Giáo dục bằng tình thương và câu chuyện về những chuyến đò mang tên “hạnh phúc”

10/11/2020 09:34
Phạm Minh
GDVN- Muốn học sinh được hạnh phúc, giáo viên cũng cần thấu hiểu và bao dung, đừng vội vàng đánh giá mà hãy nghĩ cách giúp các em vượt qua lỗi lầm.

Đó là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) về hành trình 13 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Lớp học là nơi rộn vang tiếng cười và tràn ngập tình yêu thương

Với cô Nguyễn Thị Thúy, để có một lớp học hạnh phúc, giáo viên hãy gần gũi với học trò hơn. Tình yêu thương, sự thấu hiểu, lòng bao dung chính là chìa khóa để mở cửa trái tim các em, xóa đi những khoảng cách vô hình không đáng có.

Để học sinh có được tâm trạng thoải mái trong giờ học, giáo viên có thể mở đầu tiết học bằng những hoạt động vui chơi, trải nghiệm... bởi khả năng tiếp nhận kiến thức của các em khác nhau, cho nên cần tránh tối đa những việc có thể gây áp lực, gánh nặng thành tích cho các em.

“Hạnh phúc không phải là điều quá lớn lao, xa xôi. Lớp học hạnh phúc là nơi mà cả cô và trò đều muốn tới mỗi ngày, là nơi rộn vang tiếng cười, là nơi có niềm vui, có tình yêu thương, là nơi học sinh được tôn trọng, được thấu hiểu và được là chính mình”, cô Thúy tâm sự.

Tình yêu thương, sự thấu hiểu và lòng bao dung là chìa khóa để mở cửa trái tim học trò (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tình yêu thương, sự thấu hiểu và lòng bao dung là chìa khóa để mở cửa trái tim học trò (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Muốn học sinh được hạnh phúc, giáo viên cũng cần thấu hiểu và bao dung. Trước lỗi lầm của các em, thầy cô đừng vội vàng phê bình, đánh giá, kỷ luật mà nên tìm hiểu câu chuyện phía sau, giúp các em nhận ra sai lầm và trao cơ hội để các em sửa chữa.

Cuối cùng, quan trọng nhất là giáo viên phải là những người biết cách yêu thương và yêu thương chân thành.

Cô Thúy tâm sự: “Tình yêu thương giúp cô trò xích lại gần nhau và hiểu nhau hơn, từ đó, quá trình học tập trở nên nhẹ nhàng. Đôi khi chỉ bằng những cử chỉ, hành động nhỏ của giáo viên cũng làm thay đổi một lớp học.

Với tôi, học sinh chính là những người bạn. Giờ ra chơi, tôi có thể ngồi trò chuyện với các em, chia sẻ với các em những tâm sự buồn. Thậm chí, tôi còn chơi đá cầu cùng học sinh của mình.

Nhiều đồng nghiệp bày tỏ sự khó hiểu khi tôi cúi chào học sinh. Họ đặt ra câu hỏi vì sao tôi phải làm như thế?

Đơn giản là mình tôn trọng các em. Một cái cúi chào của cô giáo lại nhận về biết bao cái cúi chào của học sinh, và điều đáng trân quý hơn cả là tình cảm học trò dành cho mình”.

Với cô giáo Thúy, giáo dục bằng tình thương và kỷ luật không nước mắt giúp học sinh tự nhận ra lỗi lầm và hoàn thiện bản thân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Với cô giáo Thúy, giáo dục bằng tình thương và kỷ luật không nước mắt giúp học sinh tự nhận ra lỗi lầm và hoàn thiện bản thân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phương pháp kỷ luật không nước mắt

Cô Nguyễn Thị Thúy cho rằng, muốn học sinh thay đổi thì giáo viên phải là người thay đổi đầu tiên. Giáo viên phải học thật nhiều, từ kỹ năng điều tiết cảm xúc, kỹ năng thấu hiểu đến kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe.

“Dù gặp tình huống nào, tôi cũng không phê bình, khiển trách hay nặng lời với học sinh trước lớp. Buông lời nạt nộ, đôi co với học sinh là thất bại lớn của giáo viên”, cô Thúy chia sẻ.

Với cô Thúy, phương pháp giáo dục tốt nhất là kỷ luật không nước mắt. Trong tiết dạy của mình, khi một học sinh viết bài vào vở nháp và trình bày thiếu cẩn thận. Cô giáo yêu cầu em viết lại, nhưng em đã xé toang cuốn vở trước mặt cô và vứt xuống đất.

Trước tình huống đó, cô Thúy vẫn cho học sinh ngồi xuống làm bài và để lớp học được tiếp tục bình thường. Cuối giờ học, cô cho gọi em học sinh đó đến gặp riêng mình.

“Lúc đó, thái độ học sinh vẫn còn ngang ngược lắm. Nhưng tôi chỉ nhẹ nhàng, trò chuyện và phân tích câu chuyện cho em hiểu. Tôi nói với em rằng, có thể em đang gặp một vấn đề nào đó nhưng cách hành xử của em sẽ khiến bạn bè hiểu nhầm về tính cách, con người mình; khiến giáo viên hiểu nhầm em đang xem thường giáo viên.

Cô biết em không phải là người như vậy nhưng em đã xử lý không khéo và mắc sai lầm. Đến lúc này, cậu học sinh mới cúi đầu, nét mặt chùng xuống, nói lời xin lỗi và chia sẻ với cô về câu chuyện của mình”, cô Thúy nhớ lại.

Theo quan điểm của cô Thúy, muốn giáo dục học sinh cần phải bao dung và thấu hiểu, giáo viên không phải là người không biết nóng giận, nhưng phải biết điều tiết cảm xúc của chính mình.

Nếu thầy cô cũng nóng giận và hành động mất kiểm soát thì chính thầy cô cũng đã phạm phải sai lầm giống như học sinh.

“Học sinh mắc sai lầm là chuyện bình thường. Có như vậy, các em mới cần mình định hướng lại và thay đổi, mình cần giúp học sinh tự nhận ra lỗi lầm, sửa chữa lỗi lầm ấy”, cô Thúy tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Thúy luôn mong muốn lan tỏa những lớp học hạnh phúc trong các trường học (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Nguyễn Thị Thúy luôn mong muốn lan tỏa những lớp học hạnh phúc trong các trường học (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từ lớp học “cá biệt” đến lớp học hạnh phúc

Kỷ niệm khó quên nhất với cô Thúy là khi được phân công chủ nhiệm một lớp học "đặc biệt".

Cô Thúy chia sẻ: “Đó là một lớp học cá biệt, từng bị lớp cạnh bên cấm qua chơi vì thường xuyên đùa nghịch, chọc ghẹo các bạn lớp khác. Khi bị đối xử khác biệt, các em đã đổ lỗi, trách cứ người khác. Tôi đã chỉ ra bài học về “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để các em hiểu và bắt đầu hành trình thay đổi”.

Và để thay đổi lớp học, cô Thúy đi tìm “thủ lĩnh” của những trò đùa nghịch trong lớp, nhưng không phải để trách phạt mà giao cho học sinh ấy làm lớp trưởng.

“Tôi đã gặp riêng em, cầm tay và trò chuyện, chia sẻ, gửi gắm niềm tin cho học sinh ấy. Tôi nói với em rằng: Cô muốn chọn em làm lớp trưởng. Cô thấy em có năng lực lãnh đạo rất tốt, cô tin chắc em sẽ làm được và phát huy tốt năng lực đó của mình”, ông Thúy nhớ lại.

Xưa nay nhiều người đều nghĩ rằng lớp trưởng phải là học sinh giỏi, nhưng theo quan điểm của cô Thúy, việc trao chức vụ, trọng trách quan trọng cho một học sinh mới thực sự là cách giúp em tiến bộ và thay đổi tích cực.

Giáo viên không nên chỉ nhìn vào sai lầm, khuyết điểm của các em, bằng sự thấu hiểu, yêu thương, hãy tìm hiểu những ưu điểm của học sinh để cho các em phát huy những thế mạnh của mình.

Sau khi giao chức vụ lớp trưởng cho cậu học sinh ấy, cô Thúy hướng dẫn em cách quản lý lớp học.

Nhờ có sự thấu hiểu giữa cô và trò cùng sự nỗ lực, cố gắng của tất cả thành viên, lớp học đã có sự thay đổi đến bất ngờ. Từ xếp hạng cuối cùng, lớp của cô Thúy chủ nhiệm đã vươn lên đứng đầu trong rèn luyện và thi đua của trường.

Quan trọng hơn, cô Thúy đã mang đến cho các em một lớp học hạnh phúc đúng nghĩa, một lớp học vui vẻ, tình thầy trò gắn bó, nơi các thành viên xây dựng ý thức tự giác, chia sẻ mọi yêu thương.

Cô luôn là người nhìn vào điểm tích cực của học sinh, không tiết kiệm lời khen và luôn ghi nhận những nỗ lực, cố gắng dù là nhỏ nhất của học trò.

Cô luôn tâm niệm, sự thay đổi của giáo viên sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho học sinh. Khi học sinh có được niềm hạnh phúc, thầy cô sẽ là người lái đò thành công nhất, hạnh phúc nhất.

Và vì lẽ đó, cô Nguyễn Thị Thúy đã đến nhiều trường học, chia sẻ với nhiều đồng nghiệp về hành trình thay đổi của người thầy, về việc xây dựng những lớp học hạnh phúc.

Em Nguyễn Trần Ý Nhiên, cựu học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy chia sẻ:

"Với em, cô Thúy là người mẹ thứ hai. Khi em gặp sai lầm, vấp ngã, cô là người đã giúp đỡ em, đưa em trở lại là chính mình. Đã có thời gian em phạm lỗi lầm, không chú ý tới học tập. Cô vẫn bao dung và yêu thương em, cô đã dành thời gian để kèm cặp em học tập. Nếu không có cô, em đã không có được thành tích cao trong học tập, không thể giành giải Nhất của kỳ thi học sinh giỏi huyện.

Thời gian được cô Thúy chủ nhiệm, mỗi khi chúng em sai lầm, mắc lỗi, chúng em rất lo sợ. Điều chúng em lo sợ không phải là những hình thức kỷ luật, mà sợ cô sẽ buồn, vì cô đã đặt niềm tin, kỳ vọng ở chúng em rất nhiều.

Điều đặc biệt là chúng em được học rất nhiều kỹ năng từ cô, mà đến bây giờ, chúng em vẫn luôn được các thầy cô trường cấp ba ghi nhận, khen ngợi vì những kỹ năng đó.

Dù hiện tại em đã học tập ở một ngôi trường khác nhưng em vẫn mãi nhớ về cô Thúy – một người thầy đặc biệt trong đời!".
Phạm Minh