Số phận pháp lý của người sử dụng văn bằng 2 Đông Đô sẽ như thế nào?

27/12/2020 06:20
Lại Cường
GDVN- Người có văn bằng 2 ngôn ngữ Anh ở Đại học Đông Đô có thể mang 2 thân phận pháp lý khác nhau.

Vụ việc văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Đông Đô đang thu hút sự chú ý của xã hội.

Việc công khai danh tính của các cá nhân liên quan đến việc sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, số phận pháp lý của những người sở hữu văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh của Đại học Đông Đô sẽ được xác định như thế nào.

Lấy bằng giả ở Đông Đô để tiến thân có thể sẽ phải xử lý hình sự.

Lấy bằng giả ở Đông Đô để tiến thân có thể sẽ phải xử lý hình sự.

Có phải tất cả những người đã sở hữu văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh của Đại học Đông Đô đều chịu chung một số phận pháp lý khi sử dụng văn bằng này?.Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng:

"Về địa vị pháp lý, cần phân loại các học viên và làm rõ địa vị pháp lý của họ trong vụ án. Có thể khởi tố thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với hành vi gian dối, chiếm đoạt hơn 24 tỷ đồng của học viên.

Trong vụ án này, đối với các học viên và những bằng cấp đã được cấp ra từ trường này thì phải phân làm 2 nhóm: Nhóm học thật, thi thật (bị lừa dối chiếm đoạt tài sản) và nhóm bỏ tiền ra “mua” bằng.

Nhóm thứ nhất là 3527 học viên đã tham gia theo học của cơ sở đào tạo này và đã nộp tiền với số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Trường đại học Đông Đô đã ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo.

Trong đó có 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, thu về số tiền hơn 24,2 tỉ đồng.

Việc hàng ngàn học viên đăng ký thi tuyển sinh và tham gia theo học, nộp tiền cho trường này bởi những thông tin gian dối về việc được phép đào tạo, tuyển sinh trái phép của trường.

Những học viên này hoàn toàn không có lỗi, họ không hề biết trường này không được phép đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh nên đã đăng ký theo học và nộp tiền, họ là những người “bị hại”, bị các đối tượng đã gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Đến nay những người này vẫn chưa nhận lại được tiền, cũng không được cấp bằng.

Với nhóm học viên này và với hành vi của các đối tượng thì cơ quan điều tra cần phải xem xét làm rõ và có thể xử lý thêm các đối tượng đã gian dối chiếm đoạt tiền của các học viên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

Với những người đã có đăng ký tuyển sinh, có đào tạo, có thi thật đã có bằng của Trường Đại học Đông Đô thì cần có những giải pháp bổ sung để đánh giá khác quan và ghi nhận năng lực trình độ của những người này nếu đạt.

Bản thân họ là những người học phật. thi thật nên cần phải được xem xét để đảm bảo quyền lợi".

Xử lý thế nào với những người sử dụng văn bằng 2 trái luật của Đại học Đông Đô?. Ảnh: Vũ Phương
Xử lý thế nào với những người sử dụng văn bằng 2 trái luật của Đại học Đông Đô?. Ảnh: Vũ Phương

Theo tài liệu của Cơ quan an ninh điều tra, cơ quan chức năng đã xác định các bị can trong vụ án đã cấp 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh văn bằng 2 của Trường Đại học Đông Đô. Cơ quan chức năng đã tìm được 217 cá nhân có thông tin để xác minh (trong đó một người đã chết).

Trong số này, 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp.

Nói về các trường hợp này, luật sư Đặng Văn Cường, cho biết: "Mặc dù những tấm bằng đó là phôi thật, chữ ký thật, con dấu thật nhưng bằng cấp này không ghi nhận đúng trình độ năng lực của học viên nên bằng này giả về mặt nội dung.

Những người nhận tấm bằng này phải biết rằng tấm bằng được cấp ra không đúng quy định của pháp luật và phải nhận thức được đây là bằng giả.

Trường hợp nào nhận thức được là bằng giả nhưng vẫn sử dụng thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan tổ chức.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa 13:

“Cần nghiêm trị những người đang cố tình làm sai, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục như ở Đại học Đông Đô để vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục đối với những trường hợp khác”.

Vấn đề này, cơ quan điều tra cần chứng minh bằng chứng cứ trên cơ sở lý luận về luật hình sự.

Cụ thể, điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm...”.

Trong trường hợp chứng minh được có hành vi sử dụng tài liệu con dấu giả đến mức phải xử lý hình sự thì có thể xem xét xử lý hình sự đối với những người này theo Điều 341 Bộ luật hình sự

Còn trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi sử dụng tài liệu con dấu giả đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng sẽ đề nghị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật và thu hồi hủy bỏ những tấm bằng cấp trái pháp luật này.

Bởi vậy, việc xác minh làm rõ những đã không đi học mà nhận bằng là ai là điều cần thiết để xem xét xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự.

Cơ quan tố tụng cần làm rõ những ai đã được cấp bằng vã và đã sử dụng bằng giả để xem xét trách nhiệm pháp lý sẽ xử lý hình sự hay xử phạt hành chính ?

Trong trường hợp vì trật tự an toàn công cộng thì mới có thể công khai danh tính.

Còn trường hợp không công khai danh tính một cách rộng rãi thì cũng cần thông báo đến cơ quan chức năng để phòng ngừa việc sử dụng bằng cấp giả”

Lại Cường