Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Hãy biến những việc phức tạp thành đơn giản

15/11/2020 06:19
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
GDVN- Việc gì cũng vậy, càng đơn giản càng tốt. Ngay cả trong những tình huống phức tạp nhất thì một giải pháp đơn giản vẫn có thể tạo nên những thành quả phi thường.

LTS: Tiếp tục gửi đến độc giả bài viết mới trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giới thiệu cuốn sách "Bản đồ thành công của tác giả Arlene Johnson.

Arlene Johnson hiện sống tại Dallas, bang Texas, Hoa Kỳ. Bà là Chủ tịch tập đoàn Sinequanon và là Giám đốc Kế hoạch Chiến lược cho Phụ nữ (USNC-UN).

Bà là nhà diễn thuyết và chuyên gia tư vấn nổi tiếng với trên 20 năm kinh nghiệm về lãnh đạo và quản lý. Bà đã tư vấn cho nhiều khách hàng danh giá trong danh sách Fortune 500.

Cuốn "Bản đồ thành công" (Success Mapping) được Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty First News phát hành với bản dịch của Bích Thủy-Bảo Trâm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

- Ngoài bạn ra, không ai thể hiện giá trị của bạn tốt hơn bạn đâu. Đừng đợi người khác nhận ra giá trị của bạn trong các tình huống công việc và cá nhân.

- Nếu con đường đến đích càng khó khăn và phức tạp thì chúng ta càng dễ nản lòng, thường xuyên tìm cách trì hoãn và thậm chí là bỏ cuộc.

Tuy nhiên, thử thách có thể rất khắc nghiệt nhưng giải pháp lại có thể rất đơn giản.

Mà việc gì cũng vậy, càng đơn giản càng tốt. Ngay cả trong những tình huống phức tạp nhất thì một giải pháp đơn giản vẫn có thể tạo nên những thành quả phi thường.

- Có một nguyên lý cơ bản và phổ quát là: Khả năng của chúng ta lớn hơn rất nhiều so với nhận thức của chúng ta. Thực tế là bạn có thể đạt đến thành công ở tất cả mọi lĩnh vực mà bạn muốn. Vậy nên bạn hãy tin vào những gì có thể xảy ra và những gì bạn mong muốn.

Cuốn sách "Bản đồ thành công". (Ảnh: Pinterest.com.au)

Cuốn sách "Bản đồ thành công". (Ảnh: Pinterest.com.au)

- Tám trở ngại ngăn bạn bước tới thành công. Đó là:

* Phủ nhận khả năng của mình

* Thiếu tập trung

* Chọn cách không nhập cuộc

* Không biết tận dụng thế mạnh của mình

* Bỏ qua những trở ngại tiềm ẩn

* Làm một mình

* Quyết định mà không nhìn xa thấy trước

* Không sẵn sàng thay đổi

- Sau đây chúng ta sẽ xem xét tám bước đưa bạn đến thành công:

I- Bước thứ nhất: Bạn thực sự mong muốn điều gì?

- Khi bạn tin vào chính mình, mọi thứ đều có thể. Tư duy con người vốn có khả năng tạo ra sự đột phá và những thành quả phi thường. Trở ngại thực sự tồn tại trong chính con người bạn, khi bạn không tin tưởng rằng mình có thể làm được.

- Bạn hoàn toàn có thể thay đổi tư duy của mình. Với tất cả tiềm năng đó, không lý gì bạn lại không thể tạo ra một cuộc sống thật phong phú.

- Hãy giữ tinh thần phấn chấn và sắc bén: Say mê học hỏi, không ngừng tìm tòi để bổ sung kiến thức, rồi chia sẻ hay truyền thụ lại cho người khác.

Mở rộng và thay đổi tư duy bằng cách nói chuyện với nhiều người khác nhau, tìm kiếm các giải pháp mới cho vấn đề đang tiến hành.

Loại bỏ những hoạt động không cần thiết nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng.

Luôn tiến về phía trước và không ngừng theo đuổi để đạt được ước mơ của mình.

Dành sự quan tâm hàng đầu cho những suy nghĩ, hành động hay bạn bè đang ủng hộ bạn. Dành thời gian cho người thân và các trò chơi kích thích tư duy của bạn.

Khi cảm thấy quá tải hãy dành ra 5 phút để hít thở đều và sâu. Quan tâm chăm sóc bản thân và người khác. Tập thể dục thường xuyên và chọn chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

- Lựa chọn và quyết định điều bạn muốn: Bạn phải quyết định đúng đắn và tập trung thật chính xác vào điều bạn muốn đạt được, cả trong sự nghiệp cũng như trong đời sống.

- Hãy tự hỏi bạn muốn đạt được điều gì nhất? Mọi suy nghĩ và hành động của bạn có đang tập trung để đạt được điều đó không?

- Điều chỉnh để biến những điều có thể cản trở thành những điều có thể hỗ trợ bạn.

Hãy bắt tay vào điều chỉnh để biến trở ngại thành cơ hội, biến hạn chế thành tiềm năng, biến giận dữ thành bao dung và tha thứ, biến điều không tưởng thành hiện thực, biến hiểu lầm thành cảm thông, biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ.

Việc chọn suy nghĩ tích cực thay vì tiêu cực sẽ thu hút và đưa đến cho bạn nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp và cuộc sống.

- Đừng đánh mất sự ủng hộ từ những người có thể giúp bạn theo đuổi mục tiêu. Sự cổ vũ của họ là động lực mạnh mẽ trong công việc cũng như trong cuộc sống. Đừng quên nói lời cảm ơn chân thành với họ.

- Ngay cả khi mơ ước của bạn có vẻ viển vông thì việc phân tích chi tiết cũng là cách để gia tăng khả năng đạt được điều bạn mong muốn.

II- Bước thứ hai: Sức mạnh ý chí của bạn

- Ý chí biến ước mơ thành hiện thực: Tuyên bố ý chí là tuyên bố tập trung mọi năng lượng bạn có, gồm suy nghĩ, thái độ, hành động cần thiết để đạt được mục tiêu, ước vọng hay hoài bão của mình. Khi bạn quyết tâm rời bỏ ý chí hiện tại để tiến lên phía trước, ý chí ấy sẽ tạo nên động lực giúp bạn thành công.

- Khi bạn quyết định làm một điều mới mẻ hay khác biệt, đó đã là một sự thay đổi. Khi bạn nỗ lực để hoàn thành những điều mình mong muốn, bạn có thể nhận ra rằng mình cần điều chỉnh hành động cho phù hợp với hoàn cảnh hơn, và bạn cần thay đổi nhiều hơn nữa. Nhưng không phải là ý hay nếu xem việc sẵn sàng thay đổi là món tự chọn để bạn có thể chọn hoặc không. Vì nó không phải để chọn lựa.

- Ý chí có thể chế ngự nỗi lo sợ. Càng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để thay đổi, bạn càng hạn chế được cảm giác lo ngại và sự phản kháng.

Bạn hãy sẵn sàng bước lên để hòa nhập với cái mới cho đến khi bạn cảm thấy quen thuộc và nhìn thấy chính mình trong hoàn cảnh mới đó.

Khi có tiến bộ dù rất nhỏ, bạn cũng được tiếp thêm sinh lực để phát huy hơn nữa khả năng tiềm tàng của mình.

III- Bước thứ ba: Sức mạnh của sự lựa chọn

- Cách suy nghĩ của bạn cũng như thái độ và hành động của bạn, chính là lời dự báo đáng tin cậy cho thành công của bạn trong tương lai. Khi biết phản ứng phù hợp với sự thay đổi, bạn có thể có những chọn lựa thông minh để đạt được điều mình muốn một cách đơn giản và hiệu quả hơn.

- Để rèn luyện sức mạnh lựa chọn bạn cần tập trung vào điều bạn mong muốn đạt được trong Tuyên bố ý chí. Cần nhận diện những tình huống thay đổi tiềm năng hay những cơ hội liên quan đến mục tiêu, trên cơ sở đó suy nghĩ về cách phản ứng của bạn.

Với mỗi tình huống, hãy xác định phản ứng của bạn sẽ là nhập cuộc, đứng yên hay phản đối. Tất cả đều có khả năng trở thành những quyết định tốt trong hoàn cảnh thích hợp.

IV- Bước thứ tư: Vận dụng thế mạnh của bạn

- Hãy sử dụng thế mạnh hiện có để đạt được điều bạn mong muốn một cách dễ dàng hơn. Đây cũng chính là bài tập để bạn rèn luyện sức mạnh cá nhân.

Các mối quan hệ cá nhân cũng như các mối quan hệ công việc đều có thể trở thành các thế mạnh của bạn, do đó hãy sử dụng lợi thế ấy để đạt được điều bạn muốn một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.

- Bạn hãy chọn lựa và sử dụng những thế mạnh liên quan nhiều nhất đến mục tiêu của mình. Thế mạnh nào giúp bạn đạt được mục tiêu và có thể vận dụng được lâu dài?

Xác định những quyết định và hành động có thể khai thác tốt nhất những thế mạnh này. Cùng những thế mạnh từng giúp bạn hoàn thành tốt nhất mục tiêu của mình, không điều gì có thể bắt bạn dừng bước.

V- Bước thứ năm: Biến trở ngại thành bước đệm để thành công

- Xác định rào cản thực sự của bạn, đó là những chướng ngại bên ngoài (như thiếu thời gian, nguồn vốn, sự hỗ trợ của những người khác…) hay rào cản bên trong (như nhút nhát, thiếu tự tin, it cởi mở, không quyết đoán, thiếu kiên định…).

- Xác định hành động nào là lựa chọn tốt nhất để giải quyết và điều chỉnh, biến chướng ngại vật thực sự trở thành một cơ hội? Bước đệm là những cơ hội mới, những cấp độ hỗ trợ mới, những mối quan hệ khác bền vững hơn, những con đường khác dẫn đến những nguồn lực cần thiết.

- Cần cân nhắc các chọn lựa và đưa ra quyết định đúng đắn nhất mà không bao giờ cảm thấy hối tiếc.

VI- Bước thứ sáu: Đề nghị để có được điều bạn cần

- Dù bạn đang cân nhắc cách trò chuyện của mình có lôi cuốn hay không thì điều quan trọng nhất khi đề nghị người khác giúp đỡ là cách giao tiếp và cách bạn kiểm soát cuộc nói chuyện, Sự lôi cuốn chỉ là một yếu tố rất nhỏ. Nếu không đề nghị, đừng ngạc nhiên khi bạn chẳng nhận được gì.

- Giao tiếp hiệu quả là một cách thức tiếp cận hợp tác. Cần cân nhắc xem cần sự hỗ trợ hay nguồn lực cụ thể nào, cá nhân hay tổ chức nào sẽ hỗ trợ tốt nhất, bối cảnh và thời điểm nào phù hợp nhất cho cuộc trò chuyện?

- Hãy tự nói ra điều mình mong muốn. Hãy tiếp cận cởi mở, chân thành và hợp tác khi trò chuyện. Bạn sẽ xác định được bước hành động tiếp theo của mình.

- Để nâng cao cơ hội nhận được các câu trả lời mong muốn hãy suy nghĩ về những gì bạn biết và không biết về các nhân tố quyết định trong cuộc chơi.

- Kế hoạch đàm phán hợp tác chính là công cụ để bạn lên kế hoạch và có một cuộc thảo luận giúp bạn đề nghị điều bạn cần và nhận được câu trả lời có. Bạn hãy chia sẻ cảm xúc tích cực khi mục tiêu của bạn ngày càng đến gần.

VII- Bước thứ bảy: Quyết định và không hối tiếc

- Bạn cần đưa ra những quyết định sáng suốt về nơi bạn cần đầu tư nguồn lực, thời gian, tiền bạc và công sức. Bạn có thể loại bỏ những suy nghĩ khiến bạn xao nhãng hay mất tập trung để chú ý vào tất cả các hành động có thể đưa bạn đến với thành công.

- Cần cân nhắc lợi ích và hậu quả của những quyết định quan trọng. Cần dành thời gian phân tích, dự đoán các khả năng, đồng thời cân nhắc lợi ích và hậu quả có thể xảy ra.

- Nếu ích lợi của việc thực hiện hành động lớn hơn hậu quả, bạn biết mình không cần tiếp tục băn khoăn mà hãy hành động ngay.

- Những quyết định liên quan đến tình cảm là những quyết định hay hành động trong cuộc sống mà khi nhìn lại, bạn thầm cảm ơn nó bởi đã thay đổi cuộc đời bạn và làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn.

IIX- Bước thứ tám: Sẵn sàng đạt được Tuyên bố ý chí của mình

- Hãy đừng khước từ những điều mới lạ, đừng lo sợ khi phải làm một điều mà trước đây chưa từng làm và hãy cố gắng thực hiện bằng mọi cách có thể. Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn và bạn cũng trở nên khôn ngoan hơn.

- Đây là khoảng thời gian bạn rời bỏ cái cũ để chủ động nhập cuộc và thành công với cái mới. Khoảnh khắc bạn cần phải hành động khác đi chính là lúc thời kỳ quá độ bắt đầu. Cứ để mọi thứ diễn ra như thường ngày và rồi mọi chuyện sẽ ổn thỏa.

- Bạn đã bắt đầu thay đổi và bạn biết vì sao thay đổi này là một điều tốt. Bạn rời bỏ cái cũ, đi xuyên qua những động thái thay đổi để tiến đến cái mới. Bạn hãy nghĩ cách nhanh chóng vượt qua khủng hoảng cảm xúc, sau đó nhập cuộc càng sớm càng tốt.

- Cần đặt ra các mốc để ăn mừng thành công khi bạn thông qua những động thái thay đổi để chuyển từ cái cũ sang cái mới.

IX- Hoàn tất Bản đồ thành công: Biến ước mơ thành hiện thực

- Xem xét và xác nhận lại tầm quan trọng và tính khả thi của mục tiêu hay ước mơ, hoài bão trong cuộc đời bạn, đồng thời so sánh với những ưu tiên khác.

- Hãy ghi lại các hành động và xây dựng lịch trình của bạn. Mỗi lịch trình sẽ bắt đầu khi bạn tiến hành thực hiện mục tiêu của mình và kết thúc khi bạn đạt được mục tiêu đó.

- Dù bạn nghĩ thời gian cần thiết để biến ước mơ thành hiện thực là bao lâu thì bạn cũng là người cầm lái và có toàn quyền kiểm soát. Bằng cách thực hiện những hành động liên quan đến mục tiêu và kiểm soát các cột mốc quan trọng khác đã xác lập trong Bản đồ thành công, bạn có thể rút ngắn lịch trình của mình.

- Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay. Hãy sử dụng những nguyên lý và công cụ hỗ trợ trong Bản đồ thành công để đạt được những mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời bạn.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng