Hãy trao quyền giao hay không giao bài tập trong kỳ nghỉ Tết cho giáo viên

08/02/2021 06:16
Trung Dũng
GDVN- Có những môn học mang tính logic cao thì buộc phải cho các em vừa nghỉ vừa ôn luyện nếu không sẽ uổng phí công lao của giáo viên bộ môn.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây có ban hành Công văn số 226/SGĐT – GDMNTH ký ngày 26/01/2021 về việc “Nghỉ Tết không áp lực bài tập”.

Nội dung công văn có nêu quan điểm: “Để học sinh không suy nghĩ với số bài tập trong thời gian nghỉ Tết, Sở yêu cầu các phòng Giáo dục chỉ đạo các trường thuộc thẩm quyền quản lý, bắt đầu từ Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 trở đi, giáo viên không giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp, truyền thống trong ngày Tết, hãy để các em có khoảng thời gian nghỉ Tết được sum họp bên gia đình, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, đảm bảo sức khỏe”.

Thầy Nguyễn Danh Bắc – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Nguyễn Danh Bắc – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau khi công văn này được ban hành trên trang web chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều phụ huynh đã lưu lại và chia sẻ trên các trang mạng xã hội và nhận về không ít các ý kiến trái chiều.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Danh Bắc – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Việt Yên, Bắc Giang) cho rằng:

“Ở Bắc Giang trước giờ cũng chưa hề có tiền lệ về chuyện này và cũng không có công văn nào cụ thể như thế từ cấp trên cả. Nhưng theo quan điểm của tôi, chuyện bài vở dịp nghỉ Tết thì mỗi nơi mỗi phương án, bởi trong tình hình dịch bệnh như hiện nay thì có những địa phương buộc phải cho học sinh nghỉ học đến nửa tháng, thậm chí là nguyên một tháng.

Tuy nhiên, việc bài vở của học sinh nên cần có sự linh động trong khâu xử lý, và cũng không nên bắt buộc các giáo viên không được giao bài tập về Tết cho các học sinh.

Quan trọng nhất vẫn là các giáo viên đó phải bám sát được tình hình của từng môn học và có sự bố trí, phân công bài vở với thời lượng và khối lượng kiến thức vừa đủ cho các em học sinh.

Đặc biệt giáo viên đó phải nắm rõ tình hình yêu cầu của bài tập môn đó ra làm sao, mức độ như thế nào.

Trong việc này, lãnh đạo nhà trường chỉ nắm trên phương diện chung còn cái cốt lõi đễ đưa ra phương án có giao bài tập về nhà hay không tôi nghĩ nên giao quyền quyết dịnh cho giáo viên thì sẽ sát sao hơn.

Mục đích cuối cùng mà chúng ta muốn hướng tới trong chuyện này là làm sao đảm bảo sự hài hoà, đảm bảo cho học sinh luôn có sự cân bằng giữa học và chơi trong thời điểm các em được nghỉ dài như vậy.

Không những thế, nền giáo dục của nước ta cũng đang nằm trong xu thế chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cũng có rất nhiều cách để thầy trò có thể giao lưu trao đổi”.

Nêu quan điểm như thế nào mới được gọi là khối lượng bài tập vừa đủ cho học sinh, thầy Nguyễn Danh Bắc cho biết: “Không nhất thiết cùng một lúc, cùng một thời điểm chúng ta ném một đống kiến thức về cho học sinh như cách học ngày xưa.

Bởi chưa biết trong số kiến thức đó thì bài tập có khó hay không, nhưng theo cảm quan kể cả đối với một giáo viên thì mình thấy cái gì đó nhiều nhặn, to lớn là mình sợ. Thậm chí, cứ nghĩ đến bài tập lại thấy oải, nản không muốn đi chơi Tết.

Một điều nữa chúng ta cũng phải nghĩ tới là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, cho dù được nghỉ Tết nhưng nhiều nơi các em còn bị hạn chế ra đường, tụ tập không có thời gian đi chơi và tổ chức các hoạt động ngoại khoá được.

Việc này đồng nghĩa với việc thời gian nghỉ của các em rất dài, trong khi khi độ tuổi các em chủ yếu là học tập, mà có nơi cho học sinh nghỉ hẳn chuyện bài tập trong thời gian dài như vậy thì nghe có vẻ cũng chưa hợp lý lắm.

Bởi nói gì thì nói, tinh thần tự giác học tập của các học sinh khi ở nhà không bao giờ được tích cực và chủ động như khi lúc các em đi học được.

Như vậy, sau một kỳ nghỉ dài, dù có cố gắng ôn luyện vớt vát một vài buổi cuối kỳ nghỉ thì vẫn dễ xảy ra chuyện trôi bài, hổng kiến thức trong các học sinh.

Nếu không có một lượng bài tập vừa đủ để các em ôn luyện thì sau mỗi kỳ nghỉ, chuyện làm sao để lấy lại được kiến thức có trong đầu các học sinh thì chính những giáo viên mới là đối tượng vất vả nhất.

Trong chuyện này các nhà trường nên có định hướng rõ ràng và căn cứ vào tình hình thực tiễn, đặc thù các môn học. Bởi có những môn nó mang tính logic cao thì buộc phải cho các em vừa nghỉ vừa ôn luyện nếu không sẽ uổng phí công lao của giáo viên bộ môn ấy.

Mọi việc cứ phải hài hoà chứ không cứ nhất thiết phải cứng nhắc là cấm tuyệt chuyện bài vở về nhà của các học sinh.

Việc này công tâm nhất nên giao trách nhiệm cho giáo viên bộ môn, vì đặc thù mỗi bộ môn mỗi khác, thực tế với học sinh bậc Trung học phổ thông học tới 14 môn thì không thể có chuyện môn nào cũng áp lực về bài tập giống như nhau được”.

Trung Dũng