Bạo lực tinh thần và hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều cô, thầy

10/12/2020 06:29
Cao Kim Anh
GDVN- Tạo áp lực tâm lý là con dao hai lưỡi và đã có nhiều bài học đắt giá phải trả, thậm chí bằng cái chết tức tưởi của những đứa trẻ.

Mới đây, dư luận xôn xao vụ nữ sinh An Giang được phát hiện và cứu sống sau khi nghi thực hiện tự tử không thành.

Điều đáng nói, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc là bạo lực tinh thần mà người thực hiện lại chính là các thầy cô giáo, trong đó có cả cấp quản lý tại nhà trường.

Con trẻ tự tử, người lớn nghĩ gì?

Chắc hẳn dư luận chưa thể quên những tháng cuối năm 2019, cả nước liên tiếp ghi nhận xảy ra các vụ học sinh tự tử mà nguyên nhân chính do áp lực của gia đình, nhà trường và bạn bè xung quanh.

Điểm số, xếp hạng, bảng thành tích, thứ bậc hay đôi khi đơn giản là mối quan hệ bạn bè học đường đơn thuần cũng là lý do tạo áp lực dẫn đến trầm cảm, stress thậm chí rất nhiều cái kết đau lòng xảy ra khi không ít học sinh chọn giải thoát (dại dột) bằng cách tự kết liễu mạng sống của mình.

Không ít thầy cô giáo luôn thúc ép học trò nhằm có được những kết quả về học tập cao, nhưng vô tình đẩy các em vào trạng thái luôn bị căng thẳng, áp lực.

Nhiều bố mẹ và thầy cô không biết rằng, khích lệ động viên để các con vươn lên khác hoàn toàn với tạo áp lực gây căng thẳng tâm lý. Họ nghĩ tạo áp lực là giải pháp tốt, nhưng thực chất đó là con dao hai lưỡi và đã có nhiều bài học đắt giá phải trả, thậm chí bằng cái chết tức tưởi của những đứa trẻ, bởi vì nhiều người lớn luôn đòi hỏi kết quả mà không quan tâm tới khả năng và quá trình phấn đấu, hỗ trợ cho trẻ.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Xương (Thị xã Tân Châu) vì nhiều sai sót trong xử lý vụ nữ sinh lớp 10 khiến em tự tử.

Trước đó, như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, ngày 30/11, nữ sinh tên Y. hiện đang học lớp 10 tại Trường Trung học phổ Thông Vĩnh Xương (Thị xã Tân Châu, An Giang) đã để lại lá thư tuyệt mệnh và uống thuốc tự tử ngay tại trường để chứng minh mình không vi phạm như quyết định xử lý của nhà trường.

Theo như lời của mẹ ruột Y. chia sẻ với báo giới, nữ sinh này bị uất ức do trường xử lý em vi phạm nội quy của trường. Mà nguyên nhân bắt đầu từ việc Y. không tham gia học phụ đạo có thu phí do nhà trường tổ chức.

Đồng thời, một giáo viên bộ môn dạy trong lớp có những lời lẽ về việc em mặc áo dài mỏng khiến Y. xấu hổ, mặc dù nhà trường không có quy định nào cụ thể cho việc mặc áo dài để học sinh thực hiện đúng.

Do bị giáo viên nhắc nhở nên Y. đã dùng điện thoại ghi âm lại lời của giáo viên. Trong đó có những lời giáo viên nhắc nhở lớn tiếng, đập bàn. Sau khi biết sự việc, gia đình và Y. đã đến xin lỗi nhưng nhà trường vẫn quyết định kỷ luật Y. vi phạm.

Y. phải viết bản tự kiểm điểm và thực hiện cấm túc hàng ngày trong vòng 2 tuần kể từ ngày 01-12/12 Y. phải có mặt tại trường từ 6h30 đến 6h50 để các cô luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và lao động tại trường.

Đến sáng ngày 30/11, cô Huỳnh Thị Thu Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp Y. phát hiện em không có mặt ở lớp và báo cho gia đình. Ngay sau đó, em Y. được tìm thấy bị ngất trong nhà vệ sinh và có dấu hiệu uống thuốc quá liều với nghi vấn tự tử.

Sự việc xảy ra với nữ sinh Y. là hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều thầy cô và các phụ huynh. Ảnh: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự việc xảy ra với nữ sinh Y. là hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều thầy cô và các phụ huynh. Ảnh: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Y. chỉ là một trong những số ít học sinh may mắn sống sót khi phát hiện nghi tự tử không thành trong giới học đường. Trước đó, có rất nhiều trường hợp do không được phát hiện kịp thời nên hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.

Độ tuổi học đường suy nghĩ chưa chín chắn, dễ xảy ra xúc động, hành động theo cảm tính, non trẻ trong suy nghĩ. Thêm nữa nhiều cám dỗ lại nhạy cảm trước những thông tin thường gây cho các em những suy nghĩ băn khoăn tích cực lẫn tiêu cực.

Ngoài việc cha mẹ, gia đình luôn tâm sự, động viên, đồng hành cùng con em thì nhà trường và trực tiếp là những giáo viên thường xuyên tiếp xúc phải khuyên răn, định hướng và ân cần quan tâm đến học sinh của mình.

Y. chính là một trong những trường hợp thiếu sự quan tâm thấu đáo, thấu hiểu học sinh. Bản thân những giáo viên trực tiếp tiếp xúc với Y. cũng như các cấp quản lý nhà trường cũng tắc trách trong việc xử lý vi phạm của học sinh.

Theo quy định, từ ngày 1/11/2020, các hình thức kỷ luật học sinh như phê bình trước lớp, trước trường và cảnh cáo ghi học bạ chính thức bị xóa bỏ theo Điều 38 “Khen thưởng và kỷ luật” của Thông tư 32/2020/TT-BGĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay vào đó là những phương pháp phù hợp, tích cực để các em nhận thức đúng, từ đó điều chỉnh, sửa đổi hành vi của mình.

Quy định thì rõ ràng như thế nhưng Ban giám hiệu Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Xương vẫn nêu tên Y. trước trường, kỷ luật em lao động khi một tay của em thường xuyên đau nhức do bị gãy, cơ thể yếu vì hen phế quản, bệnh tim.

Chưa kể những hình thức tổ chức học thêm sai quy định, mặc dù không có tính chất bắt buộc nhưng lại có biểu hiện trù dập học sinh nếu không tham gia.

Những việc làm này của Ban Giám hiệu nhà trường là phản giáo dục hay đúng giáo dục? Phải chăng đây là cách yêu thương mà một số người thường cho rằng: “yêu cho roi, cho vọt”?

Việc đánh giá đúng hay sai của Ban Giám hiệu nhà trường sẽ có những cơ quan chức năng của hệ thống giáo dục vào cuộc.

Thế nhưng xét về góc độ tình người, thì việc xử lý vi phạm, chèn ép, tạo áp lực cho học sinh bằng cách mà nhà trường đang xử lí Y. chính là nguyên nhân trực tiếp tạo nên sự gia tăng mạnh mẽ của hội chứng trầm cảm học đường, mà cái kết xấu nhất là học sinh chọn con đường tự kết liễu cuộc sống để giải thoát.

Nếu đúng như thế, liệu đây có phải là “tội ác vô hình” chiếm đoạt tâm hồn, thể xác của những đứa trẻ khi hội chứng trầm cảm học đường ngày càng gia tăng?

Khích lệ, động viên, không được phép tạo áp lực

Bệnh thành tích vốn vẫn còn hiện diện trong cách giáo dục của cha mẹ hàng ngày, của thầy cô trên lớp và ngay trong bản thân mỗi học sinh tại Việt Nam hiện nay.

Mặc dù đã có nhiều chính sách, quy định đặt ra, thay đổi, bổ sung để hoàn chỉnh và hạn chế tối đa nhất có thể để những cuộc đua về thành tích không diễn ra, tuy nhiên không tránh khỏi ý thức chủ quan của các cá nhân, tổ chức trong ngành giáo dục.

Cha mẹ kỳ vọng con có bảng điểm đẹp để làm hãnh diện “vừa ý cha mẹ”. Thầy cô bắt buộc học sinh tham gia, tuân thủ theo các quy định “vừa ý thầy cô, nhà trường”. Học sinh thì muốn hơn bạn, hơn bè để việc học, việc chơi “vừa ý mình”.

Tất cả những mối quan hệ, những việc làm để hoàn chỉnh vòng tròn học sinh - phụ huynh - nhà trường - học sinh nếu không chặt chẽ, đòi hỏi quá hoàn hảo, vô hình chung sẽ tạo ra áp lực không chỉ con trẻ mà ngay cả người lớn cũng cảm thấy nặng nề.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, khi nhìn nhận tình huống cụ thể này, cần nhận thức thấu đáo về cách áp dụng kỷ luật với học sinh: “Trong xã hội hiện đại, nhịp sống ngày càng nhanh, áp lực ngày càng nhiều đòi hỏi con người phải thích nghi, bắt nhịp với cuộc sống. Đối với học sinh, đây là một nguy cơ gây ra áp lực tâm lý nặng nề”.

Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo Tiến sĩ Hoàng Trung Học, áp lực tâm lý thì lúc nào cũng có, trong xã hội nào cũng xuất hiện. Xã hội càng phát triển, nhịp sống càng nhanh thì áp lực càng lớn.

Dưới góc độ phát triển cá nhân, áp lực và biết cách tiếp nhận áp lực là cần thiết trong cuộc sống hàng ngày.

Đối với vụ việc cụ thể này, Tiến sĩ Hoàng Trung Học cho rằng, không nên nhận thức áp lực của nhà trường chỉ có mặt tiêu cực. Nếu một đứa trẻ không được tạo áp lực một cách đúng đắn thì đứa trẻ đó không thể vượt ngưỡng của chính mình, không có khả năng đạt tới mục tiêu giáo dục cao hơn.

Trong áp lực tồn tại hai mặt là có lợi và có hại. Áp lực có lợi là áp lực được tạo ra một cách vừa phải, đúng đắn, được trẻ tiếp nhận tích cực và người lớn giúp trẻ biết cách ứng phó và vượt qua tích cực.

Áp lực tiêu cực là những sức ép được tạo ra quá sức chịu đựng của trẻ, hoặc chưa quá sức, nhưng không được đứa trẻ nhận thức đúng, không biết cách ứng phó, không có sự hỗ trợ của thầy/cô, cha/mẹ dẫn đến tâm lí bế tắc đi vào đường cùng. Những vấn đề về tâm lí của trẻ cũng nảy sinh từ đó.

Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau, người lớn đang tạo nhiều áp lực tiêu cực cho con trẻ, biểu hiện ra bên ngoài bằng những kỳ vọng, sự áp đặt, kỳ thị.

Nhiều bậc phụ huynh, thầy/cô tạo áp lực, thậm chí sử dụng các phương cách mang tính bạo lực nếu con trẻ không đạt được kết quả tốt theo đúng mong muốn của mình. Điều này dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra như: căng thẳng, trầm cảm, bế tắc thậm chí dẫn đến tự tử.

Vụ việc của nữ sinh Y. chỉ là một tình huống cụ thể minh chứng cho việc tạo ra áp lực tiêu cực, của việc vận dụng phương pháp giáo dục chưa thấu đáo, thiếu nhạy cảm trong thời gian gần đây”, thầy Học nhận định.

Mới đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Trầm cảm học đường với những con số đáng báo động” đã là hồi chuông cảnh tỉnh cho những kỳ vọng, những mục tiêu viển vông, ngoài tầm với của gia đình và nhà trường đặt nặng lên chính đôi cánh ước mơ của học sinh, khiến những áp lực đó trở thành gánh nặng khiến các em không thể bay cao, bay xa.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý học đường, Tiến sĩ Hoàng Trung Học có cách nhìn khách quan hơn về áp lực học đường và kỷ luật nhà trường khi cho rằng: “Thầy cô còn kỳ vọng về học trò là điều đáng mừng cho nền giáo dục Việt Nam. Thầy cô có trách nhiệm với công việc, sẽ mong muốn học trò mình tiến bộ, từ đó thầy/cô mới đặt kỳ vọng, mới tích cực giáo dục học trò.

Những thầy cô thiếu trách nhiệm với nghề nghiệp thường chỉ dạy cho xong. Nếu dạy học mà không kỳ vọng vào học trò, không biết cách tạo áp lực phù hợp để các em tiến bộ thì coi như hỏng cả một nền giáo dục.

Bên cạnh đó, các hình thức kỷ luật trong nhà trường cũng rất cần thiết để giáo dục học sinh và duy trì nề nếp học đường.

Tuy nhiên, những kỳ vọng phải là những mục tiêu khả thi đối với từng học sinh, không phải là những kỳ vọng viển vông, rời xa thực tế, càng không phải là những áp lực được tạo ra do động cơ thiếu tính giáo dục.

Nếu những kỳ vọng, phương pháp giáo dục, cách thức sử dụng kỷ luật trường học không đúng cách thì sẽ phản tác dụng, thành áp lực tiêu cực gây ra các vấn đề tâm lý cho học sinh.

Điều này đòi hỏi các thầy/cô trong các hoạt động giáo dục không chỉ là những người chỉ biết đặt ra các yêu cầu, áp dụng các quy tắc một cách máy móc, thiếu nhạy cảm, mà còn phải sắc sảo về nghiệp vụ sư phạm, nhạy cảm trong tác động giáo dục và thực sự có tâm với học sinh.

Các nhà giáo cũng cần hết sức kiên trì, tránh nóng vội bởi giáo dục con người là cả một quá trình, không phải ngày một ngày hai có thể đạt được ngay kết quả tối ưu, trọn vẹn”.

Học sinh Y. lớp 10 ở An Giang hay vô vàn những ca mắc hội chứng trầm cảm học đường dẫn tới những hành động dại dột là hồi chuông cảnh tỉnh cho những phương pháp giáo dục sai lầm, vận dụng máy móc các hình thức kỷ luật. Tất cả những điều ấy phải được loại bỏ triệt để trong một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến, nhân văn.

Cao Kim Anh