Ngành Y tế tự hào và trách nhiệm sau những lá thư ngợi khen của người bệnh

20/11/2020 09:09
Tùng Dương
GDVN- Y tế là một nghề đặc thù, hãy dành những điều kiện thuận lợi nhất để họ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ và tính mạng con người.

Hiếm có ngành nghề nào lại được đón nhận những cảm xúc thật đặc biệt, thật sâu sắc từ những người “xa lạ” dành cho mình như những người công tác trong ngành Y.

Nhiều cung bậc của cảm xúc trước sự tận tâm của nhân viên y tế đã được nhiều người bệnh và người nhà bày tỏ hết sức giản dị, chân thành qua những vần thơ mộc mạc, hay những bức thư, tin nhắn cảm ơn gửi bác sỹ khi xuất viện.

Đó cũng là món quà quý giá, ý nghĩa nhất mà các bác sỹ trên cả nước đã từng nhận được, nó thể hiện tình cảm trân thành, sự biết ơn của người dân với những người đã “sinh” ra họ lần thứ 2 trong cuộc đời này.

Mỗi lá thư, mỗi lời khen ngợi của người bệnh là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với mỗi thầy thuốc, cán bộ y, bác sỹ.

Ngày qua ngày, tình cảm tin yêu của người dân chính là nguồn động lực lớn lao để các thầy thuốc vượt qua mọi khó khăn, thách thức để ngày càng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, xứng đáng với lời Bác dạy “Lương y phải như từ mẫu”.

Không gì có thể nói hết lòng biết ơn của người dân cả nước đối với các Y, bác sỹ, những người làm trong ngành Y, họ là tấm lá chắn vững chắc trong mặt trận chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam, vì sức khỏe cộng đồng. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Không gì có thể nói hết lòng biết ơn của người dân cả nước đối với các Y, bác sỹ, những người làm trong ngành Y, họ là tấm lá chắn vững chắc trong mặt trận chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam, vì sức khỏe cộng đồng. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

“Cứu người như cứu hỏa”

Sáng 22/10, Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp cứu cho một bệnh nhân bị đâm thủng tim có nguy cơ chết não, sống thực vật nếu cấp cứu chậm 3-5 phút. Các bác sĩ đã bỏ qua mọi khâu làm thủ tục, hội chẩn đúng 1 phút cứu bệnh nhân thoát khỏi cửa tử.

Bệnh nhân là anh N.V.H. (38 tuổi, quận 12) được chuyển đến khoa cấp cứu lúc hơn 1h sáng ngày 18/10 trong tình trạng lơ mơ, huyết áp bằng không do tình trạng bị đâm thủng ngực, vùng tam giác tim.

Do tình trạng nghi ngờ thủng tim đe dọa trực tiếp đến sinh mạng người bệnh, các bác sĩ quyết định chuyển liền lên phòng mổ để tiến hành phẫu thuật ngay.

Bệnh nhân tiếp tục tụt huyết áp, được bác sĩ tiến hành hồi sức và khẩn cấp tiến hành phẫu thuật. Sau khi mở lồng ngực, bác sĩ phát hiện một lỗ thủng tim 2cm ở mặt trước tâm thất phải khiến máu chảy tự do ở xoang màng tim và khiến tim gần như ngưng đập.

Tiến sỹ, bác sỹ Trương Nguyễn Hoài Linh - Khoa lồng ngực mạch máu Bệnh viện Thống Nhất - cho biết: "Bệnh nhân chỉ được kịp làm test nhanh HIV và nhóm máu, nếu làm theo quy định như đưa bệnh nhân đi chụp X-quang, siêu âm... thì bệnh nhân chắc chắn không qua khỏi.

Với vị trí vết đâm và tình trạng lâm sàng này thì 99% tim bị thủng. Vì thế, nếu để càng lâu thì bệnh nhân khó qua khỏi, phải khẩn trương mở lồng ngực bệnh nhân để tìm cách giải quyết, đặt tính mạng bệnh nhân phải đặt lên hàng đầu".

Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, đi lại được, sinh hoạt và ăn uống bình thường.

Cứu sống bệnh nhân hen ác tính, ngưng hô hấp tuần hoàn

Bệnh nhân H.T.T.N. quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh có tiền sử hen nhưng uống thuốc không thường xuyên, nên đột ngột lên cơn khó thở dữ dội, ở nhà có xử trí thuốc nhưng ngưng luôn cả hô hấp tuần hoàn.

Bác sỹ chuyên khoa II Hoàng Ngọc Ánh - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn - cho biết vừa cấp cứu thành công bệnh nhân ngừng hô hấp tuần hoàn trước khi nhập viện do hen ác tính.

ngày càng tăng kèm vã mồ hôi, mặc dù có xử trí thuốc nhưng không thuyên giảm, sau đó tay chân lạnh, tím tái, hôn mê. Gia đình đưa bệnh nhân N. vào cấp cứu.

Khi vào viện, bệnh nhân đã ngừng hô hấp tuần hoàn, được các bác sĩ xoa bóp tim ngoài lồng ngực, vừa đặt nội khí quản. Hồi sinh tim phổi hơn 20 phút, tim bệnh nhân mới đập trở lại. Sau 6 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện.

Mổ khẩn cấp cứu sống bệnh nhân bị xà beng xuyên ngực

Chiều 4/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã phẫu thuật cấp cứu thành công bệnh nhân Q.V.L., 50 tuổi, trú tại thôn Xuân Hòa, xã Xuân Khang, huyện Như Thanh, bị chiếc xà beng đâm xuyên qua ngực do tai nạn lao động trong khi đào giếng nước.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận bệnh nhân L. trong tình trạng nguy kịch, ngay lập tức chuẩn bị đội ngũ hơn 10 bác sĩ, điều dưỡng nhanh chóng phẫu thuật mở ngực bệnh nhân tối đa lấy chiếc xà beng ra ngoài, đồng thời cầm máu, khâu phục hồi nhu mô phổi thùy giữa và thùy dưới.

Sau 90 phút, các bác sĩ đã lấy chiếc xà beng bằng sắt dài hơn 1m ra khỏi ngực bệnh nhân. Đây là ca bệnh đặc biệt mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa phẫu thuật, cứu sống thành công.

Vào viện với cọc sắt còn xuyên từ bụng lên ngực sau khi rơi từ giàn giáo 15m

Đội ngũ y bác sĩ mổ cấp cứu của Bệnh viện Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh đã phẫu thuật, cứu sống 'thần kỳ' một bệnh nhân bị cọc sắt lớn dài khoảng 2m đâm xuyên thấu vùng ngực và bụng.

Bệnh nhân được cứu sống là anh N.N.M. (34 tuổi, quê huyện Hoài Đức, Hà Nội) - nhập viện cấp cứu ngày 12/4 trong tình trạng bị sốc đa chấn thương, chảy máu nhiều, đau đớn, khó thở, da và niêm mạc nhợt.

Vào thời điểm nhập viện, trên cơ thể bệnh nhân còn cây sắt kích thước lớn, dài khoảng 2m đâm xuyên từ thành bụng mạn sườn trái thủng sang thành ngực bên phải và kẹt lại trong ổ bụng. Bệnh nhân bị tai nạn lao động, ngã giàn giáo ở độ cao khoảng 15m.

Theo các bác sĩ, thanh sắt xuyên thấu ngực, bụng đã gây đa chấn thương nội tạng, dập nát thùy dưới phổi phải gây tràn khí, tràn máu khoang màng phổi phải, trong bụng có khoảng 2 lít máu. Sau 4 giờ phẫu thuật căng thẳng, kíp mổ đã giúp bệnh nhân thoát khỏi tử thần.

Kỳ tích của Bệnh viện Bạch Mai trong đợt phong tỏa

Giữa những ngày trong tâm bão đại dịch Covid -19, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã lập kỳ tích với ca cứu sống bệnh nhân ngưng tim 120 phút mà không bị thương tổn não.

Trưa 3/4, khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, nhận được yêu cầu hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông về việc sản phụ 30 tuổi, sinh con thứ 3 được chẩn đoán sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng sau mổ cắt tử cung do rau bong non, chưa loại trừ tắc mạch ối.

Bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Dây chuyền cấp cứu ngừng tuần hoàn lập tức được khởi động. Kíp cấp cứu nhanh chóng ép tim ngay trên cáng, hỗ trợ hô hấp và khẩn cấp đưa bệnh vào khu can thiệp cao trong khoa cấp cứu.

Sau 15 phút, bệnh nhân tái lập tuần hoàn và được điều trị tại khu vực cách ly đặc biệt của khoa cấp cứu. Tuy nhiên, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân ở chỉ số vô cùng thấp.

Cuộc hội chẩn do Tiến sỹ Dương Đức Hùng - Phó giám đốc bệnh viện, chủ trì cùng các chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực đã thống nhất chẩn đoán hôn mê sau ngừng tuần hoàn, mất máu nặng, rau bong non, rối loạn đông máu đã cắt tử cung bán phần.

Đến 16h20, bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn lần 2. Kíp cấp cứu tiếp tục thực hiện ép tim. Sau 60 phút ép liên tục nhưng trái tim của sản phụ T vẫn không có nhịp.

Với sự quyết tâm cùng các biện pháp về hồi sức tích cực vẫn được tiến hành, sau hơn 120 phút ép tim liên tục, sản phụ T. tái lập tuần hoàn trở lại. Tuy nhiên, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân vẫn rất bấp bênh, nguy cơ tử vong rất cao.

Tiếp tục 24 giờ điều trị tích cực, tình trạng huyết động của bệnh nhân dần ổn định. Sau 48 giờ điều trị, tình trạng bệnh nhân có xu hướng cải thiện dần.

Sau 72 giờ, huyết động bệnh nhân đã ổn định hơn. Điều đáng mừng là sau thời gian dài ngừng tim nhưng các dấu hiệu về tri giác của bệnh nhân có biểu hiện phục hồi.

Đến chiều 7/4, sau khi đã ngừng tất cả các thuốc an thần sản phụ T. đã hoàn toàn tỉnh táo mà không cần đến các máy hỗ trợ hô hấp và một số thiết bị chuyên sâu hỗ trợ tuần hoàn. Bệnh nhân đã được gặp lại chồng sau 5 ngày thập tử nhất sinh, hai lần chạm lưỡi hái tử thần.

Cứu sống bệnh nhân đột ngột ngưng tim từ tay “tử thần”

Trong quá khứ đã có rất nhiều ca cấp cứu “thần kỳ” làm hồi sinh sự sống của người bệnh.

Một trong những thí dụ điển hình nhất nhiều người còn nhớ xảy ra ngày 17/10/2019, các bác sĩ Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp cấp cứu kịp thời, cứu sống bệnh nhân N.Đ.K, 59 tuổi (ngụ tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) đột ngột ngưng tim, ngưng thở do nhồi máu cơ tim.

Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Chân - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp cho biết: Đã tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng ngưng tim, ngừng thở, hôn mê.

Bác sĩ cấp cứu lập tức tiến hành ngay hồi sức cấp cứu tim phổi tích cực như xoa bóp tim ngoài lòng ngực, vừa bóp bóng vừa đặt nội khí quản, giúp thở, rồi đặt máy sốc tim, trên màn hình giám sát của máy sốc tim lúc đó là một đường thẳng, trong y khoa gọi là vô tâm thu, tức là tim không còn đập. Tuy nhiên, các bác sĩ của bệnh viện Tâm Trí vẫn không từ bỏ hy vọng cứu sống người bệnh.

Hơn 15 phút sau, những cố gắng của ê kíp cấp cứu đã có hiệu quả, sau sốc tim bằng máy và hồi sức, tim bệnh nhân đập trở lại. Bệnh nhân tiếp tục được gắn ống nội khí quản vào máy để giúp thở, rồi các bác sĩ truy tìm nguyên nhân, và kết quả đo điện tâm đồ cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.

Sau 2 giờ hồi sức cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, huyết động ổn định và được chuyển ngay đến trung tâm can thiệp mạch ở Thành phố Hồ Chí Minh để can thiệp mạch vành cấp cứu, sau can thiệp bệnh nhân tự thở và được rút ống nội khí quản, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và xuất viện.

Bác sĩ Chân cho biết: Nhồi máu cơ tim là bệnh lý rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng nghiêm trọng cần được chẩn đoán và điều trị khẩn cấp, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong hoặc để lại hậu quả rất nặng nề.

Việc nhận định đúng tình trạng, cũng như thực hiện được thủ thuật can thiệp cấp cứu mới có hy vọng giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Quang: Bệnh nhân được cứu sống nhờ can thiệp phẫu thuật kịp thời cùng với việc hồi sức tích cực, đặc biệt là sử dụng tế bào gốc tự thân "Sử dụng tế bào gốc tự thân trong cấp cứu điều trị bệnh nhân chấn thương sọ não nặng. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Theo bác sĩ Quang: Bệnh nhân được cứu sống nhờ can thiệp phẫu thuật kịp thời cùng với việc hồi sức tích cực, đặc biệt là sử dụng tế bào gốc tự thân "Sử dụng tế bào gốc tự thân trong cấp cứu điều trị bệnh nhân chấn thương sọ não nặng. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Cứu sống bệnh nhân chấn thương sọ não bằng ghép tế bào gốc

Đây là ca cấp cứu diễn ra ngày 5/8/2019 tại Bệnh viện Trung ương Huế. Bệnh nhân T.V.N. (33 tuổi, Quảng Trạch, Quảng Bình) bị chấn thương sọ não nặng do tai nạn giao thông. Thời điểm này, scan sọ não bệnh nhân cho thấy có máu tụ ngoài màng cứng bán cầu não trái. Bệnh nhân N. được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu để lấy toàn bộ khối máu tụ gây chèn ép não và loại bỏ mô não giập nát hoại tử gây hiện tượng chảy máu.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành ghép tế bào gốc lấy từ tủy xương của bệnh nhân. Sau phẫu thuật 10 ngày, bệnh nhân tiếp tục được ghép tế bào gốc lần hai.

Theo bác sĩ Quang, bệnh nhân được cứu sống nhờ can thiệp phẫu thuật kịp thời cùng với việc hồi sức tích cực, đặc biệt là sử dụng tế bào gốc tự thân "Sử dụng tế bào gốc tự thân trong cấp cứu điều trị bệnh nhân chấn thương sọ não nặng".

Đây là công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước do bác sĩ Quang cùng đội ngũ bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế đang nghiên cứu và triển khai giai đoạn 2018 - 2020 tại bệnh viện này.

"Phương pháp mới này giúp tăng tỉ lệ sống và hồi phục cho bệnh nhân bị chấn thương sọ não, mở ra cơ hội cứu chữa cho nhiều bệnh nhân đang phải sống đời thực vật do chấn thương sọ não", bác sĩ Quang nói.

Trên đây chỉ là vài trường hợp trong số hàng vạn, hàng triệu ca cấp cứu giành giật lại sự sống của bệnh nhân từ tay “tử thần”, không gì có thể nói hết lòng biết ơn của người dân cả nước đối với các Y, bác sỹ, những người làm trong ngành Y, họ là tấm lá chắn vững chắc trong mặt trận chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam, vì sức khỏe cộng đồng.

Giải pháp nào để cán bộ y tế yên tâm phục vụ người bệnh?

Sáng 30/10/2019, Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (đoàn Hưng Yên) dành toàn bộ thời gian phát biểu tại hội trường Quốc hội để lên tiếng về vấn đề hành hung, bạo lực trong các cơ sở hành nghề y tế.

Theo đại biểu, trong các kỳ họp gần đây đã có nhiều đại biểu Quốc hội, cả trong và ngoài ngành phản ánh trên diễn đàn của Quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống.

“Qua thực tế công tác và qua tiếp xúc cử tri với cán bộ của ngành y tế, tôi thấy rằng đây vẫn là nỗi lo thường trực của cán bộ y tế đang hành nghề, là băn khoăn của rất nhiều người dân khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế”, bà Nguyệt nói.

Bà Nguyệt phân tích: Môi trường hành nghề của người làm việc trong ngành y tế đang đối diện với rất nhiều nguy cơ và thiếu sự an toàn.

Từ vấn đề liên quan tới chuyên môn, quy trình, thủ tục hành chính, thủ tục khám và thanh toán bảo hiểm y tế, từ các quy định về tài chính tới điều kiện làm việc, từ thực hành chuyên môn tới kỹ năng giao tiếp, vấn đề nào cũng tồn tại những bất cập và rất nhiều những nỗi lo.

Ở Việt Nam, theo một báo cáo thống kê từ năm 2010 đến năm 2017 có 22 vụ hành hung y, bác sĩ, trong năm 2018 có 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù chưa có số liệu thống kê nhưng ở nhiều nơi chúng ta vẫn thấy các vụ việc cán bộ y tế bị hành hung.

Bà Nguyệt chỉ rõ: Hậu quả của các vụ hành hung từ gây hư hại tài sản của cơ sở y tế, gây tổn hại tới sức khỏe, tâm lý của nhân viên y tế và thậm chí đã có cán bộ y tế phải bỏ mạng khi đang cấp cứu cho bệnh nhân.

Sau mỗi vụ hành hung, bạo hành, ngoài nỗi đau về thể xác, cán bộ y tế còn phải mang theo một nỗi đau vô cùng to lớn về mặt tinh thần, tỷ lệ người trầm cảm ảnh hưởng tới công tác chuyên môn do vấn đề bạo hành y tế khá phổ biến.

Nhiều nhân viên y tế sau các vụ bạo hành về y tế vì không thể trụ được với nghề đã phải bỏ nghề hoặc là chuyển sang một lĩnh vực ít liên quan tới người bệnh.

“Không chỉ những người bị bạo hành bị ảnh hưởng mà cả những người làm trong lĩnh vực y tế cũng bị tổn thương khá lớn về tinh thần, những nỗi lo sợ mơ hồ dần xuất hiện, tình yêu nghề cũng vì thế mà phai nhạt dần” – đại biểu Nguyệt tâm tư.

Đại biểu Nguyệt cho rằng: “Nguyên nhân của hiện tượng trên là cần cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh. Giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tăng thời gian thầy thuốc khám và tư vấn cho người bệnh.

Y tế là một nghề đặc thù, hành nghề y tế là một nghề cao quý. Hãy dành cho cán bộ y tế những điều kiện cần thiết, từ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chế độ đãi ngộ.

Đặc biệt là cùng xây dựng một môi trường làm việc an toàn, thân thiện, cùng hưởng ứng chương trình "Bảo vệ Blouse trắng" không chỉ trong năm 2019 mà cả các năm tiếp theo để những cán bộ y tế yên tâm, tận tâm, tận lực phục vụ người bệnh”.

Đại biểu Nguyệt cũng đề nghị, cần có cơ chế xử lý nghiêm các hành vi hành hung cán bộ y tế.

Tùng Dương