Không trình báo, người có bằng 2 tiếng Anh Đông Đô đối diện vấn đề pháp lý gì?

07/01/2021 07:30
Trung Dũng
GDVN- Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon đã có một số phân tích về vụ việc văn bằng 2 tiếng Anh Trường Đại học Đông Đô.

Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đang điều tra vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô.

Kết quả điều tra bước đầu xác định Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh cho nhiều cá nhân không đúng quy định.

Để phục vụ công tác điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an thông báo và đề nghị:

1: Các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh, nếu có sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy - văn bằng 2 do Trường đại học Đông Đô cấp thì thông báo ngay bằng văn bản để phục vụ công tác điều tra vụ án.

2: Riêng các cá nhân đã được Trường đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy - văn bằng 2 liên hệ với Cơ quan an ninh điều tra để trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra.

Để đảm bảo thời hạn điều tra vụ án, cơ quan an ninh điều tra đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu trước ngày 15/1/2021 [1].

Trường đại học Đông Đô – nơi xảy ra những lùm xùm về bằng cấp trong thời gian vừa qua (ảnh: Trung Dũng)

Trường đại học Đông Đô – nơi xảy ra những lùm xùm về bằng cấp trong thời gian vừa qua (ảnh: Trung Dũng)

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, ngoài việc một số cá nhân chưa tiếp cận được với thông báo này của cơ quan an ninh điều tra thì rất có thể vì một lý do nào đó mà có trường hợp né tránh hoặc cố tình không ra khai báo với cơ quan chức năng.

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội và được trả lời như sau:

Điều 168, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự thì những trường hợp không chấp hành mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 383, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định việc xử lý đối với hành vi từ chối cung cấp tài liệu của người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa.

Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu thì sẽ được áp dụng các hình thức xử phạt dưới đây:

1. Người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nếu những người đang sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô mà không hợp tác, cố tình trốn tránh nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra mà Cơ quan điều tra xác định họ là người làm chứng của vụ án thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 383 Bộ luật Hình sự.

Nếu xác định họ với vai trò là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc bị can, bị cáo trong vụ án thì hiện chưa có chế tài xử lý trong trường hợp không cung cấp hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật vì điều 383 của Bộ luật này chỉ giới hạn trong một số trường hợp.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. (ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. (ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi về việc, nếu trong trường hợp sau khi cơ quan chức năng đã ra quyết định cuối cùng rằng những văn bằng ấy là giả mà các cá nhân vẫn dùng nó để xin việc công chức hoặc để bổ nhiệm chức vụ cao hơn thì bị xử lý như thế nào, được Luật sư Long viện dẫn như sau:

Nếu có đầy đủ căn cứ những người này sử dụng bằng giả để nâng, thi tuyển công chức, viên chức hoặc để bổ nhiệm vị trí làm việc thì có thể xử lý hình sự theo điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được quy định như dưới đây:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội có tổ chức, phạm tội tử 2 lần trở lên, làm từ 2 - 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác... thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm: Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên. Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.

Như vậy, người sử dụng bằng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ vi phạm của hành vi cũng như mục đích sử dụng, có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Còn đối với các hành vi chưa tới mức xử lý hình sự có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 138 của Chính phủ ngày 22/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bo-cong-an-de-nghi-co-quan-co-can-bo-su-dung-bang-2-tieng-anh-dong-do-trinh-bao-post214535.gd

Trung Dũng