Dạy-học trực tuyến rất cực, nhưng là lựa chọn tốt nhất trong đại dịch Covid-19

17/02/2021 06:20
Việt Dũng
GDVN- Các trường học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho việc dạy và học trực tuyến, bắt đầu thực hiện từ ngày 17/2/2021.

Theo văn bản 505/UBND-VX, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh – ông Dương Anh Đức ký ngày 14/2, học sinh của các bậc học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tiếp tục ngừng đến trường sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán 2021, cho đến hết ngày 28/2/2021.

Học sinh sẽ tiếp tục học trên internet để đảm bảo kế hoạch thời gian của năm học 2020 – 2021 theo quy định.

Như vậy, theo kế hoạch từ trước, học sinh sẽ bắt đầu học trực tuyến từ ngày 17/2 (ngày dự kiến ban đầu sẽ đi học lại) cho đến hết ngày 28/2.

Dạy học trực tuyến là phù hợp với xu thế thời đại

Nói về việc dạy học trực tuyến trong đợt nghỉ này, thầy Tưởng Nguyên Sự - Hiệu trưởng trường tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông Ngô Thời Nhiệm (quận 9) cho biết: Trường đã có kinh nghiệm cho việc dạy và học trực tuyến từ năm ngoái. Trước tết cũng đã thực hiện việc này vài ngày.

Trường sử dụng phần mềm Google Class Room để dạy trực tuyến, giáo viên có thể thấy mặt học sinh, điểm danh, dạy và giao bài tập online cho học sinh.

Học sinh trường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp học trực tuyến (ảnh: nhà trường cung cấp)

Học sinh trường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp học trực tuyến (ảnh: nhà trường cung cấp)

Tại trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng chia sẻ: Việc dạy học trực tuyến với giáo viên của trường hoàn toàn không có gì khó khăn, do đã có kinh nghiệm từ trước. Trường sử dụng phần mềm Microsoft Team để ứng dụng vào việc dạy học trực tuyến.

Còn thầy Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp) thì nói: Ngay sau khi có chỉ đạo từ Sở, nhà trường đã triển khai ngay các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, nhất là đối với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc dạy trực tuyến cho học sinh.

Giáo viên của trường luôn năng động, dễ thích nghi với những phương pháp giáo dục hiện đại nên nhìn chung, việc thực hiện việc dạy học trực tuyến cũng không có gì khó khăn.

Với tư cách là người trong cuộc, trực tiếp đứng lớp, cô Nguyễn Thị Bé – một giáo viên tiểu học ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Dạy học trực tuyến là một giải pháp rất phù hợp, trong xu thế của thời đại 4.0, và tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường.

Từ hình thức dạy và học trực tuyến, giáo viên và học sinh sẽ có thể khai thác được nguồn học liệu tốt hơn.Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, nhất là áp dụng một số phần mềm vào dạy học có thể tạo ra nhiều hứng thú cho học sinh.

Học trực tuyến không thể nào bằng trực tiếp

Dù nhìn nhận là có lớp, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến rất cao (có khi lên đến 98%), nhưng thầy Tưởng Nguyên Sự vẫn nói, việc dạy học theo hình thức này rất cực với giáo viên nhưng đôi khi hiệu quả lại không thể nào bằng học trực tiếp.

Nhất là đối với bậc học tiểu học, phụ huynh đi làm, không giao điện thoại thông minh cho con học trực tuyến, nên nhà trường đã đề nghị giáo viên tương tác với phụ huynh, thống nhất cách thức và thời gian học trực tuyến.

Nếu cần gì thì giáo viên sẽ bổ trợ thêm sau cho học sinh, nhưng trước mắt vẫn phải đảm bảo chương trình và kế hoạch dạy học, phân phối chương trình theo đúng quy định.

Cũng đồng quan điểm này, thầy Huỳnh Thanh Phú khẳng định: Dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt. Dù đã triển khai được một năm, nhưng cũng vẫn còn quá mới với giáo viên. Thầy cô đôi khi còn chưa làm chủ được công nghệ.

Cô Nguyễn Thị Bé, giáo viên đã nói với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam: Việc dạy và học trực tuyến vẫn còn có nhiều khó khăn để thực hiện, nhất là đối với học sinh tiểu học, khi sự tương tác giữa thầy cô và học sinh sẽ hạn chế.

Việc áp dụng các phương pháp – kỹ thuật dạy học tích cực sẽ có nhiều khó khăn hơn.

Nếu thời gian học trực tuyến quá dài, có thể gây ảnh hưởng đến thị giác của học sinh, hay việc quản lý học sinh học trực tuyến đôi khi cũng có khó khăn, nhất là đối với những học sinh chưa có ý thức học tập.

Thầy Nguyễn Văn Phúc – Hiệu trưởng trường Phạm Ngũ Lão thì mong rằng, trong thời gian sắp tới, các quy chế, quy định về đánh giá học trực tuyến sẽ dần dần được hoàn thiện hơn, để phương pháp học này không chỉ áp dụng trong mùa dịch, mà còn có thể triển khai trong điều kiện bình thường, thường xuyên hơn nữa.

Việt Dũng