Nhật ký Kim Bon:

“Nhìn trẻ em Kim Bon, tôi đã phải ước rất nhiều”

15/11/2011 05:12
Trích từ blog của Phạm Thị Phương Oanh
(GDVN) - “Ước gì em bé không rụt rè đi quanh đống lửa tàn, lấm lét nhìn... Ước gì ông trưởng bản không phải đội cái quần lên đầu cho khỏi rét...
LTS: Chuyến đi thiện nguyện về Kim Bon (Sơn La) kết thúc để lại trong lòng người nhiều cảm xúc khó tả. Những dòng tâm sự, chia sẻ đầy tâm trạng, ngổn ngang của bạn Phạm Thị Phương Oanh, Chuyên viên dự án CEDS – Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội thực sự đã khiến nhiều trái tim lay động. Tôi cảm nhận được tình yêu thương nồng ấm mà Phương Oanh gửi tặng các thầy cô cũng như trẻ em vùng cao Tây Bắc. Tôi thấy giọt nước mắt của Oanh lăn dài trên từng trang viết. Một bloger đau đáu, xót xa trước cái nghèo, cái khổ của đồng bào dân tộc miền núi được viết ra từ những trải nghiệm, những cảm xúc rất thật tận đáy lòng của một cô gái đang còn rất trẻ.

Báo Giáo Dục Việt Nam xin trích đăng nguyên văn blog của bạn Phạm Thị Phương Oanh để những ai chưa đi và đã đi đều có thể cảm nhận được những gì đang diễn ra ở mảnh đất Sơn La quanh năm đá sỏi ấy.

Phạm Thị Kim Oanh, Chuyên viên dự án CEDS – Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội: "Suốt cả chuyến đi mình chỉ ước 1 điều, có thể đưa 1 Doanh nghiệp Thriive của mình lên được đến đây".
Phạm Thị Kim Oanh, Chuyên viên dự án CEDS – Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội: "Suốt cả chuyến đi mình chỉ ước 1 điều, có thể đưa 1 Doanh nghiệp Thriive của mình lên được đến đây".

“Ở đây, trừ lòng người ra, không có cái gì tròn đầy cả!”.

“Mình với em Hồng hay đùa nhau, gọi xã này là xã Kim Bon Bon. Ngày xửa ngày xưa, hay ăn kẹo Bon Bon, còn nhớ vỏ kẹo là hình em bé có cái mặt tròn như mặt bé Xuân Mai, quàng khăn, mặc váy, ôm hoa trên đồi bò sữa. Cái chữ Bon nó cứ tròn, khiến mình cảm thấy ngay cả ông chủ tịch xã khi phát âm cũng cứ điệu điệu. Nhưng ở đây, trừ lòng người ra, không có cái gì tròn đầy cả.

Suốt cả chuyến đi mình chỉ ước 1 điều, có thể đưa 1 Doanh nghiệp Thriive của mình lên được đến đây. Điều này rồi sẽ xảy ra, mình sẽ cố gắng. Mình đã từng tham gia nhiều chương trình từ thiện, nhưng lúc nào trong lòng cũng biết rằng, còn bao nhiêu em khó khăn hơn nữa, cần được giúp đỡ hơn nữa. Giá mà 1 doanh nghiệp Thriive mang lên đây tặng 300 cái áo khoác, hoặc 300 quyển vở trắng, 150 bộ chăn, gối, đệm… thì tốt biết bao nhiêu… Chắc chắn mình sẽ làm gì đó, dù khó khăn.

"Ước gì trẻ em Kim Bon không có em nào phải buộc túm tó cái quần để treo lên cổ (quần mất khuy)..."
"Ước gì trẻ em Kim Bon không có em nào phải buộc túm tó cái quần để treo lên cổ (quần mất khuy)..."
Ước gì tất cả các em học sinh ở Kim Bon đều được đi dép, ước gì không có em nào phải buộc túm tó cái quần để treo lên cổ (quần mất khuy), ước gì tìm được 1 em học sinh mặt không nhọ nhem, chân tay không bùn đất, tóc chải mượt…

Ước gì “ngôi trường” ở bản Đá Đỏ có điện, giáo viên không phải thắp đèn dầu để soạn giáo án. Ước gì các cánh cửa đều kín, đêm đêm gió không tấp vào từng hồi. Ước gì có cánh liếp để thay cho tấm bạt ngăn cách phòng học và chỗ ở của 3 giáo viên cắm bản. Ước gì 3 khối Mầm non, Tiểu học, THCS được học riêng, không phải ngồi chung.

"Ước gì có cánh liếp để thay cho tấm bạt ngăn cách phòng học và chỗ ở của 3 giáo viên cắm bản..."
"Ước gì có cánh liếp để thay cho tấm bạt ngăn cách phòng học và chỗ ở của 3 giáo viên cắm bản..."

Ước gì các em không còn bị cái nghèo, cái khổ làm cho tự ti, buồn tủi. Ước gì ông trưởng bản không phải đội cái quần lên đầu cho khỏi rét. Ước gì thầy giáo từ điểm trường lẻ đi xuống điểm trường chính xem văn nghệ không phải châm đuốc đi bộ 6 cây số trở về lúc nửa đêm.

"Ước gì ông trưởng bản không phải đội cái quần lên đầu cho khỏi rét..."
"Ước gì ông trưởng bản không phải đội cái quần lên đầu cho khỏi rét..."

Người mẹ H’mong và đứa con gái đứng cạnh chiếc ghế dành cho “cán bộ miền xuôi”, lúc người đó chạy lên sân khấu tặng hoa, cô mỏi quá ôm đứa con ngồi xuống chiếc ghế trống, đến khi người kia quay lại, ước gì cô không giật bắn lên vội vàng đứng dậy trả ghế. Ước gì 2 mẹ con đừng sợ hãi, cứ ngồi xuống đi cô, chúng cháu đứng được mà. Ước gì em bé không rụt rè đi quanh đống lửa tàn, lấm lét nhìn chiếc bánh dày nướng mà không dám lấy. Ước  gì em bé ăn cơm một mình với niêu gạo đỏ không cúi gằm mặt khi có người đến gần. Và ước gì cậu bé này không òa lên khóc khi được hỏi về ước mơ một bữa cơm có thịt.

Nước mắt Kim Bon - nước mắt của sự tủi thân

Cả chuyến đi mình không khóc thành tiếng như khi về HN rồi nhìn lại bức ảnh này, mắt mình lại ngân ngấn nước. Nước mắt Kim Bon chắc không mặn chát như nước mắt đoàn thiện nguyện miền xuôi, mình không chắc lắm, nhưng có thể nó là nước mắt của sự tủi thân.

"Cả chuyến đi mình không khóc thành tiếng như khi về HN rồi nhìn lại bức ảnh này, mắt mình lại ngân ngấn nước..."
"Cả chuyến đi mình không khóc thành tiếng như khi về HN rồi nhìn lại bức ảnh này, mắt mình lại ngân ngấn nước..."

"Nước mắt Kim Bon chắc không mặn chát như nước mắt đoàn thiện nguyện miền xuôi, mình không chắc lắm, nhưng có thể nó là nước mắt của sự tủi thân..."
"Nước mắt Kim Bon chắc không mặn chát như nước mắt đoàn thiện nguyện miền xuôi, mình không chắc lắm, nhưng có thể nó là nước mắt của sự tủi thân..."

Nước mắt Kim Bon là nước mắt của một em bé gái sợ sệt khi có đông người đến hỏi han, chụp ảnh, nói tiếng Kinh, là nước mắt trực trào của Thào A Sênh (lớp 5) khi vừa chẻ củi, vừa nhóm bếp nấu cơm, vừa thổi lửa, còn thằng bé lớp 4 người nhỏ như một cây măng gầy cứ ngồi xổm bên cạnh nhìn vào nồi cơm, là nước mắt không bao giờ lăn ra của em bé nấu 1 nồi cơm to, lẽ ra phải ăn với muối vì không có rau, không có mì tôm. Hôm đó chắc 3 cậu bé mừng lắm, bẫy được 1 con chuột, về thui, rồi mổ, thái thịt, ngon lành, háo hức như người ta thui con bò, con dê ngoài Hà Nội.

"Nước mắt Kim Bon là nước mắt trực trào của Thào A Sênh (lớp 5) khi vừa chẻ củi, vừa nhóm bếp nấu cơm, vừa thổi lửa, còn thằng bé lớp 4 người nhỏ như một cây măng gầy cứ ngồi xổm bên cạnh nhìn vào nồi cơm..."
"Nước mắt Kim Bon là nước mắt trực trào của Thào A Sênh (lớp 5) khi vừa chẻ củi, vừa nhóm bếp nấu cơm, vừa thổi lửa, còn thằng bé lớp 4 người nhỏ như một cây măng gầy cứ ngồi xổm bên cạnh nhìn vào nồi cơm..."

Mình thường hay nhớ đến 1 câu hát của Nguyễn Văn Tý “Đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương”. Trẻ con ở đây còn khổ hơn rất nhiều so với trẻ con làng mình hơn 20 năm về trước.

Chuyến đi Kim Bon mình gặp thêm nhiều người, tất cả đều với một lòng muốn chia sẻ khó khăn của các em. Cảnh 2 bên đường thì đẹp và hùng vĩ, giữa đường cũng đôi ba lần cả đoàn phải xuống chuyền tay nhau từng viên đá lấp ổ voi trên đường cho xe qua, cứ như trong phim. Chính quyền Kim Bon đón tiếp chân tình, nồng hậu. Đêm giao lưu văn nghệ với rất nhiều tiết mục: hát, múa, liên khúc, giao lưu, đốt lửa trại, múa lâm vông, múa sạp, giã bánh dày, nướng khoai, nướng bánh dày…

"Mình thường hay nhớ đến 1 câu hát của Nguyễn Văn Tý “Đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương”. Trẻ con ở đây còn khổ hơn rất nhiều so với trẻ con làng mình hơn 20 năm về trước..."
"Mình thường hay nhớ đến 1 câu hát của Nguyễn Văn Tý “Đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương”. Trẻ con ở đây còn khổ hơn rất nhiều so với trẻ con làng mình hơn 20 năm về trước..."

Mình giữ riêng cho mình hình ảnh những cây cầu “dây văng” bắc ngang qua eo nước sông Đà, những vùng ngập nước xanh lục, hình ảnh nếp nhà phía xa bên kia thung lũng, hình ảnh chiếc xe 35 chỗ nhẫn nại vượt đường gập gềnh mà leo lên Kim Bon, những bụi Trạng nguyên đỏ rực bên đường, những đồi ngô xanh nõn nà, những vạt hoa không biết tên…

Mình giữ riêng cho mình cái cảm giác vừa đi vừa sợ, ngồi sau một anh dân tộc mặc áo xanh quần xanh mũ xanh, xe lúc nào cũng để số 2, qua con đường hiểm trở, thấy bàng hoàng trước mặt là ngọn đồi lúa chín, mấy người dân đang cắt ngừng liềm ngẩng ra xem những chiếc xe máy nối đuôi nhau chạy thành đoàn, mang theo mỳ tôm, quần áo và những cô cậu thanh niên co ro vì rét. Giữ lại cho mình hình ảnh đàn dê theo nhau chạy dạt vào chân đồi chiều, những bụi cà pháo màu vàng tươi như phát quang trong ánh sáng cuối ngày, bình yên như những buổi chiều từ rất xa xưa khi mình còn nhỏ.

"Mình giữ cả cái kỉ niệm lần đầu tiên (và không biết còn lần nào nữa không) được cầm mic hát Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp để mọi người múa Lâm vông,.."
"Mình giữ cả cái kỉ niệm lần đầu tiên (và không biết còn lần nào nữa không) được cầm mic hát Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp để mọi người múa Lâm vông,.."

Mình giữ riêng cho mình cái lạnh buốt đêm vùng cao, 2 tay chuyển những thùng mì tôm mà thấy tê cóng, tự nhiên thấy thẹn khi những em bé kia đi chân đất và không có áo khoác. Giữ cho mình hình ảnh người dân trong xã tụ về sân trường xem văn nghệ, đứng chen nhau trên bờ đất mà cỏ đã ướt đẫm sương đêm. Giữ cho mình hình ảnh thầy Hiệu trưởng tếu táo mà không thô, vui tính mà rất chân thành, cổ động các tiết mục và cầm tay học sinh chạy vòng vòng quanh đống lửa. mình giữ 3 cái vòng tay ấy trong lòng, thấy ánh mắt các em vui, thấy ánh mắt những người đi trong đoàn cũng vui.

Mình giữ cả cái kỉ niệm lần đầu tiên (và không biết còn lần nào nữa không) được cầm mic hát Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp để mọi người múa Lâm vông, được hát cùng anh Sơn và anh Thực bài Sông Dakrong mùa xuân về, Tiếng chày trên sóc Bom Po… Cũng đã lâu lắm rồi mình mới lại hát Lên Đàng, Nối vòng tay lớn, giật mình nhận ra mình đã không còn thuộc hết lời như trước đây nữa.

Cuối cùng, giữ riêng cho mình một niềm vui khi thấy cuộc đời này còn nhiều việc phải làm, còn nhiều người bạn để sẻ chia, còn nhiều ánh mắt để thấy ấm áp và tin tưởng. Và giữ lại tên em nữa, Thào A Sênh.

Cô giáo Trần Thúy Anh đã từng bảo: Con người là loài động vật duy nhất biết mình sẽ chết, tức là biết cuộc sống này hữu hạn. Như vậy, nếu biết rằng mình không sống được dài, thì hãy sống được nhiều. Trước giờ, mình đã dành quá nhiều thời gian cho việc ngủ mà thấy vẫn không đủ. Rồi cũng biết rằng cần phải đi nhiều, làm nhiều, để học hỏi nhiều, để biết xung quanh mình còn có những cảnh đời và những con người như thế, để biết mình hiện ở đâu, đang và sẽ làm gì.

"..chắc chắn, mình sẽ vẫn đi tiếp khi có thể. Sắp tới sẽ là 1 chuyến đi Hà Giang và 1 chuyến đi Cao Bằng. Đi để biết mình còn nhiều khát vọng và yêu thương..."
"..chắc chắn, mình sẽ vẫn đi tiếp khi có thể. Sắp tới sẽ là 1 chuyến đi Hà Giang và 1 chuyến đi Cao Bằng. Đi để biết mình còn nhiều khát vọng và yêu thương..."

Lâu dần, đối với mình, từ thiện là một cái gì đó vừa trừu tượng vừa cụ thể, vừa vĩ mô vừa tiểu tiết, vừa bao la vừa bé nhỏ, vừa khó hình dung vừa hiện hữu ngay cạnh mình. Cứ nghĩ không biết có bao nhiêu người cần được giúp đỡ, những đóng góp của mình có thấm vào đâu…? Thôi thì cứ làm những gì mình có thể, để có được một niềm vui cho mình, và không phải day dứt vì đã ngoảnh mặt vô tình.

Mình công chức được nghỉ cuối tuần, nhưng không mong lần nào cũng được đi cùng báo, phần vì có thể bận việc, phần vì khả năng tài chính cũng không cho phép (mặc dù một lần đi như vậy toàn bộ chi phí cho việc đi lại, ăn uống là 370.000 đồng/người chưa kể những đóng góp tùy tâm, quá rẻ cho 1 chuyến đi 2 ngày đầy kỉ niệm và ý nghĩa), nhưng chắc chắn, mình sẽ vẫn đi tiếp khi có thể. Sắp tới sẽ là 1 chuyến đi Hà Giang và 1 chuyến đi Cao Bằng. Đi để biết mình còn nhiều khát vọng và yêu thương.


Trích từ blog của Phạm Thị Phương Oanh