Tổng chủ biên Khoa học Tự nhiên: đây là môn học mới, không phải 3 môn dồn 1

19/03/2021 06:45
Đình Hùng
GDVN- Đối với môn Khoa học tự nhiên, nhiều người quan niệm đây là sự cộng vào cơ học của 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn nói đó là quan niệm sai.

Phó Giáo sư. Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên, Tổng chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Cánh Diều cho biết dạy học tích hợp là yêu cầu của dạy học theo định hướng phát triển năng lực.

Trong đó, học sinh cần vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực chuyên môn để giải quyết những vấn đề của thực tiễn.

Có thể nói tất cả các nước, khi chuyển đổi từ giáo dục theo định hướng phát triển nội dung sang giáo dục phát triển năng lực thì đều nhấn mạnh tới dạy học tích hợp, trong đó có cả tích hợp nội môn, liên môn và xuyên môn.

Phó Giáo sư. Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên, Tổng chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Cánh Diều. Ảnh: Nhân vật cung cấpPhó Giáo sư. Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên, Tổng chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Cánh Diều. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Dạy học tích hợp khá phổ biến trên thế giới và có thể nói là ở hầu hết các nước trên thế giới. Một kết quả nghiên cứu về dạy học tích hợp môn Khoa học (Science) ở 68 nước trên thế giới của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã cho thấy hầu hết các nước đều dạy học tích hợp môn Khoa học ở cấp trung học cơ sở.

Những nước có nền giáo dục tiên tiến như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc,…. Canada và nhiều bang ở Mĩ đều dạy môn Khoa học ở cấp trung học cơ sở thay cho 3 môn học riêng rẽ là Vật lí, Hoá học, Sinh học. Ở khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Philippin, Campuchia, Lào,… cũng đã dạy môn Khoa học từ nhiều năm nay.

Ở Việt Nam, dạy học môn Khoa học đã được đưa ra thảo luận từ những năm 2000 (trong lần đổi mới sách giáo khoa lần trước), nhưng vào thời điểm đó chúng ta chưa có đủ điều kiện thực hiện.

Lần đổi mới chương trình và sách giáo khoa lần này, đứng trước yêu cầu của xây dựng chương trình giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh, dạy học gắn liền với các tình huống thực tiễn nên dạy học tích hợp được nhấn mạnh và môn học Khoa học tự nhiên được thực hiện.

Trong môn Khoa học tự nhiên, nhiều nội dung giáo dục được lồng ghép vào giáo dục khoa học: tích hợp giáo dục khoa học với kĩ thuật, với giáo dục sức khoẻ, giáo dục bảo vệ môi trường, phát triển bền vững”, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn nhấn mạnh

Đối với môn Khoa học tự nhiên, nhiều người quan niệm đây là sự cộng vào cơ học của 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Phó Giáo sư. Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn cho biết đây là quan niệm sai lầm.

Tiến sĩ Tuấn cho hay: “Môn Khoa học tự nhiên là môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng và phát triển trên nền tảng của Vật lí, Hoá học, Sinh học và Khoa học Trái Đất,… nhưng không phải là sự cộng lại cơ học của 3 môn Vậy lí, Hoá học, Sinh học.

Trong môn Khoa học tự nhiên, các chủ đề /bài học được sắp xếp theo thứ tự đảm bảo tính logic khoa học đồng thời làm nổi bật những nguyên lí và quy luật chung nhất của thế giới tự nhiên, phù hợp với tiến trình nhận thức của học sinh. Phương pháp tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên chủ yếu theo 2 cách:

(1) Các bài học có thể khác nhau nhưng nội dung của bài học đều tập trung làm nổi bật các nguyên lí và quy luật của tự nhiên (5 nguyên lí và quy luật của tự nhiên được quy định trong chương trình môn học), và do vậy các nguyên lí và quy luật này là “sợi dây” kết nối các bài học của cả môn học lại với nhau thành một thể thống nhất.

(2) Trong 4 bước của mỗi bài học, ở bước thứ 4 (bước vận dụng kiến thức) giáo viên cần giúp học sinh sử dụng kiến thức tổng hợp của nhiều lĩnh vực để giải quyết những vấn đề của thực tiễn”.

Chia sẻ về thiết kế sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn cho biết:

“Khoa học tự nhiên là một môn học, không có các “phân môn” nên không có phần nào ghi là Vật lí, Hoá học hay Sinh học. Kiến thức của các mạch nội dung được đan xen và bổ trợ cho nhau. Ví dụ trong mạch nội dung “Chất và sự biến đổi của chất” có lồng ghép một số kiến thức vật lí và sinh học giúp cho học sinh tiếp cận với các kiến thức tổng hợp và vận dụng kiến thức vào thực tiễn dễ dàng hơn”.

“Mặc dù chương trình môn Khoa học tự nhiên không có các “phân môn” riêng rẽ về Vật lí, Hoá học hay Sinh học nhưng vẫn có các mạch nội dung về “Chất và sự biến đổi của chất”, “Vật sống”, “Năng lượng và sự biến đổi”, “Trái Đất và Bầu trời” nên trong những năm đầu thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới nhà trường có thể phân công giáo viên dạy học theo từng mạch nội dung gần với chuyên môn của giáo viên nhất, tránh sự xáo trộn không cần thiết về đội ngũ giáo viên”, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn nhấn mạnh.

Một số người cho rằng, một giờ học Khoa học tự nhiên sẽ có 3 thầy cô giáo cùng lên lớp dạy. Về điều này, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn khẳng định không có hình thức dạy học 3 giáo viên cùng dạy một giờ học vì sách không thiết kế cả 3 lĩnh vực chuyên môn sâu trong một bài học. Nghĩ như vậy là hiểu không đúng về dạy học tích hợp.

Với việc tích hợp 3 môn lại như vậy thì khâu kiểm tra, đánh giá học sinh sẽ như thế nào? Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên Mai Sỹ Tuấn cho biết:

“Dạy học theo định hướng phát triển năng lực thì đánh giá cũng theo yêu cầu của đánh giá năng lực. Vì Khoa học tự nhiên là một môn học (không chia ra thành phân môn) nên kiểm tra và đánh giá cũng tương tự như các môn học khác – kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Học đến phần nào thì đánh giá thường xuyên ở phần đó, sau một thời gian nhất định thì đánh giá định kì theo yêu cầu của cấp quản lí giáo dục.

Trong quá trình dạy học, giáo viên dạy một mạch nội dung cần có sự góp ý xây dựng bài học của các giáo viên khác trong nhóm giáo viên Khoa học tự nhiên. Không nên dạy độc lập, nếu ai dạy phần nào biết phần đó thì sẽ khó có bài dạy hay”.

Đình Hùng