Toàn quốc có hơn 26.000 hợp tác xã, thu hút 7,7 triệu thành viên

12/12/2020 06:08
Nhật Minh
GDVN- Năm 2020 và giai đoạn 10 năm 2010-2020, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển ở hầu hết các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.

Ngày 11/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (hợp tác xã) đã chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 với chủ đề: “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác, là một thành phần kinh tế có vai trò to lớn, ý nghĩa toàn diện về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu. Ảnh: VGP

Mô hình hợp tác được xây dựng và phát triển nhằm phát huy tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của các thành viên để trở thành sức mạnh cộng đồng, thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường, khắc phục được những hạn chế sản xuất cá thể, nông hộ nhỏ lẻ của người dân.

“Năm 2020 và giai đoạn 10 năm 2010-2020, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển ở hầu hết các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.

Tính đến 31/12/2020, toàn quốc có hơn 26.000 hợp tác xã, 100 liên hiệp hợp tác xã và gần 120.000 tổ hợp tác. Toàn khu vực thu hút 7,7 triệu thành viên, tạo việc làm cho 2,2 triệu lao động”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, có bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng; đã xuất hiện nhiều loại hình hợp tác xã, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là, tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỉ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu.

Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh; phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm; sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và hợp tác xã chưa cao, thiếu tính bền vững.

“Cần tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã. Phát triển kinh tế tập thể theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, phải phát triển kinh tế tập thể phù hợp với quy luật khách quan, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xu hướng phát triển và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng cần tiếp thu kinh nghiệm, ứng dụng linh hoạt, hiệu quả mô hình thành công trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Các bộ ngành, địa phương trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, nhanh chóng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

“Cần xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là nội hàm của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Hợp tác xã chính là liên kết của các hộ nông dân, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã không làm mất đi vai trò của kinh tế hộ mà còn nâng đỡ, phát huy sức mạnh cho kinh tế hộ phát triển”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã. “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật Hợp tác xã năm 2012 theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thành lập, đăng ký và giải thể hợp tác xã… Khuyến khích mở rộng quy mô, số lượng thành viên, tỷ lệ vốn góp của thành viên, tài sản chung không chia”.

Phó Thủ tướng lưu ý cần phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong hợp tác xã; quan tâm phát triển cả hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp; tháo gỡ rào cản, quy định nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho các hợp tác xã. Tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. “Xây dựng mô hình hợp tác xã và tổng kết mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP; mô hình hợp tác xã quy mô cấp tỉnh, cấp vùng miền, cấp quốc gia theo ngành hàng”.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh hợp tác xã các cấp với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên.

Đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực hoạt động để tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giao theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế tập thể, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào hợp tác xã mạnh. Trong đó, chú ý tập trung tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực hợp tác xã, thành lập và nâng cao năng lực cơ cấu trợ giúp tổ chức kinh tế tập thể.

Mục tiêu cụ thể là đến cuối năm 2025, thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể, bao gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.

Trong đó, xây dựng 3.000 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.

Nhật Minh