Nghỉ Tết dài ngày, thầy cô lại phải "đánh vật" với những học trò quên kiến thức

16/02/2021 06:20
Đỗ Quyên
GDVN- Sau kì nghỉ Tết, một số học sinh đã bỏ học đi bụi, em thường xuyên cúp tiết, em học hành sa sút mà ba mẹ do mải lo làm ăn đã không theo dõi con.

Sau một kì nghỉ tết khá dài (hơn 2 tuần lễ), năm nào cũng thế, giáo viên chúng tôi đến trường khá vất vả với những cô cậu bé học trò (đặc biệt là học sinh tiểu học và trung học cơ sở) vì không ít trò quên kiến thức và phá vỡ nhiều nội quy của lớp, của trường.

Sau kỳ nghỉ học sinh không chịu đến lớp (Ảnh: Đỗ Quyên)

Sau kỳ nghỉ học sinh không chịu đến lớp (Ảnh: Đỗ Quyên)

Những điều học sinh thường hay vi phạm

Nhiều nhất phải kể đến là việc không ít học sinh đi học muộn do thói quen thức khuya và ngủ nướng trong suốt hai tuần lễ.

Hình ảnh ba mẹ xách cặp chạy trước, con lật đật chạy theo sau, thi thoảng những tiếng quát nạt vang lên làm nhiều người chú ý không phải là ít. Có trẻ vừa đi vừa dụi mắt, miệng ngáp ngủ. Một số trẻ lớp 1, lớp 2 vừa đi vừa khóc trong tiếng nạt nộ, trừng mắt của người lớn.

Một số học sinh lớn hơn (lớp 4, 5 hoặc lớp 6, 7) tóc nhuộm hoe vàng hoặc xanh đỏ lỗ mỗ. Có em quên cả đồng phục, giày dép theo quy định.

Em lại lén lút hút thuốc trong nhà vệ sinh. Có em nói chuyện với bạn đã biết thêm từ đệm chửi tục vào trước.

Một số học sinh trung học cơ sở còn mang luôn bộ bài lên trường "giải trí" sau giờ ra chơi hoặc cúp tiết ra quán ngồi nhâm nhi.

Ngoài những thay đổi về nếp sinh hoạt của một số học sinh, điều làm thầy cô mệt mỏi không kém là kiến thức cơ bản nhiều học trò quên hết.

Vào lớp dạy, chỉ một phép tính đơn giản, một câu hỏi thông thường hay một vài phép tính nhân chia trong bảng cửu chương (cái mà các em đã thuộc làu trước Tết) nhiều em cũng không còn nhớ.

Giáo viên không kiên trì sẽ dễ dàng nổi nóng khi hỏi gì học sinh cũng không biết, hỏi gì các em này cũng trả lời sai và liên tục vi phạm nội quy trường, lớp.

Đáng buồn nhất là tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng cũng thường tăng cao sau mỗi kỳ nghỉ Tết.

Khắc phục bằng cách nào?

Tránh việc học sinh đi học trễ chẳng có cách nào hơn bằng việc trước ngày đi học cả tuần trước đó, cha mẹ nên cho các con vào khuôn khổ như bình thường. Đó là việc không thức quá 9 giờ và đánh thức con dậy lúc 6 giờ để ăn sáng.

Cần bỏ qua suy nghĩ “đang nghỉ nên để chúng nó tự do thoải mái”. Bởi ngày vào học chính thức, các em sẽ khó có lại thói quen ngủ sớm, dậy sớm. Giúp các con tránh quên bài vở mỗi tối cha mẹ dành khoảng 1 tiếng cho các em ôn lại bài.

Không làm kiến thức nâng cao mà chỉ tập trung vào ôn lại các kiến thức cơ bản đã học có trong sách giáo khoa. Điều này, sẽ giúp các em bắt nhịp với bài học khi lên lớp khá tốt.

Gia đình có con đang ở độ tuổi “ương ương” (lớp 5, 6 và lớp 7, 8) cần chú ý các em nhiều hơn trong cách sinh hoạt, đầu tóc, quần áo.

Tuyệt đối không cho trẻ mang nhiều tiền trong người dễ sinh ra những tật xấu như uống bia rượu, hút thuốc, lê la ngoài quán xá…

Sau khi vào học trở lại, cha mẹ cần theo dõi, quan sát con khoảng vài tuần đầu tiên cho đến khi mọi việc trở lại bình thường.

Trong thực tế, sau kì nghỉ Tết, một số học sinh cấp trung học cơ sở đã nghỉ học đi bụi, em lại thường xuyên cúp tiết, em lại học hành sa sút mà ba mẹ do mải lo làm ăn đã không theo dõi con. Lực học giảm sút cũng là nguyên nhân khiến một số em bỏ học. Khi ba mẹ biết được thì mọi chuyện đã quá trễ rồi.

Ngoài sự sát sao của gia đình thì giáo viên chủ nhiệm có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp học sinh cân bằng việc học tập và sinh hoạt sau Tết.

Thầy cô chủ nhiệm luôn tiếp xúc với học sinh nhiều nhất sẽ dễ dàng nhận ra những điểm bất thường trong cách sinh hoạt, học tập để cùng gia đình giúp đỡ các em.

Ngoài ra, các thầy cô giáo bộ môn cũng cần kiên nhẫn, tận tình giúp học sinh yếu, kém cân bằng kiến thức tránh các em có tư tưởng chán học và buông xuôi.

Khi được gia đình quan tâm, khi được giáo viên tận tình giúp đỡ thì chắc chắn sẽ hạn chế thấp nhất những chuyện buồn xảy ra với học sinh sau mỗi kỳ nghỉ Tết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên