Chương trình phổ thông mới, học sinh sẽ phải học thêm nhiều hơn hiện nay?

15/12/2020 06:43
KIM OANH
GDVN- Học sinh lớp 1 năm nay vẫn phải học thêm bình thường, thậm chí còn học nhiều hơn trước đây bởi nội dung kiến thức các môn học vẫn đang được đánh giá là rất nặng.

Sứ mệnh của chương trình, sách giáo khoa năm 2000 sẽ kết thúc trong vòng 4 năm nữa để thay đổi bằng chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được thực hiện cuốn chiếu ở các cấp học.

Có lẽ, ai cũng hy vọng chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ giảm tải, giảm áp lực cho thầy và trò ở các nhà trường phổ thông và học sinh không còn phải đi học thêm như hiện nay nữa. Nhưng, điều này có xảy ra hay không thì mọi người có thể đang mường tượng ra rồi.

Học sinh lớp 1 năm nay vẫn phải học thêm bình thường, thậm chí còn học nhiều hơn trước đây bởi nội dung kiến thức vẫn đang được đánh giá là rất nặng, sách giáo khoa thì bộ nào cũng có “sạn” và những sách có “sạn” lại đều rơi vào môn Tiếng Việt- đây là một trong những môn học quan trọng nhất ở cấp tiểu học.

Hơn nữa, mục tiêu các bài học của chương trình mới đề ra cũng nhiều hơn trước đây nên nó sẽ là một trong những nguyên nhân cơ bản để học sinh tiếp tục phải đi học thêm.

Chuyện dạy thêm, học thêm vẫn là nỗi ám ảnh cho nhiều phụ huynh hiện nay (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Chuyện dạy thêm, học thêm vẫn là nỗi ám ảnh cho nhiều phụ huynh hiện nay

(Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và vấn nạn dạy thêm - học thêm

Phải nói thẳng ra rằng dạy thêm của một bộ phận giáo viên, nhà trường hiện nay đang đem lại nguồn thu nhập rất lớn cho giáo viên và quản lý nhà trường, nhất là trường ở đô thị và khối trung học phổ thông.

Một tuần dạy thêm của giáo viên có thể bằng hoặc cao hơn lương lĩnh hàng tháng ở nhà trường nên giáo viên tiểu học, trung học phổ thông và một số môn học được xem là môn chính ở cấp trung học cơ sở luôn tìm cách để mở lớp học thêm ở nhà nhằm hưởng trọn gói số tiền mà phụ huynh đóng hàng tháng.

Ban giám hiệu một số trường học cũng tìm cách để mở lớp và duy trì hoạt động dạy thêm tại trường với rất nhiều hình thức như: học nâng cao, học phụ đạo, học tiếng Anh với người nước ngoài, luyện thi cuối cấp để hưởng phần trăm dạy thêm.

Những lớp dạy thêm được đưa ra với mục đích hoàn toàn vì….học sinh thân yêu nên phụ huynh dù muốn, dù không cũng đành phải cho con em mình học thêm bởi tâm lý cả nể, sợ con bị thầy cô bỏ mặc trong các giờ học chính khóa.

Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang khuyến khích học sinh học 2 buổi. Tất nhiên, Ban giám hiệu nhà trường, một số thầy cô giáo sẽ biết bố trí, sắp xếp thời khóa biểu “hợp lý” để có thể lồng ghép chuyện học buổi 2, buổi 3 trong ngày có thu tiền.

Nhất là chương trình mới tới đây được mở ra nhiều môn học chỉ nghe qua thì mọi người cũng có thể liên tưởng được việc học thêm sẽ là chuyện hiển nhiên không cần phải bàn cãi.

Chẳng hạn ở tiểu học sẽ dạy tự chọn môn ngoại ngữ 1 (tiếng Anh) ở lớp 1 và lớp 2, lên lớp 3 thì môn học này mới là môn học bắt buộc.

Trong tâm lý chung hiện nay, ai cũng xem trọng việc học ngoại ngữ cho con em mình thì một khi nhà trường dạy tự chọn phụ huynh nào cũng phải cho con học.

Từ môn học tự chọn đến việc học thêm với thầy cô sẽ là ranh giới rất mỏng manh để chuẩn bị cho học sinh có nền tảng kiến thức cơ bản khi vào học bắt buộc ở lớp 3.

Các môn như tiếng Việt, Toán đương nhiên là học sinh ở các trường lớn phải học thêm ở nhà thầy cô rồi vì chỉ cần cô giáo lên tiếng sẽ có nhiều phụ huynh đăng ký, người này theo người kia vì sợ con không học thêm sẽ không theo được chương trình.

Chẳng hạn như từ đầu năm học này cho đến nay, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng thì chúng ta đều thấy nội dung sách Tiếng Việt vẫn đang được đánh giá là rất khó nên việc học trên lớp sẽ “chưa đủ” để học sinh lĩnh hội hết kiến thức bài học.

Lên cấp trung học cơ sở, một số môn học mới được hình thành, trong đó phải kể đến môn Khoa học tự nhiên được tích hợp từ 3 môn hiện nay là Sinh học, Vật lý và Hóa học.

Bây giờ, mỗi thầy một môn còn phải học thêm thì sang năm học 2021-2022 tới đây, bắt đầu từ lớp 6 sẽ là một môn mới hoàn toàn tích hợp kiến thức của 3 môn hiện hành. Cuối cấp, sẽ thi tổ hợp, không học thêm làm sao học sinh có thể thi được bởi hiện nay nhiều tỉnh đã tổ chức thi các môn tổ hợp rồi.

Lên trung học phổ thông, các môn học sẽ có nhiều chuyên đề khác nhau, các bài học đơn lẻ sẽ ít đi. Lúc ấy, không học thêm thì học sinh cũng khó có thể đáp ứng được nội dung học tập và thi cử để bước vào đại học.

Đó là chưa nói đến chuyện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình mở, có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, định hướng giảng dạy của các địa phương sẽ có phần khác nhau nên đây cũng sẽ là cái cớ để học thêm nhiều hơn (nếu thi đề chung).

Vì thế, học thêm sẽ là điều đương nhiên mà học sinh, phụ huynh không thể tự quyết được. Người tổ chức dạy thêm sẽ có nhiều lý do để thuyết phục chuyện học thêm hàng ngày của học trò...

Chỉ có thể hạn chế và tiến tới cấm triệt để học thêm lúc nào?

Muốn cấm học thêm trước tiên phải cấm được người dạy thêm. Muốn cấm người dạy thêm phải giảm tải được chương trình học, phải bỏ được bệnh ngụy thành tích trong giáo dục.

Nhưng, làm sao cấm được dạy thêm khi mà hàng chục năm nay Bộ vẫn cấm, Sở vẫn cấm nhưng mới chỉ dừng lại trên văn bản. Ngay cả thời điểm từ đầu năm 2020 cho đến nay- dịch bệnh Covid-19 luôn tiềm ẩn nhiều nỗi lo thì nhiều trường vẫn tổ chức dạy thêm đại trà cho học sinh.

Thầy cô vẫn mở lớp dạy thêm ở nhà như không có chuyện gì xảy ra.

Vì sao vậy? Bởi vì nếu bình thường chẳng có ai kiểm tra mà nếu kiểm tra thì cùng lắm là phạt hành chính, áp dụng mức kỷ luật khiển trách thì chẳng có ai sợ. Trong khi, lợi nhuận từ dạy thêm khiến cho một số giáo viên “không biết sợ” là gì.

Hơn nữa, áp lực về chỉ tiêu được giao, áp lực về tỉ lệ học sinh đậu, rớt trong các kỳ thi tuyển 10, thi quốc gia…hiện nay là không hề nhỏ cho nhà trường và giáo viên.

Và đặc biệt, chương trình học vẫn nặng, hình thức thi cử vẫn còn lắt léo, đánh đố học trò, nặng về kiểm tra kiến thức đã học nên chuyện học thêm và dạy thêm khó có thể chấm dứt.

Muốn chấm dứt được thì việc đầu tiên là kiến thức chương trình giáo dục phổ thông 2018 tới đây phải nhẹ nhàng, không nên quá đi sâu vào chuyên ngành.

Các thầy cô là tác giả chương trình môn học, sách giáo khoa bớt viết sách mẫu, sách nâng cao để bán ra thị trường.

Hình thức thi cử phải đổi mới, vận dụng kiến thức mở để phát triển năng lực của học trò, thi cử không đánh đố, không ra đề quá cao so với kiến thức được học.

Các địa phương không nên khoán chỉ tiêu, chất lượng dạy và học cho các nhà trường, giáo viên như lâu nay vẫn làm mà nên căn cứ vào tình hình thực tế để giao chỉ tiêu.

Các trường học cần đẩy mạnh chính sách phân luồng học sinh để các em có những định hướng phù hợp cho tương lai, không nhất thiết cứ phải vào đại học.

Song, nhìn vào thực tế chương trình mà Bộ đang tập huấn cho giáo viên cả về nội dung, phương pháp, sự thay đổi ở một số môn học thì chuyện học thêm tới đây có lẽ sẽ chẳng mấy thay đổi so với bây giờ!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH