Trẻ em dưới 5 tuổi thuộc nhóm F1 được cách ly nghiêm ngặt tại nhà

05/02/2021 14:56
Trần Phương
GDVN- Việc này, Bộ Y tế hiện đã thực hiện tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) và một số địa phương khác.

Phát biểu tại giao ban trực tuyến với các địa phương có ca mắc COVID-19 (sáng 5/2), ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngay khi dịch bắt đầu, Ban chỉ đạo, ngành Y tế đã nhấn mạnh "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tuỳ điều kiện, tuỳ hoàn cảnh trên nguyên tắc bất di bất dịch trong phòng dịch, các địa phương có thể vận dụng, áp dụng thay đổi cho phù hợp.

"Các cách làm sáng tạo của các địa phương nhưng vẫn phải bảo đảm phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất, rủi ro ở mức độ thấp nhất. Chúng ta luôn có sự thay đổi về mặt chuyên môn để làm sao hướng tới phòng, chống dịch một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất", Bộ trưởng lưu ý.

Chiến lược chống dịch thời gian tới sẽ có 3 thay đổi cơ bản:

Thứ nhất, thay đổi chiến lược gộp mẫu xét nghiệm: Trước đây trong đợt dịch tại Đà Nẵng, Bộ Y tế cho phép thí điểm gộp 5 mẫu trong một lần xét nghiệm. Tuy nhiên, do nhu cầu cần xét nghiệm diện rộng tại Quảng Ninh và Cẩm Giàng (Hải Dương), Bộ Y tế cho phép có thể gộp 10-16 mẫu trong một lần xét nghiệm, gộp theo hộ gia đình, thậm chí có thể lên tới mẫu 16.

Nhóm mẫu nào có trường hợp dương tính sẽ lập tức cách ly toàn bộ gia đình và tiến hành lấy mẫu làm lại lần thứ 2 xác định ca dương tính.

"Nếu phát hiện mẫu gộp dương tính thì cách ly cả gia đình đó luôn, sau đó lấy mẫu xét nghiệm lại từng người để phân loại F0, F1", Bộ trưởng yêu cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tổng số hộ gia đình tại Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) là 30 nghìn hộ, "nhưng khuyến cáo của chúng tôi là lấy ở khu có người nhiễm trước rồi mới lấy rộng ra các hộ khác. Chúng tôi đề nghị các Viện sẽ hỗ trợ địa phương lấy gộp mẫu và chung ống xét nghiệm"- Bộ trưởng nói.

Thứ hai, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc nhóm F1 sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại nhà: Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung. Nhưng do đặc tính mới của chủng virus lần này, Bộ sẽ thay đổi phương thức bảo đảm giúp gia đình có trẻ em sẽ yên tâm hơn.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần phải phân loại hai nhóm trẻ để thực hiện cách ly.

Nhóm trẻ dưới 5 tuổi có thể thực hiện cách ly tại nhà nghiêm ngặt do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm và có điều kiện đi kèm như: chỉ được một người trông; người trông phải có sức khỏe tốt và gia đình đó không có người già, không có bệnh lý nền. Việc này, Bộ Y tế hiện đã thực hiện tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) và một số địa phương khác.

Với trẻ trên 6 tuổi trở lên, áp dụng mô hình phân kỳ cách ly tập trung. Trẻ sẽ được áp dụng cách ly tập trung trong bảy ngày đầu và lấy mẫu ngày 1, ngày 3 và ngày 7. Khi trẻ có kết quả âm tính, trẻ sẽ được cách ly tại nhà theo quy định rất nghiêm ngặt với sự giám sát của chính quyền địa phương.

"Chính quyền địa phương là đơn vị cuối cùng quyết định cuối cùng việc cách ly tại nhà của trẻ. Việc này giúp các địa phương trong việc cách ly trẻ và giúp trẻ trở về nhà sau thời gian cách ly", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Thứ ba, giải tỏa hàng hóa từ khu vực có dịch: Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình giao lưu hàng hóa tại các vùng có dịch đến các địa phương khác rất khó khăn.

Quan điểm Thủ tướng là không ngăn sông cấm chợ, lưu thông hàng hóa, vì vậy Bộ trưởng đề nghị các địa phương nếu đảm bảo công suất xét nghiệm có thể vận chuyển hàng hóa ra ngoài tỉnh thông qua kiểm soát chặt hàng hóa và người chuyên chở hàng hóa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý phải kiểm soát chặt hàng, người chở và người đi kèm. Bộ đã có hướng dẫn, tuy nhiên có điểm thay đổi là tất cả tài xế vận chuyển hàng hóa, người đi kèm phải làm xét nghiệm 2 ngày/lần, quá trình vận chuyển phải áp dụng các biện pháp chống dịch: đeo khẩu trang, mở cửa, không đóng kín, ghi chép lại hành trình, hạn chế tiếp xúc…

Địa phương nào để dịch xảy do đối tượng này thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ: "Nếu người dân mất thêm cái Tết nữa thì sẽ thêm khó khăn, nên phải thay đổi để vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, vừa đảm bảo phòng dịch".

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Bộ Y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Bộ Y tế

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngành Y tế đã huy động lực lượng lớn cho tỉnh Hải Dương. Địa phương nào còn có khó khăn trong công tác phòng, chống dịch sẽ được hỗ trợ.

Lực lượng y tế thời gian qua đã đáp ứng rất khẩn trương, rất quyết liệt, rất nhanh chóng. Thêm vào đó, tất cả các bộ, ngành, hệ thống chính trị, các địa phương và người dân đã hợp tác trong trận chiến này. Các địa phương khác cũng vào cuộc rất nhanh, hầu như không có ban đêm bởi ban đêm dành cho xét nghiệm, dành cho truy vết.

"Chúng ta hy vọng sớm dập tắt được dịch. Quan điểm của Chính phủ là dập dịch càng nhanh, làm sao sớm ổn định cuộc sống của người dân, đây là mục tiêu rất cao", ông Long nói.

Cũng theo người đứng đầu ngành Y tế, tất cả các hướng dẫn về mặt chuyên môn đều đã có. Hiện đã có một số thay đổi trong chuyên môn, quan điểm là bảo đảm ưu tiên cao nhất, bảo đảm an toàn cao nhất đối với công tác phòng, chống dịch nhưng cũng phải bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế, bảo đảm sự ổn định của đời sống xã hội với người dân.

Các điểm cầu tham gia trực truyến. Ảnh: Bộ Y tế

Các điểm cầu tham gia trực truyến. Ảnh: Bộ Y tế

Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, cần quyết liệt hơn, nhanh hơn, tranh thủ từng phút từng giây, luôn trong tâm thế khi dịch xảy ra cũng ta có phản ứng nhanh nhất. Điều này rất quan trọng, bởi nếu không chúng ta sẽ luống cuống, bối rối, mất đi thời gian vàng trong kiểm soát dịch bệnh.

Bài học thực thế phong toả Chí Linh là "quyết định dũng cảm", nếu không sẽ xảy ra dịch ở quy mô rộng hơn.

Với tất cả hoạt động phòng chống dịch cũng có Bộ Y tế luôn có hệ thống hỗ trợ cho các địa phương về kỹ thuật, chuyên môn, chiến lược, phương pháp rất cụ thể. Bộ cũng luôn sẵn sàng trực tuyến với các địa phương. Công tác điều trị thành công là minh chứng cho sự kết hợp giữa Trung ương và địa phương "không còn khoảng cách".

"Quốc tế đánh giá cao việc chỉ trong vòng chưa đầy 22h, Bệnh viện Bạch Mai đã thiết lập hoàn chỉnh bệnh viện dã chiến số 2 ở Chí Linh (Hải Dương), trong đó đơn nguyên Cấp cứu ở đấy tương đương Bệnh viện Bạch Mai. Chúng ta đã làm nên những kỳ tích. Chúng tôi luôn hỗ trợ địa phương nên địa phương vững tin, yên tâm cùng nhau chiến thắng dịch bệnh", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sáng 5/2, Điện Biên ghi nhận 2 ca mắc COVID-19. Như vậy Điện Biên là địa phương thứ 11 của cả nước ghi nhận ca mắc COVID-19 trong vòng 9 ngày qua. Ngoài ra, Hà Nội, Hải Dương và Quảng Ninh cũng ghi nhận thêm các ca mắc mới COVID-19.

Các địa phương Hải Dương cũng thông báo thêm 6 ca mắc mới COVID-19 tại ổ dịch Cẩm Giàng, Chí Linh và Kinh Môn

Quảng Ninh cũng báo cáo có thêm 2 ca dương tính.Hà Nội cũng thông báo phát hiện thêm 1 ca dương tính, là vợ của một bệnh nhân, đã được cách ly.

Ngày 01/02/2021, bệnh nhân được lấy mẫu lần 1 kết quả âm tính. Ngày 02/02/2021, chuyển cách ly tại khu cách ly trường Đào tạo nghề Thành An. 04/02/2021, xuất hiện triệu chứng gai rét, sốt 38,1 độ C, lấy mẫu xét nghiệm lần 2, chuyển Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngày 05/02/2021, kết quả dương tính.

Trần Phương