Bộ Giáo dục yêu cầu Đại học Văn Lang báo cáo chuyện giảng viên "sợ" đứng lớp

11/12/2020 06:00
Linh Hương
GDVN- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết: "Hiện Vụ Giáo dục đại học đang yêu cầu trường báo cáo và kiểm tra các thông tin". 

Trước câu chuyện mà báo chí phản ánh rằng giảng viên Khoa quan hệ công chúng - truyền thông Trường Đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh) than khoa này quá nhiều sinh viên khiến họ sợ đứng lớp.

Trước thông tin này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có liên hệ với Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy và được biết: "Hiện Vụ Giáo dục đại học đang yêu cầu trường báo cáo và kiểm tra các thông tin".

Toàn cảnh cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang (ảnh website nhà trường)

Toàn cảnh cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang (ảnh website nhà trường)

Trước đó, Báo Tuổi trẻ có đăng tải thông tin, trường Đại học Văn Lang tăng quy mô tuyển sinh quá "nóng" trong những năm qua trong khi toàn bộ nhân sự cơ hữu của khoa Quan hệ công chúng - truyền thông tính đến cuối tháng 11/2020 chỉ là 31 người (gồm hai người ban chủ nhiệm khoa, hai thư ký khoa và 27 giảng viên).

Tuy nhiên, trong số giảng viên này có hai giảng viên đang nghỉ không lương dài hạn và hai giảng viên đã nghỉ việc. Do đó, các giảng viên phải lên lớp rất nhiều giờ và một người còn làm chủ nhiệm 3-4 lớp dẫn đến quá tải trong công việc.

Theo danh sách chủ nhiệm lớp sinh viên học kỳ I năm học 2020-2021 của khoa quan hệ công chúng - truyền thông Trường Đại học Văn Lang mà phóng viên Tuổi Trẻ thu thập được, cả khoa hiện có 4.173 sinh viên (từ khóa 24 đến khóa 26).

Trong đó, số lượng sinh viên khóa tuyển mới năm 2020-2021 của khoa này là 1.847 sinh viên.

Các giảng viên cũng cho biết thực tế hiện nay ở một số trường đại học tư sử dụng nguồn giảng viên thỉnh giảng nhưng ký hợp đồng dài hạn.

Những người này không làm việc toàn thời gian tại trường, không trực thuộc khoa, không làm giáo viên chủ nhiệm... như một giảng viên cơ hữu nhưng được trường đóng bảo hiểm đầy đủ như giảng viên chính thức.

Những người này được tính vào tỉ lệ giảng viên/sinh viên khi nhà trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.

Do vậy, giảng viên cơ hữu rất khổ khi phải "gánh" số lượng sinh viên tuyển được từ giảng viên thỉnh giảng quy đổi ra.

Trong khi đó, sinh viên khoa này phàn nàn tình trạng lớp học các môn chuyên ngành gần 100 sinh viên/lớp nên chất lượng giảng dạy và học tập không đảm bảo. Một số môn học giảng viên thỉnh giảng dạy 1-2 buổi rồi đổi giảng viên khác khiến sinh viên ngỡ ngàng.

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/giang-vien-than-truong-qua-dong-sinh-vien-20201210105326918.htm

Linh Hương