Tên lửa Iskander: “Vô đối” nhưng khó xuất khẩu

14/11/2011 07:17
Trịnh Xuân Tuân (Theo Topwar)
(GDVN) - Nga đang gặp phải những khó khăn trong việc xuất khẩu các tên lửa Iskander.

Không thể tìm thấy khách hàng nước ngoài cho hệ thống tên lửa chiến thuật mới Iskander – M (NATO gọi là SS – 26 Stone), Nga đã quyết định giữ lại 120 hệ thống tên lửa này cho các nhu cầu trong nước. Mặc dù, cho đến nay, Nga hầu như không giữ lại các tên lửa cho chính mình, bất chấp thực tế là chúng đã đi vào phục vụ 5 năm trước đây.

Như chúng ta đã biết, tên lửa Iskander đã được Nga sử dụng để đói phó với các căn cứ không quân của Mỹ ở Georgia vào năm 2008. Cùng năm đó, Nga đã tuyên bố sẽ triển khai một vài hệ thống ở Kaliningrad, như một cách để đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa mới của NATO tại Ba Lan (mà Mỹ cho rằng là để bảo vệ châu Âu khỏi tên lửa của Iran).

Một năm sau đó, Nga đã quyết định không gửi tên lửa đến Kaliningrad, bởi vì Mỹ đã quyết định không xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.

Tên lửa Iskander có nhiều tính năng ưu việt
Tên lửa Iskander có nhiều tính năng ưu việt

Ban đầu, Syria, Kuwait, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran, Malaysia, Singapore và UAE đã bày tỏ sự quan tâm về Iskander. Tuy nhiên, chỉ có Iran là bày tỏ sự sẵn sàng để có được hệ thống tên lửa hiện đại này.

Nhưng một thương vụ mua bán đã không thể xảy ra vì  điều này vi phạm  lệnh trừng phạt quốc tế về việc hạn chế cung cấp vũ khí tấn công cho Iran.

Trước đây, Nga đã lên kế hoạch xây dựng ít nhất 5 lữ đoàn tên lửa Iskander. Tuy nhiên khả năng sản xuất tên lửa của Nga đã bị giảm sút mạnh kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh vào năm 1991.

Ngoài ra, do tài chính eo hẹp nên sự phát triển hệ thống tên lửa Iskander bị chậm lại và khi đó Nga phụ thuộc nhiều vào hệ thống tên lửa tầm ngắn SS-21 (tầm bắn 120 km), cùng với một số tên lửa Scud đã “lão hóa”.

Khi mà Mỹ triển có ý định xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, Nga đã có kế hoạch triển khai tên lửa Iskander ở Kaliningrad do tính năng độc đáo của nó. Tuy gọi là tên lửa đạn đạo, nhưng quỹ đạo của loại tên lửa tàng hình này lại không thuần tuý là quỹ đạo kiểu đường đạn mà có đường bay rất khó dự đoán. Sau khi phóng và trong quá trình bay, tên lửa luôn cơ động rất cao và luôn thay đổi.

Phần lớn quỹ đạo bay  của tên lửa cách mặt đất gần 50 km nên tên lửa  rất khó bị đối phương theo dõi và tiêu diệt. Các chuyên gia cũng thùa nhận rằng hiện chỉ có tên lửa đường đạn chiến lược Topol-M mới đủ sức sánh ngang với Iskander ở khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện đại.

Giá thành một tổ hợp Iskander hoàn chỉnh lên đến 30 triệu đôla
Giá thành một tổ hợp Iskander hoàn chỉnh lên đến 30 triệu đôla

Tên lửa Iskander được phóng đến mục tiêu có thể mang nhiều kiểu đầu đạn khác nhau, như: đầu đạn cát xét (chứa tới 54 quả đạn con), đầu đạn nổ phá, đạn xuyên thép và các đầu đạn dạng đặc biệt khác.

Tên lửa có độ chính xác rất cao nhờ hệ thống dẫn đường tiên tiến. Ngoài ra Iskander có thể  kết nối dẫn đường nhờ hệ thống định vị toàn cầu của Nga GPS/GLONASS.

Tổ hợp tên lửa Iskander sử dụng xe phóng kiểu МАЗ-7930 hoặc БАЗ-6909. Đây là kiểu xe tự hành bánh hơi, 8 bánh, trọng lượng toàn bộ 42 tấn, có thể chở tải tới 19 tấn, vận tốc có thể đạt 70km/h, dự trữ hành trình 1.000km. Ngoài ra, trên mỗi bệ phóng cơ động được bố trí 2 tên lửa.

Các thông số kỹ thuật của Iskander – M:

Khối lượng: 3800 kg

Chiều dài: 7,3 m

Đường kính: 0,92 m

Động cơ: Chất nổ đẩy rắn một giai đoạn

Tầm hoạt động: 400 km

Độ chính xác: 5 - 7 m

Tên lửa Iskander có nhiều tính năng ưu việt và được các chuyên gia quân sự  Nga đánh giá là thế hệ vũ khí mới của nước Nga.

Tuy nhiên giá thành một tổ hợp Iskander hoàn chỉnh lên đến 30 triệu đôla, đắt hơn rất nhiều lần so với các tên lửa thông thường. Phải chăng đây là lý do Nga gặp khó khăn trong việc xuất khẩu các hệ thống Iskander?

Trịnh Xuân Tuân (Theo Topwar)