Bất ngờ hát rong phố Hà Nội: Kiếm tiền triệu mỗi đêm

15/11/2011 13:12
P.T
(GDVN) - Lưu nhớ, một lần hai anh em Lưu đánh dạo đẩy xe lên hồ Thiền Quang, hát một vòng hồ hai anh em đã thu được gần 1 triệu đồng...
Chỉ cần bỏ một số vốn khoảng 2 đến 4 triệu đồng để sắm phụ tùng, nghề hát rong đã trở thành "cần câu cơm" của nhiều bạn trẻ mê ca hát.

Hà Nội rộ trào lưu hát rong
Thời gian gần đây, bắt đầu từ hơn 7h đến 10h đêm, những khu vực như sân vận Động Mỹ Đình, Hồ Văn Chương (Đống Đa), Hồ Đắc Di (Đống Đa), hồ Ngọc Khánh (Ba Đình), hồ Đền Lừ (Hoàng Mai)... đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của những nhóm hát rong. Chỉ với bộ đồ nghề khá đơn giản: một chiếc loa thùng, âm ly, đầu đĩa và một chiếc xe đẩy, những nhóm hát rong cứ thế đẩy hết khu vực này đến khu vực khác để biểu diễn. Không chỉ "trổ tài" tại các quán trà đá, cà phê vỉa hè... các nhóm hát còn "cả gan" xông vào quán cà phê, nhà hàng tại nơi họ đến. Nhóm Nguyễn Ngọc Nam (sinh viên trường trung học Kinh tế kỹ thuật Hà Nội) "đóng quân" tại khu vực hồ Đền Lừ, Hoàng Mai cho biết: Nhóm của Nam gồm 3 người, góp vốn mỗi người một triệu để sắm bộ dàn âm thanh đi làm nghề hát rong. Vừa thỏa mãn được sở thích ca hát lại vừa tạo thêm được thu nhập. Trước đó, Nam đã đi hát trong những quán cà phê nhưng chỉ nhận được thù lao 50 nghìn đồng/tối. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang nhóm hát rong thế này, Nam phát hiện ra mình có thể kiếm tiền nhiều hơn nhờ giọng hát khàn khàn giống ca sĩ Khánh Hưng.
Bất ngờ hát rong phố Hà Nội: Kiếm tiền triệu mỗi đêm ảnh 1
Với nhiều bạn trẻ, hát rong thực sự là một nghề dễ kiếm
tiền nhưng cũng đầy nguy hiểm.
Tận dụng tối đa giọng hát của mình, Nam thường chọn những bài hát của ca sĩ Tuấn Hưng và Khánh Hưng mỗi khi biểu diễn. Được nhiều khách hàng khen và tán thưởng nhiệt tình cũng đồng nghĩa với việc nhóm Nam được "bo" khá nhiều tiền cho một đêm đi hát. Bình thường có người chỉ "ủng hộ" 5.000 - 7.000 đồng nhưng có nhiều nam thanh niên đi cùng bạn gái sẽ mạnh tay, chi hẳn 50.000 đồng. Ngày đầu mới đi hát, Nam còn mua thêm thuốc lá và kẹo cao su để bán dưới dạng mua ủng hộ nhưng "cách làm đó cũ rồi, giờ mình chỉ tập trung đi hát thôi". Theo đó, nhóm của Nam gồm 3 người, được phân công: một người đẩy xe, một người vào quán nhận tiền ủng hộ, còn Nam là người hát chính. Ước tính mỗi tối, Nam cũng thu được khoảng 400.000 - 500.000 đồng, có hôm "thất thu" cũng kiếm được tối thiểu 200.000 đồng. Còn nhóm thanh niên hát dạo tại khu vực Hồ Đắc Di (Hà Nội) cũng hồ hởi: mỗi tối các cậu có thể thu được cả triệu đồng. Nhóm này ngoài kinh doanh giọng hát còn bán thêm kẹo cao su và tăm tre. Theo đó, một gói kẹo cao su giá 3 nghìn đồng nhưng thường thì khách trả 5.000 đồng nhưng cũng có khách trả cả 100.000 đồng mà không cần lấy lại tiền thừa. Nhóm hát này còn kết nạp cả bạn nữ cùng đi hát vì như thế "sẽ thu hút được khách hàng hơn", một bạn nam trong nhóm tiết lộ.Mặc đẹp mới "hút" khách Điều dễ thấy, những nhóm hát rong hiện nay đã tự trang bị cho mình những bộ trang phục lịch sự, bắt mắt chứ không phải cảnh rách rưới, giả nghèo giả khổ để xin tiền khách hàng như thường thấy trước kia. Theo kinh nghiệm của bạn Trần Văn Lưu (nhóm sinh viên trường đại học Bách Khoa Hà Nội), hát rong tại khu vực Hồ Văn Chương (Hà Nội): "Nếu trước đây, khách hàng thường cho tiền những nhóm hát rong thường là vì thương cảm hoàn cảnh nghèo khổ của họ thì bây giờ, phải ăn mặc đẹp mới hút khách. Mình cứ coi đây là một nghề kiếm tiền. Mình hát hay, người ta cho tiền chứ không phải mình đi xin".

"Gánh hát" đang biểu diễn tại hồ Giảng Võ. Clip: Văn Trinh.

Đầu tư 2 triệu đồng, Lưu mua lại bộ dàn âm thanh của một đàn anh thế hệ trước cùng cô em gái cũng mê ca hát lập thành một nhóm hát rong. "Lúc mua cũng chỉ là đánh bạo mua thôi. Nếu hát thành công thì coi như tiếp tục hành nghề còn không mình lại bán bộ dàn này đi cũng không sợ lỗ". Tuy nhiên, bộ dàn âm thanh này đã giúp Lưu mỗi tối kiếm được vài trăm nghìn đồng thậm chí có những hôm lên đến tiền triệu. Lan, em gái Lưu, có giọng hát rất hay, mỗi khi Lan hát nhạc tiền chiến, không mấy ai ngần ngại rút hầu bao chi tiền. Lưu nhớ, một lần hai anh em Lưu đánh dạo đẩy xe lên hồ Thiền Quang, hát một vòng hồ hai anh em đã thu được gần 1 triệu. Kiếm được nhiều tiền là vậy nhưng Lưu cũng thừa nhận nghề này rất nguy hiểm vì hai anh em thường xuyên tiếp xúc với người say xỉn. Nhiều lần bị đe dọa, thậm chí trấn lột, xin đểu nên Lưu cũng ghê ghê. Chính nhờ thu nhập "không đến nỗi nào" này mà hiện nay tại Hà Nội, nhiều "gánh hát rong" hiện đại  đua nhau ra đời.
P.T