Chuyên học và học chuyên

18/12/2020 07:11
Nguyễn Trọng Bình
GDVN- Những tờ giấy khen hay tấm bằng tốt nghiệp loại ưu trong nhà trường trên thực tế chỉ một trong những yếu tố rất nhỏ làm nên sự thành công của một cá nhân sau này.

Cách đây 5 năm, trong một lần về quê, một người chị là người cùng xóm có nhờ tôi mang đồ lên cho thằng con trai của chị đang là sinh viên năm nhất của một trường đại học ở thành phố Cần Thơ.

Ngoài những thức ăn ở quê để bồi bổ cho cậu “quý tử” của mình, điều tôi không thể ngờ tới là những bộ quần áo chị đã giặt giũ cẩn thận để con chị mặc trong một tuần.

“Em mang qua cho nó giúp chị và nếu có trở lại thì nhờ em gom quần áo dơ cả nó về đây giúp chị giặt cho thằng bé nhé.” Nghe chị nói, tuy rất bất ngờ nhưng tôi cũng cố kìm nén cảm xúc.

Tôi hỏi chị có cần phải làm như vậy không, con chị lớn rồi chẳng lẽ không tự giặt đồ được sao.

Thế nhưng, câu nói của tôi dường như không làm chị bận tâm mà trái lại như chạm vào nguồn mạch về sự hãnh diện và tự hào về đứa con bé bỏng của vợ chồng chị.

Được biết, nhà chị tuy không giàu nhưng cũng thuộc loại khá giả ở xóm. Theo lời của chị thì “thằng bé” – cậu sinh viên năm nhất ngoài những đức tính như ngoan hiền, học giỏi thì từ nhỏ tới lớn, nhiệm vụ quan trọng và duy nhất của nó là chuyên tâm học cho thật giỏi, mọi chuyện còn lại không cần phải “động móng tay” vì ba mẹ lo hết.

Việc chị gửi quần áo đã giặt giũ sạch sẽ sau mỗi tuần để cho một “thằng đàn ông” đang là sinh viên năm nhất ở trường đại học vừa là tình yêu thương vô bờ bến của các bậc cha mẹ vừa muốn cậu quý tử tập trung vào chuyện học.

Vì nếu không có tôi về thì chị và chồng cũng tự chạy xe sang nhà trọ để chăm bẵm cậu “quý tử”.

(Ảnh minh họa: financialreporter.co.uk)

(Ảnh minh họa: financialreporter.co.uk)

Ngoài việc tiếp tế tiền bạc và lương thực, chị phải lau dọn lại cái phòng trọ rất bẩn và hôi hám của con trai; nhất là sẽ gom hết quần sáo dơ mà cậu sinh viên vứt bỏ lung tung để mang về nhà giặt để đến chu kỳ sau lại mang qua cho cậu ta thay đổi.

Tôi nhớ lại câu chuyện trên là vì tôi vừa mới nhận được cuộc gọi của chị từ quê nhà. Qua điện thoại, giọng buồn rầu chị nhờ tôi đi tìm cậu quý tử bởi nó vừa thất tình vừa thất chí bỏ nhà đi đâu mất chị không liên lạc được.

Hóa ra, theo lời chị kể, nhờ chuyên học và học chuyên mà cậu quý tử đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi. Thế nhưng, sau gần 2 năm ra trường đến giờ vẫn không có một công việc ổn định.

Vào làm việc ở khu vực Nhà nước thì cậu chê lương thấp nên không làm; còn ra khu vực tư nhân thì không hòa nhập và cạnh tranh được vì tấm bằng giỏi lúc này chỉ có giá trị tham khảo.

Tuy giỏi về kiến thức chuyên môn nhưng những kỹ năng cần thiết để áp dụng vào công việc và cuộc sống lại là con số 0 tròn trĩnh.

Cô bạn gái thời đại học vì không chờ đợi được nên vừa đi lấy chồng. Đó là lý do cậu quý tử của chị trở thành kẻ bất đắc chí với suy nghĩ “đời quá bất công với mình”.

Bằng trải nghiệm cá nhân và trong tư cách của một người đang làm công tác dạy học, tôi cho rằng câu chuyện về cậu quý tử của chị tôi ở trên là môt thực tế khá phổ biến trong xã hội ta hiện nay.

Nếu như việc “chuyên học” gắn với phạm trù giáo dục gia đình thì “học chuyên” lại thuộc về giáo dục nhà trường.

Vì thương con không đúng cách và vì thành tích, thành tựu của nhà trường nên rất nhiều phụ huynh và thầy cô giáo hiện nay nghĩ rằng bọn trẻ chỉ cần học thật giỏi thì nhất định sẽ có một tương lai tươi sáng.

Thế nhưng, thực tế lại cho thấy đây là một quan niệm, một lối suy nghĩ rất phiến diện nếu không muốn nói là sai lầm.

Thật ra, những tờ giấy khen hay tấm bằng tốt nghiệp loại ưu trong nhà trường trên thực tế chỉ một trong những yếu tố rất nhỏ làm nên sự thành công của một cá nhân sau này.

Trong khi đó, những yếu tố cực quan trọng như phẩm cách, tư duy, thái độ và kỹ năng là những yếu tố mang tính quyết định.

Tiếc thay, cả giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường ở Việt Nam hiện nay lại không mấy chú trọng vấn đề này.

Gần đây, cũng có khá nhiều trường nhận ra và trang bị cho học sinh, sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn là những bài học về kỹ năng như: giao tiếp, làm việc nhóm,… tuy vậy, theo quan sát của tôi, đa phần vẫn chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi.

Đến đây, tôi lại nhớ đến quan điểm giáo dục của nhà bác học Albert Einstenin: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá.

Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì đáng được phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp cái gì là thiện.

Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa.

Anh ta cần phải học để hiểu được những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng.” [1]

Cậu quý tử của bà chị tôi đang bất đắc chí vì nghĩ mình “sinh bất phùng thời”. Nhưng nói cho cùng cậu là một sản phẩm lỗi của cách giáo dục chỉ chăm bẵm vào việc nhồi nhét kiến thức suông trong nhà trường cùng với sự tiếp tay từ các bậc làm cha mẹ với lối giáo dục yêu chiều con trong gia đình không đúng cách.

“Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”, vì thế, theo tôi quan trọng nhất là đổi mới căn bản nhận thức, quan niệm về mục tiêu và sứ mạng của giáo dục vốn đã lỗi thời và không còn phù hợp với xã hội hôm nay.

Sự thay đổi này trước hết là ở đội ngũ các thầy cô giáo trong nhà trường, kế đến là các bậc làm cha mẹ trong vấn đề giáo dục con cái.

Song song với đó, là đổi mới cách tư duy của những người làm công tác quản lý và điều hành trong bộ máy giáo dục.

Còn không tất cả chỉ là đổi mới theo kiểu “hớt ngọn”, mọi chuyện rồi đâu cũng sẽ vào đấy mà không tạo ra bất kì đột phá nào theo hướng tiến bộ hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1]: Albert Einstenin, Thế giới như tôi thấy. Nhà xuất bản Tri thức, 2019.

Nguyễn Trọng Bình