Bộ Giáo dục có giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho Trường Đại học Đông Đô?

07/12/2020 13:25
Trung Hiếu
GDVN- "Thông báo chỉ tiêu tuyển sinh" trong Thông báo của Bộ có đồng nghĩa với "giao chỉ tiêu tuyển sinh" văn bằng 2 trong khoản 3 điều 3 quyết định 22/2001/QĐ-BGDĐT?

Ngày 13/11/2020, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an ban hành bản kết luận điều tra vụ án hình sự "giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người đã bày tỏ quan điểm bức xúc trước tình trạng sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh giả (theo kết luận điều tra) do Trường Đại học Đông đô cấp để làm nghiên cứu sinh, thi chuyên viên chính...

Xung quanh việc Trường Đại học Đông Đô mua phôi bằng từ Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo để "làm giả" văn bằng 2 tiếng Anh, chúng tôi đã phân tích các quy định hiện hành về việc mua bán phôi bằng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tiếp tục phân tích các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao, quản lý chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 đại học qua trường hợp Đại học Đông Đô, để quý bạn đọc có thêm thông tin tìm hiểu vụ việc.

Không đăng ký vẫn được Bộ "thông báo" 500 chỉ tiêu văn bằng 2 đại học?

Theo kết luận điều tra, quá trình hoạt động Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001, nhưng từ năm 2015 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo "thông báo chỉ tiêu tuyển sinh" và cho đăng tải đề án tuyển sinh lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Ngày 12/1/2015 Trường Đại học Đông Đô có công văn số 25/CV-ĐĐ gửi Vụ Kế hoạch tài chính báo cáo thống kê năm học 2014-2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, trong đó không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy, tuy nhiên, ngày 01/4/2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh số 173/TB-BGDĐT, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Ảnh chụp một phần văn bản phụ lục đính kèm Thông báo 173/TB-BGDĐT ngày 01/4/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Trường Đại học Đông Đô, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ bằng 2 chính quy. Nguồn: Báo Tiền Phong.

Ảnh chụp một phần văn bản phụ lục đính kèm Thông báo 173/TB-BGDĐT ngày 01/4/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Trường Đại học Đông Đô, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ bằng 2 chính quy. Nguồn: Báo Tiền Phong.

Ngày 14/1/2016 Trường Đại học Đông Đô có công văn số 06/ĐĐ-ĐT&QLSV xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016, trong đó đăng ký 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy. Ngày 24/2/2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông báo về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 số 68/TB-BGDĐT gửi Trường Đại học Đông Đô, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Ngày 07/2/2017 Trường Đại học Đông Đô gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Kế hoạch tài chính) Đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017-2018, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy. Ngày 07/03/2017 Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông báo về việc xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 số 136/TB-BGDĐT gửi Trường Đại học Đông Đô, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Đồng thời với việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh gửi Vụ Kế hoạch tài chính, Trường Đại học Đông Đô cũng gửi Vụ Giáo dục đại học Đề án tuyển sinh năm 2017 và được Vụ Giáo dục đại học cho đăng tải trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có 150 chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Kết luận điều tra nêu, việc các đơn vị, cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Giáo dục đại học thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh trên Cổng thông tin tuyển sinh cho Trường Đại học Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 chính quy trong khi trường này chưa được Bộ cho phép đào tạo văn bằng 2 là có dấu hiệu vi phạm Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định tách phần hồ sơ vụ án liên quan đến dấu hiệu sai phạm của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của Trường Đại học Đông Đô để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Bộ Giáo dục giao, quản lý chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 đại học như thế nào?

Ngày 26/6/2001, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT quy định về đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ 2 (văn bằng 2). Điều 3 - Điều kiện để được đào tạo bằng đại học thứ hai, quy định:

1. Việc đào tạo bằng đại học thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo (hoặc của Đại học Quốc gia, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng đối với các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc) ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính qui sau khi có ít nhất hai khoá chính qui của ngành đó tốt nghiệp.

2. Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Đại học và Vụ Kế hoạch và Tài chính) và với Đại học Quốc gia, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng (đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Đại học). Trong văn bản cần nêu rõ số lượng đào tạo bằng đại học thứ hai cho từng ngành, qui mô hệ chính qui đang đào tạo của ngành này; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên (số lượng, trình độ, tỷ lệ sinh viên/1 giảng viên), trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy và học tập.

3. Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo, chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính qui hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện. (Các Đại học giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc).

Có thể thấy, Quyết định số 22/2001/QĐ-BGĐT quy định chỉ những cơ sở nào (không phải thành viên các đại học quốc gia, đại học vùng) "được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo" mới được đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên, như thế nào mới được coi là "được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo" là vấn đề cần phải làm rõ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép / cho phép 1 cơ sở đào tạo văn bằng 2 bằng 1 quyết định hành chính của Bộ, hay chỉ cần thực hiện các thủ tục tại khoản 2, khoản 3 điều 3 Quyết định 22/2001/QĐ-BGDĐT và được Bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 là cơ sở đó đã được cấp phép?

Nếu phải được cấp phép/cho phép bằng một quyết định hành chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới được đào tạo văn bằng 2, thì thủ tục này được Bộ quy định tại văn bản nào?

Nếu không có quy định cụ thể giải thích thế nào là "được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo", thì trách nhiệm đối với hoạt động đào tạo văn bằng 2 như đã xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo hay nhà trường? Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đào tạo văn bằng 2 ra sao?

Bởi lẽ các thông tin trong Kết luận điều tra cho thấy, các năm 2015, 2016, 2017 Trường Đại học Đông Đô đều có báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua Vụ Kế hoạch tài chính và được Bộ "thông báo chỉ tiêu tuyển sinh", trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2.

Khái niệm "thông báo chỉ tiêu tuyển sinh" trong Thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Trường Đại học Đông Đô được nhắc đến trong kết luận điều tra liệu có đồng nghĩa với "giao chỉ tiêu tuyển sinh" văn bằng 2 trong khoản 3 điều 3 quyết định 22/2001/QĐ-BGDĐT?

Nếu "thông báo chỉ tiêu tuyển sinh" chính là "giao chỉ tiêu tuyển sinh", thì có nên xem lại khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa "cho phép" Trường Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 đại học?

Nếu không phải, thì việc "giao chỉ tiêu tuyển sinh" văn bằng 2 đại học cho các cơ sở theo khoản 3 điều 3 quyết định 22/2001/QĐ-BGDĐT sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện như thế nào?

Ngày 4/12/2020, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt câu hỏi với ông Phạm Thanh Tùng - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Hành chính Tổng hợp, Trường Đại học Đông Đô: Trong quá trình tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 nhà trường đã có báo cáo với đơn vị nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Ông Phạm Thanh Tùng cho biết: Việc báo cáo với đơn vị nào của Bộ Giáo dục về tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 nhà trường sẽ cho kiểm tra lại. Tuy nhiên, mọi việc nhà trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục. Theo trình tự việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh nhà trường sẽ đăng ký với các Vụ có liên quan và đủ thẩm quyền trong Bộ. Sau đó Vụ sẽ công khai thông tin đó trên trang của Bộ Giáo dục và Đào tạo. [1]

Với những thông tin nêu trên, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đang "cho phép" các trường đào tạo văn bằng 2 đại học như thế nào và quản lý ra sao, đâu là công cụ để buộc các trường phải làm đúng?

Thiết nghĩ để tránh lặp lại tình trạng như đã xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại và công bố các quy trình, thủ tục về việc cấp phép đào tạo văn bằng 2 đại học, làm rõ quyền hạn và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dai-hoc-dong-do-bang-gia-hay-khong-can-doi-toa-phan-quyet-post214004.gd

Trung Hiếu