Giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến, sao lại xảy sự việc đau xót như thế?

30/03/2021 06:29
Trần Phương
GDVN- Vì sao những đứa trẻ ngây thơ trong sáng có những hành vi thô bạo với cô giáo dạy mình?

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Tuất tại trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội) với thâm niên công tác gần 30 năm đã tố cáo tới cơ quan chức năng cho rằng bị lãnh đạo trường trù dập.

Chưa bàn tới việc cô Tuất tố cáo đúng hay sai, vì rằng việc này sẽ có các cơ quan chức năng làm sáng tỏ (1). Tuy nhiên, điều đáng buồn và đau xót nhất khi những đoạn clip đăng tải trong vụ cô giáo tố bị trù dập vì đấu tranh tiêu cực xuất hiện cảnh học sinh cãi lời, làm việc riêng, thậm chí có hành vi bạo lực với cô giáo.

Đặc biệt, theo cô Tuất, sáng 20/1, trong giờ dạy môn Lịch sử lớp 5D, một nhóm học sinh chạy lên bàn giáo viên cướp bút bi khi cô đang viết bảng.

Một số khác giơ tay, giơ thước của giáo viên, lao vào định đánh cô giáo, khiến cô phải né tránh mới không bị trúng thước.

Nghiêm trọng hơn, ngày 21/1, khi cô lên lớp dạy môn Địa lý ở lớp 5D thì 1 học sinh trong lớp cầm thước của giáo viên, lấy áo đồng phục chùm kín mặt, vụt mạnh thước vào cô...

Một số học sinh khác dùng vòng dây chun, vo giấy bắn liên tiếp vào người cô, có mảnh giấy bắn vào khóe mắt khiến cô bị thương.

Thật đáng buồn, có lẽ trong trường hợp này mọi truyển thống quý báu “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam bị phá vỡ hoàn toàn.

Những đạo lý, những giá trị văn hóa tốt của người xưa để lại như “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” … đều bị phá vỡ.

Cách đây nhiều năm, tại một cuộc họp về giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trăn trở về việc đạo đức học đường đang xuống cấp nghiêm trọng. (2)

Hình ảnh được cho là ở lớp 5D trường Tiểu học Sài Sơn B trong giờ học của cô Tuất. Ảnh: Chụp màn hình từ phóng sự của Nguoiduatin.vn

Hình ảnh được cho là ở lớp 5D trường Tiểu học Sài Sơn B trong giờ học của cô Tuất. Ảnh: Chụp màn hình từ phóng sự của Nguoiduatin.vn

Việc học sinh phản ứng lại các thầy cô giáo là có, thậm chí đã từng có việc học sinh đánh thầy cô giáo nhưng đó cũng là câu chuyện cá biệt và vô cùng hy hữu.

Thế nhưng ở Sài Sơn B, không phải là một học sinh, hai học sinh mà rất nhiều… mọi thứ xảy ra trong clip như thành một hệ hống.

Học sinh hỗn hào, che mặt bằng khẩu trang, bắn giấy vào cô giáo, thậm chí khiến cô giáo bị thương ở mắt.

Nếu đúng như những gì diễn ra trong clip thì quá kinh khủng, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng sự việc này không phải xảy ra ở một vùng xa xôi nào đó mà nó diễn ra ngay giữa Thủ đô.

Một việc trái đạo lý như vậy đã xảy ra cần câu trả lời thỏa đáng của cơ quan chức năng, những người làm quản lý.

Không thể để những hình ảnh trái đạo lý như vậy trở thành vết dao cứa vào ngành giáo dục, cứa vào đạo nghĩa thầy trò mà cả dân tộc trân trọng từ nhiều đời nay.

Cũng đã có nhiều ý kiến của các nhà giáo có thâm niên đến 30 năm đi dạy cũng chưa bao giờ gặp chuyện bất ngờ đến vô lý như vậy

Nếu cơ quan chức năng không làm rõ sự việc đau lòng ở trường Sài Sơn B, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, một vết sẹo đớn đau của ngành giáo dục.

Thật xót xa cho cái nghề giáo có phần bạc bẽo thời nay là nhiều tiếng lòng cảm thán khi xem những hình ảnh mà clip cô giáo Tuất quay lại, đã được thốt ra rất nhiều trên các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng.

Sự tôn nghiêm trốn học đường đã bị hoen ố nghiêm trọng, vì sao cô giáo Tuất không thể làm gì?

Đau buồn hơn khi học trò sai trái, hư hỏng, thậm chí đánh cả cô giáo thì vẫn có người bênh, và cho rằng việc quản lý lớp không được là do cô giáo Tuất không làm tốt vai trò giáo viên, “rồi là cô thế nào trò với thế ấy”… hoặc viện ra lý do bệnh này, bệnh kia…

Càng xót xa hơn khi luân lý ngược đời đã xảy ra ở độ tuổi tiểu học như ở trường Sài Sơn B.

Rồi mai đây, trong tâm thức những học trò ấy sẽ như thế nào khi chúng đã từng… “bắt nạt” cô giáo của mình?

Đến bây giờ, một câu hỏi nhức nhối cần cơ quan chức năng huyện Quốc Oai (thậm chí là ở cấp cao hơn nữa) cần làm rõ xem có sự xúi giục của người lớn hay không?

Vụ việc ở Sài Sơn B không có câu trả lời thỏa đáng sẽ chỉ là vết dao cứa sâu vào nỗi đau của ngành giáo dục. Ảnh tư liệu từ nguoiduatin

Vụ việc ở Sài Sơn B không có câu trả lời thỏa đáng sẽ chỉ là vết dao cứa sâu vào nỗi đau của ngành giáo dục. Ảnh tư liệu từ nguoiduatin

Nếu có, cần làm rõ động cơ đó là gì và cần xử lý nghiêm bởi chỉ vì những ích kỷ nhỏ nhen của người lớn đang làm vấy bẩn tâm hồn trẻ thơ. Càng đáng lên án hơn nếu hành động xúi giục trẻ con là để phục vụ động cơ đê hèn của người lớn.

Hành động bắn thun giấy vào mặt giáo viên chỉ là hành động nghịch phá của con trẻ?

Những thứ đồ chúng mang đến lớp được ghi lại như những lá bài (Tú lơ khơ), chăn trùm lên đầu… để phá cô giáo thì liệu rằng có đơn thuần chỉ là nghịch phá?

Còn các vị phụ huynh, các bậc cha mẹ của những đứa trẻ này sẽ nghĩ gì khi con mình đến trường lại hỗn hào với cô giáo?

Trước khi bước chân đến trường, những người thầy đầu tiên của những đứa trẻ đó chính là cha mẹ chúng. Nhân cách của một đứa trẻ ảnh hưởng phần nhiều bởi gia đình, rồi mới tới thầy cô, bạn bè.

Những ông bố, bà mẹ có cảm thấy xót xa khi biết con mình đến lớp đã có hành vi vô lễ?

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc để học sinh bị lợi dụng vào động cơ của người lớn đều là tội ác và kẻ dựng lên kịch bản trái luân lý này đều là kẻ dốt nát và đang tiếp tay cho việc hủy hoại chính tương lai của những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên trong màu áo trắng học trò.

Điều đó không chỉ đáng buồn, đáng tủi cho giáo viên mà còn là điều nguy hiểm cho đạo đức và sự phát triển xã hội nói chung.

Hơn nữa, Quốc Oai là quê hương anh hùng, có truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo, một vùng đất của Thủ đô ngàn năm văn hiến, không thể tin lại có chuyện ngược đời, trái luân lý lại xảy ra như thế.

* Tài liệu tham khảo:

(1) http://cand.com.vn/Xa-hoi/Thanh-tra-toan-bo-vu-viec-co-giao-to-bi-tru-dap-do-chong-tieu-cuc-635559/

(2) https://dangcongsan.vn/khoa-giao/khong-nen-cong-khai-danh-tinh-thi-sinh-duoc-nang-diem-518243.html

Trần Phương