Văn bản hiểu lầm ép giáo viên thi chứng chỉ, phòng giáo dục Tân Bình có thu hồi?

16/12/2020 06:16
Lê Mai
GDVN- Quy trình thực hiện Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Phòng Giáo dục và Đào tạo Tân Bình đã không thực hiện đúng nội dung trong văn bản này.

Bài viết “2 Bộ sắp bỏ chứng chỉ, giáo viên Tân Bình kêu cứu vì vẫn phải thi” trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc.

Nhiều đồng nghiệp của người viết đã thắc mắc tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời chuẩn bị có quy định mới bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên vào tháng 02/2021 vậy mà Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn gắt gao đốc thúc giáo viên chưa có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tiếp tục đi học để hoàn thành trước ngày 31/12/2020?.

Văn bản số 1961/GDĐT-TCNS của Phòng Giáo dục và Đào tạo Tân Bình về việc báo cáo việc đăng kí nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ để khắc phục các sai phạm do chưa đủ chuẩn ghi rõ:

“Thủ trưởng đơn vị phải thực hiện giải thích, quán triệt cho các cá nhân nếu không chấp hành việc tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo tiêu chuẩn trước ngày 31/12/2020 sẽ tự chịu trách nhiệm khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu hồi các Quyết định sai phạm có liên quan”.

Văn bản số 1961/GDĐT-TCNS của Phòng Giáo dục và Đào tạo Tân Bình về việc báo cáo việc đăng kí nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ để khắc phục các sai phạm do chưa đủ chuẩn, đã đánh đồng tất cả quyết định tuyển dụng giáo viên không có đủ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đều là quyết định sai phạm!

Như vậy quy trình thực hiện Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Phòng Giáo dục và Đào tạo Tân Bình đã không thực hiện đúng hướng dẫn Hướng dẫn số 2965/HD-BNV.

Văn bản số 1880/GDĐT-TCNS của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình về việc rà soát và khắc phục sai phạm (nếu có) trong tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.

Văn bản số 1880/GDĐT-TCNS của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình về việc rà soát và khắc phục sai phạm (nếu có) trong tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.

Hướng dẫn số 2965/HD-BNV ghi rõ:

“3. Quy trình, thẩm quyền quyết định khắc phục xử lý sai phạm

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức rà soát về việc đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng và đánh giá, nhận xét về mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ xem xét, quyết định.

- Cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ xem xét, kết luận cụ thể về từng trường hợp sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức (quyết định việc thu hồi hay không thu hồi quyết định tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức) theo phân cấp; đồng thời tổng hợp, báo cáo về Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương.

4. Xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân để xảy ra sai phạm trong tuyển dụng

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tập thể lãnh đạo và cá nhân để xảy ra sai phạm trong công tác tuyển dụng phải thực hiện việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật về xử lý kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm”.

Như vậy, quyết định thu hồi hay không thu hồi quyết định tuyển dụng viên chức với giáo viên phải xem xét từng trường hợp cụ thể, đồng thời cũng phải xử lý kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Thế nhưng Văn bản số 1961/GDĐT-TCNS của Phòng Giáo dục và Đào tạo Tân Bình về việc báo cáo việc đăng kí nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ để khắc phục các sai phạm do chưa đủ chuẩn chỉ “một chiều” xử lý giáo viên trong khi chưa làm rõ từng trường hợp "tuyển dụng sai" lỗi thuộc về ai, giáo viên phải chịu trách nhiệm việc họ không làm, liệu có khách quan, đúng pháp luật?.

Không phải trường hợp nào giáo viên thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cũng là "sai phạm"

Khi xử lý từng trường hợp của giáo viên, ngoài căn cứ vào Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ, mà còn phải căn cứ vào các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm tuyển dụng để xem điều kiện của người được tuyển dụng.

Căn cứ để tuyển dụng giáo viên công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã có các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Thông tư số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV không những quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương,… trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, mà còn là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên.

Sẽ có ba nhóm giáo viên, khi thực hiện Hướng dẫn số 2965 của Bộ Nội vụ, Kết luận số 71-KL/TW, cụ thể là:

Nhóm thứ nhất: Tuyển dụng trước ngày Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV có hiệu lực (01/11/2015).

Nhóm thứ 2: Tuyển dụng từ 01/11/2015 (sau ngày Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV có hiệu lực thi hành) đến 28/12/2017.

Nhóm thứ ba: Tuyển dụng sau ngày 28/12/2017.

Với nhóm thứ nhất, dù đến ngày 31/12/2020 chưa đủ chứng chỉ quy định cũng không thể thu hồi quyết định tuyển dụng.

Điều kiện tuyển dụng đối với giáo viên trước ngày các Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV có hiệu lực thi hành đã được bổ nhiệm vào các ngạch thì cơ quan quản lý có trách nhiệm tạo điều kiện để những giáo viên này bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu (chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp...).

Với nhóm thứ hai: Giáo viên được tuyển dụng không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục để không bị thu hồi quyết định tuyển dụng thì họ phải đáp ứng đủ 3 điều kiện sau đây:

Thứ nhất, thời gian chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải hoàn thiện về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng.

Thứ hai, được người có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, có phẩm chất, đạo đức, uy tín tốt trong 05 năm gần nhất.

Thứ ba, trong thời gian công tác không vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.

Với nhóm thứ ba: Đối với những trường hợp tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng sau ngày 28/12/2017 không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục thì thu hồi quyết định tuyển dụng.

Ngày 14/12/2020, ông Trần Khắc Khuy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) đã trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, văn bản do cấp dưới của ông trình lên tham mưu không kỹ, khiến cho giáo viên toàn quận hiểu nhầm vấn đề này.

Vậy sau khi nhận được phản ánh, kêu cứu của giáo viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình có quyết định thu hồi văn bản "gây hiểu nhầm" này không, hay lờ nó đi như chưa từng có?

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Huong-dan-2965-HD-BNV-2020-xu-ly-truong-hop-sai-pham-trong-cong-tac-tuyen-dung-can-bo-vien-chuc-446336.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Ket-luan-71-KL-TW-2020-xu-ly-sai-pham-trong-cong-tac-tuyen-dung-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-439222.aspx

Lê Mai