Bao giờ giáo viên thoát cảnh chắt bóp để mua chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?

07/02/2021 06:49
Đỗ Quyên
GDVN- Nhiều giáo viên cũng tặc lưỡi, nhịn ăn đóng 2.500.000 đồng để lấy về cái chứng chỉ cho yên thân đỡ bị nhắc nhở và mắc nợ.

Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập.

xettuyendaihoc.net.vnxettuyendaihoc.net.vn

Theo đó, nhóm giáo viên bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là:

Giáo viên mầm non hạng II - Mã số V.07.02.25. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II.

Giáo viên mầm non hạng III - Mã số V.07.02.26. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (đối với giáo viên mầm non mới được tuyển dụng vào giáo viên mầm non hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).

Giáo viên mầm non hạng I - Mã số V.07.02.24. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I.

Giáo viên tiểu học hạng III - Mã số V.07.03.29. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng vào giáo viên tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).

Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.28. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II.

Giáo viên tiểu học hạng I - Mã số: V.07.03.27. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I.

Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số V.07.04.32. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).

Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số V.07.04.31 . Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II.

Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số V.07.04.30. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I.

Giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số V.07.05.15. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (đối với giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học phổ thông hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).

Giáo viên trung học phổ thông hạng II - Mã số V.07.05.14. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II.

Giáo viên trung học phổ thông hạng I - Mã số V.07.05.13. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I.

Hàng trăm ngàn giáo viên cần giữ hạng

Trong thực tế, hiện có hàng trăm ngàn giáo viên ở cả 3 cấp học đang ở hạng II (do trước đây xét tuyển từ hạng III lên hạng II nhưng giáo viên chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp), theo quy định hiện vẫn còn nợ chứng chỉ.

Và chưa nói đến giảng viên cơ sở giáo dục đại học hạng II và hạng III cũng yêu cầu phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Vậy là, sẽ không có thầy cô giáo nào “thoát”chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mà buộc phải đi học. Điều đáng nói là, nếu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học chỉ cần học một lần là xong thì như chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cứ mỗi lần muốn lên hạng, giáo viên đều phải học một chứng chỉ mới.

Cả nước gần một triệu rưỡi giáo viên số chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cần có đôi khi phải hơn 2 triệu chứng chỉ (hiện tại, nhiều giáo viên đã có 2 chứng chỉ) thì số tiền nhiều trung tâm và trường đại học thu về quả vô cùng lớn.

Nắm bắt được nhu cầu cần học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên, đã nở rộ nhiều trường đại học và trung tâm trong nước đào tạo chứng chỉ cấp tốc.

Có đủ cách để chiêu sinh, mời gọi, nhiều thầy cô giáo dù không muốn đi học cũng phải miễn cưỡng ghi danh.

Có trường liên kết với sở giáo dục và đào tạo các tỉnh thành đưa công văn về các trường học trực tiếp chiêu sinh với những lời nói có cánh như muốn lên lương, muốn được xếp lương phải có chứng chỉ.

Hay, những lời nói có phần hù dọa không hề nhẹ như không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sẽ phải xuống hạng và xuống lương.

Có trung tâm quảng cáo trên facebook, chủ động liên hệ với giáo viên để mời chào. Những lời chèo kéo vô cùng hấp dẫn như chỉ cần đăng ký tên, chuyển tiền cho trung tâm còn việc học (trực tuyến) cũng chỉ vài buổi là xong. Nếu thầy (cô) bận việc, trung tâm sẽ lo bài vở dùm.

Nhiều giáo viên cũng tặc lưỡi, nhịn ăn đóng 2.500.000 đồng để lấy về cái chứng chỉ cho yên thân đỡ bị nhắc nhở và mắc nợ.

Tại sao chúng ta không thể tổ chức cho giáo viên tự học để được công nhận có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như đang tự bồi dưỡng các mô-đun của chương trình mới?

Hiện, giáo viên đang tự học để hoàn thành nội dung các modun của chương trình mới. Mỗi thầy cô giáo được cấp một mật khẩu để truy cập trên phần mềm vào nghiên cứu và làm bài.

Khi cần kiểm tra, nhà trường hoặc cấp quản lý chỉ cần mở phần mềm là biết giáo viên đã hoàn thành các mô-đun hay chưa?

Để tránh việc mua bán chứng chỉ, trách giáo viên bị móc tiền oan trong khi đồng lương còn èo uột, tránh việc tiếp tay “học gạo” (học giả chứng chỉ thật) đồng thời giúp cho việc học của giáo viên thật sự đi vào thực chất thì Bộ Giáo dục cũng cần cho phép giáo viên được tự học như đang học bồi dưỡng các modun chương trình mới.

Mỗi thầy cô giáo sẽ được cấp một mã số tự học. Giáo viên học và làm bài thu hoạch gửi trên hệ thống và nhà trường, cấp quản lý sẽ kiểm tra việc học của giáo viên bất cứ lúc nào.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên