Đánh giá, xếp loại giáo viên nên bỏ phiếu kín toàn trường mới thực chất

04/08/2021 07:23
NHẬT KHOA
GDVN- Phải làm rõ chi tiết về từng nội dung đánh giá cụ thể, để làm sao khi đánh giá thì bản thân giáo viên biết mình còn hạn chế, thiếu sót như thế nào?

Cuối mỗi năm học (thường là trước 31/5 hàng năm) mỗi giáo viên phải thực hiện việc đánh giá, phân loại,…gồm 3 nội dung: Đánh giá, phân loại viên chức (theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP), xét thi đua, khen thưởng (theo Nghị định 91/2017/NĐ-CP), đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản tạm dừng chờ hướng dẫn mới từ năm học 2021-2022).

Trong các đánh giá trên thì việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức là rất quan trọng, nó là cơ sở để đánh giá, việc thực hiện nhiệm vụ một năm học, là cơ sở để xét các hình thức khen thưởng, là cơ sở để xét việc tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi,…

Trong bài viết xin được phân tích những nội dung trong đánh giá, đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức là giáo viên trong dịp cuối mỗi năm học.

Việc đánh giá phân loại chất lượng viên chức rất quan trọng

Việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức được thực hiện theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Việc xếp loại gì rất quan trọng vì những lý do sau:

Thứ nhất, nó là căn cứ để xét một số hình thức khen thưởng

Đối với việc thi đua, khen thưởng thực hiện theo Nghị định số: 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

Ở đây, người viết chỉ nêu 2 danh hiệu mà nhiều người có khả năng đạt liên quan đến việc xếp loại viên chức đó là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của bộ, ngành, tỉnh,..căn cứ vào việc đánh giá, xếp loại giáo viên.

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: chinhphu.vn).

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: chinhphu.vn).

Cụ thể ở Điều 38. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

“1. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

[…]c) Đã được tặng bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 05 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở hoặc mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong thời gian đó có 05 lần được tặng giấy khen trở lên.”

Còn ở Điều 39. Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương

“1. Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương để tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

[…] c) Có 02 năm trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở; đối với công nhân, nông dân, người lao động lập được nhiều thành tích trong lao động sản xuất có phạm vi ảnh hưởng trong cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.”

Thứ hai, là căn cứ để được nâng lương, nâng lương trước niên hạn

Theo quy định tại Thông tư số: 03/2021/TT-BNV sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (bổ sung sửa đổi Thông tư 08/2013/TT-BNV).

Để được nâng lương định kỳ phải được đánh giá xếp loại từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNV. Cụ thể Tiêu chuẩn 1: “Được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên….”

Về việc kéo dài thời gian nâng lương tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNV quy định:

Kéo dài 06 tháng đối với các trường hợp:

“[…] Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 tháng…

Trường hợp vừa bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài theo quy định.”

Bên cạnh đó để được nâng lương trước niên hạn thì giáo viên phải được đánh giá, xếp loại từ loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, là căn cứ để xét tinh giản biên chế.

Ngày 10/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Theo Nghị định này, các trường hợp tinh giản biên chế quy định tại điểm c, d, đ, e, g khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và khoản 2 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

[…]đ) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

e) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;…".

Làm sao để đánh giá giáo viên thực chất?

Như đã trình bày việc đánh giá, xếp loại giáo viên có thể coi là vô cùng quan trọng đối với giáo viên vào cuối mỗi năm học ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu, hay làm căn cứ xét nâng lương, hay tinh giản biên chế,…, nhưng thật tiếc việc xếp loại chất lượng giáo viên hiện nay còn qua loa, hình thức, chưa thực chất, chưa đánh giá đúng chất lượng giáo viên.

Việc đánh giá được thực hiện theo quy trình gồm các bước cá nhân tự đánh giá, tự nhận mức xếp loại; tổ đánh giá, đề nghị xếp loại; cuối cùng là hiệu trưởng đánh giá, xếp loại chất lượng gồm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy quy trình thì chặt chẽ, hợp lý, nguyên tắc nhưng khi đánh giá thì lại qua loa vì giáo viên tự đánh giá theo mẫu quy định tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP rất khó thực chất, nhiều người đánh giá na ná nhau vì mỗi giáo viên tự đánh giá về các mục sau:

I. Kết quả tự đánh giá

  1. Chính trị tư tưởng:…

  2. Đạo đức, lối sống:…

  3. Tác phong, lề lối làm việc:…

  4. Ý thức tổ chức kỷ luật:…

  5. Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (xác định rõ nội dung công việc thực hiện; tỷ lệ hoàn thành, chất lượng, tiến độ công việc):…

  6. Thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp (đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp):…

II. Tự nhận xét, xếp loại chất lượng

  1. Tự nhận xét ưu, khuyết điểm:…

  2. Tự xếp loại chất lượng: (Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ)…

(Trích mẫu số 3 - phụ lục mẫu đánh giá viên chức theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP)

Thực tế khi nhìn vào biểu mẫu tự đánh giá như trên thì là biểu mẫu rất chung chung, mỗi giáo viên tự nhận xét đánh giá chung chung,…

Còn tại một số trường lại quy định là giáo viên đạt chiến sĩ thi đua là hoàn thành xuất sắc, đạt lao động tiên tiến là hoàn thành nhiệm vụ, nếu không đạt lao động tiên tiến là hoàn thành nhiệm vụ nhưng thực chất 2 việc này là hoàn toàn khác nhau, một bên là xét thi đua để được khen thưởng và một bên là đánh giá, xếp loại chất lượng giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ.

Điều này thật sự rất khó đánh giá giáo viên thực chất, về nội dung 1, 2, 3 việc đánh giá tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống,… thì giáo viên hầu như ai cũng đánh giá tốt. Tổ trưởng, ban giám hiệu cũng khó đánh giá giáo viên.

Về nội dung 4, 6 về ý thức tổ chức kỷ luật thì nếu giáo viên không bị kỷ luật (rất hiếm) thì cũng đánh giá tốt, còn thái độ phục vụ nhân dân thì hầu như ai cũng đánh giá tốt.

Cuối cùng là nội dung 5 quan trọng liên quan đến thực hiện nhiệm vụ giáo viên là kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao tưởng là dễ nhưng thực tế lại là khó hơn, vì chủ yếu dựa vào kết quả căn cứ vào các chỉ tiêu học sinh giỏi, chất lượng bộ môn, học sinh yếu,… mà mọi người đều biết việc này do chạy theo bệnh ngụy thành tích, chỉ tiêu nên mọi người đều đẩy chất lượng lên rất cao, nên đôi khi có người làm thật, đánh giá thật lại bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, có người gian dối, chạy theo thành tích,… lại được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Do đó, việc đánh giá, xếp loại giáo viên hiện nay chưa đúng thực chất, còn hình thức.

Nên hiện nay để đánh giá đúng thực chất, theo người viết phải làm sao bỏ được bệnh ngụy thành tích, xây dựng công cụ đánh giá, khảo thí dựa vào sự cố gắng, nỗ lực trong học tập, nâng cao, chuyên môn nghiệp vụ, trong sự thực thi trách nhiệm, công việc, trong việc đánh giá học sinh,… một cách công bằng, hợp lý.

Trong từng nội dung đánh giá, phải làm rõ chi tiết về từng nội dung cụ thể, để làm sao khi đánh giá thì bản thân giáo viên biết mình còn hạn chế, thiếu sót như thế nào? Bên cạnh đó, cũng là căn cứ để tổ trưởng, hiệu trưởng đánh giá thực chất.

Bên cạnh đó, thay đổi làm sao để khi đánh giá giáo viên dựa trên quá trình nỗ lực, phấn đấu, ý thức trách nhiệm,… tránh đánh giá dựa trên điểm số của học sinh sẽ khiến giáo viên chạy theo thành tích đẩy chất lượng lên rất cao, gây khó khăn cho việc đánh giá.

Bên cạnh đó, người viết đề xuất thêm khi đánh giá nên có bổ sung phần đánh giá bằng phiếu kín của cả trường cho giáo viên vì thực tế giáo viên trong nhà trường sẽ biết giáo viên đó có đủ phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm,… trong thực thi và làm tốt nhiệm vụ hay không.

Thay đổi việc đánh giá, xếp loại chất lượng giáo viên theo hướng tránh bệnh hình thức, đánh giá công bằng, thực chất là một trong những giải pháp để mỗi giáo viên đều cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình, góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, tạo sự công bằng, bình đẳng trong đánh giá, xếp loại giáo viên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT KHOA