Gần 500 trung tâm ngoại ngữ ở Sài Gòn hoạt động không phép, ai chịu trách nhiệm?

29/01/2021 06:56
Phương Linh
GDVN- Phụ huynh cảm thấy bất ngờ và lo lắng khi mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố gần 500 trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn hoạt động không phép.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố gần 500 trung tâm ngoại ngữ, tin học trải rộng khắp các quận, huyện trên địa bàn hoạt động không phép, trong đó có 253 trung tâm đã có phép thành lập nhưng chưa đăng ký hoạt động giáo dục, 241 trung tâm phép hoạt động hết hạn nên phải gia hạn.

Phụ huynh bất ngờ, lo lắng

Là một phụ huynh có con hiện đang theo học tại Trung tâm Anh ngữ Á Châu (đường Thống Nhất, quận Gò Vấp), anh Nguyễn Việt Phương tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin trung tâm này

Anh Phương chia sẻ: Thấy trung tâm này hoạt động hàng chục năm nay, có hàng chục chi nhánh khác nhau trên địa bàn thành phố, lại có cơ sở ở gần nhà (quận Gò Vấp), nên anh Phương đã đăng ký cho con tham gia học tiếng Anh, chứ cũng không để ý gì tới giấy phép hoạt động.

Theo anh Phương, khi thấy báo chí đăng tin thì mới biết chi nhánh của trung tâm này chưa được cấp phép, coi như là đang hoạt động chui, nên hơi bất ngờ. Biết vậy từ trước thì anh sẽ không đăng ký cho con theo học ở đây.

Chị Nguyễn Thị Hương Giang (nhà ở quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh) có con đang học tại một chi nhánh ở quận 11 của một trung tâm ngoại ngữ cũng bị liệt kê là hoạt động không phép đã tỏ ra băn khoăn: Khi nhìn thấy tên trung tâm con mình đang học tiếng Anh bị liệt kê trong danh sách hoạt động không phép, chị nghĩ đến việc chất lượng giảng dạy, giáo viên nơi con chị học trước giờ ai quản lý, nếu trung tâm hoạt động không phép?

Một trung tâm ngoại ngữ có tên trong danh sách hoạt động không phép tối 28/1 đóng cửa (Ảnh: P.L)

Một trung tâm ngoại ngữ có tên trong danh sách hoạt động không phép tối 28/1 đóng cửa (Ảnh: P.L)

Ngoài ra, nhiều phụ huynh khác cũng giật mình, khi trong tổng số khoảng 1.000 trung tâm ngoại ngữ, tin học có mặt trên địa bàn, thì đã có gần 500 trung tâm bị liệt vào danh sách hoạt động không phép, thì giấy phép hoạt động đã hết hạn.

Không thể xin cấp hết cùng một lúc được

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Trung tâm Ngoại ngữ Dương Minh cho biết, trung tâm đã có mặt hàng chục năm nay trên địa bàn thành phố, là một trung tâm uy tín, được phụ huynh tín nhiệm và học viên tin tưởng.

Hiện trung tâm chỉ có 2 trên tổng số 15 chi nhánh chưa được cấp phép hoạt động giáo dục, dù đã nộp hồ sơ lên Sở, đang chờ cấp phép, nhưng vẫn nằm trong điều kiện được cho phép hoạt động.

Theo vị đại diện này, do quy định trước đây chỉ có một giấy phép, sau này mới đổi thành hai giấy phép thành lập và hoạt động riêng biệt, nên cũng phải làm từ từ, chứ cũng không thể làm cùng một lúc xong hết được.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Anh ngữ Á Châu cho biết, toàn bộ các chi nhánh của trung tâm trên địa bàn thành phố đều có giấy phép thành lập.

Chỉ có 3 chi nhánh của trung tâm căn cứ theo Nghị định 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ (Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục) là đã có giấy phép hoạt động riêng biệt.

Những chi nhánh còn lại đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, chờ thủ tục cấp phép hoạt động mới, nhưng các giấy phép hoạt động cũ dưới 5 năm vẫn chưa hết hạn, nên vẫn có thể hoạt động bình thường được.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói gì?

Tại văn bản 4416/GDĐT-TC, do ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 31/12/2020, ông Sơn đề nghị với các đơn vị, trung tâm đã có phép thành lập, nhưng chưa đăng ký hoạt động giáo dục thì thì khẩn trương thực hiện việc đăng ký này.

Đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được cấp phép thành lập, hoạt động giáo dục những hết hạn thì cần khẩn trương đi gia hạn đúng theo quy định. Thời gian thực hiện là trước ngày 1/3/2021.

Đối với chi nhánh của các trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được cấp phép hoạt động giáo dục, Sở đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện việc đăng ký thành lập, hoạt động cho các chi nhánh theo quy định tại khoản 20,21, điều 1 của Nghị định 135/2018/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung điều 47, điều 48 của Nghị định 46/2017/NĐ-CP. Thời hạn thực hiện trước ngày 1/3/2021.

Quá thời hạn nêu trên, các đơn vị chưa thực hiện việc đăng ký hoạt động giáo dục thì sẽ bị xử lý đúng theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, một đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng cho biết thêm, đây cũng chỉ là văn bản nhắc nhở các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn.

Phương Linh