Nền nông nghiệp tri thức, tiến sĩ bỏ ghế hiệu trưởng đi trồng cây là bình thường

19/03/2021 06:06
Thùy Linh
GDVN- Tiến sỹ Vũ Thoại ấp ủ hi vọng trong vòng 20-30 năm nữa sẽ đưa cây đàn hương Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực hương liệu giá trị cao.

Vào những ngày giữa tháng 3, đi cùng với đoàn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tôi có dịp được đặt chân tới vườn ươm của Viện nghiên cứu đàn hương và thực vật quý hiếm do Tiến sĩ Vũ Thoại làm Chủ tịch hội đồng khoa học.

Vừa đi vừa trao đổi chặng đường di chuyển từ Mỹ Đình lên khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Tiến sĩ Vũ Thoại khiến Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội và chúng tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Đó là câu chuyện của một Tiến sỹ về quản lý giáo dục nhưng lại có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp; dám từ bỏ ghế hiệu trưởng để về cuốc đất, trồng cây; anh chính là người Việt Nam đầu tiên, mang cây đàn hương – loại cây quốc mộc của Ấn Độ về Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Thoại giới thiệu về cách trồng, chăm sóc cây đàn hương với Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Vũ Thoại giới thiệu về cách trồng, chăm sóc cây đàn hương với Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (ảnh: Thùy Linh)

Đặc biệt, Tiến sỹ Vũ Thoại ấp ủ hi vọng trong vòng 20-30 năm nữa sẽ đưa cây đàn hương Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực hương liệu giá trị cao và Việt Nam sẽ nằm trong danh sách 5 nước trồng và phát triển cây “vàng xanh” đàn hương lớn nhất toàn cầu.

Hành trình gian khổ của một ông “giáo làng” đi chinh phục tấm bằng tiến sỹ nước ngoài

Kể với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thoại cho biết, trước đây là một ông “giáo làng” dạy học tại một trường trung học phổ thông tại Nam Định. Với mơ ước từ khi đang học đại học là phải có được cơ hội học nước ngoài nhưng nhà thì nghèo, chàng trai Vũ Thoại chẳng còn cách nào khác là trở về vùng quê nghèo ven biển huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng để trở thành một ông “giáo làng” tại trường trung học phổ thông nơi đây.

Những khó khăn khi làm một người thầy giáo đầu những năm 2000 không thể dập tắt được mơ ước của một ông “giáo làng” đầy nghị lực. Nhà cách trường không xa, nhưng thầy giáo Thoại đã xin Ban lãnh đạo Nhà trường cho được ở lại trong phòng học của học sinh ngăn ra để có “cơ hội” được truy cập vào mạng internet của Nhà trường để tìm kiếm cơ hội xin học bổng.

Anh Thoại cho biết, đàn hương là loài cây bán ký sinh, nên có thể trồng xen canh với các loại cây như: bưởi, cam... (ảnh: Thùy Linh)

Anh Thoại cho biết, đàn hương là loài cây bán ký sinh, nên có thể trồng xen canh với các loại cây như: bưởi, cam... (ảnh: Thùy Linh)

“Ròng rã suốt 3 năm liền, tôi mới tìm được cơ hội xin học bổng phù hợp bằng chương trình học bổng trao đổi văn hóa của Đại sứ quán Ấn Độ. Nhưng có được cơ hội xin học bổng rồi, hành trình có được nó trong tay là cả những chuỗi ngày vô cùng vất vả mà nếu không phải là người có nghị lực thì rất dễ dàng từ bỏ.

Ngày ấy, cả tỉnh Nam Định chưa có ai là giáo viên công chức đi học nước ngoài bằng học bổng cả. Tôi phải làm rất nhiều thủ tục để xin phép Nhà trường và các cơ quan chủ quản để …được đăng ký nộp hồ sơ cho chương trình học bổng.

Ròng rã cả mấy tháng trời, đến khi được các cơ quan tỉnh chấp thuận thì đã hết hạn nộp hồ sơ. Năm sau tôi lại làm các thủ tục và xin lại. Cũng ròng rã mấy tháng trời, cứ sáng lên lớp, chiều lại rong ruổi trên con xe wave tàu để đi làm thủ tục, dịch thuật giấy tờ, phỏng vấn.

Có những hôm tôi về muộn đến mức chuyến phà cuối cùng về chỗ tôi dạy học đã hết. Tôi ngồi cả đêm ở bến phà đợi cho trời gần sáng để đi chuyến phà rạng sáng và trở về trường cho kịp dạy tiết đầu.

Sau 2 năm, cuối cùng tôi cũng nhận được thông báo của Đại sứ quán Ấn Độ về việc cấp học bổng cho tôi đi học Thạc sỹ tại Ấn Độ. Nhận được giấy báo, tôi cầm khóc cả đêm vì mơ ước được đi học nước ngoài của tôi đã thành hiện thực”.

Tạm xa vợ và con nhỏ chưa đầy 1 năm tuổi, với đúng 80 đô la, 3 bộ quần áo và 10 gói mỳ tôm, ông “giáo làng” từ biệt làng quê để đến một đất nước xa xôi, rộng lớn, khác biệt hoàn toàn về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực để thực hiện ước mơ của mình.

Bén duyên với cây “vàng xanh” đàn hương và hành trình đầy nhọc nhằn, thị phi

Đó là năm 2006, khi còn là nghiên cứu sinh tại Ấn Độ, Tiến sĩ Vũ Thoại có cơ hội được gặp cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn - người dành gần trọn cuộc đời gắn bó với nền nông nghiệp Việt Nam khi ông có chuyến thăm quốc gia này.

Lần đó, vị Phó thủ tướng đã gọi Vũ Thoại riêng ra một phòng, dặn dò phải nghiên cứu, kết nối để đưa bằng được cây đàn hương quý hiếm về nước. Ông có căn dặn Vũ Thoại rằng: “Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng chưa có được một loại nào có giá trị kinh tế cao, có thể phát triển thành hàng hóa có tính chất toàn cầu. Nếu đưa được đàn hương về Việt Nam, cây có thể góp phần lớn vào việc thay đổi giá trị nền nông nghiệp nước nhà”.

Cuộc gặp đặc biệt với cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn khi đó, đã khiến Vũ Thoại không khỏi trăn trở. Anh quyết định dành thời gian, nghiên cứu tìm hiểu đặc tính của loài cây đàn hương - một loài cây được xem như báu vật, vua của các loại cây bởi giá trị kinh tế đắt đỏ mà chúng mang lại. Tinh dầu của loài cây này được ví như “vàng lỏng”, đây chính là cây “quốc mộc” của Ấn Độ.

Tiến sĩ Vũ Thoại đang cùng Giáo sư Ashutosh (áo xanh) - chuyên gia hàng đầu về cây đàn hương của Ấn Độ trong chuyến thăm khảo sát khu vực trồng đàn hương tại Việt Nam (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Vũ Thoại đang cùng Giáo sư Ashutosh (áo xanh) - chuyên gia hàng đầu về cây đàn hương của Ấn Độ trong chuyến thăm khảo sát khu vực trồng đàn hương tại Việt Nam (ảnh: NVCC)

Để nghiên cứu về cây đàn hương, trong thời gian học nghiên cứu sinh tại Ấn Độ, anh Thoại vô cùng ngạc nhiên khi biết một cây đàn hương 30 - 40 năm tuổi có giá hàng tỷ đồng, thậm chí với những cây cổ thụ có thể được trả giá lên tới cả mấy chục tỷ. Gỗ đàn hương được bán theo kilogram có giả cả trăm hoặc thậm chí giá bán ở cửa hàng trên 500$/ 1 kg. Dù có giá trị kinh tế cao, song không phải quốc gia nào cũng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để trồng và phát triển đàn hương.

Ấp ủ mang cây này về quê hương, anh Thoại đã có hàng chục chuyến đi thực địa tại các khu rừng, các Viện nghiên cứu, và các trang trại tại Ấn Độ.

Là người tay ngang từ sư phạm sang, chưa hề có kiến thức về nông nghiệp, nên thời gian đầu anh Vũ Thoại gặp rất nhiều khó khăn. Bởi các tài liệu về đàn hương rất ít và hầu hết là các từ ngữ chuyên ngành. Để tìm hiểu đặc tính của cây, chủ yếu phải học hỏi qua kinh nghiệm thực tế của người dân và chuyên gia.

Tuy nhiên, ở Ấn Độ cây đàn hương được bảo vệ rất nghiêm ngặt, chúng được trồng trong các lồng bê tông cốt thép, cây lớn đến đâu thì hàng rào bê tông – cốt thép cao tới đó. Người dân ở đây cũng rất hạn chế chia sẻ thông tin với người lạ.

Khoảng thời gian đó, anh phải nhờ tới sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, đồng thời liên hệ với các nhà khoa học làm cầu nối với những người trồng đàn hương. Nhiều năm trời, anh dành thời gian ăn ở, sinh sống với người dân bản địa. Mỗi ngày, học hỏi được kiến thức nào mới, vị tiến sỹ trẻ đều cẩn thận ghi chép làm tài liệu.

Năm 2012, Tiến sĩ Vũ Thoại kết nối mời đoàn chuyên gia Ấn Độ về Việt Nam để nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu – những vùng có tiềm năng phát triển loại cây quý này. Chuyến đi đầu tiên thành công hơn cả mong đợi khi tất cả các chuyên gia quốc tế đều chung nhận định, Việt Nam là đất nước rất thích hợp để trồng và phát triển đàn hương.

Đàn hương là loại cây không khó tính, chúng thích hợp trồng ở vùng nhiệt đới, với nhiệt độ lý tưởng nhất là từ 15 - 38 độ C (không có nhiệt độ dưới 7 độ C) khí hậu thổ nhưỡng Việt Nam rất phù hợp để phát triển loại cây quý này, đặc biệt là khu vực miền Trung – Tây Nguyên, và Tây Bắc.

Ròng rã nghiên cứu từ năm 2006, nhưng phải đến năm 2014, Tiến sĩ Thoại và các đồng nghiệp mới thành công trong việc tạo ra giống cây đạt tiêu chuẩn tạo giống hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Bởi lẽ, cây đàn hương rất khó nhân giống.

“Trước đó, nhiều chuyên gia Việt Nam cũng đã dành công sức, nghiên cứu gieo hạt giống cây này nhưng không thành công. Ngay tại quê hương của chúng là Ấn Độ, ở điều kiện tự nhiên, chỉ 5-10% số hạt cây đàn hương được gieo là nảy mầm”, anh Vũ Thoại vừa dẫn đoàn chúng tôi đi xem vườn ươm vừa kể.

Đầu năm 2016, để có thời gian nghiên cứu và phát triển đàn hương tại Việt Nam, anh đã quyết định nộp đơn, xin nghỉ làm hiệu trưởng, thành lập Viện nghiên cứu cây Đàn hương và thực vật quý hiếm. Vị tiến sỹ trẻ đầu tư và kêu gọi đầu tư để thuê đất, mở trang trại rộng trên 10 ha để nhân giống và trồng thí điểm loại cây quý hiếm này.

Quyết định này của Tiến sĩ Thoại khi ấy nhận phản ứng và không ít ngăn cản của người thân và bạn bè vì người cho rằng, đàn hương là loài cây quý, có giá trị kinh tế cao song ở Việt Nam, loại cây này còn quá mới mẻ trong khi trước đó rất nhiều người tâm huyết nhưng cũng không thành công vì thế rủi ro mang lại là rất lớn.

Nhận thấy niềm mơ ước của chồng cũng như những mong muốn của người tri kỉ nên vợ anh - Thạc sĩ Trần thị Hiếu, cũng đã gật đầu đồng ý tiếp động lực để anh Thoại thực hiện ước mơ đàn hương “make in Vietnam”. Thậm chí, vợ anh đã xin nghỉ làm giảng viên của một trường đại học danh giá tại Hà Nội để về cuốc đất, trồng cây, hỗ trợ chồng.

Vườn ươm của Viện nghiên cứu đàn hương và thực vật quý hiếm tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (ảnh: Thùy Linh)

Vườn ươm của Viện nghiên cứu đàn hương và thực vật quý hiếm tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (ảnh: Thùy Linh)

Cho đến nay, cây đàn hương đã được trồng khảo nghiệm tại khoảng 43 tỉnh thành trên cả nước và bước đầu cho kết quả rất khả quan. Nhiều cây cho ra hoa và quả khi mới chỉ hơn 2 năm tuổi sau khi trồng, lõi cây đàn hương thu được tại các vùng trồng thử nghiệm cũng được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là đạt tiêu chuẩn.

Để có thể khai thác gỗ đàn hương phải mất từ 12 – 15 năm, thậm chí 30 năm nếu muốn có gỗ đạt chuẩn tốt nhất. Nhưng ngay từ năm thứ tư, cây đã cho nguồn thu từ lá để làm trà cao cấp và hạt dùng để chiết xuất tinh dầu.

Khi tôi thấy khu vườn ươm của anh Thoại ở Hòa Lạc vừa trồng đàn hương mà vừa trồng rất nhiều cây khác như bưởi, xoài, lựu… thì được anh cho biết, đàn hương là loài cây bán ký sinh, nên có thể trồng xen canh với các loại cây như: bưởi, cam, quýt, mắc ca, cà phê, bơ… Trong khi đợi cây trưởng thành để “hái tiền” thì người trồng vẫn có nguồn thu từ các loại cây khác, chính vì thế rủi ro của đàn hương rất thấp.

Từ chức Hiệu trưởng đi trồng cây và những mơ ước cho nền nông nghiệp tri thức nước nhà

Đang là Hiệu trưởng- một vị trí nhiều người mơ ước, nhưng Tiến sĩ Thoại vẫn quyết định “ra đi” nhằm hiện thực hóa giấc mơ tạo ra một nền nông nghiệp có giá trị cao cho Việt Nam.

Về lý do từ chức Hiệu trưởng một trường cao đẳng công lập tại Hà Nội đầu năm 2016, chia sẻ với tôi Tiến sĩ Vũ Thoại tâm sự: “Làm hiệu trưởng thì nhiều người có thể làm được, nhưng đem về một giống cây quý cho bà con nông dân, biến nó thành hàng hóa để tạo sinh kế cho nhiều người phát triển kinh tế bền vững thì không phải ai cũng đủ tâm huyết”

Đã bao nhiêu năm rồi nền lâm nghiệp nước nhà chưa tạo ra được một loại cây gì có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định và có thể phát triển trên diện rộng cho người nông dân bớt khổ. Với động lực đó, mình trăn trở đưa giống cây gì đó phát triển tại Việt Nam”.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình mẫu cây đàn hương trồng xen canh với các loại cây khác, Tiến sĩ Vũ Thoại đưa ra những lời tâm huyết từ đáy lòng: “Một trong những nguyên nhân tôi nghỉ Hiệu trưởng để đi làm nông dân vì tôi muốn gửi thông điệp đến với mọi người rằng chúng ta cần một nền nông nghiệp tri thức với hàm lượng chất xám phải rất cao trong từng sản phẩm nông nghiệp làm ra.

Đã đến lúc phải bỏ quan điểm là nông dân là người có học thức thấp, ai cũng làm được nông dân và cứ thất nghiệp thì đi về làm nông dân. Chỉ có thay đổi được quan điểm thế và thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư tiền bạc vào nông nghiệp, thu hút được nhiều người tài đến với lĩnh vực nông nghiệp thì nền nông nghiệp nước nhà mới hội nhập toàn cầu được”

Với đứa con đẻ của mình là cây “vàng xanh” đàn hương, Tiến sĩ Vũ Thoại bộc bạch: “Nhìn cây đàn hương phát triển ồ ạt ở Việt Nam, tôi buồn nhiều hơn vui. Buồn vì toàn bộ nguồn giống cây đàn hương lấy từ cây bố mẹ chất lượng thấp, lấy từ cây bố mẹ chưa được chọn lọc, sẽ phá vỡ toàn bộ hệ sinh thái đàn hương của Việt Nam sau này.

Rất nhiều người cứ nghĩ là trồng đàn hương mỗi hecta thu được cả chục tỷ một năm nhưng họ nhầm tưởng rồi, giá đó là giá bán lẻ hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng. Giá bán buôn trên ruộng đồng chỉ cần được bằng 20% giá bán lẻ ở cửa hàng là tốt lắm rồi.

Hơn nữa, ai trồng đàn hương cũng nghĩ là chúng tôi bán giống và bao tiêu đầu ra. Nhưng nếu không có sự chung tay của Nhà nước, sự chung tay của người trồng, thì một mình chúng tôi cũng không thể làm được. Có hứa hẹn, có hợp đồng gì đi chăng nữa, cũng khó mà thực hiện được”.

Khi chúng tôi hỏi Tiến sĩ Vũ Thoại về lời khuyên của ông cho người trồng cây đàn hương thì anh nói: “Đàn hương có trên thế giới này cả hàng nghìn năm nay. Cả thế giới dùng nó. Chúng ta không cần phải nghi ngờ về giá trị của nó.

Tuy nhiên, tôi khuyên bà con không nên ồ ạt trồng nó. Hày tìm hiểu kỹ về kỹ thuật, tham khảo ý kiến chuyên gia kỹ trước khi trồng. Nguồn giống rất quan trọng với cây đàn hương nên phải mua ở những cơ sở cung cấp giống đảm bảo.

Mỗi gia đình nên trồng một vài chục cây để sau này nó là tài sản lớn cho các mình hoặc cho con cháu mình. Chỉ những ai thực sự có điều kiện về kinh tế, có nhân lực để chăm sóc cây thì mới nên trồng trên diện tích lớn”.

Theo lời kể của anh Thoại, từ hàng nghìn năm trước, gỗ cây đàn hương đã được sử dụng để xây dựng các công trình tôn giáo ở Ấn Độ, và dầu của đàn hương cũng được đốt lên để tạo mùi hương trong các không gian hành lễ linh thiêng ở chùa chiền. Cây đàn hương được xem là tài sản quốc gia, được bảo vệ nghiêm ngặt tại Ấn Độ và Sri Lanka.

Gỗ của cây đàn hương có mùi thơm rất đặc biệt và nhiều dược tính tốt, nên y học cổ truyền Ấn Độ dùng lõi gỗ đàn hương chống viêm, sát trùng, hạ nhiệt, làm săn da, chữa viêm bàng quang, lậu mãn tính, xuất huyết, nấc, khí hư, loét và rối loạn đường tiết niệu. Ngày nay, hầu hết các dòng nước hoa cao cấp đều phải có tinh dầu đàn hương để giúp định mùi hương thơm của nước hoa.

Khoảng 30% mỹ phẩm sản xuất tại Ấn Độ, Úc như kem chống não hóa da, trị nám, trị tàn nhang… có sử dụng chất chiết xuất từ cây đàn hương. Gỗ đàn hương cứng, giác trắng, không mùi, lõi vàng nâu, được sử dụng sản xuất các loại hàng mỹ nghệ cao cấp, đặc biệt chế tác tượng Phật, tràng hạt, Pháp khí Phật giáo và đồ dùng tâm linh. Ấn Độ là quê hương của đàn hương, nhưng Úc là nước có kim ngạch xuất khẩu gỗ đàn hương lớn nhất thế giới, hàng năm doanh thu từ gỗ đàn hương đã được cả tỷ đô la và họ đã phát triển sâu được mấy chục các sản phẩm có giá rất cao và bán trên toàn cầu.

Thùy Linh