Nếu rơi vào tình cảnh học sinh hỗn láo với giáo viên như cô Tuất thì nên làm gì?

01/04/2021 06:20
Đình Hùng
GDVN- Chuyện học sinh hỗn láo trong giờ học với cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B (huyện Quốc Oai, Hà Nội) đang là vấn đề nóng mấy ngày qua.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, có 3 nguyên nhân khiến cô Tuất bất lực trong việc ổn định lớp học:

“Với 6 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi cấp huyện cùng bề dày nhiều năm kinh nghiệm dạy học, có thể thấy rằng, trước đó, cô Tuất được đánh giá tốt về mặt chuyên môn. Thế nhưng, hiện tại lại xảy ra như vậy có lẽ vì:

Thứ nhất, chính bản thân cô Tuất cảm thấy bất lực trước những học sinh trong lớp của mình. Sự bất lực thể hiện ở chỗ cô Tuất không ổn định lớp được, không thực hiện đúng vai trò của một người giáo viên là tổ chức lớp học đi vào nền nếp để chất lượng giáo dục đạt hiệu quả cao. Bất lực vì không phải là 1, 2 cá nhân học sinh mà đó là cả một tập thể lớp đang “chống lại” cô.

Hình ảnh học sinh tụm năm tụm ba làm việc riêng trong giờ học của cô Tuất. Ảnh cắt từ clip.

Hình ảnh học sinh tụm năm tụm ba làm việc riêng trong giờ học của cô Tuất. Ảnh cắt từ clip.

Khi đã bất lực rồi thì họ muốn buông xuôi. Mặc dù trước đó như cô Tuất nói với báo chí là đã nhiều lần phản ánh với Phòng Giáo dục huyện, nhà trường cũng biết vấn đề nền nếp lớp cô Tuất dạy nhưng chưa có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Thứ hai, cô Tuất đang cảm thấy có những tiêu cực phía sau khi chứng kiến sự bất hợp tác của học trò. Cảm nhận của cô Tuất có thể đúng hoặc sai.

Nếu có sự tiêu cực phía sau thì một mình cô Tuất chống lại tiêu cực đó không dễ dàng. Hoặc sự thực không hề có sự tiêu cực thì nhà trường cần tìm cách để cô Tuất thấy cảm nhận của cô ấy là sai.

Thứ ba, cô Tuất đã giảm bớt nhiệt huyết với nghề. Trong thời đại hiện nay, nhiều giáo viên cảm nhận rằng, quyền của họ ít dần đi, trách nhiệm ngày một nhiều hơn. Trong trường hợp của cô Tuất, cô ấy còn cộng thêm hai lý do ở trên nữa. Khi một người giáo viên đã giảm sự nhiệt huyết trong giáo dục thì họ sẽ không còn đủ “lửa” để quyết tâm chấn chỉnh nền nếp lớp học nữa. Mặc dù, chắc chắn trong quá khứ cô Tuất không như vậy, vì nếu như vậy thì cô sẽ không bao giờ đạt được những thành tích như chúng ta đều biết”.

Để dạy dỗ một học sinh cá biệt đã khó, huống hồ, trong sự việc này, cô Tuất đối mặt với sự chống đối của cả lớp.

Một học sinh cá biệt thì xử lý được, cả một tập thể lớp hỗn láo thì xử lý như thế nào? Thạc sĩ Hiền cho biết:

“Bản thân tôi, khi tôi học cấp 3, lớp tôi cũng là một tập thể cá biệt. Lúc đó, chúng tôi còn cảm thấy rất vui khi chiến thắng giáo viên, chiến thắng những luật lệ ở trường. Giờ nghĩ lại thấy xấu hổ lắm.

Để xử lý một tập thể lớp như thế, tôi xin chia sẻ cách làm của chính thầy chủ nhiệm lớp cấp 3 của chúng tôi – thầy Dũng. Có thể cách đó chưa phù hợp với lớp cô Tuất vì lứa tuổi khác, hoàn cảnh khác. Nhưng với cách của thầy, đến bây giờ, khi chúng tôi đã ra trường gần 20 năm nay nhưng vẫn luôn nhìn về thầy với sự kính trọng.

Thứ nhất, thầy luôn cho chúng tôi thấy rằng mình đang làm tất cả mọi thứ vì quyền lợi của học sinh và vì muốn tốt cho học sinh.

Nếu người giáo viên thực sự đang làm tất cả vì học sinh, muốn tốt cho học sinh, đôi khi chỉ bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng những lời giáo huấn, nâng đỡ cho học trò của mình, kể cả đôi lúc quát nạt, nghiêm khắc thì học sinh vẫn cảm nhận được. Lúc đó, học trò sẽ luôn đứng về phía mình. Đương nhiên, hoàn cảnh của chúng tôi lúc đó chắc chắn không có sự tiêu cực. Còn trong trường hợp cô Tuất chúng ta chưa biết sự thật như thế nào.

Thứ hai, trước một tập thể đang có vấn đề về nội quy như thế, giáo viên và học sinh trong lớp phải tự thỏa thuận về nội quy lớp học và nghiêm túc thực hiện. Nội quy đó bám sát vào thực tế đang diễn ra trong lớp.

Đương nhiên, những nội quy này khi được đưa ra, mình không áp dụng một cách cơ học, vừa làm theo sự thỏa thuận đó, vừa làm theo cái tình, dựa vào cái tâm để học sinh đó biết rằng, giáo viên làm như vậy là bởi vì con vi phạm, cô phạt con là muốn cho con thay đổi, muốn tốt cho con.Chừng đó thôi thì chưa đủ.

Thứ ba, để dẫn dắt cả một tập thể, chính người giáo viên phải liên tục đổi mới về phương pháp dạy học.

Học sinh mỗi năm mỗi khác, công nghệ luôn cập nhật, chương trình cũng có sự thay đổi. Có thể giáo viên đã có kinh nghiệm 30 năm, nhưng nếu giáo viên không đổi mới phương pháp, họ vẫn dùng phương pháp cũ áp dụng cho học sinh mới thì chưa chắc phương pháp đó đã mang lại hiệu quả như họ muốn.

Cho nên, bắt buộc người giáo viên phải luôn đổi mới về phương pháp dạy học để tạo ra chất lượng giờ dạy tốt nhất. Khi học sinh vào nền nếp, cảm nhận được cái tâm của giáo viên, giờ học của giáo viên đem lại cho các bạn niềm vui, sự hiểu bài, điểm cao thì các bạn sẽ đua nhau học, học với sự hăng say nhất.

Lúc đó, kiến thức của học sinh sẽ vững vàng, đạo đức của học sinh cũng sẽ tốt”.

Mục tiêu của hoạt động giáo dục là phát triển đồng bộ cả 3 mặt: kiến thức, kỹ năng và đạo đức. Hoạt động giáo dục cần sự phối hợp đồng bộ của 4 bên: giáo viên, nhà trường, gia đình và xã hội.

Trong sự việc này, khi học sinh có những hành động và lời nói không đúng mực với cô Tuất như vậy, nhà trường và phụ huynh cũng phải có trách nhiệm.

“Về phía nhà trường, trong bất kỳ tình huống nào, điều quan trọng là phải nâng đỡ giáo viên của mình.

Khi chúng ta là một tập thể, chúng ta đã cùng nhau trải qua lúc vui, lúc buồn, lúc thành công, lúc khó khăn trong nghề thì phải biết trân trọng những người cùng trong tập thể của mình. Làm sao để tập thể như ngôi nhà thứ hai của mỗi người.

Vì thế, khi một giáo viên nào đó gặp khó khăn thì cả trường phải tìm cách giúp đỡ.

Ví dụ, khi giáo viên gặp khó khăn về chuyên môn, thì tập thể cùng nhau tìm cách hỗ trợ để giáo viên có thêm kiến thức, kỹ năng, nâng đỡ giáo viên để họ có thêm động lực làm việc. Trong hoàn cảnh cô Tuất cũng vậy, nếu tập thể nhận thấy nền nếp học sinh kém, thì đó còn là trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm, sự chủ động của đồng nghiệp để làm cho lớp ổn định lại nền nếp, chứ không phải trách nhiệm riêng của cô Tuất.

Để tạo động lực làm việc cho giáo viên, vai trò của người cán bộ quản lý rất quan trọng. Chính vì vậy, trong những lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, chúng ta vẫn có chuyên đề tạo động lực làm việc cho giáo viên. Học xong chuyên đề đó, người giáo viên sẽ có thêm kĩ năng tự tạo động lực làm việc cho mình, người quản lý có thêm kĩ năng tạo động lực làm việc cho tập thể.

Về phía phụ huynh, con là con của mình, còn nhà trường là môi trường cho con học tập. Thế nên, vai trò của gia đình rất quan trọng, phụ huynh không thể giao con cho nhà trường và hời hợt trách nhiệm của mình trong quá trình giáo dục con. Phụ huynh cần phối hợp với nhà trường trong quá trình giáo dục con em mình, kể cả về kiến thức, kỹ năng hay hành vi đạo đức.

Chúng ta thấy ở lớp cô Tuất, học sinh có những hành vi không đúng với giáo viên. Với cương vị là người làm cha, làm mẹ, khi thấy con mình có hành vi không đúng với giáo viên, dù giáo viên đó có không đúng thì bố mẹ cũng không thể hùa theo được, mà phải dạy dỗ con hành vi cư xử cho đúng chuẩn mực.

Vì cô ấy vẫn là cô giáo của con, đó là người lớn, đó là người bằng tuổi cha mẹ, cô bác của con cho nên cách con hành xử như thế là không được phép.

Trách nhiệm của phụ huynh là cần giáo dục con khi thấy con mình có những hành vi không đúng”, Thạc sĩ Hiền nhấn mạnh.

Phụ huynh vẫn thường có câu đầy tin tưởng: “trăm sự nhờ thầy cô” khi gửi gắm con mình, thế nhưng, khi có vấn đề gì xảy ra ở trường thì nhiều người sẽ nói ngay: “con nít biết gì đâu, lỗi ở thầy cô cả”, thế nên, sẽ không ngoa khi ai đó ví von nghề giáo là nghề nguy hiểm.

Giáo viên đánh học sinh thì rõ ràng không thể chấp nhận được, giáo viên sẽ bị kỷ luật vì những hành động như vậy. Tuy nhiên, nếu học sinh đánh cô giáo thì xử lý như thế nào?

“Hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông đang áp dụng quy định về khen thưởng, kỷ luật tại Thông tư 08/TT năm 1988.

Đối với hành vi đánh giáo viên, học sinh có thể bị áp dụng một trong 03 hình thức kỷ luật là: Cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 01 tuần lễ, đuổi học 01 năm.

Ngoài quy định về kỷ luật tại trường học, trường hợp cố ý đánh giáo viên gây thương tích, học sinh còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, học sinh có hành vi cố ý gây thương tích đối với thầy giáo, cô giáo của mình (kể cả gây thương tích dưới 11%) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại tới sức khỏe của người khác.

Về điều luật thì như vậy, nhưng trong quá trình làm giáo dục thì giáo viên ít khi nhắc đến luật, các thầy cô vẫn trên cái tâm để giáo dục học sinh chứ không áp dụng cơ học như trong luật. Rõ ràng có những giáo viên khi bị học sinh đánh thì vẫn luôn dùng những cách thức nhẹ nhất để cảm hóa học sinh của mình”, Thạc sĩ Hiền nhấn mạnh.

Đình Hùng