Bí kíp phân công giáo viên trực Tết dù không có tiền cũng không ai bắt bẻ

26/01/2021 06:30
Sơn Quang Huyến
GDVN- Ngay từ ngày tựu trường đầu tiên đã thực hiện chấm công, bảng chấm công công khai ngay phòng nghỉ giáo viên, nhân viên, có tổng kết hàng tuần, hàng tháng.

Có thể nói, những bài viết phản ánh về chế độ của giáo viên nhận được số lượng bình luận và số lượt thích rất lớn, thể hiện sự quan tâm của nhà giáo đến quyền lợi của bản thân mình.

Bên cạnh đó cũng nói lên một điều các cơ sở giáo dục chưa làm tốt công tác dân chủ cơ sở, văn bản chế độ chính sách chưa được công khai minh bạch.

Mặt khác, phần bình luận của nhà giáo còn nhiều chồng chéo, chưa thống nhất, thể hiện hai vấn đề.

Thứ nhất, văn bản pháp luật của chúng ta còn khó hiểu, phải hiểu văn bản này mới hiểu đọc được văn bản khác khi thay thế hay bổ sung cùng một vấn đề, dễ bị giải thích theo nhận thức, quan điểm của người đọc, người thực thi có thể lách luật.

Vì vậy, khi thay thế văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị cơ quan chức năng in thành văn bản mới, bỏ văn bản cũ, không sử dụng cùng lúc hai văn bản pháp luật về một vấn đề.

Giáo viên rất quan tâm đến quy định trực tết, trực hè. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên rất quan tâm đến quy định trực tết, trực hè. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lã Tiến)

Thứ hai, thể hiện kĩ năng đọc hiểu văn bản pháp luật của chúng ta còn hạn chế. Nên văn bản càng đơn giản, càng dễ hiểu là mong muốn của nhà giáo để họ thực hiện pháp luật nghiêm minh hơn.

Để minh chứng, người viết lấy ví dụ cụ thể ở bài viết “Bắt giáo viên trực tết, hè,… không công sẽ bị phạt đến 20 triệu” của tác giả Bùi Nam đã đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 20/3/2020.

Bài viết đã nhận được 21.000 lượt thích và 81 lượt bình luận của bạn đọc. Con số này đã cho thấy bài viết nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả như thế nào.

“Tôi đã phân giáo viên trực tết, trực hè không công”

Người viết đã nhận được chia sẻ của một hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên, đơn vị công tác), chia sẻ về việc phân công giáo viên trực tết, trực hè… không công, nhưng 100% người được phân công đều vui vẻ chấp thuận.

“Mình yêu cầu văn thư in tất cả các văn bản về chế độ, trách nhiệm, quyền lợi của các thành viên do nhà nước ban hành, công khai cho giáo viên biết.

Ngay từ ngày tựu trường đầu tiên đã thực hiện chấm công, bảng chấm công công khai ngay phòng nghỉ giáo viên, nhân viên, có tổng kết hàng tuần, hàng tháng, hàng quý.

Mỗi nhân viên sẽ biết mình còn “âm” bao nhiêu ngày, trừ số ngày nghỉ phép năm sẽ quy ra số ngày trực lễ, tết, được công khai rõ ràng trên bảng.

Với giáo viên, nếu thiếu tiết sẽ phân công các nhiệm vụ khác, có định mức quy đổi công khai, để đảm bảo đủ tiết tiêu chuẩn trong năm học. Nếu thiếu tiết, cứ 4 tiết tính một ngày nghỉ phép (hè).

Mình làm kế hoạch công tác rất chi tiết, cụ thể, không lãng phí, những ngày chưa dạy, không cần thiết điều giáo viên đến trường là cho giáo viên nghỉ, đến trường là phải có việc làm.

Số ngày nghỉ của giáo viên sẽ được tính coi như nghỉ phép (nghỉ hè). Tổng số ngày nghỉ của giáo viên mình đảm bảo đủ 2 tháng, ngoài các ngày nghỉ được quy định trong Luật Lao động.

Nếu số ngày nghỉ của giáo viên, nhân viên vượt quá quy định sẽ được quy đổi để trực trường trong hè, trong dịp lễ, tết.

Nhân viên, giáo viên có thể cho nhau “vay hay tạm ứng” số ngày nghỉ do họ tự thỏa thuận, nhưng trách nhiệm do người có tên trong bảng phân công chịu, nếu để xảy ra sự cố nếu không báo cáo lãnh đạo.

Trực hè được quy đổi bằng 2 ngày, trực lễ quy đổi thành 3 ngày, trực tết được quy đổi thành 5 ngày/1 ngày trực.

Sau khi thực hiện hết số ngày nghỉ của nhân viên, giáo viên, thời gian trực sẽ được tính đúng chế độ do nhà nước quy định.

Thực tế mấy năm nay, đơn vị mình không phải chi tiền trực lễ tết, nên thu nhập tăng thêm cũng khá hơn so với xung quanh.

Để tránh phản ứng, mình đã viết ra phương án, cho anh em trao đổi, thống nhất cụ thể, theo dõi công khai, kết quả minh bạch, người này giám sát được người khác nên ai cũng đồng tình.

Làm được vậy, cũng nhờ đơn vị mình học một buổi nên nhiều đối tượng nhân viên chỉ đi một buổi (cười). Tôi đã bắt giáo viên trực tết, trực hè không công nhưng không bị phạt”.

Cách làm “chẳng giống ai” như trên cũng là một giải pháp cho những địa phương nguồn ngân sách hoạt động eo hẹp tham khảo, giúp đảm bảo công bằng trong cơ sở, tránh được tình trạng người làm nhiều, người làm ít.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bat-giao-vien-truc-tet-he-khong-cong-se-bi-phat-den-20-trieu-post207946.gd

Sơn Quang Huyến