà giáo Việt Nam nên có một số thầy cô tò mò hỏi kế toán nhà trường.

Thì ra, Ủy ban nhân dân xã tổ chức tọa đàm ngày ngày Nhà giáo Việt Nam cho toàn bộ giáo viên đang công tác trên địa bàn xã nhưng vì không đủ kinh phí nên đề nghị với các trường chung tay đóng góp để tổ chức liên hoan.

Nhiều nhà giáo cho rằng số tiền trừ ngang lương của giáo viên có thể không lớn nhưng thực ra xã không cần thiết phải liên hoan rình rang làm gì trong thời điểm hiện nay…

Tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam trong lúc này không cần thiết phải rình rang (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam trong lúc này không cần thiết phải rình rang

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Trừ lương tất cả giáo viên, nhân viên trên địa bàn xã để tổ chức liên hoan

Trên địa bàn xã chúng tôi đang công tác có 6 trường học, đó là: 1 trường Trung học cơ sở, 4 trường Tiểu học và 1 trường Mầm non với số lượng khoảng gần 200 cán bộ, giáo viên, nhân viên của các nhà trường.

Khi có chủ trương “góp tiền” liên hoan thì xã cũng chỉ có thể bàn luận, thống nhất với hiệu trưởng của 6 trường học còn lại giáo viên, nhân viên của các nhà trường chỉ được nhà trường thông qua mà thôi.

Và, trong số gần 200 công chức, viên chức ngành giáo dục đang công tác trên địa bàn xã có một số là người địa phương nhưng cũng có một số đông từ địa bàn khác đến công tác.

Ủy ban nhân dân xã tổ chức buổi tọa đàm và liên hoan vào ngày 15/11 (Chủ nhật) nên có những người đi và chắc chắn sẽ có những người không đi được vì đi làm cả tuần thì ngày nghỉ họ cũng sẽ có những dự định riêng cho công việc của mình.

Điều đáng nói là xã quy định các trường trừ lương tất cả giáo viên, nhân viên trong trường- nghĩa là ai không đi cũng phải đóng tiền với một lý do cả năm có một ngày nên thầy cô bố trí đến dự…cho vui. Nhưng, “tọa đàm” như thế có phải ai cũng được vui vẻ đâu?

Thứ nhất: số lượng người dự buổi tọa đàm quá đông vì ngoài đội ngũ giáo viên, nhân viên các trường thì năm nào cũng có đầy đủ các ban bệ của địa phương từ xã xuống đến thôn và thường có sự xuất hiện của một số lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Giáo dục đến dự.

Số người dự đông lên đến vài trăm người tạo nên sự huyên náo cho cả khu vực bởi loa đài, hát hò lúc đầu rồi sau đó đến màn karaoke…

Khi mà rượu bia đã có thì những tiếng hát dần dần trở thành tiếng hét tạo nên sự sự khó chịu cho những gia đình xung quanh. Nhất là sân Ủy ban lại kề đường lộ lớn- nơi có nhiều người và phương tiện qua lại.

Thứ hai: khi rượu bia vào thì có người từ bàn này sang bàn khác và đôi khi những cô giáo trẻ trở thành mục tiêu chọc ghẹo cho một số người đến nâng ly chúc mừng. Hình ảnh, ngôn phong, cử chỉ của nhiều người bỗng trở nên không đẹp...

Trong khi thời đại bây giờ ai cũng có điện thoại kết nối với mạng Internet nên có một số người quay phim và phát trực tiếp.

Những hình ảnh đó sẽ có nhiều người xem, nhiều lời bình phẩm và chắc chắn có cả những ái ngại của nhiều người về hình ảnh thầy cô giáo.

Vậy nên, nhiều giáo viên rất ngại đến những chỗ như thế này- dù biết rằng ngày đó là ngày mà các cấp lãnh đạo địa phương dành những lời chúc tụng cho đội ngũ người thầy.

Nhưng, một số thầy cô đến một chút cho có mặt để điểm danh rồi tìm cách…lui.

Xã tọa đàm có nhất thiết phải mời toàn bộ giáo viên và mở tiệc liên hoan?

Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày có ý nghĩa thiêng liêng của mỗi người thầy, của tình thầy trò và tất nhiên các đoàn thể ở địa phương không thể đứng ngoài cuộc được.

Nhưng, quan tâm không nhất thiết phải liên hoan rình rang suốt ngày làm gì vì đã liên hoan thì không thể nói thời điểm kết thúc là lúc nào được bởi có người muốn về sớm nhưng cũng có nhiều người ở lại…

Nếu xã (phường) quan tâm đến giáo dục thì ngày mà nhà trường học tổ chức (ngày 20/11) cử đại diện vào trường và liên hoan gọn nhẹ với nhà trường là tốt nhất.

Đối với xã (phường) nếu tổ chức tọa đàm chỉ nên mời đại diện nhà trường là Ban giám hiệu, đội ngũ cốt cán các trường học cùng với các đoàn thể của xã ngồi dự trong hội trường.

Hoặc, có thể mời toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng có thể tổ chức nhẹ nhàng bằng hình thức văn nghệ và trà nước, bánh kẹo sẽ hay hơn. Làm như vậy vừa ấm cúng, vừa thiêng liêng mà tiết kiệm kinh phí, không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Đặc biệt, không nên huy động tiền của giáo viên để tổ chức liên hoan vì nó sẽ phát sinh thêm rất nhiều điều thị phi không đáng có bởi không phải ai cũng muốn góp tiền để liên hoan với nhiều người, nhiều trường học mà mình không quen thân.

Nhất là thời điểm này khi mà cả nước đang đối mặt với những khó khăn bởi dịch bệnh rồi thiên tai diễn ra ở khắp cả các nơi và đội ngũ công chức, viên chức cần phải thực hiện nhiều công việc thiết thực hơn…

Cho dù tiền liên hoan là giáo viên, nhân viên đóng góp nhưng làm sao tránh khỏi những bàn tán của những người dân xung quanh.

Hạnh phúc, niềm vui của những người thầy trong dịp ngày Nhà giáo Việt Nam chúng tôi chỉ mong một sự giản đơn, bình dị và nhẹ nhàng như chính cuộc đời thầm lặng của mình vậy.

Và, tất nhiên niềm vui của người thầy không đến từ những bàn tiệc trong thời điểm khó khăn như hiện nay!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Do tính chất tế nhị, tác giả đề nghị không nêu tên địa phương nơi mình công tác.

Lê Văn Minh