Chuyên gia mong Chính phủ sẽ có tổng kết về thí điểm tự chủ đại học

07/02/2021 06:00
Thùy Linh
GDVN- Năm 2021, chuyện tự chủ sẽ tiếp tục còn nóng, nhất là chúng ta chờ đợi hội nghị tổng kết Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm tự chủ.

Năm 2020, chúng ta chứng kiến một số chuyển động rất đáng mừng của giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Hiệp – Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edlab Asia, những chuyển động này sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn cho giáo dục đại học nếu như năm 2021 chúng ta giải quyết được 3 vấn đề lớn.

Trước tiên, phải khẳng định rằng, năm 2021 là năm mà chúng ta tiếp tục triển khai những đầu việc đã được vạch ra trong lộ trình của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, ví như câu chuyện tự chủ sẽ tiếp tục còn nóng, nhất là chúng ta chờ đợi hội nghị tổng kết Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Bởi lẽ, năm 2020 đã hết mà Nghị quyết 77 sẽ hết hiệu lực, bản thân những người quan tâm giáo dục đại học rất mong chờ là Chính phủ sẽ tổng kết ý nghĩa thực tiễn về vấn đề tự chủ cái gì đạt được, cái gì còn vướng mắc.

Và vừa qua, tại hội thảo VEC 2020, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn có kiến nghị với Chính phủ là thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo là thường trực.

“Theo tôi, kiến nghị đó là ý tưởng rất quan trọng vì hiện nay các trường thí điểm tự chủ gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện cứ phải chờ hội thảo, tọa đàm thì mới có thể kêu hoặc qua kênh riêng lẻ nhưng nếu có Ban chỉ đạo tức là có bộ máy cấp cao thường trực cho việc này thì rất đáng mừng.

Rõ ràng, tự chủ là nút thắt để nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam nhưng làm sao triển khai cho thuận lợi, cho tốt thì vẫn cần giao tiếp một cách nhanh chóng và liên tục giữa các trường và cơ quan quản lý nhà nước cũng như giữa các trường với nhau”, Tiến sĩ Phạm Hiệp nhận định.

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, giới quan tâm giáo dục đại học mong năm 2021 Chính phủ sẽ tổng kết về tự chủ đại học (ảnh: Thanh Hùng)

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, giới quan tâm giáo dục đại học mong năm 2021 Chính phủ sẽ tổng kết về tự chủ đại học (ảnh: Thanh Hùng)

Đặc biệt, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình. Dù hiện nay, nguyên lý, nguyên tắc hay lộ trình về trách nhiệm giải trình đã được thể hiện trong Luật nhưng giờ quy định rõ hơn hơn. .

Kèm theo quy định rõ ràng về tự chủ thì vấn đề cấp ngân sách cho giáo dục đại học sẽ thay đổi như thế nào vì hiện nay ở góc độ quốc gia thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về đầu tư cho giáo dục đại học.

Chuyên gia giáo dục này đưa ra ví dụ, cứ theo Nghị quyết 77 thì cơ sở giáo dục đại học công lập khi thực hiện thí điểm tự chủ sẽ bị cắt chi thường xuyên nhưng thay vào đó là được cấp ngân sách theo nhiệm vụ, dự án. Tuy nhiên nhiệm vụ, dự án cụ thể

Nhìn vào báo cáo của World Bank cho thấy ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục đại học ở Việt Nam rất thấp chỉ 0,33% GDP, từ con số này, Tiến sĩ Hiệp đề xuất cần tìm ra nguyên nhân vì sao thấp: do chúng ta chi thấp thật hay tính toán chưa đầy đủ, mức thấp đó chi theo thường xuyên hay dự án, nhiệm vụ… ?

Đặc biệt, do tình hình dịch Covid-19, tháng 11/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có báo cáo Chính phủ đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86, giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học đối với năm học 2021-2022. Như vậy đối với các trường thực hiện tự chủ trong đó có vấn đề thu học phí theo Nghị quyết 77 thì năm 2021-2022 sẽ thu như thế nào?

Hai là, năm qua cho thấy sự tham gia tích cực, năng động của các trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học và xếp hạng đại học.

Cách đây chỉ 3-5 năm thôi, không ai dám nghĩ chúng ta có nhiều trường có mặt trong các bảng xếp hạng trong khu vực và quốc tế nhưng năm 2020 với sự tham gia tích cực của các trường tự chủ, trường tư thục như Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học Duy Tân … cũng như sự quan tâm nhiều hơn của trường công truyền thống như 2 Đại học Quốc gia, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng… cho thấy nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế và xếp hạng đại học tuy khó nhưng không phải việc quá xa vời với chúng ta nữa.

Những nhà nghiên cứu khoa học có kết quả nghiên cứu khoa học tốt, đạt trình độ quốc tế có nhiều cơ hội hơn trong nhà trường và được xã hội chú ý hơn. Bây giờ làm sao tiếp tục theo đà này để tập trung, đẩy mạnh thành đột phá trong hoạt động của các trường đại học gắn với đó là vai trò của nhóm nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu là thiết chế mới ở các trường đại học, cần được vận hành ra sao, và được luật hóa thế này thì hiện nay chưa có văn bản pháp quy quy định về chuyện này dù các bộ đang dự thảo quy định nhưng chúng tôi cũng chờ các văn bản đó để thuận tiện thực hiện.

Còn về vấn đề xếp hạng đại học, dù thời gian qua có những ý kiến trái chiều nhưng các trường đều hiểu xếp hạng đại học là máy đo sức khỏe của trường đại học và hiện nay có nhiều bảng xếp hạng, cách đây 3- 4 năm thì chỉ nói đến bảng xếp hạng ARWU, THE, QS nhưng giờ thì có rất nhiều, do đó việc bản thân lựa chọn bảng xếp hạng nào là việc cân nhắc của các trường và quyết tâm chú trọng các các chỉ số đó để thay đổi chiến lược của mình.

Thậm chí liệu Chính phủ nước ta có làm giống như Malaysia là thống nhất cả nước chọn một bảng xếp hạng cho toàn hệ thống giáo dục đại học cũng là một vấn đề đặt ra (QS) hay cứ mạnh ai nấy làm như hiện nay?

Ba là, Elearning hay Edtech- công nghệ giáo dục đặt trong bối cảnh Covid-19, năm 2020 các trường đại học vô hình chung trở thành “phòng thí nghiệm lớn” của Edtech vì bắt buộc phải dùng e-learning một cách bị động. Trong bối cảnh đó nhiều trường nhìn ra vai trò của Edtech và cũng mạnh dạn áp dụng bài bản hơn, triệt để hơn.

Nên ngay cả khi Covid đã được kiểm soát tương đối thì một số trường vấn tiếp tục đầu tư, làm mạnh hơn về vấn đề Edtech trong đó Elearning – cái này phù hợp với chiến lược chung của cả nước trong quá trình chuyển đổi số. Vì chuyển đổi số trong giáo dục chính là Edtech, chúng ta chờ đợi xem các trường tham gia Edtech như thế nào.

“Theo quan sát của cá nhân tôi thì rõ ràng có sự khác biệt giữa các trường trong áp dụng Edtech, có trường đi vào nghiên cứu sâu, đầu tư bài bản, có cơ sở hạ tầng tốt. Lại có trường mới chỉ áp dụng Edtech ở mức sơ khởi, loay hoay, vẫn dùng zoom bản miễn phí để mà 40 phút phải out ra một lần”, chuyên gia giáo dục Phạm Hiệp đánh giá.

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, trên đây là 3 vấn đề vĩ mô nhưng khi có điều tiết cục bộ thì sẽ có tác dụng lâu dài đối với giáo dục đại học.

Thùy Linh