Giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa đừng so bì với bác sĩ mở phòng khám tư

14/12/2020 05:44
Lê Mai
GDVN- Dạy thêm vẫn là hoạt động gây bức xúc, là do tính minh bạch của nó chưa đạt được sự đồng thuận của xã hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho hay, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định về dạy thêm, học thêm nhưng trên thực tế vẫn diễn ra cả ở trong và ngoài trường bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là ở khu đô thị.

Do đó, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có biện pháp hạn chế việc học thêm, dạy thêm tràn lan và xử lý bệnh thành tích trong giáo dục.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, đang nghiên cứu, xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm nhằm bảo đảm các quy định quản lý về hoạt động này trong và ngoài nhà trường phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định của pháp luật.

Hiện nay chương trình, sách giáo khoa của chúng ta vẫn còn rất nặng, mang nặng tính hàn lâm. Thi cử, bằng cấp vẫn đang là áp lực nặng nề lên xã hội, hình thành nhu cầu học thêm, học thêm là nhu cầu có thật, chính đáng của học sinh.

Thế nhưng dạy thêm vẫn là hoạt động gây bức xúc, là do tính minh bạch của nó chưa đạt được sự đồng thuận của xã hội.

Bác sĩ làm thêm, sau khi hoàn thành công tác trong bệnh viện, chữa bệnh cho hai thực thể khác nhau, rất minh bạch.

Giáo viên sáng dạy chính, chiều dạy thêm trên cùng một đối tượng, điều đó làm cho tính minh bạch không có, không đạt như mong muốn.

Xã hội có thể nhìn nhận giáo viên dành việc của buổi sáng để chiều làm, chẳng khác nào học trò phải trả tiền cho cùng một đơn vị kiến thức hai lần.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có biện pháp hạn chế việc học thêm, dạy thêm tràn lan và xử lý bệnh thành tích trong giáo dục. (Ảnh minh họa: Daidoanket.vn)

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có biện pháp hạn chế việc học thêm, dạy thêm tràn lan và xử lý bệnh thành tích trong giáo dục. (Ảnh minh họa: Daidoanket.vn)

Nên sửa đổi quy định dạy thêm như thế nào?

Hiện nay, hoạt động dạy thêm, học thêm được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT. Thế nhưng thực tế hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn là bức xúc của xã hội.

Thứ nhất: Nên cấm hẳn dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Tại sao lại cấm hẳn dạy thêm, học thêm trong nhà trường? Cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường là chúng ta minh bạch hóa công việc của giáo viên.

Giáo viên không thể dành việc của buổi sáng để chiều làm thêm, tính tiền làm thêm cho học trò phải trả.

Trong nhà trường chỉ dạy phụ đạo cho học sinh yếu, dạy bồi dưỡng nâng cao cho học sinh giỏi, hai hoạt động này tuyệt đối không thu tiền.

Thứ hai: Coi dạy thêm ngoài nhà trường là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có tổ chức, có quản lý theo Luật Doanh nghiệp và phải đóng thuế.

Khi dạy thêm ngoài nhà trường là hoạt động kinh doanh có điều kiện sẽ dễ quản lý thời lượng, thời gian học thêm của học trò, giảm áp lực học thêm cho học sinh.

Đặc biệt, tuyệt đối cấm dạy thêm vào ngày lễ, ngày chủ nhật, dạy quá 21 giờ đêm, giúp học sinh giảm áp lực tâm lý, coi học là gánh nặng của mình. Hành vi học sinh tự tử, nhảy lầu... cũng có phần nguyên nhân từ dạy thêm học thêm quá nhiều.

Thứ ba: Cấm các tổ chức kinh doanh dạy thêm bố trí giáo viên dạy thêm lớp có học sinh chính khóa của giáo viên.

Điều này sẽ giúp tránh được hiện tượng giáo viên “lùa” học sinh chính khóa ra các lớp học thêm.

Thứ tư: Văn bản thay thế nên là văn bản mới, không giữ lại văn bản cũ; văn mới thêm hay bớt nội dung sẽ giúp người đọc hiểu rõ văn bản, không phải đối chiếu văn bản đã hết hiệu lực, tránh nhầm lẫn khi thực thi.

Thứ năm: Với chương trình mới (2018), cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.

Chương trình mới có mục tiêu giáo dục cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu như Yêu nước; Nhân ái; Chăm chỉ; Trung thực; Trách nhiệm và 10 năng lực cốt lõi, đó là Năng lực tự chủ và tự học; Năng lực giao tiếp và hợp tác; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Năng lực ngôn ngữ;

Năng lực tính toán; Năng lực tìm hiểu tự nhiên; Năng lực tìm hiểu xã hội; Năng lực Công nghệ; Năng lực Tin học; Năng lực thẩm mỹ; Năng lực thể chất.

Để đạt được mục tiêu của chương trình mới, giáo viên là người phải có phẩm chất và năng lực trước, nếu còn dạy thêm thu tiền chẳng khác gì người thầy không có phẩm chất và năng lực, vậy lấy gì để dạy học trò?

Thực tế hiện nay, giáo viên chưa sống được bằng lương của mình, vì vậy song song với các biện pháp chấn chỉnh dạy thêm tràn lan hiện nay cần có chính sách thu nhập cho giáo viên sống được bằng lương của mình.

Tài liệu tham khảo:

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/cu-tri-de-nghi-bo-gd-dt-co-bien-phap-han-che-day-them-hoc-them-696674.html

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-17-2012-TT-BGDDT-day-hoc-them-139414.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Quyet-dinh-2499-QD-BGDDT-2019-cong-bo-het-hieu-luc-cac-Dieu-Thong-tu-day-them-hoc-them-422996.aspx

Lê Mai