Thủ khoa ngành Nhật Bản học cảnh báo sai lầm luyện thi vào đại học

11/06/2021 06:29
Cao Kim Anh
GDVN- Học sinh bỏ ra nhiều công sức, thời gian, nhưng sai phương pháp trong quá trình ôn tập thì có thể không đạt được kết quả như mong muốn.

Vận dụng khả năng tư duy khoa học

Là một trong 12 thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm học 2020-2021, Phạm Vũ Mai Linh là cô gái giành vị trí thủ khoa đầu vào ngành Nhật Bản học với số điểm 27,72, khối D78.

Khối D78 khá mới mẻ, là tổ hợp 3 môn: Ngữ văn, Khoa học xã hội và Tiếng Anh. Trong đó môn Khoa học xã hội gồm 3 môn tổ hợp thành phần Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân.

Phạm Vũ Mai Linh là thủ khoa đầu vào ngành Nhật Bản học Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn với số điểm 27,72, khối D78. (Ảnh NVCC)

Phạm Vũ Mai Linh là thủ khoa đầu vào ngành Nhật Bản học Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn với số điểm 27,72, khối D78. (Ảnh NVCC)

Mai Linh được đánh giá là một cô gái thông minh, có tư duy rất khoa học, thể hiện ngay trong việc sắp xếp thời gian ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Mai Linh tâm sự: “Em không có kinh nghiệm học và ôn thi gì quá phong phú. Em nghĩ mỗi người cần tự xem xét về thiên hướng của mình để có cách học hiệu quả nhất.

Bản thân em là người thiên về nghe để học. Vì thế, quan trọng nhất là trên lớp phải nghe thầy cô giảng bài và hình dung được hệ thống kiến thức ngay trong đầu. Đó là những kiến thức nền tảng, căn bản nhất, bắt buộc phải cố gắng hiểu và ghi nhớ”.

Ngoài ra, theo Mai Linh, việc “học mót” giúp em thu thập rất nhiều kiến thức cho các môn học. Cụ thể, em tham gia các diễn đàn chia sẻ kiến thức, theo dõi các trang học tập, ôn thi để kể cả khi nghỉ ngơi, giải trí em vẫn bắt gặp các câu hỏi kiến thức.

Khi đó, nếu chịu khó đọc và ghi nhớ lại những kiến thức hay thì người học cũng tích lũy được tương đối kiến thức cần thiết.

Theo Mai Linh, nhờ cách học này mà em đã làm được hết các câu khó về từ vựng và thành ngữ có trong đề thi môn Tiếng Anh.

Luyện đề là một trong những nội dung chủ yếu của việc chuẩn bị cho các kỳ thi mang tính bước ngoặt, đặc biệt đối với các học sinh có nguyện vọng là các môn thi ngoại ngữ.

Việc vừa luyện đề, vừa bổ sung những kiến thức cơ bản là phương pháp học đáng chú ý ở Mai Linh.

“Trong sách giáo khoa có rất nhiều nội dung nhỏ mà chúng ta có thể không để ý nhưng khi luyện đề thì sẽ bắt gặp những nội dung đó. Chính vì vậy, khi làm đề nếu gặp những câu hỏi như vậy thì em sẽ kết hợp đọc lại sách phần đó luôn để ghi nhớ và trau dồi lại kiến thức không bị mai một”, Linh nhớ lại.

Đối với các câu hỏi vận dụng cao của các môn tổ hợp Khoa học xã hội, Mai Linh thường hình dung, tưởng tượng các nội dung trong đầu để giải quyết các câu hỏi mang tính chất tư duy.

Để giải thích cho cách học trìu tượng này, Mai Linh lấy ví dụ cụ thể như: “Khi học về gió, nếu em tưởng tượng ra được các ngọn núi, biển, các hướng, địa hình xung quanh thì gặp câu hỏi nào về gió, em cũng có thể giải quyết được

Tương tự như với việc học môn Lịch sử, em cũng cố gắng hình dung ra dòng sự kiện để xem xét được đầy đủ các yếu tố, từ đó tư duy được nguyên nhân, ý nghĩa…

Bản thân em không học môn xã hội từ đầu, kiến thức của em không quá sâu. Chính vì thế em sử dụng các tư duy có sẵn để giải quyết các vấn đề”.

Không phải môn xã hội là học thuộc

Hầu hết, vào thời gian nước rút, học sinh thường bỏ rất nhiều thời gian, sức lực để ôn thi. Thậm chí có những học sinh quên ăn, quên ngủ để ôn tập kiến thức với mong muốn đạt được kết quả cao.

Tuy nhiên, một trong những điều quyết định sự thành, bại của việc tiếp thu, trau dồi kiến thức là phương pháp học.

Phạm Vũ Mai Linh và người thân trong dịp khen thưởng thành tích học tập tại tỉnh Thái Bình. (Ảnh NVCC)

Phạm Vũ Mai Linh và người thân trong dịp khen thưởng thành tích học tập tại tỉnh Thái Bình. (Ảnh NVCC)

Nếu học sinh bỏ ra nhiều công sức, thời gian nhưng sai phương pháp trong quá trình ôn tập thì có thể sẽ mang lại những kết quả không như mong muốn.

Dù không theo khối xã hội ngay từ đầu nhưng kết quả kỳ thi của Mai Linh rất ấn tượng khiến nhiều bạn bè ngưỡng mộ.

Linh kể: “Từ bé em đã học tự nhiên, đến lớp 11 em mới chuyển sang theo học khối D do em thích môn Ngữ văn.

Khi theo học khối D thì em xác định thi luôn tổ hợp Khoa học xã hội. Ban đầu em không quá quan trọng thành tích các môn học này nhưng quá trình nghe giảng em tưởng tượng được các kiến thức trong đầu nên lúc học và kiểm tra đạt kết quả tương đối cao.

Từ đó em học luôn cả 6 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân để có thể vận dụng thi cả hai khối D01 và D78”.

Từ quá trình học, ôn thi của mình, Mai Linh cho rằng, các môn xã hội không nhất thiết phải học thuộc nhiều. Nếu tư duy tốt thì học thuộc ít vẫn có thể đạt điểm cao.

Môn Tiếng Anh, muốn đạt kết quả tốt thì phải có thời gian tích lũy trong quá trình dài. Mai Linh đã chủ động tích lũy kiến thức môn học này từ đầu năm lớp 6 và có phương pháp làm các bài đọc hiểu, đọc điền nên môn học này khá dễ dàng.

Về môn Toán thì nhất định phải chăm làm đề, làm nhiều sẽ nhuần nhuyễn công thức và tăng khả năng phản xạ với các dạng bài. Tự bản thân học sinh cũng tổng hợp được một số mẹo tính toán riêng “bỏ túi” vận dụng khi làm bài.

Riêng về môn Ngữ văn, việc hiểu bài giảng và cảm nhận tự nhiên, điều này thuộc về năng khiếu của mỗi người, tuy nhiên nắm chắc ý và những kiến thức cơ bản để triển khai khi làm bài được Mai Linh chú trọng.

“Việc học tập của em không đều cả quá trình vì có những thay đổi theo nguyện vọng lựa chọn của bản thân. Phần lớn thời gian em dành để nắm chắc kiến thức cơ bản. Tức là dù em không muốn học thì em vẫn phải hiểu nội dung cơ bản của bài. Nắm được nội dung nền tảng thì đến giai đoạn nước rút mình triển khai, nâng cao và chăm chỉ hơn để đạt kết quả tốt”, Linh nói.

Là những học sinh đầu tiên thời gian ôn thi bị gián đoạn do dịch bệnh, phải chuyển sang hình thức học trực tuyến, Mai Linh cũng có phần bỡ ngỡ vì thiếu tương tác, nhưng đã nhanh chóng thích nghi sau vài buổi học.

Mai Linh chia sẻ: “Học trực tuyến có ưu điểm là em làm chủ được thời gian, có nhiều thời gian tự học hơn. Việc thầy cô không giảng được nhiều như học trên lớp khiến em chủ động đọc sách giáo khoa hơn.

Ngoài thời gian học trực tuyến em tự tổng hợp kiến thức và luyện đề vì đó cũng là khoảng thời gian nước rút. Mỗi ngày em đều cố gắng ôn luyện 2-3 môn, chia nhỏ thời gian để học không bị chán và kết hợp nghỉ ngơi giữa giờ đảm bảo về khả năng tiếp thu kiến thức ôn tập”.

Cao Kim Anh