Nhiều giáo viên như tôi tìm đọc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mỗi ngày

21/06/2021 06:46
NGỌC GIANG
GDVN- Hôm nay, ngày 21/6- ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam- ngày mà đội ngũ những người làm báo trên cả nước hân hoan đón chào…

Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 800 cơ quan báo chí đang hoạt động và dù báo in, báo hình, báo điện tử thì báo nào cũng có những chuyên trang về giáo dục. Thế nhưng, để có cái nhìn sâu và kĩ nhất về giáo dục nước nhà thì có lẽ Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn là địa chỉ tin cậy nhất, phản ánh đầy đủ nhất các hoạt động ở tất cả các cấp học.

Ở đó, không chỉ là những tin, bài giáo dục về những những sự kiện, những vấn đề thời sự đang xảy ra mà còn có những bài phân tích chuyên sâu dưới nhiều góc nhìn khác nhau, giúp cho bạn đọc tường tận mọi vấn đề.

Đặc biệt là hệ thống văn bản chỉ đạo chuyên môn hay về chế độ, chính sách trong lĩnh vực giáo dục nhiều khi khô khan nhưng có liên quan mật thiết đến quyền lợi, chế độ, công tác của giáo viên dưới cơ sở mà nhiều thầy cô giáo chưa tiếp cận được thì những bài viết trên giaoduc.net.vn đã giúp cho nhiều nhà giáo hiểu rõ hơn.

Chính vì vậy, những bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thường được bạn đọc chia sẻ rộng rãi và nhiều giáo viên tìm đọc mỗi ngày.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và chúc mừng Ban biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (Ảnh: Lại Cường)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và chúc mừng Ban biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

(Ảnh: Lại Cường)

Cá nhân người viết nhận thấy nhiều tờ báo khác chỉ đăng tải một số tin, bài nhất định về giáo dục mà chủ yếu là đưa tin đơn thuần đến bạn đọc, thậm chí nhiều tờ báo chỉ đưa thông tin một chiều nên mục giáo dục thường không có nhiều bạn đọc, các bài viết rất ít phản hồi từ độc giả.

Ngược lại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thì thông tin thường đa dạng hơn rất nhiều. Ngoài phần đưa tin đơn thuần như một số tờ báo thì luôn có những bài phân tích, bình luận dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Chẳng hạn, chùm Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập được ban hành vào ngày 02/02/2021 là một ví dụ điển hình.

Ngay sau khi Bộ Giáo dục ban hành chùm Thông tư này, thậm chí là khi đang còn trong quá trình dự thảo đã có hàng trăm bài phân tích, phản biện một cách sâu sắc, kĩ lưỡng về cả những ưu điểm, hạn chế, những khó khăn của giáo viên khi muốn giữ hạng mà mình đã được xếp hạng trước đây.

Cũng chính vì vậy mà những bài viết về chùm Thông tư này đã nhận được sự đồng tình của độc giả trên cả nước.

Đặc biệt, cũng sau chùm Thông tư này ra đời đã có rất nhiều giáo viên tin tưởng nên gửi câu hỏi đến Tòa soạn để hỏi, nhờ giải thích về cách xếp hạng, xếp lương của mình.

Rồi còn rất nhiều thầy cô hỏi về chế độ làm việc, những quyền lợi của mình bị ảnh hưởng trong quá trình công tác tại đơn vị đã được Tòa soạn trả lời chi tiết, thỏa mãn các câu hỏi mà bạn đọc đặt ra.

Ngày 18/12/2020, Bộ ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH khiến cho giáo viên dưới cơ sở chới với vì nó quá nhiêu khê, nặng nề, hình thức khi Kế hoạch bài dạy (giáo án) được hướng dẫn soạn dài lê thê.

Và, cũng chính Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trở thành diễn đàn để các thầy cô giáo đang trực tiếp đứng lớp lên tiếng về những bất cập trong quá trình thực hiện. Những ngày gần đây, loạt bài phân tích về Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đã được giáo viên đón nhận, đồng tình vì cách tiếp cận, khai thác vấn đề khoa học, nói đúng, nói trúng vấn đề mà giáo viên dưới cơ sở đang vướng mắc.

Những bài viết về chủ đề Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đã có lượng bạn đọc đông đảo, có hàng chục bài viết có đến hàng trăm ngàn lượt người đọc, trong đó có những bài lên đến trên 400 ngàn lượt bạn đọc trực tiếp trên trang chủ của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và được chia sẻ lại ở nhiều diễn đàn của giáo viên.

Ngoài ra, những loạt bài về văn bằng, chứng chỉ, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, xếp viên chức, xét thi đua, chuyện hồ sơ, sổ sách, các hội thi, các cuộc thi các nhà trường cũng được phản ánh tường tận, chi tiết.

Những bài viết này đã được bạn đọc đón nhận và đã có nhiều thay đổi từ lãnh đạo các Bộ khi nghe những tâm tư, phản ánh từ cơ sở mà việc tạm dừng đánh giá chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ vừa qua là một ví dụ điển hình.

Chính những bài viết như vậy đã tạo ra những nét rất riêng, nhiều thầy cô giáo xem Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là người bạn đồng hành trong quá trình công tác của mình.

Nhiều đồng nghiệp đang công tác với chúng tôi thường tìm đến giaoduc.net.vn mỗi ngày vì theo các thầy cô này thì việc phản ánh về giáo dục nước nhà hiện nay không có tờ báo nào dám nói thẳng, nói thật như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nói thẳng, nói thật về những hạn chế, bất cập của giáo dục nước nhà để tìm ra, đưa ra những giải pháp, hướng tới cái đúng, cái tốt với một mong muốn là giúp cho ngành giáo dục, các nhà trường thực hiện nhiệm vụ ngày một tốt hơn.

Hôm nay, ngày 21/6- ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam- ngày mà đội ngũ những người làm báo trên cả nước hân hoan đón chào…

Chúng tôi- những nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy- những bạn đọc lâu năm của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chúc cho Ban biên tập, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí luôn có những tác phẩm hay, hữu ích mỗi ngày.

Hy vọng, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mãi là người bạn đồng hành cùng ngành giáo dục và là địa chỉ tin cậy mỗi ngày của đội ngũ nhà giáo trên cả nước khi tìm đến những tác phẩm báo chí.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGỌC GIANG