Khó khăn từ y tế cơ sở, giải pháp nào để tháo gỡ?

29/10/2020 09:19
Tùng Dương
GDVN- Y tế cơ sở là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân.

Hệ thống y tế Việt Nam có mạng lưới rộng khắp từ Trung ương đến xã, phường, trong đó riêng tuyến xã có hơn 11.400 nghìn trạm y tế bao gồm cả mạng lưới y tế thôn, bản.

Gần 99% số xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5% số trạm có bác sĩ khám, chữa bệnh; 97% số trạm có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% số thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%.

Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản được triển khai hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em.

Đến nay, ngành y tế đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại khoảng 80% tổng số trạm y tế. Đáng chú ý, chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến huyện ngày càng tăng, nhiều đơn vị đã thực hiện được các kỹ thuật của tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân lên đến gần 50% số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện…

Hệ thống y tế Việt Nam có mạng lưới rộng khắp từ Trung ương đến xã, phường, trong đó riêng tuyến xã có hơn 11.400 nghìn trạm y tế bao gồm cả mạng lưới y tế thôn, bản. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Hệ thống y tế Việt Nam có mạng lưới rộng khắp từ Trung ương đến xã, phường, trong đó riêng tuyến xã có hơn 11.400 nghìn trạm y tế bao gồm cả mạng lưới y tế thôn, bản. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng chất lượng công tác khám, chữa bệnh còn hạn chế, nhất là ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa do thiếu cán bộ y tế.

Cả nước vẫn còn khoảng 20% tổng số xã chưa có bác sĩ, phải luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về khám, chữa bệnh một số ngày trong tuần để người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám bệnh.

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều trạm y tế xã năng lực chuyên môn của thầy thuốc còn yếu, chưa thực hiện hết danh mục kỹ thuật theo quy định, cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Y tế cơ sở được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Từ nhận thức trên của người đứng đầu ngành Y tế, trong những năm vừa qua, Bộ Y tế đã có rất nhiều nỗ lực để phát triển hệ thống y tế cơ sở thực sự là “người gác cổng” đáng tin cậy cho người dân, đóng góp hiệu quả cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Cụ thể là các Dự án hỗ trợ y tế cơ sở giai đoạn 2019 – 2024 triển khai tại 26 trạm y tế điểm sẽ được trang bị đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, biển tên phòng, tên trạm y tế, được cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm cùng với tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm…

Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã thí điểm; đảm bảo đủ thuốc…

Nhiều nguồn lực đầu tư cho hệ thống y tế, quan tâm tới y tế cơ sở

Trong những năm vừa qua, bên cạnh nguồn đầu tư từ Ngân sách địa phương, Bộ Y tế đã tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số Chương trình, Đề án, dự án đầu tư từ các nguồn vốn Ngân sách nhà nước, Trái phiếu Chính phủ, ODA,... (Đề án 47, Đề án 930, Đề án Y tế cơ sở theo Quyết định số 2348, Đề án 362, Đề án 317, chương trình mục tiêu Y tế- Dân số, Đề án 125, các dự án ODA hỗ trợ y tế địa phương,..) nhằm tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho cả hệ thống dần dần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Từ năm 2006 đến nay, Nhà nước đã đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ và gần 400 triệu USD từ viện trợ ODA xây dựng, nâng cấp, mở rộng 766 bệnh viện từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, Trung ương và hơn 2.000 trạm y tế xã, trên 114 phòng khám đa khoa khu vực.

Theo phân cấp quản lý của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thì Ngân sách địa phương có nhiệm vụ chi đầu tư cho các cơ sở y tế do địa phương quản lý; Ngân sách Trung ương chỉ mang tính chất hỗ trợ. Vì vậy, việc đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở y tế đều đã được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương theo đề nghị của Sở Y tế.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội kế hoạch đầu tư, nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị cho y tế từ các nguồn vốn Ngân sách nhà nước, Trái phiếu Chính phủ, ODA, các nguồn vốn hợp pháp khác (xã hội hoá, hợp tác công tư,...) nhằm mục tiêu giảm tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của toàn hệ thống.

Ngoài các nguồn vốn trên, trong điều kiện ngân sách cho y tế còn nhiều khó khăn nên Chính phủ đã cho phép các cơ sở y tế được liên doanh, liên kết, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo hình thức xã hội hóa theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ.

Về cơ chế tài chính, thực hiện chủ trương cải cách tài chính công của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đã trình Chính phủ điều chỉnh giá khám, chữa bệnh nhằm tính đúng tính đủ chi phí, tạo được nguồn thu phục vụ tái đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh.

Các địa phương có thể sử dụng một phần ngân sách nhà nước hàng năm dự kiến giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình kết cấu các khoản chi trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để chi đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để nâng cao chất lượng điều trị.

Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư còn rất lớn, nên rất cần sự quan tâm của các cấp Ủy đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc tăng cường đầu tư cho y tế địa phương để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương, dần từng bước xóa bỏ tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên.

Triển khai một số Đề án, dự án cho y tế tuyến cơ sở

Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2018 -2020”.

Đây là đề án thí điểm áp dụng cho 26 trạm y tế của 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người dân của các xã này được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 – 2025” (kèm theo Quyết định số 1718 ngày 10/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế), mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng chuyên môn tại y tế xã, phường tạo tiền đề cho việc tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn.

Tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn gắn với y tế học đường và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện.

Thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường. Đảm bảo đến năm 2020: ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã.

Đến năm 2025: 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2, vay vốn ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trị giá khoảng 70 triệu USD, triển khai trong giai đoạn 2014-2019 với ba hợp phần, gồm tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã và năng lực quản lý tại các tuyến, cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế tại bệnh viện.

Dự án này với mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống y tế năm tỉnh Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng thiệt thòi khác.

Như vậy, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Bộ Y tế đã cố gắng đầu tư cho tuyến y tế cơ sở bằng nhiều giải pháp như tăng cường nhân lực y tế tuyến xã; Tăng cường danh mục thuốc điều trị cho tuyến xã.

Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới; Phát triển hệ thống phòng khám y học gia đình; Triển khai một số Đề án, dự án cho y tế tuyến cơ sở và các nguồn lực khác.

Trong các năm qua, danh mục thuốc bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Cụ thể, về danh mục thuốc tân dược, so với Thông tư số 40/2014/TT-BYT, Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 bổ sung mới 61 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với sự phát triển khoa học của công nghiệp dược.

Bổ sung dạng dùng của 6 thuốc, mở rộng tuyến sử dụng của 69 thuốc, mở rộng điều kiện thanh toán 10 thuốc, tăng tỷ lệ thanh toán 6 thuốc nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tăng cường tiếp cận thuốc điều trị tại tuyến y tế cơ sở như bệnh viện huyện, trạm y tế xã, phường, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại cho người bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí tiền túi của người bệnh

Với các hình thức đầu tư như trên, có thể nói trong thời gian qua, tuyến y tế cơ sở ngày càng nâng cao được vai trò trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỷ lệ khám chữa bệnh được cải thiện đáng kể.

Đảm bảo đến năm 2020: ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Đảm bảo đến năm 2020: ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Ứng dụng công nghệ thông tin để khám, chữa bệnh

Năm 2019, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống y tế từ xa (telemedicine) cho các trạm y tế nhằm tối ưu hóa sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên trong công tác khám chữa bệnh.

Bộ Y tế sẽ triển khai lắp đặt hệ thống y tế từ xa tại 26 trạm y tế xã, phường điểm trong cả nước, nhằm kết nối các trạm y tế với các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến tỉnh, Sở Y tế, các bệnh viện tuyến Trung ương và Bộ Y tế.

Chỉ cần một màn hình máy tính và thiết bị đầu cuối trên nền tảng mạng Internet có sẵn, cán bộ y tế trạm y tế xã, phường có thể kết nối với tuyến trên để tiếp nhận kiến thức y tế một cách nhanh chóng, kịp thời, tiện lợi bất cứ lúc nào mà không cần phải di chuyển lên tuyến trên.

Bên cạnh đó, các bác sỹ bệnh viện tuyến trên có thể tham gia hội chẩn, chẩn đoán, hướng dẫn điều trị từ xa các ca bệnh tại trạm y tế, không cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Điểm đặc biệt, hệ thống y tế từ xa này có thể kết nối được đến 1.000 điểm cầu khác nhau cùng tham gia. Cùng với đó, thao tác sử dụng hệ thống này khá đơn giản, dễ dàng, với đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế của trạm y tế xã, phường.

Đây sẽ là công cụ đắc lực giúp sức cho hệ thống các trạm y tế xã, phường trong việc nâng cao năng lực, khả năng khám chữa bệnh.

Quy định phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đã tạo nên cơ sở cho việc xác định mức độ được phép cung cấp dịch vụ kỹ thuật, chuyển tuyến đối với người bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, giảm tính trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên...

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể cán bộ ngành y trong suốt thời gian qua đã tạo nên rất nhiều thay đổi quan trọng, không chỉ là thái độ phục vụ mà còn là những kỹ thuật rất khó tưởng như chỉ các nước phát triển mới làm được thì nay Việt Nam đã thực hiện thành công.

Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở

Ngày 25/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến khởi động và ký kết thỏa thuận triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở.

việc triển khai có hiệu quả của dự án này sẽ giúp đổi mới hệ thống cơ sở y tế, thực hiện đồng bộ các giải pháp và hoàn thành các cấu phần phát triển hoạt động mạng lưới y tế cơ sở trong giai đoạn 2020-2024 góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Mục tiêu chung của dự án là nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh dự án.

Đồng thời, hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu, trong đó ưu tiên các đối tượng là bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Tại hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận thực hiện dự án giữa Bộ Y tế và đại diện một số tỉnh dự án là Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Kạn.

Các mục tiêu và hoạt động chính của dự án bao gồm:

1. Đầu tư cơ sở vật chất, bao gồm xây mới 138 trạm y tế xã và cải tạo nâng cấp 325 trạm y tế, cải tạo nâng cấp 12 trung tâm y tế huyện thuộc 13 tỉnh dự án.

2. Cung cấp trang thiết bị cần thiết cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở.

3. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về các nội dung: truyền thông giáo dục sức khỏe; bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống bệnh, dịch; kiểm tra, phát hiện sớm, quản lý một số bệnh không lây nhiễm; khám chữa bệnh…

4. Đổi mới hoạt động tại trạm Y tế xã bao gồm: bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống bệnh, dịch; kiểm tra phát hiện sớm một số bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường; khám chữa bệnh… theo nguyên lý y học gia đình.

5. Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng, áp dụng một số chính sách và các sáng kiến đổi mới nhằm tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tại trạm y tế xã và kết nối với trung tâm y tế huyện và các cơ sở tuyến trên.

Tổng vốn Dự án là 126,25 triệu USD. Trong đó, vốn vay WB là 80 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại là 25 triệu USD; vốn đối ứng là 21,25 triệu USD. Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Y tế và 13 Ủy ban nhân dân tỉnh, dự án được triển khai trong năm năm (2020-2024).

Tùng Dương