Xuân về nhớ Bác

12/02/2021 06:19
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
GDVN- "Điều làm tôi ghi nhớ nhất là đó lòng yêu thương vô hạn của Bác đối với học sinh, sinh viên, đối với lớp người trẻ tuổi của dân tộc...".

Mỗi độ Xuân về, chúng ta lại bồi hồi nhớ đến Bác. Riêng tôi, điều làm tôi ghi nhớ nhất là đó lòng yêu thương vô hạn của Bác đối với học sinh, sinh viên, đối với lớp người trẻ tuổi của dân tộc và những lời căn dặn rất cụ thể của Bác đối với sự nghiệp trồng người.

Người hy vọng biết bao vào các thế hệ học sinh nước nhà. Bác viết: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, T.4, tr.33).

Năm 1945, tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Bác nói: Chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành (Sđd, T.4, tr. 152).

Bác dạy 5 điều đối với thiếu niên nhi đồng: Yêu Tổ quốc,yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm (tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Đến năm 1946, Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu: Phải siêng học/ Phải giữ sạch sẽ/ Phải giữ kỷ luật/ Phải làm theo đời sống mới/ Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ, anh em (Sách đã dẫn, T.4, tr.421).

Cũng năm 1946, Bác viết mấy vần thơ: Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ là việc nhỏ/ Làm theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến/ Để gìn giữ hòa bình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh (Sđd, T.6, tr.572).

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. (Ảnh tư liệu)

Bác căn dặn: Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phi trách, trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc (Sđd, T.7, tr. 563).

Bác đã phân tích: Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ em và kết quả cũng không tốt. Cho nên muốn giáo dục các cháu thành người tốt, nhà trường, đoàn thể, gia đình, xã hội đều phải kết hợp chặt chẽ với nhau. (Sđd, T.9, tr.331).

Năm 1947, trong thư gửi nhi đồng toàn quốc, Bác viết: Nhiều cháu đã tổ chức tăng gia sản xuất, trồng lúa, trồng ngô, nuôi gà nuôi vịt (nhi đồng Hải Phòng). Nhiều cháu vào tuyên truyền xung phong (như nhi đồng Quảng Yên). Nhiều cháu giúp việc bình dân học vụ (nhi đồng nhiều nơi đã làm như thế). Còn cháu nào cũng biết siêng học, siêng làm, biết ăn ở sạch sẽ, biết giữ kỷ luật, lễ pháp, thế là tốt lắm. Bác khuyên các cháu gắng sức thêm (Sđd, T.5, tr.429).

Phương châm giáo dục mà Bác căn dặn là Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt (Sđd, T.9, tr. 509).

Với ví dụ này, Bác thể hiện rõ trách nhiệm của thầy cô giáo trong cách thức giáo dục học sinh, làm sao chấp nhận thầy cô trách mắng hay xử phạt nặng nề với học sinh.

Có lần đồng chí Bí thư Huyện ủy Nam Đàn xin Bác duyệt cho xây nhà khách để tiếp khách đến thăm Kim Liên. Bác không đồng ý.

Bác bảo: Tham quan xong, khách đi ô tô về Vinh chỉ khoảng 15-20 phút. Chuyển kinh phí đã chuẩn bị cho trường cấp I để xây dựng phòng học cho các cháu. Tất cả vì tương lai con em chúng ta (Kể chuyện Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng, Nhà xuất bản Văn học, tr.31).

Có lần Bác bảo Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, người chỉ huy việc xây dựng nhà sàn: Chú xem, khách tý hon của Bác khá nhiều, để các cháu vui thì phải có cái gì đó cho các cháu xem cho đỡ chán, chú cố gắng kiếm một chiếc bể về nuôi cá vàng làm cảnh cho các cháu (Kể chuyện Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng, Nhà xuất bản Văn học, tr.32).

Năm 1955 Bác viết: Chúng ta phải khéo nuôi dạy, giúp cho nhi đồng phát triển sức khỏe và trí óc, thành những trẻ em có 4 tính tốt: Hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà (Sđd, T.7, tr.563).

Vào tháng 3/1966 máy bay địch ném bom vào Trường cấp 2 Hương Phúc, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh khiến nhiều học sinh thiệt mạng và bị thương nặng.

Bác Hồ được tin đau thương này, đã cho mời Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên lên báo cáo tình hình cụ thể. Đoàn lên báo cáo Bác có các đồng chí công tác tại Ty Giáo dục Hà Tĩnh, có nữ sinh Nguyễn Thị Mão - người may mắn sống sót sau trận bom.

Dù bận trăm ngàn việc lớn của đất nước mà Bác vẫn không quên một lớp học nhỏ ở nơi xa xôi.

Bác ân cần hỏi thăm từng người và căn dặn phải có kế hoạch đào hầm, che chắn và phân tán các trường đại học về nông thôn bảo đảm an toàn cho thầy trò (Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 19/9/2014).

Bác đã 5 lần về thăm và biểu dương thành tích của nhân dân, Đảng bộ tỉnh Thái Bình. Trong nhiều năm theo dõi Báo Thái Bình tiến lên, Bác đã thưởng huy hiệu cho 67 người trong phong trào người tốt, việc tốt. Bác khen 41 giáo viên dạy giỏi, 197 học sinh giỏi (thaibinh.gov.vn; 04/09/2019).

Ngày 26/1/1964 Bác về thăm và động viên nhân dân tham gia Tết trồng cây tại xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá), huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Chính tại đây Bác đã đọc hai câu: Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.

Ngay từ sau Cách mạng tháng Tám Bác đã nghĩ đến chuyện Trồng người. Bác phát động phong trào Bình dân học vụ và kêu gọi: Những người biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ (Sđd, T.4, tr.40)

Căn dặn thanh niên học sinh Thủ đô Bác căn dặn: Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ học để Yêu Tổ quốc - cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại.

Yêu nhân dân - việc gì hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân, chúng ta kiên quyết chống lại.

Yêu lao động - ai khinh rẻ lao động, chúng ta kiên quyết chống lại. Yêu khoa học - cái gì trái với khoa học, chúng ta kiên quyết chống lại.

Yêu đạo đức - chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm; xóa bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động.

Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà (Sđd, T.9, tr. 178).

Về quan điểm dạy khoa học kỹ thuật Bác viết: Dạy bảo các cháu thiếu niên về khoa học, kỹ thuật, làm cho các cháu ngay từ thuở nhỏ đã biết yêu khoa học, để mai sau các cháu trở thành những người có thói quen sinh hoạt và làm việc theo khoa học (Sđd, T.14, tr. 99).

Về việc học ngoại ngữ Bác khuyên: Học thêm được một thứ tiếng nước ngoài coi như có thêm một cái chìa khóa để mở thêm kho tàng tri thức (Ditichhochiminhphuchutich.gov.vn).

Nói chuyện với chiến sĩ ở Binh chủng Phòng không Không quân, Bác nói: Các chú phải chịu khó học thêm để nâng cao trình độ văn hóa hơn nữa. Có quyết tâm và kiên trì thì nhất định học tập có kết quả… Thực ra Bác học trong nhà trường không được nhiều, tính ra không quá 4 năm học.

Vậy mà Bác đọc được một số tiếng nước ngoài như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc vv… Kết quả đó hoàn toàn là do quyết tâm và kiên trì học tập mà nên (Tìm người tài đức, Nhà xuất bản Thanh niên, tr.94).

Về trách nhiệm đối với sức khỏe Bác căn dặn: Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước lợi dân (Sđd, T.10, tr.440).

Về tinh thần học tập suốt đời, Bác nhắc nhở: Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi, Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm (Sđd, T6, tr.61). Bác phân tích: Không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được (Sđd, T.12, tr.171).

Bác khẳng định nền giáo dục mới sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em (Sđd, T.4, tr.40).

Bác nhấn mạnh: Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại (Sđd, T.5, tr.684).

Về bốn mục tiêu Đức Trí Thể Mỹ theo Bác là: Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung. Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới. Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp. Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công” (Sđd, T.8, tr.74).

Bác căn dặn nội dung giáo dục cần khác nhau giữa các cấp học: Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.

Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.

Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công (Sđd, T.8, tr.81).

Về phương pháp giáo dục, Bác cho rằng Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau (Sđd, T.11, tr.333).

Bác căn dặn: Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn.

Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn (Sđd, T.8, tr.395).

Bác nhắc nhở: Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, các cơ quan chính quyền và các cấp ủy Đảng phải thật sự quan tâm đến nhà trường, đến việc học tập của con em mình hơn nữa (Sđd, T.11, tr.620).

Nhớ Bác, chúng ta hãy ghi nhớ những lời Bác đã ân cần căn dặn toàn ngành giáo dục chúng ta.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng