Giải mã các căn bệnh giáo dục (1)

26/04/2021 07:45
Xuân Dương
GDVN- Nói đến những căn bệnh kinh niên của giáo dục, phải thừa nhận việc khám bệnh rất giỏi nhưng bốc thuốc lại rất kém nếu không nói là không muốn tìm thuốc chữa bệnh.

Nói đến hoạt động giáo dục Việt Nam, không ít lời ca ngợi và cũng không ít lời phê phán.

Nói đến những căn bệnh kinh niên của giáo dục, phải thừa nhận việc khám bệnh rất giỏi nhưng bốc thuốc lại rất kém nếu không nói là không muốn tìm thuốc chữa bệnh.

Cụ thể hơn, những bất cập, yếu kém của giáo dục - tạm gọi là bệnh kinh niên của giáo dục - đều đã được chỉ rõ trong không ít nghị quyết về chủ trương, đường lối cũng như các nghị định, quyết định của Chính phủ,…

Tuy nhiên dù chỉ ra rất rõ ràng tên bệnh và nguyên nhân gây bệnh song hệ thống lại chưa sản xuất được các loại “thuốc đặc trị” nhằm chữa các loại bệnh này.

Xem xét riêng ngành giáo dục, lĩnh vực được nhiều học giả và tổ chức quốc tế ca ngợi nhất là giáo dục phổ thông, ít lời khen ngợi nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hình như không dành được sự quan tâm của học giả và truyền thông nước ngoài.

Vậy giáo dục phổ thông của Việt Nam thật sự nhiều thành tích như không ít báo cáo tổng kết trong nước đưa ra và khen ngợi của quốc tế?

Câu trả lời nghiêm túc là giáo dục phổ thông của Việt Nam nói riêng và giáo dục nói chung hiện đang chứa quá nhiều trọng bệnh.

Điều đáng nói là các bệnh ấy đều đã được phát hiện, đã chỉ rõ từ hàng chục năm trước nhưng cho đến nay vẫn không có thuốc đặc trị.

Nói đến những căn bệnh kinh niên của giáo dục, phải thừa nhận việc khám bệnh rất giỏi nhưng bốc thuốc lại rất kém nếu không nói là không muốn tìm thuốc chữa bệnh. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Tuyengiao.vn)

Nói đến những căn bệnh kinh niên của giáo dục, phải thừa nhận việc khám bệnh rất giỏi nhưng bốc thuốc lại rất kém nếu không nói là không muốn tìm thuốc chữa bệnh. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Tuyengiao.vn)

Thứ nhất, “Bệnh ghẻ”:

“Bệnh ghẻ” thông thường theo quan điểm y tế là bệnh ngoài da hiện có nhiều loại thuốc chữa và có thể khỏi bệnh sau một hai tuần chữa trị.

“Bệnh ghẻ giáo dục” là căn bệnh chỉ gặp ở “Bệnh nhân Giáo dục”.

Bệnh “ghẻ giáo dục” ai cũng nhìn thấy, nghe thấy nhưng không thể trị tận gốc, nói chính xác đây là căn bệnh xã hội, khi nhiễm vào “Bệnh nhân Giáo dục” thì trở nên trầm trọng và để lại di chứng nhiều thế hệ.

Biểu hiện của bệnh này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập:

“Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu”.

Có ba đối tượng bị “ghẻ” quấy rầy:

Một là viên chức giáo dục:

Muốn trở thành viên chức giáo dục, “không tiền không trôi”, về điều này có thể tìm được vô số bài viết, phóng sự điều tra trên truyền thông đại chúng:

Báo Vietnamnet.vn viết: “Người ta rỉ tai nhau “bảng giá ngầm định”, đại loại: biên chế chục ngàn đô, hợp đồng dài hạn vài ngàn, chuyển trường vài ngàn… Có “cò” chuyên môi giới, có người đứng ra trực tiếp làm, nhưng tờ biên nhận vay nợ thỏa thuận xong việc thanh toán hết, còn không thì người chạy sẽ mất hết hoặc mất số đã chi dùng. Nghĩa là được việc hay hỏng việc đều mất tiền”. [1]

Cổng thông tin điện tử Hội nhà báo Việt Nam (Hoinhabaovietnam.vn) có bài viết cho biết: “Để “chạy” một suất vào biên chế giáo viên, không ít người đã phải vay mượn một số tiền không nhỏ”. [2]

Báo Dantri.com.vn viết: “Khi được hỏi: “Chị không “vận động” trước khi thi à?” Chị Tân cho biết: “Thực ra chị cũng có đi phong bì một khoản khá lớn bằng “đô”. Nhưng sau đó bị trả lại vì có một người có thế lực được “chấm” trước rồi. Chị cũng đã cố gắng, nhưng kết quả lại không phụ thuộc vào chị”. [3]

Hai là cha mẹ học sinh:

Một dạng “ghẻ giáo dục” khác xuất hiện thường xuyên tại hầu hết cơ sở giáo dục phổ thông (trừ một số điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn) là khoản “Quỹ lớp”, “Quỹ Hội phụ huynh học sinh” do Hội phụ huynh bảo trợ.

“Những khoản thu “tự nguyện bởi không thể từ chối” đã gây ra những hệ lụy không đáng có với môi trường giáo dục công lập. Đó là sự khắc sâu thêm xu hướng phân hóa xã hội về thu nhập và mức sống giữa các hộ gia đình, đẩy nhiều gia đình vào tình thế khó xử, tạo ra những cảm xúc tiêu cực về cô giáo và nhà trường trong một bộ phận phụ huynh và học sinh”. [4]

Ba là học sinh:

Đối với học sinh, chuyện bị lây “ghẻ” không phải là không có, chẳng hạn một số cơ sở giáo dục vận động “học sinh nhịn ăn sáng để ủng hộ địa phương bị thiên tai”. Có nơi tạo nên các slide tuyên truyền trong đó có nội dung:

“6) Nhịn ăn sáng để đóng góp tiền, ủng hộ các bạn nghèo vượt khó”

Ảnh chụp màn hình Slide 1 tại địa chỉ https://quantri.longbien.edu.vn

Ảnh chụp màn hình Slide 1 tại địa chỉ https://quantri.longbien.edu.vn

Vun trồng lòng nhân ái trong học sinh, nhất là học sinh tiểu học và trung học cơ sở là việc làm cần thiết nhưng không được vận động các em nhịn ăn sáng để lấy tiền ủng hộ bởi lẽ không có bất kỳ khuyến cáo nào từ ngành y tế về việc có thể cắt xén khẩu phần ăn của trẻ nhỏ.

Hơn nữa có thể vận động học sinh ủng hộ theo nhiều hình thức tích cực hơn như thu gom giấy vụn, lon bia,… bán cho “đồng nát” lấy tiền ủng hộ.

Nếu chịu khó tìm hiểu, chắc sẽ thấy nhiều triệu chứng khác của “Bệnh ghẻ giáo dục”.

Thứ hai, “Bệnh nói mà không làm”

1. Nói mà không làm diện rộng

Căn bệnh này viết đầy đủ phải là “Bệnh nói mà không làm, làm không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi”.

Mười năm trước Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 711-QĐ/TTg (Quyết định 711) về việc phê duyệt "Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020".

Quyết định có đoạn: “Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh, từ 15,3% năm 2001 lên 20% tổng chi ngân sách năm 2010”.

Con số “20% tổng chi ngân sách năm 2010” xuất hiện từ khá lâu và được đưa vào rất nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật,…

Không ít công trình nghiên cứu, bài báo đã công bố, phát biểu của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội cũng đều lấy con số 20% này đưa vào dẫn chứng cho phát biểu của mình.

Vậy thực ra tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục là bao nhiêu phần trăm?

Năm 2020, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu trước Quốc hội:

“Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ trọng chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề trên tổng chi ngân sách năm 2018 là 14,2%, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%,...”.

Giữa năm 2020, báo điện tử Baokiemtoannhanuoc.vn trong bài “Bất cập trong phân bổ dự toán chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề” nêu đánh giá tổng thể:

“Một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán như: chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề; chi sự nghiệp y tế; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ… Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm”.

Để tìm hiểu tình trạng chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề không đạt dự toán và diễn ra liên tục trong nhiều năm, xin trích dẫn số liệu được thu thập trong vòng 10 năm và đã công bố trong bài báo “Quốc sách hàng đầu” - chủ trương, chính sách và thực hiện (kỳ 1). [5]

Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục trong 10 năm:

Năm

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

Tỷ lệ chi %

14,45

14,39

15,05

12,18

16,07

18,18

14,92

17,03

14,20

14,03

Đối với nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân từng phát biểu:

“Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ đề án tăng lương cho giáo viên, để đến năm 2010 giáo viên có thể sống được bằng lương”.

Năm 2017, báo Laodong.vn trích dẫn ý kiến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ:

“Bộ GDĐT không quyết định được vấn đề lương giáo viên. Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để triển khai thật tốt Nghị quyết 29 là giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất. Đồng thời, Bộ cũng đang tiến hành dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, để đưa vị thế giáo viên hay chính sách đặc thù cho nhà giáo được pháp điển hóa”. [6]

Kết quả cuối cùng là đến cuối năm 2020, trước rất nhiều ý kiến của dư luận và nhà giáo về việc theo thang bản lương mới, nhà giáo sẽ bị giảm thu nhập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải lên tiếng:

“Lương mới của nhà giáo không thấp hơn mức hiện hưởng”. [7]

Sau khá nhiều lần cân nhắc, sau khi nghiên cứu, sau nhiều lần hứa hẹn,… kết quả cuối cùng là “Lương mới của nhà giáo không thấp hơn mức hiện hưởng”!

(Còn nữa)

Xuân Dương