Tôi chưa bao giờ hối tiếc vì đã theo nghề giáo

25/11/2020 09:03
Việt Dũng
GDVN- Suốt 9 năm nay, dù cho khi trời nắng hay mưa, thầy Hùng luôn ra đón học sinh trước cổng vào đầu giờ, quan tâm và chia sẻ ý kiến với từng phụ huynh.

Đó là hình ảnh của thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng trường tiểu học Mê Linh, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở nên quá quen thuộc với hàng trăm học sinh của trường, người dân sống trong khu vực.

Chuyển về công tác tại trường tiểu học Mê Linh, quận 3 từ khá lâu, nhưng suốt 9 năm nay, dù cho khi trời nắng hay mưa, thầy Hùng luôn ra đón học sinh trước cổng vào đầu giờ, quan tâm và chia sẻ ý kiến với từng phụ huynh.

Những câu nói: “Nào con nhấc chân lên để khỏi trúng pô xe”, “Nào con từ từ thôi. Con chào mẹ đi.”, “Ôi thầy chào con, con ăn sáng gì rồi?”…đã trở nên quá thân thương, quen thuộc đối với học sinh của trường Mê Linh hàng ngày.

Vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần, thầy hiệu trưởng đã 40 năm mê “gõ đầu trẻ” đều tranh thủ sinh hoạt dưới cờ với các em học sinh. Thầy hay lồng ghép nhiều câu chuyện vui để dạy bảo các em, như: Không được xả rác bừa bãi, ra đường nhớ đội mũ bảo hiểm, biết yêu thương mọi người, biết tự chăm sóc bản thân…

Trong căn phòng chỉ rộng khoảng 20m2 của thầy Hùng ngồi, hiện đã được ngăn làm đôi bằng một vách gỗ. Thầy chỉ ngồi trong phòng rộng 10m2, phần còn lại lấy nơi làm chỗ cho học sinh đọc sách.

Học sinh trong vòng tay trìu mến của thầy Nguyễn Văn Hùng ở phòng đọc sách (ảnh: P.L)

Học sinh trong vòng tay trìu mến của thầy Nguyễn Văn Hùng ở phòng đọc sách (ảnh: P.L)

Thầy hiệu trưởng dí dỏm này có một quy định rất đặc biệt, bất cứ học sinh nào chỉ cần đến phòng thầy, gõ cửa 3 tiếng, sẽ được thầy mở cửa cho vào, và trò chuyện với thầy hiệu trưởng bất cứ vấn đề gì.

Vì vừa là phòng đọc sách, vừa là phòng thầy hiệu trưởng, nên các em học sinh của trường rất thích thú khi bước vào phòng này, vì “một công, đôi chuyện”.

Tiếp phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam vào trưa một ngày tháng 11, khi mà đồng hồ điểm giữa trưa đã gần kề, tranh thủ giải quyết xong công việc, thì cũng là lúc một nhóm học sinh của trường ùa vào, chào thầy rồi tranh nhau lấy những quyển sách để đọc. Thỉnh thoảng, các em lại níu lấy tay thầy hiệu trưởng, hỏi về những chi tiết còn khó hiểu.

Thầy Nguyễn Văn Hùng nói với chúng tôi bằng vẻ mặt rất tự hào: “Tụi nhỏ là fan hâm mộ của tôi đó, thích nghe thầy kể chuyện lắm”.

Tính đến nay, thầy Hùng đã có hành trình hơn 40 năm đam mê với nghề “gõ đầu trẻ”. Xuất thân là một giáo viên rồi cán bộ quản lý trường học trong vòng 7 năm tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh với vô vàn những điều khó khăn, tháng 9/1987, thầy được điều về quận 3, một quận ở trung tâm thành phố.

Do lúc này đã đủ cán bộ quản lý, thầy ngồi không “cuồng tay”, thầy đề xuất với cấp trên cho mình làm giáo viên.

Thầy Hùng và tập thể sư phạm trường tiểu học Mê Linh (ảnh chụp lại của trường)

Thầy Hùng và tập thể sư phạm trường tiểu học Mê Linh (ảnh chụp lại của trường)

Chỉ trong vòng 3 năm sau đó, thầy được luân chuyển đến ba trường tiểu học trên địa bàn quận này.

12 năm tiếp theo, thầy được phân làm hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, ngôi trường có đông trẻ khuyết tật hòa nhập.

Không chấp nhận bỏ cuộc, thầy quan sát, gần gũi với từng em, để hiểu về các sang chấn tâm lý mà các em đang phải gánh chịu.

“Suốt những năm đó, tôi luôn mong muốn tạo ra cho các em một môi trường học bình thường, hiểu và chia sẻ, yêu thương các bạn khuyết tật hòa nhập. Muốn vậy, cần phải nhẹ nhàng, quan tâm và tinh tế với từng em học sinh” – thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Tới năm 2011, thầy được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng trường tiểu học Mê Linh, quận 3. Một ngôi trường mà khuôn viên chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1.000m2, 15 phòng học với tổng số học sinh chỉ có vài trăm em cả bán trú và ngoại trú.

Ngay khi vừa mới về ngôi trường này, thầy đã nghĩ ngay đến chuyện sẽ đón học sinh ở cổng, để gắn kết thêm tình thầy trò, và quan trọng hơn cả là để cho các em học sinh cảm nhận được niềm vui vào đầu mỗi buổi sáng, khi mình bước chân vào trường học.

Và cứ như thế, trên con đường Hai Bà Trưng (quận 3) thường hay bị ùn ứ giao thông, từ nhiều năm nay, thầy Hùng lại ra cổng đón học sinh vào mỗi buổi sáng, trở thành một thói quen thường xuyên hàng ngày của thầy, học sinh trường và nhiều người dân địa phương khi nhìn thấy.

Thầy Hùng (áo xanh) đón học sinh trước cổng trường (ảnh: N.V.H)

Thầy Hùng (áo xanh) đón học sinh trước cổng trường (ảnh: N.V.H)

Thầy Nguyễn Văn Hùng tâm sự: Phụ huynh khi đưa con đến trường, khi biết thầy là hiệu trưởng, đã tranh thủ thời gian ít ỏi để trao đổi chuyện học hành của các em, hay góp ý những vấn đề còn tồn tại của nhà trường.

Ngoài ra, việc thầy đón học sinh ở cổng, cũng là cách quan sát xem học sinh của mình thực hành những bài dạy của thầy cô giáo trên lớp ra sao, như biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, lễ phép với người lớn, đi xe phải đội mũ bảo hiểm hay tự mang ba lô, tự xuống xe…

Từ sự xuất hiện của thầy hiệu trưởng, dần dần, nhiều giáo viên trong trường cũng đã biết ra cổng đón chào học sinh vào mỗi buổi sáng, thể hiện sự quan tâm tới các em, làm phụ huynh rất an tâm khi gửi các em vào học ngôi trường này.

Chỉ còn khoảng một năm nữa, thầy Nguyễn Văn Hùng sẽ nghỉ hưu, nhưng thầy cho biết rằng, mình chưa một ngày hối tiếc vì đã đi theo nghề giáo.

Với những thành tích, đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay, thầy Hùng là một trong 50 giáo viên, cán bộ quản lý tiêu biểu của ngành được trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2020.

Việt Dũng