Nữ tiến sĩ 32 tuổi miệt mài, đam mê nghiên cứu các bệnh liên quan đến thần kinh

21/03/2021 06:53
Phương Linh
GDVN- Khi có người thân bị bệnh trầm cảm, nữ tiến sĩ miệt mài dấn thân vào hành trình đi tìm lời giải, phát hiện và can thiệp sớm những căn bệnh liên quan đến thần kinh

Khi còn đang là nữ sinh của Trường Phổ thông Năng khiếu – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Thị Thanh Hương đã sớm bộc lộ những năng khiếu của mình trong môn Sinh học.

Đạt giải Nhất học sinh giỏi cấp thành phố môn Sinh học năm lớp 11, 12, giải khuyến khích học sinh giỏi cấp quốc gia, năm 2007, Hương đậu vào ngành Công nghệ Sinh học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với số điểm cao vút 28,5.

Trong suốt quá trình học đại học, Hương đã thể hiện niềm đam mê của mình trong lĩnh vực Sinh học, tha hồ nghiên cứu và phát huy thế mạnh của mình trong lĩnh vực yêu thích.

Nhận học bổng danh giá của cựu sinh viên Đại học Stanford

Vào khoảng thời gian này, Hà Thị Thanh Hương đã lần lượt bổ sung vào bộ sưu tập của mình những suất học bổng uy tín, như Lawrence S.Ting (2009-2010), Odon Vallet (2011), sinh viên 5 tốt cấp thành phố…

Sau 4 năm học, Hương tốt nghiệp thủ khoa đại học, về tham gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (Anh), nhằm tích lũy thêm cho mình kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế.

Cũng vào năm 2011, nữ sinh Hà Thị Thanh Hương nộp hồ sơ học bổng vào Quỹ Giáo dục Việt Nam, nhằm theo đuổi mong muốn đặt chân vào Đại học Stanford, một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Hoa Kỳ.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Hà Thị Thanh Hương nói: Khi đó, ngoài các yếu tố về học lực, kỹ năng, ngoại ngữ, sinh viên còn phải thuyết phục nhà trường bằng cách thể hiện niềm đam mê thực sự, chứng minh sự quyết tâm của mình mong muốn trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mình yêu thích, thông qua sự đầu tư trong nghiên cứu, học tập một cách nghiêm túc nhất.

Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương và các cộng sự làm việc trong phòng thí nghiệm (ảnh: ĐHQT TPHCM)

Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương và các cộng sự làm việc trong phòng thí nghiệm (ảnh: ĐHQT TPHCM)

Xuất sắc vượt qua rất nhiều thử thách, để nhận một suất học thẳng lên tiến sĩ, Thanh Hương còn vinh dự được nhận được một trong hai suất học bổng danh giá của cựu sinh viên Đại học Stanford, trở thành nghiên cứu sinh của ngành thần kinh học, với trọng tâm nghiên cứu là hội chứng tự kỷ.

Từ cuối năm 2017, trong cô đã nhen nhóm lên những ý tưởng, nên sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, Thanh Hương đã trở trở về nước (năm 2018), Hương chọn về công tác tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bắt tay vào tìm kiếm các cộng sự cho nhiều dự án liên quan đến não bộ, góp phần nâng cao sức khỏe trí tuệ, tinh thần cho người Việt Nam.

Vào những ngày dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, Tổ chức Quốc tế nghiên cứu về Khoa học Thần kinh đã công bố, xét trao một giải thưởng cho các giáo sư trẻ.

Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương là nhà nghiên cứu Việt Nam đầu tiên, cùng với 14 nhà nghiên cứu khác trên toàn cầu đã vinh dự đạt được giải thưởng này.

Với giải thưởng trị giá 140 triệu đồng, cô Hương và nhóm nghiên cứu vui mừng vì sẽ có thêm kinh phí (sau gần 2 năm thành viên tự bỏ tiền túi) để nghiên cứu công trình “Tìm kiếm các phương pháp chẩn đoán sớm, chính xác cho bệnh Alzheimer (bệnh lý về não tác động đến trí nhớ)”, công trình do cô Hương làm trưởng nhóm.

Ngoài công trình này, tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương còn là chủ nhiệm của 2 đề tài khác, là: Các phương pháp phát hiện stress, các phương pháp can thiệp để giảm stress.

Theo tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương, có hai bài toán lớn về bệnh não bộ có thể giải quyết. Đó là: Các bệnh liên quan đến stress – căn nguyên của nhiều bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm.

Nhóm bệnh thứ hai hiện chưa phải là nỗi lo lớn ở Việt Nam, nhưng trong khoảng chục năm tới có thể là gánh nặng cho ngành y tế. Đó là bệnh Alzheimer.

Nữ tiến sĩ 32 tuổi nói rằng, đây là căn bệnh có thể gây tử vong nhiều nhất ở người lớn tuổi,

Chọn cho mình con đường khó, là nghiên cứu những chứng bệnh chưa quá phổ biến ở tại Việt Nam, Thanh Hương nhìn nhận rằng, trở ngại lớn nhất của mình và nhóm khi đó là tìm được các đối tác nghiên cứu ở bệnh viện.

Tại nhiều bệnh viện lớn ở những quốc gia có trình độ phát triển, hồ sơ của các bệnh nhân có liên quan luôn sẵn có, tạo ra một nguồn dữ liệu tốt cho các nhà khoa học nghiên cứu.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa có nguồn dữ liệu của các nhóm bệnh nhân, nên cả nhóm gần như phải đi từ con số 0.

Đến từng bệnh viện để mời sự hợp tác nghiên cứu

Vào tháng 3/2019, cô Thanh Hương bắt đầu thực hiện công trình, lập nhóm Phòng thí nghiệm sức khỏe não bộ, rủ thêm nhiều đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu trẻ cùng tham gia. Đây là dự án chẩn đoán sớm, chính xác tình trạng bệnh Alzheimer, để bệnh nhân có cách chăm sóc và điều trị hiệu quả, giảm đi chi phí điều trị.

Các thành viên trong nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Hương phải “gõ cửa” đến từng bệnh viện, tìm kiếm đến những bác sĩ thực sự quan tâm đến căn bệnh Alzheimer, mời họ cộng tác và hỗ trợ cùng với nhóm.

Sau 2 năm vất vả, cuối cùng nhóm nghiên cứu cũng đã thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ nghiên cứu của bộ môn Lão của Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị Trí nhớ và Sa sút trí tuệ của Bệnh viện 30/4.

Cho dù, trên thế giới đã có một số công cụ chẩn đoán bệnh Alzheimer, nhưng hiện ở Việt Nam thì vẫn chưa có kỹ thuật này, do rất đắt tiền và xâm lấn nhiều. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu của cô Hương phải nghiên cứu theo hướng tiếp cận giá rẻ, ít xâm lấn hơn.

Bằng cách làm hệ thống trí tuệ nhân tạo, sử dụng nguồn dữ liệu sẵn có để huấn luyện cho mô hình trí tuệ nhân tạo, học được cách phát hiện sự khác biệt giữa người bình thường với người mắc bệnh Alzheimer với độ chính xác có thể lên đến 97%.

Với sự cố gắng hết sức của nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương hy vọng sẽ sớm cho ra những công cụ ứng dụng có thể sử dụng được tại các bệnh viện. Hiện nhóm vẫn đang nghiên cứu, phát triển công cụ trên bộ dữ liệu của người nước ngoài, nên bước tiếp theo phải tiến hành thêm trên dữ liệu người Việt Nam.

Tiếp nữa là cần phải làm sao thuyết phục được các bác sĩ và bệnh viện để đưa phần mềm đó vào quy trình khám chữa bệnh Alzheimer.

Trước mắt, tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương nghĩ là cần phải thuyết phục được Bộ Y tế chấp nhận sự kiểm duyệt, cho phép bộ công cụ này được đưa vào sử dụng.

Phương Linh