ĐÁNH GIÁ CỦA BÁO CHÍ TRUNG QUỐC:

Đối thủ cực mạnh của Trung Quốc ở hướng Tây

15/11/2011 14:29
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)
(GDVN) - Ấn Độ đã, đang và sẽ không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự xung quanh khu vực biên giới Trung-Ấn để bảo vệ chủ quyền.

Chi 13 tỷ USD để tăng cường binh lực

Ngày 2/11, tờ “Thời báo Ấn Độ” cho biết, Ấn Độ có kế hoạch tuyển mộ gần 100.000 binh sĩ trong 5 năm tới, triển khai ở biên giới Trung-Ấn để tăng cường sức mạnh cho quân đội Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã phê chuẩn kế hoạch hiện đại hóa và khuếch trương quân sự với chi phí gần 13 tỷ USD.

Một khi kế hoạch này được nội các phê chuẩn, đây sẽ là một kế hoạch hiện đại hóa và khuếch trương quân sự lớn nhất trong lịch sử quân đội Ấn Độ, đồng thời cũng là sự triển khai quy mô lớn nhất của Ấn Độ ở biên giới Trung-Ấn kể từ chiến tranh Trung-Ấn năm 1962 đến nay.

Máy bay MiG-29 của Không quân Ấn Độ
Máy bay MiG-29 của Không quân Ấn Độ

Báo “Quang Minh” cho rằng, tại khu vực biên giới có tranh chấp, sự thay đổi trong việc triển khai lực lượng quân sự phản ánh rất rõ sự thay đổi quan hệ song phương, hơn nữa việc đơn phương tiến hành điều chỉnh lực lượng quân sự đánh dấu sự thay đổi ý đồ chiến lược của nước này đối với khu vực biên giới.

Như vậy, sau khi ký kết hiệp định hòa bình và hữu nghị với Trung Quốc, tại sao Ấn Độ lại đơn phương tăng quân ở biên giới?

Theo bài báo, mở rộng quân bị, ngăn chặn Trung Quốc được coi là điều xem xét quan trọng đầu tiên của Ấn Độ khi quyết định tăng quân ở biên giới Trung-Ấn. Từ lâu, trở thành một nước lớn trên thế giới luôn là nhu cầu chính trị của Ấn Độ, trong khi đó, về quân sự, trở thành một nước lớn quân sự trên thế giới là chiến lược đã định để Ấn Độ thực hiện mục tiêu nước lớn.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ từng cho rằng: Ấn Độ chỉ có sở hữu một lực lượng quân sự mạnh, mới có thể đi xa hơn. Đối với vấn đề này, Ấn Độ đã đẩy nhanh các bước mở rộng quân bị toàn diện.

Đến nay, Ấn Độ đã triển khai 240-300 máy bay chiến đấu, 5 sư đoàn bộ binh miền núi và 1 sư đoàn cơ giới hóa ở khu vực biên giới phía Đông (bao gồm khu vực Nam Tây Tạng)
Đến nay, Ấn Độ đã triển khai 240-300 máy bay chiến đấu, 5 sư đoàn bộ binh miền núi và 1 sư đoàn cơ giới hóa ở khu vực biên giới phía Đông (bao gồm khu vực Nam Tây Tạng)

Hơn 10 năm qua, chi tiêu quân sự của Ấn Độ tăng 7-8%/năm, đứng thứ 9 trên thế giới. Ấn Độ cũng trở thành nước mua vũ khí lớn số 1 thế giới. Việc tăng quân quy mô lớn lần này là phản ánh Ấn Độ đẩy mạnh thực hiện kế hoạch mở rộng quân bị toàn diện ở biên giới Trung-Ấn.

Bài báo cho biết, gần đây, Ấn Độ không ngừng tổ chức tập trận chung với các nước láng giềng Trung Quốc, ý đồ ngăn chặn Trung Quốc tương đối rõ ràng. Lần này, Ấn Độ tăng 100.000 quân ở biên giới Trung-Ấn đã phản ánh tính logic nhất quán của Ấn Độ trong các hành động ngăn chặn Trung Quốc.

Ở trong nước tranh thủ sự ủng hộ về kinh phí, ở ngoài nước tranh thủ sự chi viện của Mỹ cũng là một vấn đề để Ấn Độ xem xét khi quyết định tăng quân quy mô lớn ở biên giới Trung-Ấn. Ấn Độ tuy không tiếc tiêu tiền về chi phí quân sự, nhưng gần đây kinh tế tăng trưởng chậm lại, năm 2010 trượt xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua.

Máy bay chiến đấu Su-30 của Không quân Ấn Độ
Máy bay chiến đấu Su-30 của Không quân Ấn Độ

Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony cho rằng: “Kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng của quân đội Ấn Độ, ngược lại chính phủ Ấn Độ muốn tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng”.

Nhưng, trong tình hình kinh tế khó khăn, đều tư vốn lớn mở rộng quân bị gặp phải rất nhiều trở ngại từ nội bộ Ấn Độ, Ấn Độ muốn tạo bầu không khí căng thẳng để làm khâu đột phá, nhằm chuyển hướng mâu thuẫn bên trong, tranh thủ tạo dư luận để có nhiều chi phí quân sự hơn.

Việc tuyên truyền “Thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc”, tăng quân tới khu vực có tranh chấp ở biên giới Trung-Ấn, phản ánh thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc chính là khâu đột phá để tranh thủ nhiều chi phí quân sự hơn. Nhiều năm qua, chi phí quân sự của Ấn Độ tăng cao và được nội các phê chuẩn, một phần là do đã tạo bầu không khí căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn.

Quân đội Trung Quốc tập trận ở Tây Tạng
Quân đội Trung Quốc tập trận ở Tây Tạng

Ngoài ra, chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ có điểm phù hợp với chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Ấn Độ. Mỹ cần dựa vào Ấn Độ để ngăn chặn Trung Quốc, còn  Ấn Độ muốn thông qua cứng rắn với Trung Quốc để thể hiện giá trị của họ đối với Mỹ, tiến tới giành được sự ủng hộ của Mỹ trong việc nâng cao vị thế quốc tế và cung cấp chi viện quân sự.

Lần này, Ấn Độ tăng quân ở biên giới Trung-Ấn là biện pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ, tiến tới giành được sự ủng hộ của Mỹ.

Tăng cường kiểm soát đối với lãnh thổ có tranh chấp, tranh thủ con bài khi đàm phán biên giới vẫn là sách lược quen dùng của Ấn Độ.

Trên thực tế, trước khi tổ chức đàm phán vấn đề biên giới Trung-Ấn, Ấn Độ tiết lộ tăng quân hầu như đã là một thông lệ. Lần này cũng vậy, trước khi đàm phán biên giới, Ấn Độ tiết lộ tăng quân để tranh thủ được nhiều con bài hơn.

Quân đội Trung Quốc tập trận
Quân đội Trung Quốc tập trận

Bài báo cho rằng, vấn đề biên giới là một vấn đề tương đối phức tạp, ý đồ sử dụng thủ đoạn đơn lẻ thể hiện vũ lực nhằm giành được nhiều hơn con bài đàm phán, vừa phản ánh sự non nớt của thủ đoạn chiến lược quốc gia, vừa không tránh khỏi rơi vào khuôn sáo cũ, đồng thời còn làm cho vấn đề biên giới trở nên phức tạp hơn, ảnh hưởng của nó cũng tiêu cực.

Thứ nhất, điều này sẽ gây căng thẳng tình hình khu vực, gây thiệt hại cho lợi ích tự thân của Ấn Độ. Tăng quân ở khu vực biên giới luôn là một động thái nhạy cảm, tăng quân ở khu vực biên giới có tranh chấp càng là như vậy.

Ấn Độ muốn đơn phương tăng quân quy mô lớn ở biên giới Trung-Ấn dễ gây ra căng thẳng tình hình khu vực, tác động đến quan hệ song phương, tiến tới gây thiệt hại cho lợi ích tự thân của Ấn Độ.

Quân đội Trung Quốc tập trận
Quân đội Trung Quốc tập trận

Thứ hai, tăng quân lợi bất cập hại, khó thực hiện được ý đồ. Hiện nay, ở khu vực tranh chấp, Ấn Độ đã có 40.000 quân, nếu cộng với 100.000 quân muốn triển khai trong tương lai, tổng quân số sẽ lên tới 140.000 quân.

Trong thời đại phát triển nhanh chóng của vũ khí dẫn đường chính xác, tập trung binh lực dễ bị tiêu diệt gọn. Đồng thời, 13 tỷ USD không phải là một con số nhỏ, kinh phí duy trì trong tương lai còn chưa thể dự kiến.

Thời đại đơn phương sử dụng lực lượng quân sự thay đổi khu vực biên giới tranh chấp đã qua. Ấn Độ muốn sử dụng vũ lực để răn đe Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng có thực lực quân sự không thua kém.

Quân đội Trung Quốc tập trận
Quân đội Trung Quốc tập trận

Thứ ba, Ấn Độ tùy ý thực hiện chưa chắc được Mỹ ủng hộ. Ấn Độ muốn thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc nhằm giành được sự ủng hộ của Mỹ, nhưng điều này chưa chắc đã thành công.

Mỹ tuy lôi kéo Ấn Độ, nhưng Mỹ cũng không phải không có ý ngăn chặn Ấn Độ.

Bài báo kết luận rằng, tranh chấp lãnh thổ cần nhượng bộ lẫn nhau, tôn trọng lịch sử, chiếu cố thực tế, thông qua đối thoại, đàm phán giải quyết mới là con đường tốt hơn. Đơn phương phô trương vũ lực, chỉ kích động thêm mâu thuẫn.

Đông Bình (Theo báo Quang Minh)