Tin thế giới đọc nhanh cuối ngày 12/11/2011

12/11/2011 19:01
Đình Phương (Tổng hợp)
(GDVN) -Va chạm tàu ở Hàn Quốc, 8 thuyền viên mất tích; Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu thành công con tin trên phà; 2 vụ xung đột liên tiếp tại Pakistan...
Va chạm tàu ở Hàn Quốc, 8 thuyền viên mất tích; Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu thành công con tin trên phà; 2 vụ xung đột liên tiếp tại Pakistan...là những tin nổi bật cuối ngày
1. Trong những ngày này, Quần đảo Hawaii (Mỹ) đang trở thành tâm điểm của thế giới khi quy tụ các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 19 (APEC - 19) khai mạc ngày hôm nay(12/11). Hội nghị APEC – 19 lần này tập trung vào mục tiêu xây dựng một khu vực tự do thương mại và tăng trưởng xanh, hiện được coi là các bước cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các nước sẽ không dễ dàng thống nhất được đường hướng phát triển chung, vì thế đòi hỏi thiện chí hợp tác tích cực hơn nữa từ các thành viên.(VOV/Reuters)
2. Trong ngày 12/11, hai vụ bạo lực liên tiếp đã xảy ra tại một số khu vực của Pakistan. Ít nhất có 4 người đã thiệt mạng trong một vụ xả súng xảy ra trưa 12/11 tại cửa tòa án ở thành phố Rawalpindi, bên cạnh thủ đô Islamabad của Pakistan. Vụ xả súng xảy ra vào lúc 11h (giờ địa phương) đã làm 3 người chết tại chỗ, 1 người chết trên đường đi cấp cứu. 3 kẻ tình nghi xả súng đã bỏ trốn bằng xe máy, 1 đối tượng đã bị cảnh sát bắt giữ. Điều tra ban đầu cho thấy, vụ xả súng có liên quan đến tư thù cá nhân.(VOV/AP, Tân Hoa xã)
3. Hôm nay, nhà chức trách Hàn Quốc cho biết, có 8 ngư dân đã bị mất tích trong một vụ va chạm giữa một tàu chở hàng và tàu đánh cá ở vùng biển phía tây nước này. Theo ông Go Jong-kug, một quan chức bảo vệ bờ biển Hàn Quốc, cho biết vụ va chạm xảy ra sáng sớm nay tại khu vực vùng biển Taean. Điều tra ban đầu cho thấy, khi xảy ra vụ va chạm, các thuyền viên tàu đánh cá đang ngủ. Không ai trong chiếc tàu hàng bị thương và tàu này cũng không bị hư hại sau vụ va chạm.(VOV/AP)
4. Hôm qua (11/11), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước Liên minh Nam Mỹ (UNASUR) đã kết thúc sau 2 ngày thảo luận tại Lima (Peru). Hội nghị đã thông qua một kế hoạch bao gồm 28 điểm và được các thành viên của UNASUR chính thức thông qua nhằm tăng cường hợp tác quân sự trong khu vực, giúp các hoạt động chi tiêu cho quân sự và quốc phòng trong khu vực trở nên minh bạch hơn. Kế hoạch hành động này sẽ được chuyển tới Paraguay - nước đang nắm giữ chức Chủ tịch lâm thời của khối UNASUR.(VOV/ Reuters)
5. Ngày 12/11, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sau hơn 12 giờ kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc tàu khách táo tợn trên vùng biển Tây Bắc nước này, lực lượng đặc nhiệm đã tiêu diệt kẻ thực hiện vụ bắt cóc và giải cứu thành công toàn bộ 24 hành khách và thủy thủ đoàn. Hiện danh tính kẻ bắt cóc chưa được tiết lộ, song theo ông Avni Mutlu , tên này là một thành viên của tổ chức khủng bố quốc tế. (Vietnamplus).
6. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm nay cho biết, nước này sẵn sàng giúp đỡ các bên đối lập trong cuộc khủng hoảng chính trị Syria khởi động cuộc đối thoại hoà giải. Ông Sergei Lavrov cho biết như trên sau khi có cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao APEC tại Honolulu (Hoa Kỳ). Ông Sergei Lavrov, nói: “Chúng tôi cảm thấy trách nhiệm làm mọi khả năng để bắt đầu một cuộc đối thoại nội bộ ở Syria”.(Nhân dân)
7. Hôm nay, cảnh sát Mỹ đã phong tỏa một đoạn của Đại lộ Hiến pháp gần Nhà Trắng , để điều tra thông tin về những tiếng súng nổ trong khu vực. Phát ngôn viên Cơ quan Mật vụ Edwin Donovan nói các nhân chứng đã nghe những phát súng và nhìn thấy 2 chiếc xe phóng nhanh trên Đại lộ Hiến pháp về hướng Đường số 17, và 1 trong 2 chiếc xe bị bỏ lại ở Đường số 23. Ông cho biết một khẩu súng AK-47 đã được thu hồi nhưng chưa có người nào bị bắt giữ.(Thanh niên)

8. Hôm qua (11/11), Ủy ban Kết nạp quốc gia thành viên mới của Hội đồng Bảo an đã tổ chức họp kín, thông qua báo cáo có liên quan đến đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc của Palestine, hơn nữa đã đệ trình báo cáo này lên HĐBA. Trước động thái này Mỹ đã tuyên bố rõ ràng quan điểm là phản đối Palestine tìm kiếm địa vị quốc gia và sẽ dùng quyền phủ quyết của mình để phản đối quốc gia này gia nhập Liên Hợp Quốc.
Đình Phương (Tổng hợp)