Giáo dục phải là vũ khí để hiện thực hoá khát vọng của một dân tộc

28/12/2020 09:06
Thanh Sơn
GDVN- Cần phải nhập hệ thống giáo dục nghề về dưới cơ quản quản lý đúng nghĩa của nó là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm mới 2021 cận kề, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có dịp lắng nghe chia sẻ của chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền – thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA) về kỳ vọng đối với ngành giáo dục Việt Nam 2021.

Điểm nhấn của ngành giáo dục trong năm 2020

Theo ông Nguyễn Sóng Hiền nhìn nhận, năm 2020, với biến cố của đại dịch Covid-19 đã gây ra cho thế giới nhiều thách thức và trở ngại cho hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đầy khó khăn như vậy nhưng Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh chính trị, tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén với thời cuộc để đưa ra những quyết sách hiệu quả giúp Việt Nam vẫn duy trì tốt trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, y tế, văn hóa, và giáo dục.

Điểm lại một năm qua, mặc dù sự ảnh hưởng nghiệm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng ngành giáo dục Việt Nam bên cạnh những khó khăn thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng với tinh thần cầu thị của đội ngũ lãnh đạo ngành, sự nỗ lực không mệt mỏi của tập thể nhà giáo, học sinh, sinh viên nền giáo dục Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực và tạo được những điểm nhấn quan trọng tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - Thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA (ảnh: NVCC)

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - Thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA (ảnh: NVCC)

Năm 2020 là năm đầu tiên thực thi chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực ở lớp 1. Đây có thể xem là năm bản lề cho việc triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới vì vậy nó đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam thực thi một chương trình chung nhưng có tới 5 bộ sách giáo khoa được ban hành và đưa vào giảng dạy.

Năm 2020 cũng là năm đầu tiên thực thi Luật giáo dục sửa đổi được ban hành vào 06/2019. Nhiều điểm mới mang tính đột phá để tạo bước chuyển biến về chất trong quản trị giáo dục, quản lý nhà trường, đào tạo giáo viên, đánh giá và xếp loại, cũng như xây dựng chương trình và tổ chức dạy học trong toàn bộ hệ thống giáo dục theo hướng tiếp cận với các nền giáo dục tiến bộ trên thế giới.

Chúng ta cũng đã thích ứng và cập nhật nhanh chóng các tiêu chuẩn giáo dục của quốc tế và vận dụng một cách sáng tạo trong bối cảnh Việt Nam.

“Đặc biệt chúng ta đã cởi trói cho giáo dục đại học khi Luật giáo dục đại học 2018 và Nghị định 99 đã nhấn mạnh đến chính sách tự chủ đại học. Chính cải cách đúng đắn này đã giúp nhiều trường đại học tự khẳng định được vị thế mình không chỉ trong nước mà ở tầm khu vực và quốc tế.

Có thể thấy rõ qua việc nhiều trường đại học Việt Nam đã có sự bứt phá trong việc thăng hạng trong bảng xếp hạng thế giới về uy tín và chất lượng giáo dục như 2 Đại học Quốc gia, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đều nằm trong top 1000 trường đại học tốt nhất thế giới do Times Higher Education (THE) công bố vào tháng 09/2020”, ông Hiền nhấn mạnh.”,

Thách thức đối với giáo dục Việt Nam trong năm 2021

Những gì mà ngành giáo dục Việt Nam đạt được trong năm qua là hoàn toàn đáng được ghi nhận nhưng với những diễn biến phức tạp của đại dịch cũng như sự bất ổn của tình hình thế giới, không chỉ giáo dục Việt Nam mà giáo dục ở các quốc gia khác trên thế giới cũng đang đối diện nhiều thách thức.

Với bối cảnh trong nước hiện nay, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, thách thức đầu tiên và quan trọng nhất đó là thực thi hiệu quả công cuộc đổi mới “căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. “Đổi mới căn bản và toàn diện” phải hiểu cho đúng bản chất của nó là đổi mới một cách triệt để, đổi mới từ gốc. Đó là chúng ta phải đổi mới lại mục tiêu, nguyên lý, tầm nhìn và triết lý của nền giáo dục đó.

Giáo dục phải là vũ khí để hiện thực hoá khát vọng của một dân tộc. Chúng ta đang hướng tới để trở thành một quốc gia hùng cường, một cường quốc công nghệ số trong 10 hay 20 năm thì chúng ta phải cần đến một nguồn nhân lực phù hợp để hiện thực hóa khát vọng đó.

Với công cuộc đổi mới nhưng chúng ta vẫn sử dụng những con người tư duy đã cũ thì liệu chúng ta kỳ vọng được những thay đổi gì?

Thách thức thứ hai đó là nhận thức và năng lực của đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên và giảng viên đối với công cuộc đổi mới giáo dục. Mặc dù, chúng ta có một lực lượng hùng hầu đội ngũ cán bộ quán lý, giáo viên cũng như giảng viên.

Tuy nhiên, do chất lượng đào tạo sư phạm của chúng ta trong một thời gian dài chậm thay đổi và thích nghi với các quy chuẩn quốc tế nên thực tế đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và giảng viên chúng ta so với mặt bằng chung với các quốc gia có nền giáo dục phát triển khác còn nhiều bất cập.

Sự hạn chế về năng lực sử dụng ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh và công nghệ thông tin dẫn tới hạn chế của đội ngũ cán bộ, giáo viên và giảng viên ngành giáo dục trong việc tiếp cận và cập nhật tri thức mới của thế giới.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên và giảng viên chúng ta nhiều thầy cô vẫn còn nặng về tư duy dạy học cũ tức là lấy sách giáo khoa làm chỗ dựa cho việc truyền dạy của mình.

Trong khi đó, nhiều cán bộ quản lý giáo dục còn nặng về quản lý theo hành chính mệnh lệnh, thiếu sự linh hoạt và đổi mới trong quản trị giáo dục và quản lý nhà trường.

Đặc biệt đối với các cấp học phổ thông thì có tình trạng hiệu trưởng còn lạm quyền, không phát huy tinh thần dân chủ trường học thể hiện rõ qua việc thời gian qua nhiều khiếu kiện trong hoạt động ở các trường học giữa giáo viên và hiệu trưởng.

Thách thức thứ ba đối với giáo dục Việt Nam là thực thi chủ trương tự chủ trong giáo dục. Chúng ta đã duy trì quá lâu hệ thống chằng chịt các cơ quan chủ quản. Một nền giáo dục tự chủ không bao giờ có thể phát huy tối đa hiệu quả của nó nếu như nó không được phép quyết định về yếu tố con người. Đặc biệt đối với giáo dục đại học.

Sự tồn tại của các cơ quan chủ quản là một sản phẩm của nền giáo dục bao cấp nhằm để phục vụ nhu cầu cho nguồn nhân lực của một ngành nào đó. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế giới nhu cầu nhân lực không còn phục vụ cho một lĩnh vực hay một ngành địa phương nào đó mà hướng tới phục vụ cho nhu cầu đa dạng của xã hội, hướng tới cho xuất khẩu giáo dục.

Vì vậy, mô hình cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục sẽ là rào cản lớn trong thực thi tự chủ trong giáo dục.

Thách thức thứ 4 là tâm lý xã hội còn coi nhẹ giáo dục nghề nghiệp. Không có quốc gia phát triển nào hệ thống giáo dục dạy nghề lại trực thuộc một cơ quản chủ quản không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong xã hội hiện đại, giáo dục nghề nghiệp phải đóng một vai trò nòng cốt để cung cấp nguồn nhân lực tay nghề cao cho mục tiêu hiện đại hoá công nghiệp hoá của quốc gia. Chính Nhật bản và Singapore là hình mẫu của nền giáo dục chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực kỷ thuật cao trong những thập niên giữa thế kỷ 20 để rồi họ sớm trở thành một trong những cường quốc kinh tế thế giới.

Giáo dục nghề nghiệp được họ chú trọng ngay bậc trung học cơ sở và qua bậc trung học phổ thông đã cấu trúc thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với đa dạng lĩnh vực.

Thách thức thứ 5 là sự quản lý chồng chéo đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Mặc dù giáo dục nghề nghiệp được quy định trong luật là một phần của hệ thống giáo dục quốc dân nhưng trong thực tế nó lại được quản lý bởi một cơ quan chủ quản khác đó là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Không những thế các trường trung cấp, cao đẳng trong hệ thống này lại được quản lý chằng chịt bởi nhiều bộ ngành và địa phương.

Mới đây hệ thống giáo dục nghề lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép dạy văn hoá trong các trường nghề như vậy học sinh và sinh viên nghề lại vừa dưới sự quản lý của Bộ giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Điều này dẫn tới hệ quả là học sinh, sinh viên nghề sẻ phải gánh những áp lực không hề nhỏ trong thời gian học của mình.

“Như tôi đã nhiều lần đề xuất cần phải xoá bỏ các cơ quan chủ quản khỏi các cơ sở giáo dục để các trường có thể chủ động và tự chủ trong thực thi sứ mệnh của mình. Thứ hai phải nhập hệ thống giáo dục nghề về dưới cơ quản quản lý đúng nghĩa của nó là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thứ ba là phải cấu trúc lại hệ thống trung học phổ thông theo hướng đa lĩnh vực đặc biệt nhấn mạnh đến lĩnh vực công nghệ số chứ không nên duy trì mô hình đơn nhất như hiện nay”, vị này nói.

Cơ hội cho Việt Nam để trở thành nền kinh tế phát triển trong kỷ nguyên số

Cũng theo ông Hiền, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được mục tiêu trở thành cường quốc kinh tế số trong thế kỷ 21 giáo dục đóng vai trò tiên quyết.

Tuy nhiên, để có thể bứt phá và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ đối với nền giáo dục Việt Nam điều quan trọng nhất cần phải thay đổi nhận thức và tư duy của đội ngũ lãnh đạo ngành giáo dục từ cơ quan chủ quản đến các đội ngũ quản lý và giáo viên ở các trường học địa phương. Họ phải thật sự hiểu rõ sứ mệnh và vai trò của mình trong công cuộc đổi mới đầy thách thức nhưng vinh quang này.

Dân tộc Việt Nam không thể trở thành nên kinh tế phát triển, hay cường quốc công nghệ số bằng những lời hô hào mà phải hiện thực hoá qua hành động cụ thể, bằng các hoạch định và sách lược cụ thể.

Một trong những sách lược đầu tiên và quan trọng nhất đó chính là phải tạo ra được một cuộc cách mạng triệt để đối với nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Trong sự phát triển nhanh chóng như vũ bão này, cơ hội chỉ dành cho những người tiên phong.

Những cá nhân nào không đủ bản lĩnh, ngại đổi mới và tư tưởng còn bảo thủ hoặc xin cáo lui hoặc chúng ta buộc phải loại ra khỏi cỗ máy để không lỡ kịp cho khát vọng dân tộc hùng cường và cường quốc công nghệ số trong thập niên 2045.

Thanh Sơn