Giáo giới biết ơn 2 Bộ trưởng, xin hãy kiên trì đề xuất bỏ nốt giấy phép con

06/03/2021 06:39
Cao Nguyên
GDVN- Lý do là bởi 10 chuyên đề bồi dưỡng chức danh và 9 tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II còn nhiều bất cập.

Ngày 1/3/2021, Báo Thanh niên dẫn lời ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), cho biết hiện nay Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, với “tư tưởng” là bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Như vậy, không chỉ có viên chức, mà các công chức cũng sắp “thoát” khỏi các yêu cầu chứng chỉ này [1]. Điều này cho thấy Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã và đang thực hiện nghiêm túc lời hứa của mình với cử tri trước Quốc hội [2].

Giáo giới biết ơn 2 Bộ trưởng

Báo Thanh Niên ngày 18/11/2019 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, khẳng định: “Tôi xin hứa với đại biểu Quốc hội sau khi luật Cán bộ, công chức sửa đổi được thông qua, chúng tôi sẽ sửa các quy định để chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa, mà đi vào thực chất, quan trọng là chúng ta có đạt được trình độ để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình hay không”. [3]

Trước đó, Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 07/11/2019 dẫn lời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu trước nghị trường Quốc hội: qua thực tiễn, Bộ GD-ĐT nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết. Những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ GD-ĐT quy định trong chuẩn giáo viên. [4]

Như vậy qua nhiều nỗ lực của 2 Bộ trưởng, sau 2 năm gánh nặng giấy phép con chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học đã được tháo gỡ.

Nhưng viên chức nói chung, viên chức là nhà giáo nói riêng vẫn còn lắm ưu tư, lo lắng, bất an về các quy định đòi hỏi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vừa tiếp tục được quy định trong các thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp - "giấy phép con" vô bổ

"Giấy phép con" không chỉ là cụm từ cửa miệng của nhà giáo chúng tôi về các loại chứng chỉ, theo như bài viết trên Báo Kinh tế và Đô thị ngày 08/11/2019, thì dường như Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng có chung nhận định này: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Cam kết loại bỏ “giấy phép con” trong công tác cán bộ [5].

Điều này cho thấy Bộ trưởng đã thâm nhập thực tế và thấy rõ công chức viên chức nói chung, viên chức giáo dục như chúng tôi nói riêng vất vả như thế nào vì phải có nó để giữ vị trí việc làm và tăng lương, thu nhập, nhưng lại không có lợi ích gì nhiều cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Thí dụ như hiện nay, giáo viên tham gia bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng II phải học 10 chuyên đề và làm bài thu hoạch đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, có nhiều nội dung giáo viên thậm chí thành thạo hơn cả giảng viên thì không nhất thiết phải học.

Bên cạnh đó, 9 tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II còn bất cập khiến giáo viên mất cơ hội thăng hạng.

Chuyên đề 1: “Lí luận về Nhà nước và hành chính Nhà nước”; Chuyên đề 2: “Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo”; Chuyên đề 3: “Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” – 3 chuyên đề này giáo viên chỉ cần đọc tài liệu là đủ.

Chưa kể, những chuyên đề này thì sinh viên nhiều chuyên ngành; giáo viên thuộc diện nguồn quy hoạch lãnh đạo; người tốt nghiệp trung cấp lí luận chính trị - hành chính hay giáo viên môn Giáo dục công dân đã được học rất kĩ.

Chuyên đề 4: “Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường” cũng rất quen thuộc với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tư vấn tâm lí học đường.

Riêng giáo viên làm công tác chủ nhiệm từ 5 năm trở lên có thể tư vấn tâm lí hơn hẳn mớ lí thuyết được giảng viên truyền đạt, vì hàng ngày hàng giờ, bằng kiến thức đã học ở trường đại học sư phạm, họ đã tư vấn cho hàng trăm, hàng ngàn học sinh.

Chuyên đề 5: “Tổ chức hoạt động dạy học, xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường” – đây là công việc của hiệu trưởng/hiệu phó/tổ trưởng/tổ phó chuyên môn.

Giáo viên bộ môn muốn tổ chức hoạt động dạy học hay xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục thì cũng phải thông qua tổ chuyên môn chứ không tự ý làm được.

Chuyên đề 6: “Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên”; Chuyên đề 7: “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh” – cũng được ngành giáo dục từng tỉnh thành tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên vào mỗi dịp hè hay lúc thay sách giáo khoa.

Hơn nữa, để có thể phát triển năng lực nghề nghiệp thì giáo viên phải tự học, học cả đời chứ không phải chỉ bằng một chuyên đề (online) là đủ.

Chuyên đề 8: “Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường” – đây là công việc của lãnh đạo Sở Giáo dục, hiệu trưởng/hiệu phó/tổ trưởng/tổ phó chuyên môn.

Hiện nay, một số giáo viên cốt cán cũng được cử lớp tập huấn công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục [6], nên chuyên đề này là thực sự không cần thiết.

Chuyên đề 9: “Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên” – là do hiệu trưởng/hiệu phó/tổ trưởng/tổ phó chuyên môn đảm nhiệm. Giáo viên chỉ học một chuyên đề sao có thể bằng những chức danh chuyên môn của nhà trường?

Chuyên đề 10: “Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển” - là một nội dung mơ hồ, bởi xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường thì liên quan gì, liên quan thế nào đến chất lượng chuyên môn?

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, điều tiên quyết là phải có thầy giỏi; cơ sở vật chất dạy học hiện đại; sách giáo khoa phù hợp; phụ huynh và nhà trường có sự hợp tác chặt chẽ; trung thực trong kiểm tra thi cử…

Nhìn chung, 10 chuyên đề này trùng lắp, chồng chéo với những gì giáo viên đã được học, bồi dưỡng, thậm chí có nội dung không ăn nhập gì với công tác giảng dạy của giáo viên.

Căn cứ để Bộ Nội vụ dự thảo thông tư theo "tinh thần" bỏ chứng chỉ ngoại ngữ với công chức, viên chức là Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn quy định: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức” [1].

Có lẽ đây cũng là cơ sở pháp lí để Bộ Giáo dục bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học cho giáo viên trong các thông tư mới bạn hành, thay vì chờ sửa Luật Viên chức và Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Nội vụ hoàn toàn có thể đệ trình lên Chính phủ, Quốc hội - cơ quan có thẩm quyền ban hành một nghị quyết tương tự như vậy để bỏ yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho viên chức nói chung, giáo viên nói riêng.

Bởi lẽ Luật Viên chức vừa mới sửa đổi, giờ lại sửa tiếp là khó khả thi.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã và đang tồn tại như một thứ giấy phép con hành giáo viên, viên chức mà không mang lại lợi ích gì trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, hiệu quả công việc.

Qua bài viết này, kính mong Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ rà soát lại tính thiết thực của chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để sớm sửa các quy định liên quan sao cho thiết thực, hợp lí.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/giao-duc/se-khong-yeu-cau-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-cho-vien-chuc-cong-chuc-1348165.html

[2]https://www.moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/bo-truong-bo-noi-vu-se-khong-yeu-cau-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-45176.html

[3]https://thanhnien.vn/giao-duc/bo-truong-bo-noi-vu-le-vinh-tan-som-bo-chung-chi-hanh-vien-chuc-1149368.html

[4]https://www.sggp.org.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-quy-dinh-ve-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-la-khong-can-thiet-627230.html

[5]http://kinhtedothi.vn/bo-truong-bo-noi-vu-le-vinh-tan-cam-ket-loai-bo-giay-phep-con-trong-cong-tac-can-bo-357033.html

[6] //hcm.edu.vn/thong-bao/ve-mo-lop-tap-huan-cong-tac-tu-danh-gia-va-danh-gia-ngoai-co-so-giao-duc-c41155-65397.aspx

[7] //luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-04-2021-tieu-chuan-xep-luong-giao-vien-thpt-cong-lap-198083-d1.html?layout=amp

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên