Hạ thi đua vì học sinh bỏ học sau Tết, giáo viên buộc phải "nghĩ cách" cứu mình?

20/02/2021 06:21
Thảo Ly
GDVN- Lớp có học sinh bỏ học, giáo viên bị hạ bậc thi đua. Nhiều thầy cô giáo tự “cứu mình” đã hợp thức hóa số lượng học sinh bỏ học thành chuyển trường hợp pháp.

Ở một số địa phương, sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thường có nhiều học sinh (ở cả ba cấp) bỏ học.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, trong ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết (17/2) số lượng học sinh các cấp vắng học khá nhiều. Cụ thể tỷ lệ học sinh đi học ở bậc mầm non 69%, Tiểu học 91,2%, trung học cơ sở 92% và trung học phổ thông 95%.

Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Báo Quảng Ngãi)

Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Báo Quảng Ngãi)

Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2019, có 594 học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở ở huyện Bác Ái (Ninh Thuận) không đến lớp.

Hậu quả của việc học sinh bỏ học giữa chừng không hề nhỏ, ngăn chặn tình trạng này, chúng ta cần phải đánh giá một cách khách quan nguyên nhân dẫn đến nhiều học sinh vì sao lại bỏ học sau mỗi dịp Tết?

Nhiều lý do khiến trò bỏ học

Có rất nhiều lý do khiến học trò bỏ học giữa chừng, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là những lý do chủ yếu sau:

Thứ nhất: học sinh có lực học yếu, kém vốn đã có tâm lý chán học, muốn bỏ học từ trước. Sau kỳ nghỉ Tết dài được thoát khỏi sách vở, được ăn chơi tự do nên càng quyết tâm muốn bỏ học.

Những học sinh này thường có gia đình ít quan tâm, có ba mẹ quá bận rộn với công việc hoặc đi làm ăn xa, nhiều em ở với ông bà đã già.

Khi nghỉ học, những em này thường du nhập với đám bạn cùng trang lứa hoặc các anh chị lớn tuổi hơn cũng đã nghỉ học trước đó. Có em còn bỏ nhà để đi bụi, bất chấp lời khuyên nhủ của thầy cô và gia đình.

Thứ hai: do thiếu sự quan tâm của gia đình, trong những ngày nghỉ Tết một số em đã lỡ sa chân vào một trong những tệ nạn như nghiện game, ham chơi bài bạc, uống rượu bia thậm chí nghiện hút và bỏ nhà đi bụi.

Những học sinh này, khi bị gia đình phát hiện cũng khó kéo các em về với gia đình.

Thứ ba: do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn một số em đã phải nghỉ học sớm để đi làm.

Nhà trường, địa phương dù phối hợp vận động các em ra lớp học cũng rất khó. Bởi vì, dù đồng cảm thầy cô cũng chỉ có thể hỗ trợ các em tiền sách vở thậm chí tiền học phí tạm thời chứ không thể giúp được số tiền nhiều hơn để lo cho gia đình các em.

Thứ tư: một số học sinh miền núi bỏ học để đi lấy chồng, lấy vợ. Có giáo viên kể khi nhà trường biết đến nhà động viên thì mọi chuyện đã an bài.

Thứ năm: một số em do bạn bè lôi kéo đi làm thuê kiếm tiền ở nơi xa, cùng với do nhận thức của nhiều phụ huynh học sinh vùng dân tộc thiểu số chưa cao nên họ sẵn sàng để con em đi học nghề hoặc làm rẫy sớm hơn tuổi lao động vẫn tốt hơn.

Giáo viên đã nỗ lực rất nhiều

Một lớp học có học sinh bỏ học, giáo viên chủ nhiệm nào cũng phải dày công đi vận động các em trở lại lớp. Nhiều thầy cô giáo ở Tương Dương, Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) cho biết phải băng rừng, lội suối cả ngày đường vào tận bản làng xa heo hút để đón các em trở lại lớp.

Có thầy cô còn thay nhau cõng các em đi trên đường, tìm mọi cách để trò thấy vui mà đến lớp như tặng quà, lì xì tiền, tổ chức tiệc liên hoan…

Ở miền xuôi chúng tôi, khi có học sinh bỏ học giáo viên chủ nhiệm cũng tìm hiểu nguyên nhân để hỗ trợ kịp thời.

Có em nghỉ học vì học yếu thì thầy cô phụ đạo, nghỉ học vì kinh tế khó khăn thì thầy cô chung tay mua sách vở, bảo hiểm và đóng giúp tiền học phí, nghỉ học vì ham chơi đua đòi cùng bạn bè thì tỉ tê, khuyên bảo.

Trăn trở của nhiều thầy cô giáo

Học sinh bỏ học có nhiều nguyên nhân mà vai trò của gia đình là quan trọng nhất. Tuy thế, mỗi khi có trò bỏ học giáo viên chủ nhiệm đã phải nỗ lực hết mình để đưa các em trở lại lớp.

Thế nhưng không phải cứ nỗ lực là thành công. Có thầy cô đã gọi điện thoại cho phụ huynh đến "cháy máy", đã nhiều lần lặn lội tới nhà phụ huynh để vận động phụ huynh và học sinh nhưng cũng đành bất lực.

Hiệu trưởng thấu hiểu, đồng cảm thì ghi nhận nỗ lực của giáo viên nhưng có không ít hiệu trưởng lại đổ hoàn toàn trách nhiệm học sinh bỏ học lên đầu giáo viên chủ nhiệm bằng cách trừ điểm thi đua. Lớp có một học sinh bỏ học, thầy cô bị hạ một bậc xếp loại, có từ 2 đến 3 em bỏ học xem như chỉ nhận mức xếp loại trung bình.

Vì thế, đã xảy ra tình trạng thầy cô giáo tự “cứu mình” để hợp thức hóa số lượng học sinh bỏ học thành chuyển trường hợp pháp.

Hoặc, có giáo viên học sinh đã bỏ học nhưng không thông báo cho nhà trường để gạch tên. Thế là, dù không đi học nhưng học sinh ấy vẫn có tên trong lớp, trong sổ, vẫn được thầy cô giáo cho điểm khống để cố duy trì sĩ số đến hết năm.

Chúng tôi nghĩ, để hạn chế số lượng học sinh bỏ học sau Tết hàng năm, quan trọng nhất là sự chung tay của gia đình, nhà trường và các ban ngành liên quan ở địa phương chứ không phải việc đổ trách nhiệm lên đầu giáo viên chủ nhiệm thì chuyện này sẽ chấm dứt.

Tài liệu tham khảo:

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/giao-vien-toi-nha-van-dong-hoc-sinh-den-truong-khong-bo-hoc-sau-tet-20210218143840351.htm

https://toquoc.vn/van-dong-hoc-sinh-vung-cao-tro-lai-lop-hoc-sau-tet-20190216093034575.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thảo Ly