Dễ gì thoát được…VNEN

27/12/2020 07:03
KIM OANH
GDVN- Các địa phương, nhà trường, giáo viên đã từng phản đối, từ bỏ, phê phán VNEN thì tới đây VNEN đã được lồng vào chương trình mới một cách khá hoàn hảo.

Công bằng mà nói, mô hình trường học mới VNEN cũng đã tạo ra được những tích cực trong quá trình học tập của học trò tại các nhà trường sau gần chục năm “thí điểm”.

Một bộ phận học sinh mạnh dạn hơn trong học tập, khả năng trình bày trước đám đông được cải thiện, nhiều em có thể làm chủ được các tình huống học tập và có thêm nhiều kỹ năng cần thiết.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì có một bộ phận học sinh yếu càng yếu hơn vì các em tranh thủ thời gian khi nhóm thảo luận là trò chuyện với bạn bè, nhất là khi các bàn học được xếp thành từng nhóm để học sinh tiện học tập.

Ảnh chụp màn hình phóng sự: “Diễn” quá nhiều, mô hình trường học mới VNEN khiến phụ huynh phát sợ, VTV, ngày 1/9/2016. Nguồn: vtv.vn.Ảnh chụp màn hình phóng sự: “Diễn” quá nhiều, mô hình trường học mới VNEN khiến phụ huynh phát sợ, VTV, ngày 1/9/2016. Nguồn: vtv.vn.

Hơn nữa, chính vì phương pháp thảo luận nhiều nên học sinh ít ghi chép bài vở, thành ra một bộ phận học sinh không ghi chép, học xong là quên hết kiến thức. Thế nhưng, các em vẫn được điểm cao vì điểm số thường được chấm theo từng nhóm học tập nên trong nhóm chỉ cần vài em tiêu biểu là kéo theo cả nhóm được điểm cao giống nhau.

Tại sao có những địa phương không khuyến khích các nhà trường mở rộng VNEN?

Khi Bộ Giáo dục triển khai, đa phần các địa phương đều chọn ra một số trường tiểu học và trung học cơ sở để dạy thí điểm mô hình trường học mới VNEN.

Tuy nhiên, khi mà một số nơi lên tiếng phản đối VNEN vì nhiều học sinh bị đuối dần trong việc lĩnh hội tri thức dẫn đến các Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) phải họp bàn để tìm hướng giải quyết.

Bộ, Sở cũng không thể ngăn cản được sự phản đối VNEN ở nhiều địa phương nên cũng chỉ vớt vát kiểu nước đôi là các trường thực hiện trên tình thần tự nguyện, không ép buộc.

Thí dụ, tại công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH ngày 18/8/2016 về việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ đề nghị:

1. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.

2. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm. [1]

Chính vì thế, nhiều trường học sau một vài năm dạy thí điểm theo chỉ đạo của Sở, Phòng đã nhanh chóng giã từ VNEN để quay trở lại dạy chương trình năm 2000 và những phương pháp dạy học truyền thống.

Các địa phương không khuyến khích, cũng không có chủ ý triển khai mở rộng và duy trì mô hình trường học mới VNEN vì dạy chương trình này quá tốn kém cho cả ngân sách và phụ huynh.

Ngân sách địa phương phải đầu tư, trang bị thêm nhiều trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, phụ huynh thì phải đầu tư bộ sách giáo khoa đắt gấp nhiều lần sách giáo khoa truyền thống, con em họ thì nhiều em không hiểu bài.

Giáo viên thì cực nhọc trong khâu quản lý học trò vì nếu dạy một vài tiết thao giảng để cấp trên và trường bạn đến dự giờ thì dạy được nhưng dạy suốt cả năm thì cực vô cùng.

Điều đang lo ngại nhất là có một bộ phận học sinh không có kiến thức khi học VNEN vì giáo viên không còn trả bài cũ, giáo viên không được phê bình học trò trong học tập mà chỉ có thể khuyến khích, động viên học tập.

Nhưng, học sinh đã mất kiến thức thì giáo viên khích lệ, động viên, giao việc thuyết trình sản phẩm học tập thì học sinh đó cũng đâu có thực hiện…

Thành ra, trên lý thuyết thì nói các học sinh trong nhóm sẽ thay nhau quản lý nhóm, trình bày kết quả thảo luận học tập nhưng thực tế chỉ có một vài em trong nhóm đảm nhận công việc này.

Vậy nhưng, thành quả, điểm số thì tất nhiên giáo viên phải chấm cho cả nhóm nên nhiều em chẳng có học hành, chẳng đóng góp gì trong học tập vẫn được điểm cao như thường.

Hơn nữa, sĩ số học sinh các lớp học thường rất đông, nếu không quản lý lớp tốt thì lớp học như cái chợ nên việc học chỉ tập trung được một số thành viên tích cực trong lớp học để đảm bảo thời gian, nội dung học tập trong mỗi tiết học.

Ngoài ra, việc học sinh thì ngồi suốt buổi phải quay lưng, quay cổ nhìn lên bảng nghe cô giảng và hướng dẫn cũng mệt mỏi nên cả lãnh đạo, giáo viên, học sinh và phụ huynh đều không mặn mà với mô hình trường học mới VNEN.

Những người trong cuộc ở Quảng Ngãi nói về VNEN nhu thế nào?

Ngày 23/12/2020, trên Báo Quảng Ngãi có bài viết: “Các trường miền núi gặp khó với mô hình VNEN” phản ánh về những khó khăn, áp lực khi một số trường ở huyện Trà Bồng thực hiện mô hình trường học VNEN.

Trong bài viết này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến những chia sẻ của những người trong cuộc- họ đang là cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh có liên quan trực tiếp với mô hình trường học mới VNEN.

Bài báo đã dẫn lời cô giáo Trương Diệu Khuyên, chủ nhiệm lớp 6A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Hiệp như sau: "Học sinh phải luôn hoạt động và ra sức học tập mới lĩnh hội được kiến thức.

Bản thân giáo viên phải nỗ lực, đầu tư để có tiết dạy hiệu quả. Tuy nhiên, đồ dùng dạy học chưa đảm bảo. Học sinh còn thiếu nhiều thông tin dẫn đến việc khó tiếp cận với kiến thức mới".

Em Hồ Thị Giang, lớp 7, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Hiệp thì chia sẻ: “Đây là năm thứ 7 học theo mô hình VNEN, khi học theo mô hình VNEN, chúng em có thể trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học tập nhóm. Thế nhưng, đấy cũng là nguyên nhân khiến em mệt mỏi khi phải ngồi như vậy trong suốt buổi học”.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây thì cho biết: “mô hình VNEN thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên chỉ là người giao việc, hạn chế tối đa thuyết trình, giảng giải mà tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh.

Học sinh tự thảo luận theo nhóm, phân công nhiệm vụ cho nhau và gặp vấn đề khó không giải đáp được mới yêu cầu sự trợ giúp của giáo viên.

Thế nhưng, nhiều học sinh chưa có ý thức cao trong việc tự học, còn hạn chế khi tham gia thảo luận nhóm. Trong một nhóm từ 5 - 7 em, nhưng chỉ một vài em có ý thức học, biết hợp tác, các em khác còn thiếu tập trung...”.

Cũng vấn đề này, ông Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “Mô hình VNEN là bước chuyển tiếp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. [2]

Khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai đồng bộ và toàn diện thì mô hình VNEN sẽ được lồng ghép một số phương pháp dạy học vào chương trình mới. Các trường dựa vào tình hình thực tế của địa phương để có quyết định tiếp tục giảng dạy theo mô hình VNEN hay xin dừng thực hiện”.

Như vậy, qua những chia sẻ của cán bộ, giáo viên, học sinh ở nơi đang giảng dạy mô hình trường học mới VNEN thì chúng ta thấy rõ được những khó khăn và áp lực mà thầy trò các nhà trường đang phải đối mặt.

Nhưng, cũng từ chia sẻ của vị Giám đốc Sở Giáo dục và một số lãnh đạo ngành giáo dục đã nói lâu nay, cùng với thực tế mà các địa phương đang tập huấn đại trà cho giáo viên thì bóng dáng VNEN đã đang hiện hữu rất rõ nét trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chương trình 2018 sẽ kế thừa các hoạt động dạy học và phương pháp dạy của VNEN

Hiện nay, đa phần giáo viên phổ thông đã và đang tự bồi dưỡng trực tuyến và tập huấn trực tiếp modul thứ 2 của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ở mỗi modul đều có phần bài tập bắt buộc các nhà trường phải thực hiện nhóm là soạn giáo án. Nếu như modul1 là mục tiêu bài học thì modul 2 là phương pháp dạy học.

Điều mà giáo viên nào cũng đang chứng kiến là trong 5 hoạt động dạy học của chương trình mới được kế thừa nguyên vẹn từ VNEN.

Các phương pháp dạy học mà giáo viên đang được tập huấn cũng được lấy từ VNEN sang, cộng thêm một số phương pháp truyền thống nữa.

Chính vì thế, cho dù là các trường học đã bỏ hoặc chưa bao giờ dạy VNEN thì khi dạy chương trình giáo dục 2018 cũng bắt buộc phải trải qua các hoạt động dạy học như VNEN và các phương pháp dạy học cũng được kế thừa từ VNEN.

Vậy nên, dù muốn, dù không thì giáo viên sẽ phải làm quen và thực hiện dạy học theo phương pháp VNEN mà đúng ra là mấy năm qua thi lãnh đạo ngành đã định hướng và thực hiện ở các tiết thao giảng hội đồng bộ môn và các kỳ thi giáo viên giỏi các cấp.

Và bây giờ, các hoạt động dạy học, phương pháp dạy học VNEN sẽ được áp dụng rộng rãi trên tất cả các trường học, các cấp học với một cái tên hoàn toàn mới là chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Vì thế, dù các địa phương, nhà trường, giáo viên đã từng phản đối, đã từng từ bỏ, đã từng phê phán thì tới đây VNEN đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới nên không thể nào “thoát” VNEN được!

Tài liệu tham khảo:

[1]http://thaithuy.edu.vn/cong-van-van-ban/van-ban-trung-uong/cv-4068-bgddt-gdtrh-cua-bo-gd-dt-ve-trien-khai-mo-hinh-truon.html

[2]http://baoquangngai.vn/channel/2027/202012/cac-truong-mien-nui-gap-kho-voi-mo-hinh-vnen-3036006/

KIM OANH