Hành trình 15 năm "cõng" đơn kiện đòi trở lại bục giảng của thầy giáo Tánh

16/07/2021 06:43
LỆ THỦY
GDVN- Bị sa thải trái pháp luật, thầy giáo trẻ ròng rã 15 năm “cõng” đơn đi kiện khắp các cơ quan để được trở lại với bục giảng.

Sau khi bị sa thải 15 năm, trải qua nhiều cấp xét xử, thầy giáo Lê Cao Tánh mới chính thức thắng kiện Trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Du (nay là Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Những ngày này, thầy giáo Lê Cao Tánh (ngụ tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đang khấp khởi chờ đợi ngày trở lại với bục giảng, với mái trường mà ông đã dành hơn nửa thanh xuân gắn bó.

Câu chuyện về hành trình 15 năm đi đòi công lý của thầy giáo Tánh đã khép lại với bản án cuối cùng của Tòa án cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chạy xe máy từ Đà Lạt ra Hà Nội kêu oan

Nhớ lại câu chuyện đã xảy ra hơn 15 năm về trước, thầy Tánh vẫn không khỏi xót xa vì một chút nóng giận mà phải nhận một quyết định kỷ luật nặng nề.

Ròng rã suốt 15 đi kiện, thầy Lê Cao Tánh đã được trở lại với bục giảng. Ảnh: AN

Ròng rã suốt 15 đi kiện, thầy Lê Cao Tánh đã được trở lại với bục giảng. Ảnh: AN

Đó là vào năm 2006, khi thầy Tánh là giáo viên dạy Văn và Giáo dục công dân tại Trường trung học phổ thông bán công Nguyễn Du (nay là Trường trung học cơ sở Nguyễn Du, Đà Lạt) thì bị một học sinh vô cớ mắng chửi.

Bức xúc trước hành động vô lễ của học trò, thầy Tánh đã nóng giận nên tát học sinh này mấy cái để răn đe. Sau đó, thầy Tánh bất ngờ nhận được quyết định sa thải của nhà trường.

Cho rằng quyết định kỷ luật của Hội đồng nhà trường là trái pháp luật nên thầy Tánh đã làm đơn khiếu nại lên Sở Giáo dục yêu cầu được ở lại với nghề giáo. Nhưng rồi mọi khiếu nại, đơn cầu cứu của ông gửi đi đều nhận được câu trả lời: “không có cơ sở giải quyết”.

“Tôi cho rằng mình bị đuổi việc oan nên chạy xe máy từ Đà Lạt ra tận Hà Nội, đến số 49 Đại Cồ Việt (trụ sở Bộ Giáo Dục và Đào tạo) xin gặp Bộ trưởng lúc đó để kêu oan.

Nhưng suốt 7 ngày túc trực cũng không được bảo vệ cho vào, bởi có phải ai cũng gặp được Bộ trưởng mà chỉ được gửi đơn. Gửi đơn đi rồi chờ đợi và nhận được một câu trả lời gọn lỏn rằng: Không có căn cứ khiếu nại”, thầy Tánh nhớ lại.

Mọi cánh cửa kêu oan dường như đóng sầm trước mặt thầy giáo trẻ khi lần lượt nhiều cơ quan chức năng đều không thụ lý.

Không đầu hàng trước oan trái, thầy Tánh quyết định “bám trụ” lại Hà Nội để vừa đi kiện, vừa học lớp nghiệp vụ Luật sư tại đây (thầy Tánh có văn bằng 2 là cử nhân Luật).

“Không có thế lực nào cấm tôi đi kiện. Khi đó tôi rất hay nói là ‘không ngán anh Tây nào’ và cứ thế chuyện đấu tranh đòi giải oan với tôi đã trở thành một phần của cuộc sống, sinh hoạt.

15 năm theo đuổi vụ kiện, vì quyền, lợi ích của mình không được bảo vệ theo quy định nên mình thấy còn khả năng thì còn theo cho đến lúc pháp luật có quy định khác”, thầy Tánh chia sẻ.

15 năm với 3 bản án sơ thẩm, 3 bản án phúc thẩm và 3 quyết định giám đốc thẩm của Tòa, Viện các cấp khác nhau thì cuối cùng thầy Tánh cũng đòi được công lý cho mình.

Theo đó, Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xử giám đốc thẩm vụ án đã không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giữ nguyên bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó Tòa buộc Trường trung học cơ sở Nguyễn Du nhận ông Tánh trở lại làm việc và thanh toán cho ông số tiền gần 615 triệu đồng, hủy quyết định sa thải và đóng bảo hiểm xã hội cho ông Tánh suốt 15 năm qua.

Giữ mãi ngọn lửa với nghề giáo

Từ một thầy giáo gõ đầu trẻ, ông Tánh “lấn sân” sang làm Luật sư để bảo vệ cho quyền lợi của mình và những người cùng cảnh ngộ. Nhiều trường hợp giáo viên, công nhân… bị sa thải trái pháp luật đã được ông hướng dẫn, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình.

Trong những ngày tháng không được lên bục giảng, tôi vẫn không nghỉ là mình đã bỏ nghề dạy học. Học trò tôi vẫn trân quý, vẫn gặp thầy hàng ngày để nói chuyện học hành, nói đủ chuyện cổ kim, nhân tình thế thái...

Dù trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, tôi vẫn giữ niềm tin sẽ tìm được công lý, được trở lại với công việc mà mình từng theo đuổi.

Để chuẩn bị cho việc trở lại trường, tôi mua một căn nhà nằm cách trường chưa đến 30 mét. Mỗi ngày nhìn lũ trẻ đến trường, trong đó có các con tôi thì thấy lòng an yên hơn.

Sóng gió qua đi, tôi mong sớm được trở lại trường, sớm có dịp sẻ chia cùng bạn bè đồng nghiệp và cả học sinh những vần thơ viết về Kiều của Nguyễn Du suốt 15 năm đoạn trường của hơn 200 năm về trước.

Hiện tôi cũng đang thỉnh giảng một số môn cho Đại học Đà Lạt nên cũng không nói là rời bục giảng được”, thầy Tánh vui vẻ nói.

Trong hành trình “đội đơn” đi kiện đó, ông Tánh cũng đã rút ra cho mình nhiều bài học, trong đó có sự quyết tâm không lùi bước trước cái xấu, cái sai.

“Với bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh thì tôi đã và đang chờ sớm được trở về với mái trường mà nơi tôi đã dành cả tuổi trẻ”, thầy Tánh cho hay.

Diễn tiến vụ việc:

Năm 2008, qua 2 cấp xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt cũng như Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đều bác đơn khởi kiện của ông Tánh, ông đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm.

Trên cơ sở kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, năm 2011, Tòa án nhân dân tối cao xử giám đốc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại theo hướng chấp nhận yêu cầu của ông Tánh.

Năm 2013, Tòa án nhân dân Thành phố Đà Lạt đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm lần 2 và tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tánh, hủy quyết định kỷ luật và buộc trường nhận ông Tánh trở về làm việc.

Nguyên đơn lẫn bị đơn đều kháng cáo. Tại tòa phúc thẩm lần 2 tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tánh. Ông Tánh lại đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm.

Tại quyết định giám đốc thẩm năm 2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh hủy bản án phúc thẩm lần 2 để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Đầu năm 2020, Tòa án nhân dân Thành phố Đà Lạt xét xử sơ thẩm lần 3, quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tánh, buộc Trường Nguyễn Du nhận ông Tánh trở lại làm việc và thanh toán cho ông Tánh số tiền gần 615 triệu đồng.

Trường Nguyễn Du kháng cáo. Xử phúc thẩm lần 3, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng tuyên bác kháng cáo của Trường Nguyễn Du.

Do có khiếu nại, tháng 11/2020, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.

Xử giám đốc thẩm, Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên bản án của Tòa án tỉnh Lâm Đồng.

LỆ THỦY