Các nhà trường ở Hải Phòng cùng xây dựng trường học hạnh phúc

29/04/2021 08:36
LÃ TIẾN - PHẠM LINH
GDVN- Hội thảo “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” tạo cơ hội cho giáo viên, lãnh đạo các nhà trường tại Hải Phòng có đầy đủ kiến thức, sẵn sàng thay đổi chính mình.

Ngày 28/4, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phối hợp với VTV7 – Đài truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc”.

Các đại biểu tham gia Hội thảo: "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" (Ảnh: Lã Tiến)

Các đại biểu tham gia Hội thảo: "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" (Ảnh: Lã Tiến)

Tham dự Hội thảo có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thu - Trưởng Bộ môn Tâm lý ứng dụng, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ban cố vấn của chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” và Tiến sỹ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Nội, người sáng lập hệ thống giáo dục chất lượng cao.

Về phía thành phố Hải Phòng có ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; cùng các cán bộ, giáo viên, lãnh đạo các trường trên địa bàn thành phố.

Định nghĩa “Trường học hạnh phúc” được hiểu như thế nào?

Những năm qua từ khóa “Trường học hạnh phúc” đã trở thành khái niệm không xa lạ đối với ngành giáo dục trên cả nước nói chung và tại Hải Phòng nói riêng.

Trường học hạnh phúc (Happy Schools) được tổ chức UNESCO lần đầu tiên ghi nhận vào năm 2016, dưới báo cáo thường niên: “Trường học hạnh phúc: Khuôn khổ cho người học ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Từ cảm hứng của báo cáo, Tiến sỹ Kim Gwang Jo, Giám đốc UNESCO khu vực tại Bangkok (Thái Lan) đã nghiên cứu và xây dựng Dự án trường học hạnh phúc nhằm kêu gọi thay đổi cơ bản hệ thống giáo dục các quốc gia.

Dự án như một sáng kiến toàn cầu với tầm nhìn xa hơn về các lĩnh vực học tập truyền thống, đặc biệt xem xét mối quan hệ tương tác giữa hạnh phúc và chất lượng giáo dục được coi là mục tiêu xuyên suốt của dự án.

Nền giáo dục hiện đại đã chỉ ra rằng, thông qua học tập bằng khối óc được kết hợp học tập bằng con tim là phương thức học tập hiệu quả nhất.

"HAPPY” tiếng Anh là Hạnh Phúc nhưng cũng có nghĩa là vui vẻ và đó là cách định nghĩa đơn giản nhất về hạnh phúc.

Muốn tạo ra Trường học hạnh phúc thì cần có những đứa trẻ vui vẻ khi đến trường, vui vẻ khi thầy cô bước vào lớp, vui vẻ khi ngồi lắng nghe từng câu từng chữ thầy cô truyền giảng, vui vẻ khi chơi cùng bạn bè, khi ăn, khi trở về nhà gặp cha mẹ.

Trường học hạnh phúc là nơi khiến cả cô và trò đều có cảm giác "muốn đến". Nơi đó là gia đình lớn có niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm.

Hội thảo được tổ chức nhằm trang bị kiến thức về trường học hạnh phúc cho giáo viên, lãnh đạo các nhà trường ở Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến)

Hội thảo được tổ chức nhằm trang bị kiến thức về trường học hạnh phúc cho giáo viên, lãnh đạo các nhà trường ở Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến)

Ông Lê Quốc Tiến – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo: “Thế hệ học sinh của chúng ta hôm nay sẽ bước vào thế giới rất khác.

Học sinh ngày nay cần những kỹ năng thực tế để thành công trong tương lai không xa.

Và trên hết đó là cần có một môi trường để các em có thể tự do sáng tạo, tự nhận thức về bản thân.

Chúng tôi mong muốn xây dựng ngôi trường học hạnh phúc, trong đó các thầy cô giáo thức dạy mỗi buổi sáng ngập tràn cảm hứng để đến trường làm việc, cảm thấy an toàn khi ở đó và cuối ngày trở về nhà với cảm giác mãn nguyện.

Đó cũng là nơi mà thầy cô giáo được sống và dạy học trong niềm đam mê, thực hiện đạo dạy học, sứ mạng dạy làm người, đáp ứng cái cần, cái mong mỏi của phụ huynh và được xã hội tưởng thưởng.

Nơi đó, sự truyền cảm và sáng tạo không ngừng được phát huy và lan tỏa.

Nơi học sinh được bơi trong dòng suối tri thức mát lạnh của thầy cô, tìm tòi học hỏi và dần trở thành những công dân hạnh phúc, có ích cho gia đình và xã hội.

Ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Lã Tiến)

Ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Lã Tiến)

Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô như những nghệ nhân, say mê, nhiệt huyết trong việc chế tác những viên kim cương, để đời và để lại nhiều đời.

Nơi những em học sinh sẽ được nâng niu, toàn tâm mài giũa và trở thành viên kim cương sáng nhất, giá trị nhất.

Cả thầy và trò cùng sống trong dòng chảy hạnh phúc, vui vẻ, nhiệt huyết và điều này giúp cho việc trao truyền, tiếp nhận kiến thức được nhanh hơn, dễ dàng hơn rất nhiều.

Sự gắn kết thầy và trò sẽ bền chặt và chia sẻ chân quý, yêu thương.

Muốn học sinh thành công thì thầy cô phải thành công. Muốn học sinh hạnh phúc thì thầy cô phải hạnh phúc.

Hạnh phúc là 1 hành trình gian khổ, nỗ lực vươn lên chứ không phải là đích đến. Do vậy nó cần sự chung tay, chung sức của tất cả mọi người.

Xây dựng một ngôi trường như vậy không hề đơn giản, nó cũng không trở thành hiện thực trong 1 hoặc 2 năm ngắn ngủi.

Nhưng nếu chúng ta có đam mê, nhiệt huyết, quyết tâm và cam kết làm việc cùng nhau, cố gắng hoàn thành công việc của mình để thúc đẩy một tầm nhìn chung, chúng ta có thể biến những điều phi thường trở thành hiện thực”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Tôi nhận thức sâu sắc, muốn xây dựng một trường học hạnh phúc, bản thân mỗi nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chúng ta phải thay đổi, từ nhận thức đến hành động, từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Chúng tôi mong muốn rằng, sau buổi hội thảo hôm nay, sẽ có những quan tâm hơn nữa, những thay đổi tích cực hơn nữa từ ngành.

Để nhà giáo chúng ta có thêm động lực yêu đời, yêu nghề hơn, để mỗi thầy cô thực sự hạnh phúc và hạnh phúc đó sẽ được trao chuyền tới tất cả học sinh của chúng ta”.

Biến trường học thành một nơi thú vị để khám phá

Để xây dựng trường học hạnh phúc, nhiệm vụ của các thầy cô không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở mà đó còn là làm thế nào để trường học trở thành một nơi thú vị để học tập và khám phá chính bản thân mình.

Ngày nay, giáo viên cần tích lũy những kiến thức thiết thực và mang tính chuyên sâu về tâm lý học đường và tâm lý lứa tuổi.

Từ đó, trau dồi những kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình dạy học, tạo ra các động lực tự thay đổi, tự chuyển hóa bản thân để trở nên hoàn thiện hơn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thu - Trưởng Bộ môn Tâm lý ứng dụng, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tư tưởng đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước, giáo dục vì sự phát triển của con người.

Sự phát triển của con người không phải lúc nào cũng là những thành tích, huy chương, những điểm số làm hài lòng phụ huynh và nhà trường mà có khi là giáo dục vì mang lại hạnh phúc, sự kết nối, là chuyển hóa cảm xúc tiêu cực rồi thành tích sẽ đến.

Cô Trần Thị Lệ Thu chia sẻ những câu chuyện, tấm gương thầy cô giáo dũng cảm thay đổi để mang lại hạnh phúc cho bản thân, cho học sinh (Ảnh: Lã Tiến)

Cô Trần Thị Lệ Thu chia sẻ những câu chuyện, tấm gương thầy cô giáo dũng cảm thay đổi để mang lại hạnh phúc cho bản thân, cho học sinh (Ảnh: Lã Tiến)

Và để làm được điều đó, các thầy cô cần thay đổi ngay từ chính bản thân mình. Khi bản thân mình hạnh phúc mình mới có thể làm cho học sinh của mình hạnh phúc và học tập tốt hơn.

“Điều gì cản trở nhất đối với chúng ta để chuyển hóa cơn tức giận, những cảm xúc tiêu cực, những buồn bã. Đó chính là bản thân chúng ta!” cô Trần Thị Lệ Thu nói.

Để chứng thực những kết quả mang lại khi các thầy, cô dám thay đổi để mang lại một môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh, cô Thu đã chia sẻ những câu chuyện thực về các thầy, cô tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”.

Điển hình như câu chuyện của thầy giáo môn Địa lý Nguyễn Thanh An khi tham gia chương trình trên. Những ngày đầu, thầy An nói bản thân không thể thay đổi vì chương trình Địa lý rất nặng, không học trò nào yêu môn Địa hay lựa chọn thi môn Địa.

Và sau khi thầy quyết tâm nhìn vào góc khuất của chính mình để thay đổi, thầy An đã đánh thức trái tim.

Mang tình yêu môn Địa lý đến với học sinh và kết thúc năm học thầy An và đội tuyển Địa lý của Trường Giao Thủy C (Nam Định) đã đạt được giải Nhì trong cuộc thi Học sinh giỏi cấp thành phố.

“Tôi đã nhầm khi đăng ký tham gia chương trình để nhận được tư vấn của thầy, cô mà bản thân tôi đã nghiệm ra rằng thực ra chính do con người mình.

Mình phải tự thay đổi chính mình chứ không ai thay đổi được mình cả. Mọi người có tư vấn đến đâu mà bản thân không có động lực, không quyết tâm thì sẽ không có sự thay đổi nào cả.

Tôi thấy rằng là cái mong đợi của mình đã được đáp ứng bằng câu trả lời rất rõ ràng mình là trung tâm của sự thay đổi” thầy Thanh An chia sẻ trong chương trình.

Hiệu trưởng trường Mầm non Sở Dầu đưa ra câu hỏi làm thế nào để xây dựng trường học hạnh phúc (Ảnh: Lã Tiến)

Hiệu trưởng trường Mầm non Sở Dầu đưa ra câu hỏi làm thế nào để xây dựng trường học hạnh phúc (Ảnh: Lã Tiến)

Cũng tại hội thảo, giáo viên, lãnh đạo các nhà trường có cơ hội được trao đổi trực tiếp với các diễn giả, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng để giải đáp các mối quan tâm xung quanh việc làm thế nào để xây dựng trường học hạnh phúc.

Đại diện các nhà trường trên địa bàn thành phố rất quan tâm đến các vấn đề như: Kỹ thuật dạy học tích cực tạo hứng thú, động lực giúp học sinh phát huy, sáng tạo và học tập tốt hơn; Mối quan hệ với phụ huynh học sinh; Xây dựng tâm lý học đường; Tổ chức hoạt động nhà trường hiệu quả.

LÃ TIẾN - PHẠM LINH