Cô giáo trường làng khơi dậy niềm đam mê Lịch sử cho học trò

20/01/2021 06:30
Trung Dũng
GDVN- Bằng cách dạy học sinh "không giống ai", cô giáo Phan Thị Hiến (Bắc Giang) đã giúp học trò có phương pháp học tập môn Lịch sử hiệu quả.

Hành trình đến với đam mê

Có một thực tế là những năm gần đây, điểm thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học môn Lịch sử không cao. Ðiều đó đã làm dư luận ngày càng quan tâm và lo lắng cho việc bộ môn này đang ngày càng bị thờ ơ.

Ấy vậy mà ở một ngôi trường miền núi của tỉnh Bắc Giang, có một cô giáo vẫn hàng ngày bằng niềm đam mê bất tận với môn Lịch sử đang cố gắng đem những phương pháp học dễ hiểu nhất để khơi gợi trong các em học sinh tình yêu với môn học này.

Đó là cô giáo Phan Thị Hiến (sinh năm 1982) hiện là giáo viên bộ môn Lịch sử của trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Chính thức bước chân vào nghề “gõ đầu trẻ” từ năm 25 tuổi, và có thời gian hơn 5 năm công tác tại trường Lý Thường Kiệt, cô được Ban giám hiệu tin tưởng giao cho trọng trách làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử.

Trò chuyện với chúng tôi với giọng điệu nhỏ nhẹ nhưng đầy sức hút, cô Hiến kể: “Xuất phát từ tình yêu nghề, ước mơ từ nhỏ là được đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức cho các học sinh, bởi môn Lịch sử ngày càng bị coi nhẹ, đa số các học sinh không mấy mặn mà.

Từ ước mơ này cô đã nhất quyết thi vào ngành sư phạm, muốn sau này góp một phần sức mình thay đổi cách nghĩ của các em về môn học này.

Cái khó của bộ môn này chính là việc học sinh không mấy đam mê, bởi còn nhiều bộ môn khác có sức hút hơn.

Việc các em không được chứng kiến bằng mắt, bằng hiện thực trong các bài học nên để tái hiện lại cho các em có thể hình dung đã là điều khó khăn chứ chưa nói đến việc cho các em chăm chú và say mê với nó.

Vì vậy, việc truyền thụ kiến thức lịch sử cho các em là điều hết sức khó khăn, thậm chí có trường hợp các em rất thích nghe giảng nhưng khi hỏi lại các em có thể hiểu và ghi nhớ các dữ kiện trong tiến trình lịch sử hay không thì các em lại không làm được.

Trong phạm trù của môn Lịch sử, ngoài phần lịch sử thế giới còn phần lịch sử Việt Nam mà các thế hệ học trò hiện nay không nắm bắt hết được lịch sử của ông cha ta xưa thì thật là nguy hiểm”.

Cô giáo Phan Thị Hiến với giáo án dạy Sử “không giống ai”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô giáo Phan Thị Hiến với giáo án dạy Sử “không giống ai”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Được biết, cô Hiến vốn xuất thân trong một gia đình không có ai theo nghiệp sư phạm.

Thời điểm cô bước chân vào đại học với con đường sau này sẽ làm giáo viên là lúc bố mẹ cô thấy thương và lo lắng cho cô gái bé nhỏ.

Mọi quyết định của cô đều được bố mẹ tôn trọng và hết lòng ủng hộ, nhưng nghĩ đến việc sau này ra trường làm giáo viên đã khó, lại là giáo viên của môn học mà không mấy học sinh đam mê thì không biết tiền lương có đủ để trang trải cuộc sống hay không.

Niềm đam mê của con gái mình có vượt qua được gánh nặng của cơm, áo, gạo, tiền hay không.

Chia sẻ về kinh nghiệm dạy học cô Hiến bày tỏ: “Bản thân là một giáo viên giảng dạy môn Lịch sử tôi thấy rằng, nếu biết cách tiếp cận thì bộ môn này rất hay và kiến thức về nó không thể nào có thể khám phá được hết.

Đây cũng là điều thôi thúc tính tò mò và khiến cho tôi hăng say đi theo nghề từ lúc nào không hay.

Vì thế, để khuyến khích được tinh thần học hỏi của các bạn thì yếu tố đầu tiên là bản thân người học đó cũng phải yêu thích bộ môn này, khi ấy việc truyền thụ mới có hiệu quả.

Còn nếu học sinh chỉ học để mong muốn đủ điểm qua môn hay đạt điều kiện công nhận tốt nghiệp thì việc học Lịch sử chỉ giống như cái máy.

Sau mỗi kỳ thi, chúng tôi lại tìm thấy những học sinh đạt thành tích cao trong bộ môn này, điều này cho thấy rằng môn Lịch sử vẫn còn sức sống mãnh liệt trong bất cứ môi trường sư phạm nào.

Căn bản là việc định hướng học và việc truyền thụ nó tới học sinh ở nhiều nơi chưa thật đúng đắn khiến cho tầm quan trọng của bộ môn này trong bậc học Trung học phổ thông đang bị coi nhẹ.

Nếu bản thân học sinh đó có hứng thú, say mê với bộ môn đó thì các em cũng sẵn sàng tự mày mò, tìm hiểu về bản chất những sự kiện mà cô giáo dạy.

Thậm chí có một số vấn đề, các học sinh tự tìm hiểu và thể hiện sự hiểu biết sâu hơn cả kiến thức mình có. Đó chính là thành công của mình trong việc đánh thức được niềm đam mê lịch sử trong các em”.

Cô Phan Thị Hiến (bên phải) thường xuyên tham gia các cuộc thi khác và đạt nhiều thành tích. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Phan Thị Hiến (bên phải) thường xuyên tham gia các cuộc thi khác và đạt nhiều thành tích. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phương pháp dạy “không giống ai”

Cô Hiến chia sẻ thêm: “Việc thay đổi linh hoạt các phương pháp giảng dạy để làm sao tiếp cận tốt nhất đến từng học sinh là điều vô cùng cần thiết.

Hiểu đơn giản là trong một tiết học hay một bài dạy mình cần tạo ra một bài giảng có tính khác biệt, đổi mới để các em không cảm thấy bị nhàm chán.

Có thể đó là cách vào đề như thế nào, hướng dẫn học sinh tìm hiểu ra sao. Nghĩa là trong bản thân mình cũng phải tư duy đến 4 - 5 cách giảng dạy.

Có thể mình quan sát trong những tiết dạy ban đầu, nếu không khơi gợi được sự hứng thú của các em học sinh thì những tiết sau mình cần phải thay đổi ngay phương án khác”.

Vì số lượng tiết dạy được phân bổ cũng không nhiều, cô phải dạy rất nhiều lớp trong một khối.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhà trường cũng còn hạn chế, một số lớp có thể được học trên tivi để thấy được trực quan và các bạn dễ tiếp thu hơn.

Nhưng cũng có lớp chưa đầy đủ điều kiện học tập nên cũng rất khó để cô triển khai đồng bộ các biện pháp giảng dạy theo ý muốn của mình.

Vì thế, có những học sinh chính cô đã bỏ ra bao nhiêu tâm huyết, dạy mãi nhưng mà các bạn vẫn không tiếp thu được, nhiều bạn khi kiểm tra còn không làm được bài.

Chuyện điểm số chỉ là một chuyện, nhưng những lúc như vậy, cô Hiến cảm thấy tủi thân, muốn khóc vì mình đã cố gắng dồn hết tâm sức mà mọi kết quả cứ như đổ sông, đổ biển.

“Có những bạn mình phải áp dụng những cách giảng dạy riêng biệt, đặc biệt là việc ghi nhớ các mốc thời gian bằng việc cho các em liên hệ đến các ngày mà các em có thể dễ ghi nhớ, nhiều lúc hài hước mình còn gợi ý đến các ngày đặc biệt như sinh nhật, ngày cưới bố mẹ… thậm chí là ngày chia tay người yêu, nếu nó trùng với các mốc thời gian trong lịch sử thì mình cũng có thể vận dụng vào, chỉ cần nhớ mốc năm nữa là xong xuôi.

Cái nghiệp làm giáo viên dạy Sử đến với mình cũng lạ kỳ. Những tưởng sau này mình sẽ trở thành giáo viên dạy Văn, nhưng đến giờ chính mình cũng không hiểu được tại sao, khi bước vào con đường đại học mình lại rẽ sang con đường làm giáo viên dạy môn Sử.

Cũng có thể lúc ấy còn trẻ mình muốn chuyển sang một lĩnh vực khác để thử thách chính mình, cho dù thời điểm mình thi vào đại học thì điểm chuẩn của môn Lịch sử còn cao hơn các môn khác. Đến bây giờ mình vẫn không hối hận về sự lựa chọn mạnh dạn ngày ấy” – cô Hiến bày tỏ.

Được biết, từ khi được nhà trường phân công nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử thì hầu như năm nào cô cũng có học sinh đạt thành tích cao. Trong năm học 2019 – 2020 vừa qua, cô có học sinh đạt giải nhì cấp tỉnh môn Lịch sử.

Ngoài ra, cô cũng hăng hái tham gia các cuộc thi viết về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và nhận được giấy khen của chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện.

Bên cạnh đó, trong cuộc thi “an toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” do Bộ Giáo dục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cô cũng may mắn đạt được giải ba.

Trung Dũng